Kỳ lạ ngôi làng cấm đưa linh cữu người chết qua ngôi đình cổ

Thứ ba - 19/09/2017 19:09
Đó là đình làng Phú Ốc, xưa kia thuộc thôn Phú Ốc, thị trấn Tứ Hạ, huyện Hương Trà, nay thuộc Tổ dân phố 3, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên- Huế).
Ngôi đình làng Phú Ốc
Ngôi đình làng Phú Ốc
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, tất cả người dân nơi đây đều khẳng định, từ xưa đến nay không một đám tang (còn gọi là đám ma) nào “đủ can đảm” để dám phá lệ đưa xác chết đi băng qua ngôi đình cổ “độc nhất vô nhị” này.

Phép vua thua lệ làng…?

Để rộng đường dư luận, PV báo ĐSPL đã tìm về gặp cụ bà Nguyễn Thị Hường (70 tuổi), trú tại Tổ dân phố 3, phường Tứ Hạ, sống cạnh ngôi đình làng. Sau khi nghe khách hỏi, Bà nhanh tay chỉ theo hướng về phía khu nghĩa địa cách đình làng chừng khoảng 2km, rồi giải thích rất cặn kẽ: “Nếu đám tang nào đi tắt theo con đường qua ngôi đình này thì khoảng cách sẽ được rút ngắn đáng kể. Tuy nhiên, tất cả bà con quê tôi ai nấy đều phải đưa quan tài đi theo đường vòng lên nghĩa địa để an táng…”. Khi được hỏi tại sao lại phải “rườm rà” như thế, cụ Hường lắc đầu nguầy nguậy, một mực bảo: “Không được, đó là quy định của làng đã tồn tại từ hàng trăm năm nay...(!?)”.

Trao đổi với chúng tôi, cụ Hoàng Ngọc Cạnh (86 tuổi), trú tại Tổ dân phố 4, phường Tứ Hạ, nguyên Trưởng ban tổ chức lễ hội đình làng Phú Ốc, đồng thời là người nắm giữ nhiều thông tin về ngôi đình cổ “độc nhất vô nhị” này cho hay: “Trong bản hương ước của ngôi đình có nhắc đến quy định cấm đưa linh cửu người chết đi ngang qua trước mặt đình và từ xưa đến nay, chưa một ai dám vi phạm hương ước này. Đồng thời, ngôi đình nằm ở vị trí giữa 2 Tổ dân phố 3 và Tổ dân phố 4, bởi vậy làng đặt ra “luật” lấy 2 tổ dân phố trên làm mốc. Qua đó, tất cả các gia đình khi có người qua đời không được đưa quan tài xâm phạm vào và đi qua đoạn đường nối liền giữa 2 tổ dân phố này”.

Cũng theo cụ Cạnh cho biết thêm, làng chỉ cấm di chuyển quan tài có thi thể người chết chứ không hoàn toàn cấm đoàn lễ tang đi ngang qua trước mặt ngôi đình. “Rước kiệu để làm lễ triệu tổ, một nghi lễ đến thông báo danh tính người vừa qua đời tại nhà thờ dòng họ của mình là vẫn đi được. Tuy nhiên, người ta phải dùng lộng để che chắn phía hướng vào ngôi đình làng”, cụ bà chia sẻ. Để lý giải về tục lệ “kỳ quái” mà làng đã lưu giữ trong hương ước, cụ Cạnh còn cho hay, xuất phát từ lòng tôn kính sâu sắc đối với đấng thần linh, nên dân làng phải chấp hành thực hiện nghiêm túc như vậy.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Khiêm, trú tại Tổ dân 4, phường Tứ Hạ, là một thành viên ban tổ chức lễ hội đình làng Phú Ốc: Vì do dân làng “tôn sùng” quan niệm việc đưa tiễn linh cửu người chết đi ngang qua trước đình làng là hành vi phạm “thánh thần”, bởi vậy linh hồn người quá cố sẽ bị thần linh quở trách, khó bề siêu thoát… Kể từ đó người ta rỉ tai nhau rồi “đồng loạt” né tránh ngôi đình trong lúc đưa tiễn linh cửu, để người đã khuất được an nghỉ đàng hoàng.

Không chỉ cụ Cạnh và ông Khiêm nói vậy, mà còn có rất nhiều ý kiến khác của bà con nơi đây đều cho rằng, xung quanh ngôi đình cổ này có rất nhiều “công trình” tâm linh đã toạ lạc tại đây, như đình làng am Thánh thờ Quân công và chùa Từ Vân từng được vua Tự Đức phong sắc. Có lẽ vì thế mà “lực lượng âm linh” hội tụ ở đây rất đông (?!). Do đó, linh hồn kẻ phàm tục nếu lọt vào “mắt xanh” của ngôi đình cổ này, sẽ bị níu kéo giữ lại khó bề về tới chốn thiên đường (!?).

Về nguồn gốc của tục lệ này, ngay cả những bậc cao niên trong làng Phú Ốc cũng đều không biết nó có từ bao giờ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này được đưa ra kể từ khi làng Phú Ốc xây dựng (vào khoảng những năm 1558 đến 1600). Khi được hỏi, với tục lệ “kỳ quái” này, từ trước đến nay đã có trường hợp nào vi phạm hương ước “luật” của làng chưa? Cả cụ Cạnh lẫn ông Khiêm đều lắc đầu và khẳng định chắc chắn rằng: “Phép vua thua lệ làng và chưa ai dám phá lệ tổ tiên đặt ra. Đây không phải mê tín mà do dân làng chúng tôi tôn trọng đấng siêu nhiên và tôn kính chốn tôn nghiêm”.


Cụ Hoàng Ngọc Cạnh và ông Nguyễn Thanh Khiêm trao đổi với PV

về phong tục của ngôi đình “có một không hai” này.

 

Cụ Cạnh còn mỉm cười và chép miệng cho hay, hình phạt đối với ai dám “phạm thượng” luật của làng là phải lo mâm cau, trầu, rượu; đồng thời gia đình đó phải đứng ra xin lỗi trước toàn thể dân làng. Tuy nhiên, do chưa có tiền lệ nên từ trước đến nay hình phạt trên chưa một lần áp dụng. Trong ký ức của cụ Cạnh và người dân làng Phú Ốc, họ vẫn nhớ rõ như in, trước đây bất kể ai đi ngang qua đình làng đều phải cúi đầu để thể hiện thái độ tôn kính, thậm chí đến bậc vua chúa cũng phải hạ kiệu khiêm nhường tôn thần.

Và “luật cấm” yêu gái làng bên…

Ngoài quy định đoạn đường “cấm quan tài” đi ngang trước ngôi đình cổ đã lưu giữ 400 năm qua, khách đến thăm làng Phú Ốc sẽ còn ngạc nhiên với nhiều “điều luật” lạ lẫm khác nữa. Cụ Hoàng Ngọc Cạnh thuộc lòng những điều căn dặn cha ông đã truyền lại, đây đều là những quy định “độc đáo”, hiếm thấy nơi khác có được như: “Bất thú Phú Lễ thê, bấc giao hữu Cổ Bi, bấc thực kê Cổ Tháp, bấc ẩm thuỷ Cao Ban”. Cụ Cạnh cắt nghĩa: Con trai dân làng Phú Ốc tuyệt đối không được lấy con gái dân làng Phú Lễ (hai làng cách nhau một con sông Bồ- PV), thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên- Huế), về làm vợ. Nguyên nhân là do hai vị tổ khai canh nên hai làng là anh em. “Đồng thời, làng Phú Lễ bao giờ cũng tổ chức lễ thu tế sau làng Phú Ốc, và họ thường sang làng chúng tôi để học tập về mọi lễ nghi. Có điều, chúng tôi hơi băn khoăn và chưa tìm thấy mối quan hệ họ hàng giữa hai làng. Mỗi làng đều có những họ tộc hoàn toàn khác hẳn nhau”, cụ Cạnh chia sẻ nỗi trăn trở lâu nay.

Tuy nhiên, không có văn bản chính thức nào quy định điều cấm trên, nhưng hầu hết thanh niên thuộc thế hệ như cụ Cạnh trở về trước đều phục tùng tri ân trong tiêu chuẩn chọn vợ. Và ngày nay, dẫu vấn đề yêu đương được tự do, bình đẳng hơn, nhưng chúng tôi vẫn rất hiếm thấy trai làng Phú Ốc lấy gái Phú Lễ làng bên về làm vợ. Nhiều người còn dẫn chứng một số thanh niên làm trái điều răn đều không gặp hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân gia đình.

Chưa dừng lại đó, người làng Phú Ốc còn được “khuyến cáo” hạn chế kết giao bằng hữu với người làng Cổ Bi, thuộc xã Phong Sơn, huyện Phong Điền (Thừa Thiên- Huế), tuyệt đối không ăn thịt gà do người làng Cổ Tháp, thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền nuôi và không uống nước lấy từ làng Cao Ban thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền. Để làm rõ thực hư về “khuyến cáo” này, cụ Cạnh tiếp lời giải thích rằng: “Toàn huyện Hương Trà (nay thuộc thị xã Hương Trà) chỉ có làng Phú Ốc và làng Cổ Bi, thuộc xã Phong Sơn, huyện Phong Điền mới có đền thờ 12 vị tộc trưởng khai canh. Từ xưa, cha ông đã căn dạy phải giữ bản sắc riêng cho mình và không kết giao nhằm tránh bị người Cổ Bi thôn tính. Tương tự người xưa truyền lại, gà ở Cổ Tháp thường ăn thức ăn bẩn, nước ở làng Cao Ban có độc nên phải né tránh”.

Đến nay, nhiều tục lệ lạ đã dần bị phá bỏ, riêng hương ước quan tài người chết phải né tránh “đoạn đường cấm” đi trước mặt đình làng Phú Ốc  là vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay. Và khắp cả nước Việt Nam hiếm có ở miền quê nào, người ta lại tôn thần đến mức đặt ra hẳn những “điều luật” và “khuyến cáo” như  ở đình làng Phú Ốc. Tuy có phần lạ lẫm nhưng phải thừa nhận, để lưu giữ hương ước của các bậc tiền bối căn dặn, một lệ làng đã tồn tại trong suốt hơn 400 năm nay không phải nơi nào cũng làm được.

Nguồn tin: www.doisongphapluat.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây