Thời gian đã làm ngôi đình xuống cấp nghiêm trọng nhưng vì không có kinh phí nên người dân nơi đây đành ngậm ngùi phó thác số phận ngôi đình cho cây bồ đề đang cố trụ lại trong hình hài đã mục ruỗng.
Ngôi đình cổ linh thiêng
Ngôi đình cổ mà chúng tôi muốn nói đến là đình Tân Đông, tọa lạc tại ấp Gò Táo, xã Tân Đông (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Nằm giữa cánh đồng, bên cạnh sân bóng xã đang bỏ hoang, nhìn từ bên ngoài, đình giống một ngôi nhà xây theo kiến trúc cũ, bỏ hoang lâu ngày, những rễ cây bồ đề bao phủ gần như hoàn toàn mặt trước bức tường ngôi đình càng tạo cho nó vẻ cổ kính, hoang sơ, kỳ lạ. Trong cái nắng hanh hao của tiết trời thu, những con gió nhẹ thổi làm lay động những cành lá bồ đề càng khiến ngôi đình trở nên cô quạnh.
Lần đầu tiên được tận mục sở thị ngôi đình, chúng tôi không khỏi xót xa, bởi theo người dân ở đây, đã từng có một thời ngôi đình trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của nhiều người. Vậy mà giờ đây nó bị hư hại theo thời gian, những cột kèo gãy đổ, lớp mái đã thủng lỗ chỗ nhiều nơi, các mảng tường bong tróc và nền gạch xuống cấp nghiêm trọng. Những cột kèo bị mối mọt gặm nhấm, có thể đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. Trong cái vẻ hoang tàn của ngôi đình, những chùm rễ lớn nhỏ của hai cây bồ đề mọc từ nóc đình lan xuống, quấn chặt lấy những mảng tường cũ kỹ như để bảo vệ và lưu giữ lại thời vàng son của ngôi đình thiêng.
Một người dân cho biế, trước đây có ba cây bồ đề mọc lên một cách tự nhiên trên nóc đình, vươn rễ ra bám vào tường để giữ cho ngôi đình không bị thời gian xóa sổ. Chẳng biết ngẫu nhiên hay cố ý mà ba cây bồ đề này mọc ở ba phía khác nhau, rễ cây bao phủ toàn bộ ngôi đình. Chỉ tiếc là, một cây bên phía phải ngôi đình đã bị những người mê chơi cây kiểng lấy trộm từ hơn hai chục năm trước. Phần rễ của hai cây bồ đề còn sót lại trở thành cột, thành kèo chạy dọc, chạy ngang để giữ vững ngôi đình tồn tại đến ngày nay. Một số rễ chạy dài theo các rường của mái đình, tạo thành những giá đỡ song song giúp phần mái, cột đã mục gần như hoàn toàn vẫn không bị đổ sập xuống.
Trong ngôi đình hiện nay chỉ còn hai bàn thờ nguyên vẹn với những hoa văn chạm khắc cổ kính. Những câu liễn, đồ thờ cúng, sắc phong của đình được ban tặng đều đã mất dần theo thời gian. Nhiều vết chạm khắc trên các đầu kèo cột theo phong cách nhà rường Huế cũng bị mối mọt gặm nhấm hết. Ngay trên cửa của chánh điện vẫn còn số năm 1907 được khắc nổi, chen giữa hoa văn đặc trưng của đình thời Nguyễn. Theo hồ sơ phong di tích cấp tỉnh, năm 1907 là năm trùng tu chứ không phải là năm khánh thành đình. Điều đó chứng tỏ ngôi đình này phải có từ thời vua Minh Mạng, tức là khoảng đầu thế kỷ 19.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đời (76 tuổi, người tự nguyện chăm sóc ngôi đình) cho biết: “Thời hoàng kim, đình Tân Đông gồm có ba phần là chánh điện, võ ca và nhà hội, nhưng vì hư hại theo thời gian nên bị dỡ bỏ bớt, giờ chỉ còn phần chánh điện. Khoảng 30 năm nay, những cây bồ đề mọc lên, rễ bao phủ và giữ cho ngôi đền không bị sập.
Đình có bốn lễ hội là Hạ Điền (16/8 AL), Thượng Điền (16/5 AL), Cầu ông (16/11 AL), Kỳ Yên (16/2 AL), những lễ hội này vẫn được tôi cúng hằng năm, nhưng chỉ cúng cho có lệ chứ không linh đình như trước đây được. Ngày xưa, ngôi đình là nơi tụ họp của toàn xã Tân Đông và rất đông khách thập phương mỗi khi có lễ hội”.
Phía trước ngôi đình có một bức bình phong sạm đen, rêu mốc, cạnh đó là hai ngôi miếu nhỏ thờ Thổ Thần và Thần Nông. Người dân trong làng vẫn thường xuyên chăm sóc hai ngôi miếu này và cúng kiến vào các dịp lễ quan trọng trong năm. Hai cây bồ đề như hai vị thần vươn ra che chở cho ngôi đình đứng vững trước những cơn mưa lớn và những trận gió mặn chát, khô khốc từ biển Gò Công thổi vào. Người dân bảo, chính những vị “thần bồ đề” ấy đã cứu cho ngôi đền khỏi sự diệt vong.
Xót xa cho ngôi đình hơn trăm tuổi
Sử xưa chép rằng, xưa kia vùng đất nơi xây dựng ngôi đền còn hoang vu, chỉ toàn những cây dại. Năm 1904, Hoàng Thái hậu Từ Dũ cho dời ngôi làng nơi bà đang sinh sống từ vị trí hẻo lánh ra mảnh đất đắc địa ngày nay (ấp Gò Táo, xã Tân Đông).
Ngôi đình Tân Đông từng nhận được sự ưu ái của Thái hậu Từ Dũ. Tương truyền, Hoàng Thái hậu Từ Dũ chính là người cho trùng tu lại ngôi đình này vào năm 1907. Để đảm bảo chất lượng và tính mỹ thuật, bà Từ Dũ đã cho mời thợ của Huế vào thi công. Do vậy, những dấu tích chạm khắc còn sót lại trên các đầu cột kèo tại đình đều mang nét truyền thống của nhà rường Huế.
Lục lại quá khứ, ông Đời cho hay: “Trong kháng chiến chống Pháp, khi phong trào tại Nam kỳ lục tỉnh còn lớn mạnh, đình Tân Đông là nơi hội họp của các chiến sỹ cách mạng để bàn các sách lược kháng chiến. Đến giai đoạn chống Mỹ, đình Tân Đông biến thành nơi giam giữ, trấn áp các gia đình có người thân tham gia cách mạng. Hòa bình lập lại, ngôi đình trở thành tụ điểm văn hóa chính của người dân trong vùng. Chẳng hiểu sao chỉ được thời gian ngắn, ngôi đình vốn linh thiêng và gắn với nhiều huyền tích lịch sử lại bị bỏ hoang. Xót xa cho cảnh hoang tàn của đình cổ, năm 1978, tôi bàn với vợ thịt hai con gà đem ra hương khói lại. Sau đó vài năm người dân mới định kỳ đến cúng bái vào các dịp lễ”.
Trong dòng hồi tưởng về quá khứ vàng son của ngôi đình Tân Đông, những cao niên trong làng kể rằng, vào bốn dịp lễ hàng năm, hàng trăm người từ khắp nơi kéo về đình hội tụ. Bò, lợn được giết liên tục để cúng tế và mời khách thập phương. Các buổi hát bội diễn ra trong võ ca kéo dài hai ba ngày, không khí rất nhộn nhịp.
Thế nhưng, giờ đây ngôi đình trở nên cô quạnh và mang một dấu ấn buồn. Nhiều du khách tới đây đều có tâm trạng xót xa khi chứng kiến ngôi đình cổ rất đẹp, đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Giờ đây, cái thời hoàng kim của ngôi đình có chăng chỉ còn lại trong tâm trí của những cao niên hay sự kính trọng của các bậc con cháu khi họ bỏ nón, cúi đầu đi qua ngôi đình này.
Trải qua biết bao biến cố lịch sử cùng sự biến động của thời gian, ngôi đình nhỏ nằm giữa cánh đồng mênh mông đầy mưa gió vẫn không bị vùi chôn vào quên lãng. Và cây bồ đề phải chăng là một thiên sứ, nắm trọng trách níu giữ những giá trị xưa cũ, cái hồn thiêng của cả vùng giúp các thế hệ sau đừng lãng quên quá khứ. Và mọi người đều mong muốn sao cho sự màu nhiệm của cây bồ đề sẽ mãi giúp ngôi đình đứng vững, sự quan tâm của con người sẽ giúp ngôi đình bớt hoang tàn, lạnh lẽo.
Chưa thể trùng tu vì không có kinh phí
Anh Nguyễn Công Bền, cán bộ văn hóa xã Tân Đông cho biết: “Ngôi đình có vai trò rất lớn trong đời sống tín ngưỡng của người dân nơi đây. Trước sự hoang tàn đổ nát của ngôi đình thiêng, nhưng người dân vẫn không thể tu sửa bởi đời sống còn nhiều khó khăn, dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp.
Hiện địa phương đã có kế hoạch trùng tu nhưng chưa thể tiến hành ngay bởi chưa đủ kinh phí. Việc trùng tu ngôi đình ước chừng tiền tỷ nhưng đến nay mới chỉ vận động được mấy chục triệu đồng từ các mạnh thường quân. Ngôi đình thiêng nức tiếng vùng Gò Công một thời, đành tiếp tục để mặc cho cây bồ đề trụ lại chút hình hài đã mục ruỗng”.
Nguồn tin: nguoiduatin.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự