Lừa nhà chùa, lừa người tu hành: Những kẻ thất đức chưa từng có!

Thứ bảy - 29/11/2014 14:15
Trong cuộc sống có nhiều vụ lừa đảo với nhiều đối tượng khác nhau, nhưng có không ít kẻ thất đức đến khó tin, chúng đóng vai này nọ để lừa cả… nhà chùa, lừa những người tu hành hòng chiếm đoạt tài sản. Càng khó tin và thất đức hơn khi kẻ lừa đảo còn mạo danh nhà chùa để thực hiện những hành vi không trong sáng, phá hoại lòng tin và tín ngưỡng của người dân.
Lừa nhà chùa, lừa người tu hành: Những kẻ thất đức chưa từng có!
Giả nhân viên điện lực lừa… nhà chùa
Theo hồ sơ vụ án, đầu năm 2013, Công an xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TPHCM đã bắt quả tang một đối tượng lừa đảo “có một không hai”, sau đó đã bàn giao tang vật và kẻ “siêu lừa’ Phạm Hữu Đức (SN 1972, ngụ phường 2, Q.Bình Thạnh, tạm trú phường 1, quận 5, TPHCM) cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh, TPHCM để tiếp tục thụ lý điều tra theo thẩm quyền về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
 
Hồ sơ vụ án thể hiện, đối tượng Phạm Hữu Đức tự trang bị bộ đồng phục nhân viên điện lực, với 3 bảng tên nhân viên điện lực và nhiều bản hợp đồng thảo sẵn với nội dung “thay tên người sử dụng điện kế”, “biên bản khảo sát” và “bản liệt kê công suất tiêu thụ điện”. Đức điều khiển xe gắn máy mang biển số 54S9-3007 đến chùa Chiếu Minh, tại ấp 3, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TPHCM gặp nữ tu Nguyễn Thị Thúy (SN 1975, quê Long An), yêu cầu bà Thúy làm hợp đồng thay tên người sử dụng điện kế với chi phí là 475.000 đồng.
 
Nhìn vẻ bề ngoài của Đức, nữ tu không thể nào ngờ rằng đây là kẻ lừa đảo, vì như chưa từng có vụ án lừa đảo nào theo dạng này xảy ra tại địa phương và cũng chưa hề nghe đến dạng lừa kiểu này, nên bà Thúy chẳng mảy may nghi ngờ gì, mà thực hiện theo đúng lời chỉ dẫn của Đức. Sau khi làm hợp đồng, bà Thúy đưa tiền cho Đức.
 
Sau khi lừa được bà Thúy tại chùa Chiếu Minh, Đức vẫn tiếp tục hành trình lừa đảo nhằm vào các ngôi chùa tại địa phương này. Đức tìm đến chùa Phước Thiện (cũng tại ấp 3, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TPHCM). Trong lần lừa đảo thứ 2, “siêu lừa’ lại gặp lại nữ tu Thúy, vì nữ tu này cùng lúc chăm sóc cả ngôi chùa Phước Thiện. Vẫn chiêu cũ, Đức yêu cầu làm hợp đồng mua bán điện thay tên sử dụng với giá 1.275.000 đồng.
 
Thấy nữ tu “sập bẫy” lần thứ 2, Đức nâng giá từ vài trăm ngàn đồng lên thành hơn 1,2 triệu đồng. Chẳng nghi ngờ, nữ tu Thúy tiếp tục thực hiện theo lời của kẻ lừa đảo. Dù đã 2 lần lừa thành công nữ tu Thúy, nhưng lòng tham của kẻ thất đức này vẫn chưa dừng lại.
 
Đức tiếp tục quay lại gặp bà Thúy và cho biết là hiện đang có “hợp đồng giảm giá điện” với giá bán điện thấp hơn nhiều với giá qui định hiện hành, chi phí cho “phi vụ” này là 2.350.000 đồng, bà Thúy tiếp tục giao tiền cho Đức sau khi ký hợp đồng. Như vậy, liên tục thực hiện trót lọt 3 “phi vụ”, Đức lừa nữ tu Thúy được tổng cộng 4,1 triệu đồng.
 
Thấy sử dụng chiêu lừa khó tin này mà “làm ăn” khấm khá, Đức tiếp tục đến chùa Minh Sư, tại ấp 3, xã Tân Qúy Tây, huyện Bình Chánh, TPHCM. Và cũng giống như với nữ tu Thúy, Đức đã lừa được bà Đoàn Thị Thuyền tại ngôi chùa này 500.000 đồng cũng bằng chiêu thay tên đổi họ người đứng ký hợp đồng điện và hợp đồng giảm giá điện loại “ưu đãi” cho… nhà chùa! Điều đáng nói là khi nghe Đức rêu rao về hợp đồng giảm giá điện ưu đãi cho nhà chùa, bà Thuyền liền tin lời và nhờ Đức làm hồ sơ giảm giá tiền điện. Đức yêu cầu bà nộp thêm lệ phí là 1.780.000 đồng.
 
Do chưa có số tiền Đức yêu cầu, bà Thuyền hẹn ngày hôm sau sẽ đóng. Khi Đức ra về, bà Thuyền kể lại câu chuyện được hạ giá điện cho một người trong chùa nghe, thì người này cho biết bà Thuyền đã bị lừa nên gọi điện báo cho Công an xã Tân Quí Tây, huyện Bình Chánh, TPHCM. Sau khi công an lên kế hoạch bắt quả tang kẻ giả danh điện lực lừa đảo, bà Thuyền gọi điện cho Đức đến nhận tiền.
 
Nhận điện thoại của bà Thuyền, Đức hớn hở vì cho rằng lại lừa được số tiền lớn, hắn vội vã lên xe gắn máy lao đến chùa Minh Sư, nhưng lần này hắn đã bị các cán bộ chiến sĩ công an bí mật ém quân ngay tại ngôi chùa bắt quả tang khi đang nhận tiền từ bà Thuyền.
 
Tại Cơ quan điều tra, Đức khai nhận toàn bộ hành vi lừa đảo của mình. Qua truy xét nhanh, Đức có tiền án về tội “trộm cắp tài sản”, khám xét nơi trú ngụ của Đức, công an thu giữ trang phục nhân viên điện lực, nhiều bản hợp đồng để lừa đảo bằng chiêu thay tên người ký hợp đồng điện kế và hợp đồng giả giá điện. Cơ quan điều tra nhận định, có thể Đức đã từng lừa đảo nhiều nơi khác, cũng với chiêu tương tự nêu trên.


Phiếu công đức giả danh Hòa thượng Thích Nhuận Thanh do Phạm Minh Tâm (pháp danh Thích Chiếu Pháp - trụ trì chùa Thanh Tâm, tỉnh Bình Phước) chủ mưu thực hiện.

 
Mạo danh Trưởng Ban trị sự giáo hội lấy tiền công đức… bỏ túi
Trong khi kẻ thất đức như Phạm Hữu Đức đang tâm lừa tiền của các chùa tại TPHCM, thì một vụ việc khác vừa xảy ra hồi đầu năm nay (2014) tại tỉnh Bình Phước đã gây mất lòng tin tín ngưỡng của nhiều người dân, khi một vị cũng là tu hành nhưng lại mạo danh cấp trên của mình vận động người dân “cúng dường” - góp tiền xây dựng chùa, làm từ thiện, rồi bỏ vào… túi riêng.
 
Xuất phát từ bản tường trình do hòa thượng Thích Nhuận Thanh -Trưởng Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Phước về việc phát hiện có đối tượng làm các phiếu công đức mạo danh hòa thượng Thích Nhuận Thanh để vận động cúng dường, Công an tỉnh Bình Phước đã tiến hành điều tra, làm rõ. Sau thời gian điều tra, xác minh, đầu năm 2014, Công an tỉnh Bình Phước đã thông báo kết quả: Ông Phạm Minh Tâm (pháp danh Thích Chiếu Pháp), hiện đang là trụ trì chùa Thanh Tâm, ở xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, kiêm Chánh thư ký Văn phòng Ban trị sự Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Phước, đã kêu gọi một số người dân (phật tử) cúng dường tại chùa Thanh Long -Văn phòng Ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Phước được số tiền 2.150USD (tương đương 45 triệu đồng).
 
Vào cuối tháng 7.2013, ông Tâm có nhờ em trai là Phạm Minh Tiệp đi làm các phiếu công đức để kêu gọi cúng dường, nhưng lại lấy danh nghĩa là Ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Phước và mạo danh hòa thượng Thích Nhuận Thanh, hiện đang là Trưởng Ban trị sự, để cảm ơn những người đã cúng dường. Điều đáng nói là những đối tượng thực hiện phiếu công đức này đã ký tên hòa Thượng Thích Nhuận Thanh và đóng dấu của Ban trị sự Phật giáo tỉnh(!?).
 
Sau khi thực hiện việc mạo danh các phiếu công đức, ông Tiệp mang đến cửa hàng photocopy Minh Hồng tại thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước để in, sao chụp ra thành nhiều bản nhằm huy động đóng góp số tiền lớn đối với nhiều người.
 
Tuy nhiên, sau khi giao cho cửa hàng photocopy sao chép hàng loạt phiếu công đức, thì ông Tiệp và ông Tâm nghĩ lại và cho rằng việc làm các phiếu công đức mạo danh Hòa thượng Thích Nhuận Thanh-Trưởng Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Phước là không đúng và có thể vi phạm pháp luật, cộng với “nỗi lo” sợ bị phát hiện việc làm sai trái này, nên cả hai ông không dám đến lấy.
 
Vì không thấy ông Tiệp, ông Tâm đến lấy số phiếu đã đặt sao chép, nên chủ tiệm photocopy Minh Hồng đã mang số phiếu trên đến chùa Thanh Long để lấy tiền công sao chụp. Từ đó, sự việc bị hòa thượng Thích Nhuận Thanh phát hiện và tố cáo với Công an tỉnh Bình Phước.
 
Từ việc làm không trong sáng nêu trên, ông Tâm lại phạm vào một sai trái khác của người tu hành. Đó là khi bị phát hiện việc làm hàng loạt phiếu công đức mạo danh hòa thượng Thích Nhuận Thanh, ông Tâm lại nói với ông Tiệp “đổ tội” cho ông Nguyễn Quang Việt (pháp danh Thích Minh Thắng), khi đó đang tu tại chùa Thanh Tâm, là việc này do ông Việt làm chứ không liên quan gì đến ông Tâm.
 
Tuy nhiên, qua điều tra, Công an tỉnh Bình Phước đã xác định ông Phạm Minh Tâm, pháp danh Thích Chiếu Pháp, đang là trụ trì chùa Thanh Tâm, ở xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, chính là người chủ mưu làm các phiếu công đức mạo danh hòa Thượng Thích Nhuận Thanh -Trưởng Ban trị sự giao hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Phước, chứ không phải là ông Nguyễn Quang Việt, pháp danh Thích Minh Thắng, đang tu hành tại chùa Thanh Tâm.
 
Không những mạo danh hòa thượng Thích Nhuận Thanh, ông Tâm còn “nhẫn tâm” gây ra điều oan ức và cấm kỵ đối với người tu hành, khi đổ tội cho ông Việt, mà theo kết quả điều tra xác minh của Công an tỉnh Bình Phước lý do là vì “ông Tâm không muốn cho ông Việt tiếp tục tu hành tại chùa Thanh Tâm (chùa do ông Tâm làm chủ trì - PV), nhân dịp này lấy cớ để nhờ hòa thượng Thích Nhuận Thanh đuổi ông Việt đi”.
 
Rất may, Công an tỉnh Bình Phước đã chứng minh và minh oan cho ông Việt. Về số tiền mà người dân cúng dường, ông Tâm cho rằng đã xây dựng cho chùa Thanh Long và một số nơi khác. Tuy nhiên, theo xác minh của công an thì ông Tâm chỉ cúng dường 22 triệu đồng, ngoài ra không cúng dường hay ủng hộ nơi nào khác, như vậy số tiền còn lại ông Tâm đã… bỏ túi!
 
Theo đại diện Ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Phước, sự việc ông Tâm mạo danh làm phiếu công đức để lấy tiền là có thật, trước đó, Ban trị sự phật giáo cũng nhận được rất nhiều đơn tố cáo của các phật tử ở chùa Thanh Tâm. Trước hành vi sai phạm của ông Tâm, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Bình Phước đã cách chức Chánh thư ký Văn phòng Ban trị sự Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Phước đối với ông Tâm. Còn với các chức vụ khác, Ban trị sự Phật giáo sẽ có những hướng xử lý tiếp theo sau này.

Tác giả bài viết: Phùng Bắc

Nguồn tin: Người Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây