Kỳ lạ ngôi chùa xây từ những giấc mơ

Thứ hai - 05/05/2014 23:04
Cả ba lần, khi đang định nhận lời về chùa khác, sư thầy Thích Minh Hiển đều giật mình bởi tiếng quát của một giọng phụ nữ trong giấc mơ: “Thích tìm chỗ sướng à?”.

Sự trùng lặp ngẫu nhiên của những giấc mơ

Nằm trên địa phận thôn Cờ Đỏ, xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng – Hải Dương), chùa Linh Quang vẫn đang trong quá trình hoàn thiện việc xây dựng. Nếu như ở những miền quê khác, nhắc đến chùa chiền người ta liên tưởng ngay đến sự cổ kính nhuốm màu thời gian thì ở đây, mọi thừ có vẻ mới tinh. Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, ông Phạm Ngọc Đại, trưởng thôn Cờ Đỏ cho biết: “Nhiều năm trước, khu đất của chùa là một nhà kho hợp tác xã gạch ngói cũ trên diện tích chừng 30 – 40m2. Sau khi giải thể hợp tác xã người dân đã ở lại thành lập làng và xin lại khu nhà kho để làm nơi thờ cúng. Vì vậy nhân dân đã tạc tượng Phật bằng đất để lễ bái tu tập. Ngôi chùa được thành lập cách đây hơn 10 năm, ngôi làng Cờ Đỏ cũng thành lập từ đó”.

Xung quanh việc xây dựng chùa và ngay cả đến cái tên chùa cũng có nhiều sự việc kỳ lạ đến khó tin. Sau nhiều lần liên lạc, chúng tôi mới gặp được sư thầy Thích Minh Hiển, trụ chì chùa Linh Quang.

Sư thầy Thích Minh Hiển trước ở chùa Phúc Lộc (xã Hòa Minh, huyện Hòa Vang (giờ là TP.Đã Nẵng), đi xuất gia từ năm 11 tuổi và ở đó đến năm 2005 thì ra ngoài Bắc và xin y chỉ vào Sư Bà Thích Đàm Nhuần chùa Đông Thuần, thành phố Hải Dương. Sau thời gian tu tập tại chùa Đông Thuần, nhân dân làng Cờ Đỏ có đến chùa Đông Thuần xin sư Bà cho thầy về hướng dẫn nhân dân tu tập. Khi đến chùa Cờ Đỏ ( chùa Linh Quang bây giờ) sư thầy đã gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý cũng như khuôn viên chùa quá chật hẹp nên sư thầy có ý định từ bỏ. Nhưng khi đang ở chùa Đông Thuần (trung tâm thành phố Hải Dương), cả ba lần sư thầy định nhận lời về làm trụ trì chùa trong tỉnh thì đều lặp lại một giấc mơ giống nhau.


Sư thầy Thích Minh Hiển, trụ trì chùa Linh Quang.

Sư thầy Minh Hiển chia sẻ: “Lần thứ nhất người ta mời thầy nhận chùa ở Gia Lộc (huyện Gia Lộc), đến xem thử, thầy thấy được. Toan nhận lời thì khi về, trong giấc ngủ thầy đã giật mình bởi tiếng quát của một giọng phụ nữ: “Thích tìm chỗ sướng à?”. Lúc này, nghe xong thầy chỉ nghĩ mình ngủ mê và không quan tâm lắm.

Sau đó, một chùa ở Văn Thai (Cẩm Giàng) cũng mời đi về xem. Trong thời gian này, thầy còn đang đi học, thấy đó là chùa di tích thì mình chưa phải lo toan nhiều, sẽ thuận lợi cho việc học. Thế nhưng, đêm về, trong giấc mơ, giọng vang thét của người phụ nữ lại lặp lại: “Thích  tìm chỗ sướng à? Cũng hơi thắc mắc nhưng thầy vẫn mặc kệ. Cho đến lần thứ ba, khi chùa Kim Thành mời thầy về thì giấc mơ này được lặp lại. Nghe quát xong thầy tỉnh ngay nhưng không nhìn thấy ai. Lần đầu thầy nghĩ là mơ, lần hai, lần ba thì thầy thấy nó trùng lặp quá và không thể không nghĩ đến một cơ duyên ở nơi này”.

Ngày 1/7/2006, người dân thôn Cờ Đỏ, xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng – Hải Dương) mời về làm lễ. Mặc dù khi đó, chùa chỉ là một khu hoang tàn, dân làng thờ cúng trong một phòng nhỏ dột nát còn sót lại của hợp tác xã thế nhưng khi được dân làng quý mến mời về, sư thầy đã nghĩ đến sự trùng lặp những giấc mơ trước đó. Lúc này, sư thầy Minh Hiển đến trước Tam Bảo và phát nguyện: “Con xin ở lại đây và xây dựng nơi đây thành nơi tâm linh của phật giáo”. Sư thầy chính thức về  chùa vào tháng 8/2007.

Dân làng cho sư thầy ở một phòng trọ sau lưng chùa. Đây là khu phòng xây cho công nhân thuê, có diện tích chừng 10m, Phòng chỉ đủ để cái giường nhỏ. Sư thầy với bà vãi ở phòng trọ đó gần một năm nhưng ở nhà trọ cũng phức tạp, ồn ào. Thấy trong khu đất nhà chùa có nhà bảo vệ cũ nát từ xưa, sư thầy bảo sửa để ở nhưng người dân can ngăn vì ở đó lắm ma. Khi đó, thầy chỉ nhỏ nhẹ: “Tôi ở chứ mọi người có ở đâu mà lo”.
 

“Thầy chẳng bao giờ thấy ma cả. Thế nhưng, đêm nào bà vãi ngủ trên sập gỗ chỉ cao 30cm nhưng nếu không bị giật màn thì bị hất xuống đất. Bà vãi bảo, thầy không cúng con không ở đâu. Để bà vãi yên lòng, thầy cũng bảo bà vãi thổi xôi chè nhà chùa đi học về mua hoa quả rồi tối lễ, và khi tụng kinh tối xong thầy sắp lễ và nói “ tôi không biết các vị là ai, nhưng đã ở trong chùa hằng ngày chúng tôi đã cúng cháo cho các vị ăn cho nên các vị phải lo tu tập và hộ trì Tam Bảo, tôi là phụ nữ tôi không ở một mình nếu bà vãi không ở cùng, tôi cũng sẽ bỏ chùa về với sư phụ”. Từ đó không thấy hiện tượng gì khác lạ nữa”, sư thầy Thích Minh Hiển nói. Chùa được khởi công xây dựng từ cuối năm 2007.

Mong muốn đưa phật pháp đến giới trẻ

Từ ngoài đường 5 đi vào chùa Linh Quang chỉ chừng trăm mét. Ngồi một quán nước cạnh đó, chúng tôi còn được nghe thêm về lời tiên đoán từ ba năm trước khi thầy Minh Hiển chưa về trụ trì của một ông già vô tình đi ngang đây. Bà bán hàng chậm rãi: “Xưa kia, khu đất chùa rậm rạp,  người dân chẳng ai dám đi ngang. Cả khu lổn nhổn lò gạch và ao. Khi có khu công nghiệp, người ta xây nhà trọ dần nên giờ mới đông đúc. 

Năm 2004, chỗ đường 5 này có quán bán nước của bà cụ Sung, cạnh chỗ người ta làm lốp. Một hôm, xe  của khách đi đường hỏng, có một ông già ghé quán uống nước. Lúc đó, chùa đang có diện tích 900m, vừa nhà kho sân đất và dân lập miếu thờ cúng. Ông già này nói chắc như đinh đóng cột: “Ba năm nữa, làng này sẽ có một nhà chùa nữ về xây một ngôi chùa rất là to”. Mãi về sau, khi ngôi chùa đã xây được vài phần, người dân mới đem chuyện này nói lại với sư thầy. Bà bán nước vừa lấy tap phẩy cái quạt vừa tiếp lời: “Lạ thật, mọi việc diễn ra theo đúng lời nói của ông già nọ”.

Chia sẻ với chúng tôi, vị sư thầy này cũng chưa biết khi nào chùa sẽ hoàn thiện, tất cả còn phụ thuộc kinh phí. Mới đây, nhà chùa đã sơn phía trong nhà để an vị tượng. Việc xây dựng bị đứt đoạn nhiều.

Với sư thầy trụ trì chùa Linh Quang này, chuyện gắn bó với chùa là cơ duyên. Nhà phật thường nói, mỗi người có một nhân duyên một nơi, dù còn nhiều khó khăn, vị sư này sẽ xây dựng nơi đây thành nơi tâm linh của phật giáo. Dù chưa xây xong nhưng nhà chùa đã tổ chức tu tập khóa tu “ một ngày an lạc” hiện trong chùa đã có một lớp hoc tình thương, lớp có 43 em học sinh học đều đặn vào thứ ba, thứ năm và chủ nhật.

Lớp học mở từ tháng 5/2013 và được sự giúp đỡ của một tổ chức từ thiện của nhà báo hải ngoại tên Nguyễn Á Độc Lập. Hội này hỗ trợ 100USD/tháng để chùa trả lương cho hai giáo viên. Hiện, lớp có 43 em học sinh, gọi là lớp học nhưng đây chỉ là mái che tam. Phía Hội ủng hộ Nhà báo hải ngoại yêu nước ủng hộ 3 máy tính. Sư thầy cũng đã tìm đến sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ Hưng Yên nhờ giúp và hiện có hai sinh viên năm 3 đã tình nguyện dạy.

“Thầy có tâm nguyện hoằng phát, muốn tổ chức khóa tu cho phật tử. Từ trước thầy đã tổ chức nhưng một năm nay dừng lại, khi nào chùa xây dựng hoàn chỉnh thì tiếp tục. Ngoài khóa tu cho người lớn, thầy mong muốn tổ chức khóa tu cho lớp trẻ, đưa phật pháp đến giới trẻ. Cả những khóa tu mùa hè, điều đó đòi hỏi phải có chỗ ăn ở cho các phật tử. Tất cả là dạy cho con người muốn làm điều tốt, tránh điều ác. Ở miền Bắc, xu hướng lên chùa chủ yếu là người già nhưng tâm nguyện của thầy muốn cả lớp trẻ cũng đến chùa, biết nghe lời. Các em vừa tụng kinh, vừa học phật pháp vui chơi, giải trí”, vị sư này nói.

Cùng trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Đại, trưởng thôn Cờ Đỏ cho biết, phía thôn cũng cố gắng giúp chùa những gì có thể, chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ cho sư thầy về mặt tinh thần để thầy yên tâm tu học và xây dựng chùa được thuận lợi chứ nhân dân chúng tôi còn khó khăn lắm.

Nguồn tin: Đời Sống & Pháp Luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây