Để rộng đường dư luận, PV quyết định “mục sở thị” đại bản doanh cua “thánh cô” Chung để tìm hiểu sự việc. Tìm hiểu từ người dân địa phương được biết, vợ chồng “thánh cô” có thâm niên trong nghề “làm thầy” đã được 17 năm.
Bà Nguyễn Thị N. (70 tuổi, ngụ thôn Na Kham, xã Điện Quang) cho biết: “Từ xưa đến nay, vợ chồng ông Chung sống nhờ vào nghề “làm thầy”, xem bói. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều “con nhang, đệ tử” đồn rằng, do vợ chồng ông Chung thờ phụng đàng hoàng, lại có tâm nên được “bà cô Tư” người Huế nhập xác, lên đồng. Mỗi lần “cô” về qua thân xác ông Chung thì vợ ông Chung được “cô” chỉ định theo hầu”.
Cũng theo bà N., “thánh cô” Chung mỗi lần “hạ phàm” sẽ giúp hóa giải tai ương, cắt duyên âm, đặc biệt “thánh cô” có khả năng chữa được nhiều căn bệnh mà y học “bó tay”. Khi nghe PV có nguyện vọng tìm “cô” để nhờ giúp đỡ, bà N. nhiệt tình chỉ đường và còn không quên dặn dò: “Cô giúp người tùy tâm nên chỉ cần mua đĩa trái cây hay bỏ 5.000 – 10.000 đồng thôi”.
Khi PV có mặt tại “điện” của “thánh cô”, đã có rất nhiều người xếp hàng để chờ tới lượt. PV vừa bước chân vào “điện”, một người phụ nữ ngoài 30 tuổi xuất hiện và giới thiệu là vợ của “thánh cô”. Người này mời PV ngồi chờ ở ghế rồi tiếp tục dò hỏi PV quê ở đâu, tìm đến chữa bệnh hay xin cái gì, làm sao biết tiếng “thánh cô” mà đến đây...
Sau môt hồi điều tra lý lịch của PV và các tín đồ, vợ “thánh cô” hướng dẫn cho từng người một lên “chính điện” (căn gác của gia đình - PV). Lúc này, “thánh cô” Chung đã ngồi sẵn ở đây. “Thánh cô” bắt đầu lấy nước hoa xịt khắp người rồi đốt ba nén hương. Vừa để hương trước mặt, “thánh cô” vừa lầm rầm khấn vái, người “thánh cô” run lẩy bẩy qua những lời khấn. Mặc cho những tín đồ tái xanh mặt mày, “thánh cô” vẫn ngồi bất động một hồi lâu. Mãi đến khi người vợ lên ngồi kế bên thì “thánh cô” mới nói: “Kêu ta về đây có chi không?”. Người vợ liền “phiên dịch” lại cho các tín đồ, rồi giải thích thêm: “Bà cô người gốc Huế nên nói hơi khó nghe, có chi không hiểu cứ hỏi tôi rồi tôi “trình bày” lại với “thánh cô”. Mọi người tranh thủ “thánh cô” về mà coi nhanh, ba cây hương tàn thì “thánh cô” đi rồi”!?
Từng người đến cạnh cô kể bệnh rồi khám rất nhanh. Đến lượt PV, sau khi trình bày rõ tên tuổi, ngày sinh, quê quán, “thánh cô” bảo PV thành tâm khấn vái, còn “thánh cô” thì cầm ba cây hương đưa ra sau mang tai như nghe ngóng điều gì đó. Thỉnh thoảng cơ mặt “thánh cô” co lại rồi giãn ra, vành tai cũng cựa quậy. Một lúc sau, “thánh cô” phán: “Con có lúc mô cảm thấy người đau đầu, chóng mặt, đêm ngủ không yên giấc hay nóng ruột, nóng gan không?”. PV chỉ vừa kịp gật đầu, “thánh cô” đã lập tức cho rằng, PV bị “bà cô” đã mất bên nội theo (có căn - PV).
Trăm loại bệnh đều chữa bằng nước suối và “ thần chú”
Qua lời “phiên dịch” của vợ “thánh cô”, PV được chỉ cách để phòng tránh “người âm”. Cụ thể, PV không được ăn cá (cá quả), cá gáy (cá chép biển) và thịt chó. Tuy nhiên đó chỉ là cách tạm thời, còn về lâu dài thì phải sắm lễ để “giải” thì người mới “nhẹ nhàng” được.
Mức giá mà “thánh cô” đưa ra cho một lần “giải căn” là 40 - 45 triệu đồng.
Nghe PV trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, thu nhập thấp, không thể lo đủ số tiền trong thời gian ngắn, “thánh cô” liền nói: ““Thánh cô” làm cái ni là làm giúp. Và vì làm giúp nên mới có cái giá đó. Nhiều người xong xuôi cô lấy cả trăm triệu đó con. Nhưng thôi, nếu con khó quá thì “thánh cô” cho con thuốc về uống. Trong thời gian uống thì con phải tuyệt đối thành tâm và không ăn cá tràu, cái gáy, thịt chó”.
Nói xong, “thánh cô” ban cho PV một chai nước tinh khiết, còn nguyên nhãn mác. Theo quan sát, chỉ qua vài câu “thần chú” và những động tác múa may, “thánh cô” đã hô biến chai nước bình thường thành... thuốc “giải căn”.
Cùng trong buổi khám bệnh với PV có anh Nguyễn Huy T. (29 tuổi, ngụ tỉnh Thừa Thiên Huế). Anh T. bị bệnh đau khớp, qua sự giới thiệu của bạn bè đã tìm đến “thánh cô” nhờ giúp đỡ. “Qua tay” thánh cô, lập tức căn bệnh lâu năm của anh T. trở nên vô cùng đơn giản. “Thánh cô” nhìn qua là phán được ngay bệnh của anh T. sẽ được chữa khỏi, chỉ cần uống “thuốc” của “thánh cô”. Điều đặc biệt, thuốc “thánh cô” ban cho anh T. cũng là chai nước còn nguyên nhãn mác giống hệt chai nước PV đang cầm trong tay.
Lần lượt các bệnh nhân khác, cũng với những chiêu trò múa may, đọc “thần chú” vào chai nước, loáng cái “thánh cô” đã chữa xong bệnh cho rất nhiều người. Lấy lý do không mang theo tiền, PV xin phép ra về và hẹn vợ chồng “thánh cô” khi nào đủ tiền sẽ quay trở lại nhờ “thánh cô” giúp đỡ. Khi dắt xe ra khỏi cổng, vợ của “thánh cô” dặn với theo: “Gần đến rằm tháng 7 nên “thánh cô” phải “ra” Huế để giải căn cho các tín đồ. Hai người nhớ đến sớm, hoặc nếu không thì “theo đoàn” ra Huế luôn. Nhưng ra đó thì giá hơi cao đó nghe”.
Để tìm hiểu thêm về khả năng chữa bệnh của vợ chồng “thánh cô”, PV đã tìm gặp một người (xin được giấu tên) từng cầu cạnh” nhiều ngày ở “điện” của “thánh cô” để nhờ chữa bệnh cho đứa con gái. “Con tôi có bệnh nên phải vái tứ phương, nghe ở đâu có thầy hay, thuốc tốt thì háo hức tìm đến. Song, mất cả chục triệu đồng có thấy lành lặn chi đâu. Người cùng địa phương, ra vào trông thấy nhau, nên tôi cũng chẳng nói qua, nói lại làm gì. Chỉ biết trách mình hiểu biết hạn hẹp, ngu muội, tin lời nhảm nhí nên “tiền mất tật mang” thôi”, nạn nhân chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phản đối của một số người, cũng có không ít người tin ông Chung là “thánh sống” của làng. Ví như bà N. - người chúng tôi đã nói tới ở đầu bài viết - cũng là một người rất sùng bái “thánh cô”. Bà N. cho biết, chính bà được “thánh cô” giúp chữa khỏi bệnh mất ngủ. Còn bệnh tiểu đường của bà N. “thánh cô” không chữa được là do... trước đây “cô Tư” chưa từng học qua (!?).
Bên cạnh đó, dù đã có không ít người dân địa phương “mục sở thị” cách chữa bệnh phản khoa học của vợ chồng ông Chung, thế nhưng họ vẫn tin cặp vợ chồng nông dân này được “thánh cô” cho ăn lộc chữa bệnh. Họ nghĩ thế, tin thế và vô tình rêu rao những hiểu biết mông muội của mình cho những người xung quanh.
Chính vì thế, danh tiếng của vợ chồng “thánh cô” mặc nhiên được bay ra khỏi lũy tre làng, đến tận các xã, huyện, tỉnh thành lân cận. Không ít người khi nghe danh “thánh cô” đã mong được một lần diện kiến để thoát khỏi kiếp nạn.
Thế nhưng, hầu hết những người đến cầu cạnh “thánh cô” để chữa bệnh, giải hạn khi ra về đều mang tâm trạng hoang mang, lo lắng cực độ. Người thì lo xoay xở tiền bạc, người lại sợ bị người âm “ám” không ngóc đầu lên nổi...
Có lẽ, chính nhờ vào tâm lý của những con bệnh, sự mê tín, tin vào chuyện ma quỷ, người âm... mà đôi vợ chồng gốc “nông dân” như vợ chồng ông Chung mới có có hội để “buôn thần, bán thánh” hòng trục lợi.
Chính quyền sẽ xử lý dứt điểm trường hợp này
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Hoa, Trưởng thôn Na kham (xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết, vợ chồng ông Nguyễn Văn Chung là người địa phương, hành nghề bói toán đã lâu. Chính quyền địa phương đã nhiều lần xuống gia đình ông Chung để nhắc nhở, vợ chồng ông Chung cũng nhiều lần cam kết không tái phạm, nhưng sau đó họ lại lén lút hành nghề. “Sự việc vợ chồng ông Chung chữa bệnh bằng nước suối thì chúng tôi chưa nắm được. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xử lý dứt điểm trường hợp này”, ông Hoa nói.
Nguồn tin: Xaluan.com
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự