Lòng tốt kỳ lạ của cặp vợ chồng mù cưu mang 38 số phận bất hạnh

Thứ tư - 02/11/2016 07:14
Căn nhà nhỏ mang tên “Mây Bốn Phương”, nơi 38 con người khiếm thị đang được dìu dắt bởi chính cặp vợ chồng cũng bị khiếm thị khiến nhiều người nể phục.
“Mây Bốn Phương” là chốn dừng chân của những người khiếm thị bất hạnh.
“Mây Bốn Phương” là chốn dừng chân của những người khiếm thị bất hạnh.

Một chiều mưa rả rích cuối tháng 10, chúng tôi tìm đến ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông (Củ Chi, TP.HCM). Nằm sâu trong hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thị Nê, hai bên phủ kín lá tầm vông xanh mướt, con hẻm chưa được rải nhựa nên trũng ngập, trũng bùn, là số nhà 36A.

Trong tiếng tí tách của mưa rơi trên mái tôn, phát ra từ ngôi nhà nhỏ là tiếng đàn Organ hòa cùng tiếng trống Jazz, đang vang nhịp bài Bốn phương trời. Để ý kỹ thì có cả tiếng dàn đồng ca thiếu nhi đang hát theo nhạc.

Một người đàn ông trung niên với khuôn mặt nhân hậu, đôi mắt mờ đục ra mở cửa. Anh mò mẫn chùm chìa khóa, phải đưa lên sát mới tìm ra được chìa để mở. Trong hướng nhìn vô định, anh cúi chào những vị khách lạ với sự thân thiện, chân thành đến mủi lòng: “Mái ấm Mây Bốn Phương xin chào ạ”.

Thương mình rồi nghĩ tới người

Anh là Lê Văn Đến (SN 1976, quê Trà Vinh), cùng vợ là chị Bùi Thị Kim Loan (SN 1972, quê Khánh Hòa) là đôi vợ chồng khiếm thị, đang cưu mang, chăm sóc cho 38 người khiếm thị khác tại ngôi nhà chật hẹp này.

“Người bất hạnh, cực cùng, tựa như những vờn mây bay khắp bốn phương, không có chốn để dừng. Bởi vậy, rất cần một bàn tay để quy tụ lại. Tôi và vợ mình, cùng là những người bất hạnh, nên đã cố gắng để giúp mọi người vượt lên sự bất hạnh, trong chốn dừng chân Mây Bốn Phương này” - Đó là chia sẻ của anh Đến về tên gọi mái ấm Mây Bốn Phương.

Sinh ra với đôi mắt mờ đục, tuổi thơ của anh Đến gắn với những nỗi buồn mà chỉ những đứa trẻ khiếm thị mới hiểu được. Anh ao ước được đi học như chúng bạn, nhưng vì gia đình quá khó khăn nên cha mẹ không cho anh tới trường.

Và rồi, niềm vui cũng đến với anh. Năm anh lên 9 tuổi, có một ông thầy tốt bụng ở quận 8, cứ vào mỗi dịp hè lại về mở lớp dạy nhạc miễn phí cho trẻ trong vùng. Do từng dạy người khiếm thị, nên thầy đã giúp cho anh biết đọc, biết viết. Qua mấy mùa hè, anh thành thạo được trên bốn loại nhạc cụ. Nhưng được thời gian, người thầy phải về lại TP.HCM.

Gia đình anh có 6 anh chị em, có 2 người khiếm thị từ nhỏ, 1 người mắc bệnh tâm thần. Không muốn trở thành gánh nặng cho cha mẹ, năm 12 tuổi, anh một mình rời quê lên TP.HCM tìm người thầy năm xưa với khát khao trau dồi ngón đàn, học được một cái nghề để vượt lên số phận.

Ngày lên Sài Gòn không một ai thân quen, một mình anh bơ vơ giữa dòng người tấp nập. Đêm đi học nhạc, ngày bươn chải làm đủ nghề kiếm sống. Ở chung phòng trọ với những người đồng cảnh ngộ, đêm đêm anh lại đem “nghề” ra dạy lại cho đám bạn.

hinh khiem thi 2
Anh Lê Văn Đến thành thạo 7 loại nhạc cụ

Anh nhận ra, cũng như anh, người khuyết tật ai cũng có nghị lực sống, muốn đi lên bằng đôi chân của mình nhưng lại có quá ít môi trường để họ phát huy. Từ đó, anh nung nấu ước nguyện sau này có thể thoát nghèo để giúp đỡ những hoàn cảnh như anh bây giờ.

Trong một lần đi biểu diễn kiếm sống, anh gặp được chị Loan, cũng là một người mù bẩm sinh. Anh chị đã quyết định đến với nhau. Sau khi cưới, bươn chải một thời gian, tích góp được chút vốn liếng, năm 2006 hai vợ chồng lên Củ Chi mua đất trả góp, dựng tạm ngôi nhà để bước đầu hiện thực hiện giấc mơ. Từ đó Mây Bốn Phương được hình thành.

Tay uyển chuyển trên những phím đàn, anh Đến tâm sự: "Vì mình cũng là người khiếm thị nên mình đồng cảm với họ, mình hiểu được những nổi khổ của họ. Trước đây, chính bản thân mình cũng lang thang kiếm sống từ quê lên thành phố, đi mướn nhà ở thì không ai cho, phải ngủ ngoài đường. Vì người ta sợ cho người khiếm thị, tật nguyền mướn nhà sẽ xui".

Dẫn lối những “người con” khiếm thị

Anh Đến cho biết, những ngày đầu thành lập mái ấm, chỉ vỏn vẹn vài ba phòng tạm bợ lấy tôn vừa lợp mái vừa để che vách. Sau này, khi nhu cầu người khiếm thị tìm đến ngày một đông, vợ chồng anh chị đã quyết định dùng tất cả của cải, mà hai vợ chồng chắt góp lâu nay để đổ được nhà bằng bê tông.

Những người đến đây đều mang theo khó khăn và sự bất hạnh, với mong muốn được vợ chồng anh chị dìu dắt. Người mù thấy bản thân mình hợp với nghề nào sẽ được anh chị dạy cho nghề đó. Anh thì dạy nhạc và vi tính, còn chị thì dạy làm hạt cườm, ấn huyệt, massage.

hinh khiem thi 3
Chị Bùi Thị Kim Loan cùng em bé bị bỏ rơi 16 ngày tuổi 

Anh Đến chia sẻ: “Muốn dạy tốt, điều quan trọng là người học và người dạy phải hiểu tâm lý nhau, phải đồng cảm với nhau. Bởi vì dạy cho một người mù khó gấp chục lần người sáng. Trước tới giờ, mái ấm là nơi dừng chân cho tổng cộng khoảng hơn 100 người. Bây giờ còn 38 người, nghĩa là những người ở con số kia đã học xong và tự ra về lập nghiệp”. 

Cách đây 16 ngày, chị Loan nhận được tin có một cô gái trẻ, vừa sinh con ra nhưng không có nhu cầu nuôi, đang muốn bỏ đi. Nghe tin, chị liền tức tốc tìm đường tới bệnh viện và xin nuôi bé. Cô gái đó đã đồng ý, với yêu cầu chị phải thanh toán tất cả viện phí. Từ hôm đó, Mây Bốn Phương có thêm một thành viên.

Hiện tại, mái ấm đang có 38 con người sinh sống, không kể già trẻ, gái trai, từ em bé mấy ngày tuổi bị bỏ rơi, cho tới cụ bà gần tuổi 70 không ai chăm sóc. Tất cả đều được anh chị quan tâm chăm lo mà không ai phải mất một đồng phí tổn.

 Mọi chi phí ăn uống, sinh hoạt cho 38 con người mỗi ngày đều do anh chị tự lo liệu. Hằng ngày chị Loan kiếm thu nhập bằng nghề xoa bóp, massage, làm vòng tay. Còn anh Đến, ngoài việc đi chơi nhạc, dạy nhạc cho người sáng còn chắt chiu mua dàn âm thanh để cho thuê kiếm lời. Thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng bình quân khoảng 7 triệu đồng. Với 7 triệu đồng để lo cho 38 con người từ ăn uống, thuốc men, chi phí học tập không phải là điều dễ dàng.

hinh khiem thi 4
Anh Đến đang dạy nhạc cho những đứa trẻ mồ côi

Cầm tập giấy tờ trên tay, chị Loan cho biết là giấy vay nợ của ngân hàng. Nếu không vay nợ, thì không thể đủ để trang trải cho 38 người mỗi tháng. Chưa kể những người bệnh tật đột xuất phải nhập viện, viện phí lại đắt đỏ. Hiện tại, anh chị đang vay ngân hàng gần 200 triệu đồng, bằng cách thế chấp giấy tờ nhà.

Chị Nguyễn Thị Thu, một người đã gắn bó 5 năm với Mây Bốn Phương chia sẻ: “Mấy năm qua được vợ chồng anh Đến dìu dắt, quan tâm như người thân, tôi thấy mình thật may mắn. Trong nhà mấy chục người từ không quen biết đến thân thiết, thương nhau còn không hết nói gì tới cãi nhau. Hiện tại tôi đang bị bệnh, nên anh Đến không cho tôi làm việc, chứ bình thường tôi cũng làm vòng tay được như chị Loan dạy vậy đó”.

Mây Bốn Phương không chỉ là một đại gia đình, mà còn là mái nhà của nhiều gia đình nhỏ trong đó. Họ là những cặp vợ chồng, là kết quả của những năm tháng hiểu và đồng cảm với nhau. Chị Loan cho biết, cách đây không lâu Mây Bốn Phương vừa tổ chức lễ thành hôn cho cặp đôi thứ 6 của đại gia đình.

Chúng tôi rời khỏi mái ấm, lòng không khỏi ngậm ngùi, xót xa. Hình ảnh người phụ nữ mù lòa, cuống cuồng mò mẫn lối đi khi nghe tiếng con khóc; hình ảnh người đàn ông tất bật chạy ngược xuôi, thi thoảng lại đụng bức tường đến u đầu vì không thấy đường,… Ở nơi đó, đôi vợ chồng khiếm thị vẫn lặng lẽ hi sinh vì hạnh phúc của những người không quen biết.

Nguồn tin: VTC News

 Từ khóa: bốn phương, dìu dắt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây