Lớp học tình thương của cô gái khuyết tật dưới chân thành Cổ Loa

Thứ ba - 05/12/2017 16:57
Cô giáo Nguyễn Thanh Giang nhỏ thó chỉ cao có 1m40 và nặng hơn 30kg bước đi khó nhọc vì bị dị tật từ bé. Còn những học trò của cô lớn, bé đủ cả nhưng đều bị mắc bệnh thiểu năng, tật nguyền. Bao năm nay đã tồn tại một lớp học tình thương rất đặc biệt như thế dưới chân thành Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Cô giáo Nguyễn Thanh Giang
Cô giáo Nguyễn Thanh Giang
Vượt lên nghịch cảnh

Lớp học tình thương rất đặc biệt của cô giáo khuyết tật Nguyễn Thanh Giang nằm sát ngôi đền Cổ Loa dưới những tán cây bàng xanh mát. Sinh năm 1981, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Giang tiếp tục đi học lớp nghiệp vụ Giáo dục đặc biệt ngắn hạn để trở về giảng dạy trên quê hương mình theo đúng tâm nguyện từ hồi bé.

Bản thân Giang bị dị tật ở chân từ khi mới được 9 tháng tuổi sau trận sốt. Bố mẹ thương cô con gái bé bỏng nên đi tứ phương tìm thầy, tìm thuốc, nhưng rồi y học cũng đành bó tay. Suốt thời học phổ thông Giang phải vật lộn với những con đau đớn của thể xác. Lên cấp 3 trường xa nhà, mọi người khuyên Giang nghỉ học, nhưng cô đã không đầu hàng số phận. Giang quyết tâm tập xe đạp để đến lớp học cho bằng bạn bằng bè. Người dân xóm Chùa - Cổ Loa đã bao lần chứng kiến cô bé ngã xe, chảy cả máu chân. Nhưng cứ mỗi lần ngã, Giang lại đứng dậy và đi tiếp. Để rồi vòng bánh xe đầy nghị lực đó tiếp tục đưa cô vào giảng đường Trường Sư phạm. 

Có lẽ những tháng ngày gian khổ thời đi học cộng với nỗi đau bản thân càng làm cho cô giáo Giang hôm nay dễ đồng cảm và chia sẻ với những đứa trẻ thiểu năng, dị tật trong cái lớp tình thương của mình.

Cô giáo như mẹ hiền

Thấy có bóng người lạ, mấy cô cậu học trò trong lớp nhốn nháo thò đầu vẫy tay ra cửa. Chúng hồn nhiên reo lên: “Cô giáo ơi! Ngoài cửa sổ có ai tìm cô đấy ạ!” rồi chúng chỉ chỉ trỏ về phía chúng tôi. Bọn trẻ đã làm tôi ngạc nhiên vì sự mạnh miệng của chúng. Ngay tức khắc có tiếng cô giáo vọng lên: Thôi nào các con! Tập trung vào bài viết đi!

Tiếng cô cất lên lũ trẻ ngồi yên xuống chỗ cũ, nhưng cũng chỉ được một phút sau đâu lại đóng đấy. Lớp học lại ào ào như một cái chợ vỡ. Cô giáo Giang ra đón tôi,  niềm nở nói ngay: Đấy! các bạn xem, học trò lớp của mình đặc biệt không. Chúng hồn nhiên cười đùa, nói năng ngay trong giờ học. Đặc biệt khi có người lạ là chúng lại hò reo lên như thế…

Ngày ngày cô giáo Giang vẫn đạp xe đến trường làng, bước lên bục giảng bằng chính đôi chân tật nguyền của mình để dạy dỗ, chắp cánh cho ước mơ của lũ trẻ. Nói về việc dạy học của mình, cô giáo Giang cho biết: “Làm giáo viên ở lớp học đặc biệt này việc dạy phải đi đôi với việc dỗ dành, vừa làm cô mà phải vừa như làm mẹ”.

Lớp học có 16 em thì trong đó đa phần đều bị thiểu năng. Có những em bị nặng như em Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Thành Đạt hầu như không tiếp thu được kiến thức. Có những em đã 13, 14 tuổi rồi mà vẫn hồn nhiên như đứa bé 4, 5 tuổi. Có em mất 4 - 5 năm vẫn không học hết được kiến thức của lớp 1 như Nguyễn Diệu Linh. Đang tâm sự với chút tôi, cô Giang liền xin phép xuống dưới lớp để dạy bọn trẻ. Cô ân cần tiến đến bên một cậu bé và nói: “Đây là chữ cờ (C), Đạt viết đi… con viết hai dòng tiếp theo là chữ đờ (Đ) rồi chuyển sang chữ hờ (H) cho cô nhé!”.

Không thể để những đứa trẻ thiếu may mắn này bị chôn vùi trong mù chữ tối tăm. Cô Giang đã quyết tâm giúp các em vượt qua nỗi đau thể để từng bước học chữ, làm người. Cô tìm đọc tài liệu, tự mày mò tìm ra phương pháp dạy cho phù hợp với đối tượng thiểu năng, tàn tật. Bài tập của những chương trình thông thường được cô chia nhỏ, dạy chậm và lặp đi lặp lại nhiều lần, xen kẽ vào bài học là những trò chơi, bài hát giúp cho các em tiếp nhận, lĩnh hội được dễ dàng hơn. Học trò của cô đã tiến bộ trông thấy.

Ở trong lớp học nhưng bọn trẻ đùa nghịch thoải mái. Có em thì mang lá cây vào trong lớp gập đồ chơi để nghịch, có em nằm dài ra bàn ngủ… Học sinh ở lớp đùa nghịch đến mức dép rơi ở đâu cũng chẳng nhớ. Cứ mỗi lần như thế, cô Giang lại ân cần nhắc nhở từng em để tạo cho học sinh khả năng thay đổi được chút tư duy trong đầu. Đến cuối buổi dạy, để dỗ dành động viên học sinh cô Giang lại mang túi kẹo nhỏ bé của mình ra để thưởng cho từng đứa. Em nào ngoan thì cô thưởng nhiều, em nào hư cô nhận xét góp ý và cũng được ăn kẹo.

Lớp học tan, bọn trẻ hò hét ầm ĩ và chạy ùa ra ngoài, còn cô giáo Giang đứng trên bục giảng nhìn theo lũ trẻ với đôi mắt trìu mến. Cô giáo bảo: “ Dường như đã thành thói quen rồi, ngày nào mà không được đến lớp dạy bọn trẻ, nhìn thấy bọn chúng đùa nghịch mình lại cảm thấy nhớ chúng lắm”.    

Hát, tặng hoa cô bất cứ lúc nào

Cô giáo Giang tủm tỉm cười và tâm sự với chúng tôi: “Lớp mình dạy có rất nhiều cái đặc biệt, nhưng có một cái không giống đâu, đó là cô giáo được học sinh tặng hoa bất cứ ngày nào, chẳng cứ gì ngày 8-3, 20-10 hay 20-11 đâu. Dù đó có thể đó chỉ là những bông hoa dại như hoa cải, hoa cúc, hoa phượng, hoa nhài do học sinh hái bên đường nhưng mỗi khi được bọn trẻ tặng mình lại thấy rất vui. Chúng hồn nhiên, ngây thơ lắm, tặng hoa cô mà chẳng biết nói gì. Mỗi lần thế,  mình lại dạy cho bọn trẻ cách nói lời tặng. Nhưng với các em thiểu năng ở đây lần nào cũng như lần đầu. Cô giáo dạy nhiều sẽ thành lối mòn, tạo ra bản năng cảm nhận.

Không chỉ rất hay tặng hoa cô giáo bất ngờ mà bọn trẻ còn rất hồn nhiêu hát dưới lớp cho cô nghe. Chúng tôi vừa nhìn vừa nói chuyện với cô Giang ngoài hành lang thì trong lớp đã vang lên dàn đồng ca dù chẳng ai bảo. Tuy các em chỉ “hát” thành những thanh âm méo mó, tắc nghẹn nhưng trong ánh mắt như thêm rạng ngời niềm vui và những cố gắng phi thường. Những hình ảnh quen thuộc tại giờ học ở lớp học tình thương xã Cổ Loa vẫn thường diễn ra đều đặn hàng ngày như vậy.

Gắn bó với bọn trẻ lâu rồi nên cô Giang cho biết ngày càng quý bọn trẻ hơn. Mỗi lần được học sinh tặng hoa thì đối với cô đó chính là những kỉ niệm khó quên trong đời giáo viên của mình. Từ biệt cô giáo tật nguyền bé nhỏ Nguyễn Thanh Giang khi bóng chiều đã xế xuống bên thành Cổ Loa huyền thoại, tôi cứ ngỡ như mình vừa được chứng kiến, được nghe một câu chuyện cổ tích rất đỗi bình dị giữa đời thường vậy.

Nguồn tin: Pháp Luật Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây