Lời đồn kì dị đến mức để trừ ma đuổi quỷ, cứ đến tháng Giêng theo truyền thống, người của dòng họ này lại “xuất chiêu” bằng những nghi lễ ma thuật… tự “hành xác” như rạch lưỡi, đâm kiếm vào người, xuyên qua má, tắm vạc dầu sôi, đi qua than hồng… - Những thứ nghe qua thật khó tin với người trần mắt thịt, thế nhưng một tịnh thất của dòng họ này vẫn sinh sống ở miền đất An Giang, và cóingười đã tận mắt chứng kiến.
Tịnh thất thiêng
Tịnh thất thiêng của dòng họ này chính là một am thờ khiêm tốn mang tên “Am thờ chư vị Đường Công”, nằm trong một con hẻm nhỏ, không có gì nổi bật. Người hàng ngày hương khói và trông coi am là ông Nguyễn Văn Hai (còn gọi là Hai Nhung), ông chính là trưởng dòng họ Nguyễn Văn nổi tiếng trong vùng. Chiếc am nhỏ sạch tinh tươm, mọi thứ được xếp gọn gàng cho thấy có người thường hay lui tới. Bên trên thờ 5 bức tượng nhỏ gọi là 5 chư vị Đường Công gồm: Đường Công, Bửu Công, Lãng Công, Chí Công và Hóa Công, tượng trưng cho 5 vị thần tối linh trong tín ngưỡng của người dân nơi đây. Am thờ là tài sản gia truyền, lưu giữ rất nhiều những chứng tích cũng như huyền tích liên quan đến tục lạ đuổi ma trừ quỷ. Ông Hai Nhung là người thừa kế và trông coi những dụng cụ phục vụ việc “hành xác” cho đời sau. Những dụng cụ đó được cất giữ cẩn thận trên ban thờ, nó còn quý giá hơn cả gia phả dòng họ.
Nguyên thủy, chiếc am này được cụ Nguyễn Văn Tròn là ông nội của ông Hai Nhung xây cất phục vụ cho việc bốc thuốc, chữa bệnh cứu người. Cụ Tròn có người con trai cuối cùng là ông Nguyễn Văn Cây (tự Út Cây). Ông Út Cây chính là người đầu tiên thực hiện các nghi lễ “hành xác” trừ ma đuổi quỷ và được con cháu, các chi họ truyền giữ cho đến tận ngày nay. Khởi đầu của mọi sự bắt đầu cho những huyền hoặc này là câu chuyện ông Út Cây hóa thánh. Một ngày, khi đang ở trong am thì bỗng nhiên thần linh nhập vào người, khiến ông Út Cây không thể ăn, ngủ mà chỉ thích… “hành xác”. Mỗi đợt “hành xác” như thế kéo dài cả tháng trời. Sau đó, ông rơi vào trạng thái mất lý trí như ai đó điều khiển, rồi đi như mộng du ra một ngôi đình và dừng lại. Ông ngửa mặt lên nóc đình bảo: “Trên nóc có một chiếc xiên quai”. Mọi người nghe theo, cử một người bắc thang leo lên kiểm tra thì quả đúng. Sau khi “ông trên” rời xác về trời, ông Út Cây tỉnh lại và bảo con cháu làm những thứ theo sự chỉ dẫn của ông. Đó là 2 thanh kiếm, 1 thanh sắt dài vừa tầm tay được mài sắc nhọn, 1 cặp chùy tròn gắn đinh nhọn tua tủa có gắn dây, 1 cặp ghế tựa nhưng nơi ngồi phải gắn đinh nhọn, hoặc dao chông lưỡi sắc bén, 1 cái vòng… - Tất cả những thứ kì dị trên ông bảo phục vụ cho việc “hành xác”. Và từ đó, cứ vào ngày rằm tháng Giêng, ông Út Cây lại bắt đầu nghi lễ “hành xác” trừ ma quỷ. Theo như ông được thần linh báo mộng, thực hiện nghi lễ sẽ đem lại yên bình cho vùng đất này.
Vào cuộc hành xác, ông Út Cây được “bề trên” nhập vào người. Ông Út dùng chiếc chùy tự đánh vào thân thể mình, xong lại ngồi lên bàn đinh, dùng dao rạch lưỡi. Nhưng thật lạ là không hề có cảm giác đau đớn hay sợ hãi, những vết thương dù tóe máu nhưng chỉ cần dán một tấm bùa vào thì khỏi ngay, và đặc biệt khi được “thần linh” trả xác thì ông không hề biết gì nữa. Nhiều người còn được chứng kiến những cảnh tượng rất rùng rợn là người được “ông trên” nhập xác có thể tắm cả một vạc dầu đang đun sôi hay đi qua cả một con đường đầy than đỏ rực mà không hề bị bỏng. Chính ông Hai Nhung đã chứng kiến rất nhiều lần. Ông cũng cho biết chuyện có phép màu gì che chở, bảo vệ cho họ ra sao thì ông không thể biết được.
Giải mã các phép phù thủy
Những năm trở lại đây, cùng với đời sống kinh tế khấm khá hơn, những trò cúng lễ mê tín dị đoan ngày càng gia tăng. Khắp hang cùng ngõ hẻm, từ thôn to xóm nhỏ, chẳng đâu thiếu các thầy xem bói thầy coi tướng, ông đồng bà cốt và những người tự nhận “làm việc nhà Thánh”. Những câu chuyện về “tài phép” của các thầy hoặc là thần linh ứng nhập nhiều khi vẫn là đề tài bàn tán sôi nổi trong các buổi trà dư tửu hậu. Tuy nhiên, những trò trừ tà, bắt ma, xiên lình rạch lưỡi, ngậm sắt nóng đỏ vẫn làm cho người chứng kiến thực sự sợ hãi. Thật ra, nếu không có sự chuẩn bị, sự bày trò, những trò phù thủy này sẽ làm cho con người đau đớn không chịu được. “Pháp thuật” chính là sự chuẩn bị này. Thực tình, dầu đang sôi mà uống ai chẳng sợ, chẳng phục. Tuy nhiên, ai cũng biết dầu lạc phải trên 100 độ mới sôi còn rượu thì chỉ 70 độ đã sôi. Các thầy phù thủy đem hòa dầu với rượu, khi đun chỉ khoảng 70-80 độ hai thứ đã sôi sùng sục. Thực ra, lúc ấy cả dầu và rượu chỉ mới nóng 60 độ. Khi uống, các ngài còn khấn khứa, bắt quyết, niệm thần chú và nhúng thử ngón tay xem độ nóng, sau đó mới múc uống hoặc mới dội vào người. Dầu sôi giờ chỉ còn nóng hơn 1 chén nươc trà, “Thánh” nào cũng uống, cũng tắm được.
Còn thuật cắn lưỡi cày nung đỏ thày phải húp luôn một ngụm rượu ngậm trong mồm. Khi đưa lưỡi cày lên miệng phải chú ý cẩn thận đừng để nó dính phải môi, sẽ há 2 hàm răng cắn mớm lấy một tí thôi, rồi hét lên một tiếng, làm cho rượu ở trong mồm phun vào lưỡi cày. Lưỡi cày nóng gặp rượu sủi lên sèo sèo, khói lửa vây kín cả mặt, ai trông thấy mà chẳng khiếp vía. Tuy vậy cũng phải chịu khó luyện tập mới làm được.
Qua lời kể của các thầy phù thủy đã “giải nghệ”, các trò “hành xác” cũng không có gì thiêng liêng. Thời xưa, vào dịp lễ hội, người ta hay bắt gặp hình ảnh một vài thầy cúng, cô đồng nhập vong vào các ông hoàng để biểu diễn những việc “phi thường” như là xiên thanh sắt hay thanh tre nhọn qua 2 bên má mà không đau đớn gì. Thuật ấy được dân gian gọi là xiên lình. Ngoài ra còn vô khối những “phép” khác như dùng dao rạch lưỡi, đi trên lưỡi cày hay miếng sắt nung đỏ rực… Cho đến ngày nay, thi thoảng vẫn còn có lúc ta được chứng kiến những vụ xiên lình ở một vài lễ hội. Những nghi lễ “hành xác” tại Am Đường Công ở An Giang cũng thuộc loại này.
Rất đơn giản, 2 chiếc kiếm nhỏ (lình) được xiên vào những vùng mềm mà theo các nhà phẫu thuật là nó không có cảm giác ở mặt, tức là không đau. Còn rạch lưỡi, các thầy đã nhiên cứu chỉ rạch dọc chứ không dám rạch ngang. Lưỡi được nước bọt sát trùng sớm phục hồi nên thầy ăn cỗ cúng xong về nhà ít hôm là lưỡi liền ngay. Tất nhiên, làm được “phép” này các thầy phải luyện tập. Chuyện xỏ chân vào lưỡi cày nung đỏ để đuổi tà xem ra có vẻ “kinh dị” hơn. Nhưng thực chất đây cũng là một chuyện lừa bịp. Thầy phù thủy “giải nghệ” đã ghi lại các công thức mà ông ta đã dùng kiếm ăn như sau: Lấy 1 lạng rưỡi thạch anh, giã nhỏ cùng với 20 lá trầu không rồi cho thêm ít thủy ngân, trộn đều xoa lên gan bàn chân. Những thứ này khi trộn với nhau rồi xoa lên gan bàn chân thì có tính chất cách nhiệt nên khi bước lên lưỡi cày nung đỏ cũng không nóng lắm. Thêm nữa, các thầy đã luyện tập rất nhiều và cũng đã “kiếm cơm” của thiên hạ quá nhiều bằng thuật này nên khi các “thầy” biểu diễn thì hoàn hảo, không ai nhìn ra được một sơ hở nào. Dân gian chỉ có thể lắc đầu lè lưỡi vì “tài phép” của các thầy mà thôi.
Hầu hết các lễ hội đều bắt đầu từ những huyền tích thiêng liêng. Nếu khai thác theo hướng mê tín, các thần linh có quyền lực vô song có thể ban phúc, cũng có thể giáng họa. Cúng lễ là một cách để được thần linh thương xót, bớt họa thêm phúc. Tuy nhiên nếu xét trên khía cạnh văn hóa những huyền tích này lại là những vốn quý, không chỉ phản ánh lịch sử mà còn tạo ngưỡng quỷ thần cho đạo đức. Những kẻ vi phạm luật sẽ bị pháp luật trừng trị, những kẻ vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức sẽ bị nhân dân loại bỏ. Lọc những yếu tố mê tín dị đoan, đem lại sự trong sạch cho tín ngưỡng là nét văn hóa tốt đẹp. Chúng ta đã khôi phục những nghi lễ nhảy lửa trên vùng đất Tây Bắc, khôi phục xiễn xướng dân gian lên đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng phải tính đến khôi phục những lễ hội nhỏ như lễ hội trừ tà tại Am thờ chư vị Đường Công này.