Nhưng ông không phải một nhà sưu tập lắm tiền, với niềm vui là lấy đi tự do của những loài chim quý hiếm. Ông chỉ đơn giản là một người từ bi đang cố gắng cứu giúp những con vật bị đe dọa, bị thương, bị bỏ rơi... trên khắp thế giới bằng cách đưa chúng về nhà mình.
Swamiji sinh ra tại bang Mysuru Ấn Độ, ngay từ nhỏ đã rất yêu quý các loài chim. Lớn lên gần khu rừng Mekedattu bên bờ sông Cauvery, ông nhớ rằng đã dành phần lớn thời gian của tuổi thơ để nhìn ngắm những con chim trong khu rừng trước ngõ.
Tuy nhiên, phải đến khi trải qua một tai nạn suýt chết vào năm 2011, ông mới nhận ra mục đích sống của mình là để cứu giúp các loài chim.
Sáu năm trước, Swamiji đến thăm thác Angel ở Venezuela (Nam Mỹ). Ông vô tình bị trượt chân và ngã xuống vách núi từ độ cao hơn 30 mét. Thế nhưng ông may mắn không chết mà chỉ bị chấn thương và hôn mê.
Khi tỉnh dậy ở dưới khe núi (lúc này lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể đến nơi), ông nhận ra có hàng trăm con chim đủ chủng loại và màu sắc đang vây quanh cơ thể mình. Ngay lúc đó, Swamiji nhận ra ông yêu quý và ngưỡng mộ vẻ đẹp của chúng biết bao nhiêu.
Sống sót sau vụ tai nạn sinh tử đó, ông quyết tâm dành phần đời còn lại của mình để giúp đỡ những con chim. Swamiji trở về quê và tự mình xây dựng một khu vườn chim rộng 21 mẫu Anh trong rừng Mysuru – một trung tâm chuyên chăm lo cho những chú chim bị bệnh, bị thương hay bị bỏ rơi.
Rất nhiều con chim được gửi đến chỗ ông trong tình trạng bị bệnh, bị thương hoặc bị bỏ rơi.
Được hỗ trợ kỹ thuật từ Công viên chim Jurong của Singapore, ông đã cho xây dựng một bệnh viện thú y, trung tâm phục hồi chức năng và hàng chục phòng nuôi chim quy mô. Cuối cùng, vườn chim Shuka Vana của ông được mở cửa vào năm 2012 và nhanh chóng thu hút được sự quan tâm từ khắp nơi trên thế giới.
Hiện nay, Shuka Vana đang chăm sóc hơn 1.500 con chim thuộc 468 loài đến từ khắp nơi trên thế giới, trong số đó có những loài cực kỳ quý hiếm và nguy cơ tuyệt chủng cao.
Tiến sỹ Swamiji cùng với đội ngũ hơn 50 nhân viên của mình phải làm việc cật lực suốt ngày để chăm sóc lũ chim, từ cho ăn, điều trị thương tích và thậm chí là luyện tập cho lũ chim để chúng có thể “giao tiếp” tốt hơn với khách đến thăm.
Theo vị tiến sỹ, loài chim thậm chí còn biết thông cảm hơn cả loài người.
Ngoài việc bảo tồn những loài có nguy cơ tuyệt chủng, Shuka Vana cũng là nhà của rất nhiều con chim bị bệnh, bị thương. Họ chữa cho chúng khỏe lại, hoặc chỉ đơn giản là cung cấp cho chúng một ngôi nhà nếu chủ nhân của chúng không còn muốn nữa.
“Khi chúng ta nhìn thấy một nụ cười từ người khác, chúng ta sẽ đáp lại bằng một nụ cười bởi vì chúng ta nhận ra sự tương đồng của con người dù không cùng ngôn ngữ, văn hóa hay sắc tộc. Thế nhưng chúng ta không làm điều tương tự với động vật, bò sát hay côn trùng”, ông tiến sỹ bày tỏ.
“Một con vẹt, mặt khác, luôn sẵn sàng đáp lại tất cả những tín hiệu biểu cảm mà nó nhận được từ thế giới xung quanh, một cách rất tự nhiên, bất kể giống loài. Nó cảm thông với mọi người và mọi thứ mà nó liên quan đến, và đáp lại bằng cách cố gắng nhại tiếng của đối phương.”
Trong bối cảnh mà xã hội của loài người đang ngày càng trở nên ích kỷ và vô cảm, có lẽ loài vẹt cũng xứng đáng là một tấm gương để chúng ta học tập, ít nhất là về thái độ cảm thông với thế giới xung quanh?