Nhân chuyến đi công tác phật sự Tây Nguyên hồi đầu tháng 8, tôi có dịp ghé thăm Tịnh xá Ngọc Ban ở thành phố Buôn Ma Thuột, nơi đặt tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát bằng gỗ cây Thủy Tùng hơn 2000 năm tuổi.
May mắn gặp được Ni sư Thích Nữ Nhàn Liên, sau khi đảnh lễ Ni sư, giới thiệu sơ qua bản thân và công việc, tôi cung thỉnh Ni sư bố thí chút thông tin quý giá, mà khó có dịp nào hơn thế.
- Bạch Ni sư, Ni sư vui lòng cho con biết, lược sử tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát bằng gỗ cây Thủy Tùng nơi Tịnh xá Ngọc Ban?
Chừng 6-7 năm về trước, ở tận huyện Krông Năng, phía Đông Bắc tỉnh Daklak, một nhóm 4-5 người dân tộc hì hục đào một gốc cây to có đường kính tới 2m, chỉ còn một phần thân; tình cờ có người kiểm lâm thấy, biết là cây gỗ quý hiếm, ngỏ ý mua lại, và nhóm người dân tộc đồng ý bán với giá 10 triệu đồng. Ngay sau đó, người kiểm lâm thuê xe xúc, máy bơm (bơm nước xuống rồi hút bùn lên, để không ảnh hưởng tới rễ cây), xe cẩu đến, mất đến 2 ngày đào bới, mới đưa được phần còn lại của cây Thủy Tùng lên mặt đất.
- Có gì trở ngại nhiều không, bạch Ni sư? Và nhân duyên nào, cây Thủy Tùng về với Tịnh xá Ngọc Ban ạ?
Nghe mọi người nói lại, mà cũng chính người kiểm lâm kể, khi đào được gần 4m, ông ấy cho xe cẩu tới, nghĩ đã có thể cẩu cây Thủy Tùng lên mà không sợ ảnh hưởng tới rễ cây; nhưng xe cẩu không làm nhúc nhích chút nào gốc và phần thân còn lại của cây, mà con bị gãy trục cẩu nữa. Tiếp tục xúc, hút bùn lên, đào thêm đến hơn 4m, tới xe cẩu thứ hai mới đưa được cây Thủy Tùng rời khỏi nơi cư ngụ…
Vợ người kiểm lâm là phật tử rất tín tâm, nhiều năm đi chùa lễ Phật, sinh hoạt đạo tràng. Biết chuyện, khuyên chồng nên hiến cúng lên nhà chùa, chứ bán đi thì uổng, mà nhà mình chưa chắc đủ phúc duyên giữ lại. Ông nghe lời, thuận duyên liên lạc với sư bà (cố Ni trưởng Thích Nữ Hoa Liên, Viện chủ Tịnh xá Ngọc Ban), mong được hiến cúng về Tịnh xá.
Ni sư Thích Nữ Nhàn Liên
- Vậy, quyết định tạc tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, từ cơ duyên nào, thưa Ni sư?
Khi ông ấy cho người chở phần còn lại của cây Thủy Tùng đến Tịnh xá, gốc cây có đường kính hơn 2m, và sư bà cũng như các ni sư lúc ấy nhìn thì thấy tạc tượng Quán Thế Âm Bồ Tát là hợp lí, mà phải là tượng đứng. Ông ấy cũng nói: con hiến cúng Tịnh xá gỗ quý, nhưng phải dùng để tạc tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, nếu sư bà đồng ý, con để lại. Nếu không, con dành hiến cúng tới chùa lớn…
- Việc tạc tượng, tiến trình ra sao?
Đích thân sư bà lặn lội tới Gia Lai, rồi ra Hà Nội tìm thợ nhưng chưa thuận duyên. Sau đó, sư bà tới Huế - Đà Nẵng, tới một xưởng gỗ ở Hội An, sư bà tìm được một nhóm thợ, nhận lời về Tịnh Xá làm việc. Lạ, là 5-6 nghệ nhân, đều là những chàng trai trẻ độ tuổi 20-22 tuổi, chưa ai lập gia đình.
Về Tịnh xá, họ sớm bắt tay vào tạc tượng. Họ còn trẻ, nên vừa làm việc hăng say, vừa bật nhạc, hát hò vui nhộn. Các ni sư cũng hiểu, cùng trợ duyên cho họ, thêm động lực chuyên tâm công việc. Gỗ cây Thủy Tùng mềm như nến sáp, nên chừng 2 tháng sau, bức tượng hoàn thành theo bản thiết kế của những nghệ nhân.
Nhưng, khuôn mặt tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát khi đó trông na ná những hình tượng bên Đài Loan, sư bà không chịu, tìm hình ảnh tôn tượng Ngài trông thật Việt Nam, yêu cầu sửa lại, rồi công việc cũng thành tựu như ý. Công việc vừa hoàn tất, bức tượng nhanh chóng “đóng băng”, rắn hơn đá hoa cương…
- Con cảm nhận những giá trị lớn lao khó nghĩ bàn, mong Ni sư cho biết giá trị và ý nghĩa tâm linh của sự kiện này?
Cô thấy như có sự hiển linh vậy, gỗ cây Thủy Tùng này theo giám định của kiểm lâm, cũng đến hơn 2000 năm tuổi. Mà theo kinh điển Phật giáo, cây gỗ có tuổi như vậy thì đã được “thọ thần”.
Thật kỳ lạ, cùng một thời điểm, nhưng mỗi lần chụp hình, tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát bằng gỗ cây Thủy Tùng lại hiển thị những màu sắc khác nhau
Từ khi tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát hoàn thành, đại chúng thập phương đến chiêm bái ngày thêm đông, ngưỡng vọng thành tâm cầu nguyện, và có nhiều sự linh ứng, ai cầu gì đều được Ngài phù hộ, ứng nghiệm ngay. Tâm từ nhân quả ứng, ánh từ bi ngày thêm lan rộng, đại chúng khắp nơi, dù ở Hà Nội hay nhiều tỉnh xa cũng về với Tịnh xá, cùng nhau thành tâm cầu nguyện…
Đặc biệt, rất nhiều đoàn khách từ miền Tây, Sài Gòn, Nha Trang thường xuyên về với Tịnh xá để chiêm bái tôn tượng Ngài. Sức mạnh từ bi độ nguyện nơi Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cảm ứng tới rất nhiều người, mà chỉ tự thân mỗi người với tất cả tâm lòng thành kính cảm nhận được những linh ứng và sự kỳ diệu.
Nhiều đoàn khách thường xuyên về với Tịnh xá, nhất là đoàn Nha Trang đều đặn hàng tuần, hàng ngày về Tịnh xá Ngọc Ban chiêm bái tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát có một không hai này. Cảm nhận sự linh thiêng, nhiều nhà hảo tâm phát nguyện cúng dường nhiều cống phẩm tới Tịnh xá, các ni sư thấu hiểu tâm lòng đại chúng, đã có lời chia sẻ: đại chúng nhân duyên tựu chung về đây, nương nhờ ân lực từ bi của Mẹ hiền Quán Âm nên phát tâm bồ đề rộng lớn, gửi tâm lòng của mình tới những gia đình nghèo, những cảnh ngộ khó khăn mà phần lớn là bà con dân tộc thiểu số.
Đại chúng hãy cùng nhau chung sức làm từ thiện tới những vùng sâu, vùng xa, Tịnh xá hoan hỷ đón các đoàn từ thiện về đây, đảm bảo nơi ăn chốn nghỉ; các Ni sư sẽ đồng hành cùng đại chúng trên từng chặng đường hành thiện. Đó như cách thể hiện tốt nhất tâm lòng mỗi người khi ngưỡng mong cảm tạ Ngài.
- Dạ, quả thực con thấy, Phật pháp luôn vi diệu, nhiệm màu, khó diễn tả bằng lời. Con vô cùng cảm tạ Ni sư đã dành thời gian, chia sẻ những thông tin quý báu ạ.
Lễ tạ Tam bảo, thêm một lần chiêm bái tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát với tất cả lòng thành kính, ngưỡng vọng Ngài luôn che chở ngôi nhà Phật pháp, trợ duyên và dìu dắt đông đảo bà con phật tử nơi đây. Ánh từ bi mãi lan rộng, góp phần phổ độ chúng sinh các cõi, mang bình an đến muôn nơi…
Suốt buổi trò chuyện cùng Ni sư Nhàn Liên, có lúc tôi thấy xốn xang lạ, sâu thẳm tâm lòng cảm niệm hình bóng mẹ hiền Quán Âm đang che chở vùng tâm thức vốn còn ngổn ngang, từ một phật tử dần vững bước trên con đường học đạo…