Lễ cài áo bông hồng có từ bao giờ?
Từng chia sẻ trên Kienthuc, Sư cô Thích nữ Huệ Đức (tu học tại Quan Âm Tu Viện - TPHCM) cho rằng, buổi lễ Bông hồng cài áo trong mùa Vu Lan báo hiếu được khởi xướng từ Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, tác giả của ấn phẩm Bông Hồng Cài Áo.
Được biết, trong một lần sang Nhật vào đúng ngày Mother Day (ngày của mẹ), Hòa thượng Thích Nhất Hạnh được một số thanh niên lại gần hỏi thầy còn mẹ không và cài lên áo 1 bông hồng rồi nói “Hôm nay là ngày tưởng nhớ đến mẹ”.
Nhận thấy truyền thống của Phật giáo cũng có lễ Vu Lan báo hiếu là dịp tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ với mỗi người, nên vị hòa thượng này muốn phát huy truyền thống tốt đẹp như những bạn trẻ nước Nhật làm trong ngày Mother Day.
Vì sao Vu Lan lại cài áo những bông hoa hồng?
Cũng theo Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, bông hoa hồng trong cách nhìn của người Việt là loài hoa thông dụng và dễ thương, được nhiều người yêu thích nhất. Đây là loài hoa mang quy ước biểu hiện của tình yêu thương của loài người. Vì thế, Hòa thượng đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm “Bông Hồng Cài Áo” vào tháng 8 năm 1962.
Trong buổi lễ bông hồng cài áo đầu tiên, bản thân Hòa thượng đã làm lễ cài bông hồng đầu tiên cho Tăng Ni và Phật tử ở chùa Pháp Hội, Sài Gòn. Từ đó các chùa và các tổ chức Gia đình Phật tử đã nhân rộng thành lễ cài Bông hồng trong dịp lễ Vu Lan báo hiếu như hiện nay.
Theo đó, nếu những người đang còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và tự hào được còn có mẹ đang ở bên. Nhưng nếu ai đó đã mất mẹ, sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.
Người được cài hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên người mẹ dù đã khuất núi của mình. Còn những người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi sẽ không còn chăm sóc mẹ được.
Từ đó, nghi thức cài bông hồng trong ngày Vu Lan được phổ thông hóa và trở thành ngày lễ trong Phật giáo. Và hàng năm, cứ đến mùa Vu Lan Báo Hiếu, hầu hết mọi người dù đang ở bất cứ nơi đâu cũng đều đến chùa tham dự lễ “Bông Hồng Cài Áo” để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của các đấng song thân dù họ còn hay đã mất.
Thanh Hà (tổng hợp)
Nguồn tin: Vedepphatphap.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự