Hơn nửa thế kỷ trước, theo dòng sông Lô về đất An Đạo (Phù Ninh, Phú Thọ) có một đoàn thuyền buồm chở vô số đồ gia bảo của một người được tôn xưng giàu thứ sáu nước Nam, tương truyền vợ ông là bà cô của vua Bảo Đại. Bãi bể, nương dâu, người xưa chẳng thấy nhưng những vật dụng đế vương một thời nay vẫn còn được lưu truyền trong những ngôi nhà lá đơn sơ miền đất cọ.
Chuyện về ông Ký Tiệp vẫn thường được kể trong những lúc trà dư, tửu hậu ở xứ này. Trong ký ức người già ở đất An Đạo ông là một người thuộc dòng dõi hoàng gia, giàu có vào hạng tột bậc. Ông Vũ Viết Cơ (95 tuổi) kể: “Vợ ông Ký Tiệp tương truyền là bà cô của vị hoàng đế cuối cùng Bảo Đại. Ký Thu giàu đệ nhất đất Bạch Hạc nhưng cũng chẳng là gì so với Ký Tiệp một người giàu xếp vào hàng thứ sáu của xứ An Nam…".
Hồi thuộc Pháp, buổi loạn ly, một sớm ở bến đò An Đạo người ta thấy cả đoàn thuyền gỗ với những cánh buồm nâu đậu giăng kín một khúc sông. Đoàn thuyền chở nào chum vại, án giang, câu đối, hoành phi, độc bình, sập gụ, tủ chè của ông Ký Tiệp đến gửi ở nhà địa chủ Vũ Viết Tuân, một người quen của vợ ông Ký Thu.
Bà vợ ba của ông Ký Tiệp và mấy cô con gái bước từ thuyền lên bờ. Da họ trắng như trứng gà bóc, người sực nức dầu thơm, quần là, áo lụa nhìn vào sáng lóa như mặt trời chính ngọ…
Mấy hôm sau, trên đê An Đạo người ta lại thấy một cái ô tô bóng nhoáng, bóp còi toe toe. Cái ô tô khiến người làng, từ già đến trẻ xô nhau mà chạy theo đám bụi đằng sau, hít lấy hít để cái mùi ét xăng thơm thơm phát ra từ cái ống xả. Chiếc xe của vị hoàng thân quốc thích được gửi ở xưởng chải của làng (kho giữ thuyền đua - PV).
Cái xưởng là niềm tự hào của dân An Đạo với bốn cái chải dài lừng lững dễ chứa được đến 40-50 người, đầu chải trổ rồng, thân chải vẽ hoa văn bay bướm. Cứ đến ngày 19 tháng 7 âm lịch cả làng cả tổng lại nô nức làm lễ hạ chải xuống sông Lô để ngày 20, 21, 22 các phe giáp cử trai đinh đến thi tài.
Hồi ấy Việt Minh về đóng ở trong vùng, đào tăng xê (giao thông hào - PV) ven bãi An Đạo phục kích Pháp. Ở phía đầu nguồn, bộ đội đốt những quả bưởi trong đống rấm cho đen rồi thả trôi sông. Tàu giặc thấy bưởi đen ngỡ thủy lôi sợ hãi lùi dần, lùi dần và rơi vào trận địa phục kích giăng sẵn. Để trả thù, ngày 10/9/1947, Pháp mở cuộc càn lớn lên An Đạo.
Máy bay xé rách bầu trời, tàu chiến quần nát dưới sông, pháo dập, đạn vãi tơi bời làng trên, xóm dưới. Lửa cháy rần rật trên các mái nhà lá cọ, lửa cháy bùng bùng liếm vào cái ô tô của ông Ký Tiệp khiến cái xưởng chải cũng cháy theo, tàn tro của nó cả mấy ngày vẫn còn hồng rực. Tình thế hiểm nghèo, ông Cơ và vợ mỗi người chỉ kịp ôm theo một đứa con co chân chạy trốn vào rừng.
Khi trở về họ thấy thây người chất cả đống, máu đỏ loang đường làng, quạ diều kêu ai oán. 10/9 trở thành ngày giỗ trận chung của dân An Đạo, tấm bia căm thù ở khu 8 giờ vẫn còn khắc ghi những tội ác chồng chất của giặc ngoại xâm ngày nào.
Lại nói về số phận của những đồ đạc trên đoàn thuyền buồm, từ hồi gửi tại nhà địa chủ Tuân, ông Ký Tiệp cùng gia quyến chưa một lần trở lại. Vật đổi, sao dời, năm 1954, địa chủ Vũ Viết Tuân bị tố khổ quy thành phần, bị bắt nhốt đến chết tức tưởi ngay nơi giam giữ. Hết tróc nã, quy thành phần, người ta lại thu hết của cải từ sáu địa chủ của làng trong đó có nhiều đồ mà ông Ký Tiệp gửi để tất tại sân nhà ông Thịnh.
Một đôi lộc bình của Ký Tiệp
Cái sân rộng, ngan ngát nào chum chĩnh, gạo thóc, trâu bò, sập gụ, tủ chè, cuốn thư, câu đối giang đến cả quần lụa, yếm đào, chổi cùn, rế rách. Dễ ruộng đất mà có chân hay bê vác được có lẽ người ta cũng cố mà mang đến. Hội nghị chia của tổ chức ngay sau đó.
Ông Vũ Viết Cơ là người tinh thông chữ nghĩa nhất làng được phong làm thư ký. Bần nông, cố nông rồi các “rễ”, “chuỗi” (những bần cố nông được đôn lên làm nòng cốt - PV) đứng chật vòng trong, vòng ngoài. Những thứ quần áo, chum vại hay lương thực, thực phẩm rất được đám nhà nghèo quan tâm nhưng đến đoạn chia ba cái sập của Ký Tiệp cũng có rất nhiều người đăng ký.
Họ có dụi mắt cả đời cũng không bao giờ dám mơ một ngày được ngồi lên cái sập quý chứ chưa nói đến chuyện được kê nó trong ngôi nhà tranh của mình. Nhìn thấy nó rồi, bụng đói cũng hóa ra no. Nhìn thấy nó rồi những cái sập của lý trưởng, địa chủ mắt cũng không muốn dòm nữa.
Gỗ sập không phải đinh, lim, sến, táu, mít già như sập của anh nhà giàu ở quê mà bằng gỗ gụ. Hoa văn thì chao ôi, tinh xảo lạ thường. Chân quỳ, dạ cá (bụng cái sập cong bè như bụng con cá - PV).
Cả bốn phía của sập đều chạm trổ, mỗi dạ đục năm con dơi tượng trưng cho ngũ phúc lâm môn (năm điều phúc đến nhà). Đoạn chia sập, không ai chịu nhường ai khiến thư ký hội nghị phải cho biểu quyết bằng cách hô tên người đăng ký rồi xin ý kiến quần chúng ở dưới đồng ý hay không.
Bố vợ anh Nguyễn Đức Chính, Bí thư khu 1 xã Kim Đức (Việt Trì, Phú Thọ) là ông Lương Đăng Ky hồi đó cũng được ưu ái xếp vào danh sách đăng ký chia sập quý nhưng ông cụ nhất định không chịu mà chỉ đòi cho bằng được… cái cối đá.
Ông Gia, Quế, Nhạc là những người may mắn được chia. Ba cái sập trong đó hai cái khá giống nhau, trạm trổ hình dơi thuộc về ông Gia, ông Quế còn cái còn lại trạm trổ hoa sen, hoa lựu thuộc về ông Nhạc.
Cuối buổi chia tài sản địa chủ, từ cái bát sứt đến cái yếm rách cũng đã có chủ mới, mọi người phủi đít ra về. Ngoài đường, trong ngõ, tiếng cười nói hể hả chen lẫn tiếng xuýt xoa nuối tiếc. Người vui vì được chia của bở, kẻ tiếc vì những thứ tưởng của mình mười mươi rồi lại rơi vào tay kẻ khác.
Bà Đỗ Thị Gia, khu 2 xã An Đạo (Phù Ninh, Phú Thọ) về làm dâu của cụ Đinh Văn Dê từ năm 1957 vẫn còn nhớ bố chồng bảo cái sập, đôi lọ lộc bình và cái lư hương đồng là tài sản có được sau cuộc đấu tố địa chủ năm 1954. Mặt sập bằng ba mảnh gỗ gụ ghép lại, bốn góc dưới bắt với nhau bằng bốn cái vít sắt, chúng đã rỉ sét đến mức không thể tháo được. Hoa văn trên cái dạ cá có chạm mấy con dơi, miệng mỗi con ngậm một chữ Hán.
Chiếc sập nhà bà Gia Ngày xưa mỗi lần trời mưa chồng bà và bố chồng lại hì hụi tháo chiếc sập ra đem ra sân cọ cho bóng lộn, bóng lừ, bóng đến mức có thể soi thấy mặt mình trong đó được.
Hồi những năm 80 của thế kỷ trước, cả nước đói quay đói quắt có người đến nhà bà Gia gạ đổi cái sập lấy một con trâu mộng. Họ cứ ngọt nhạt mà rằng: “Cái sập nhà bà để đây cũng chỉ là cái sập nhưng con trâu còn kéo cày được, còn sinh ra con ghé được, đổi thế có lợi quá còn gì?”. Mẹ chồng bà Gia trả lời luôn: “Đây là của đấu tranh giai cấp nhà tôi được chia nên để lại cho con cháu dùng. Tôi mà đổi chẳng nhẽ lại buộc con trâu ở giữa nhà được à?”.
Biết bà già nói mát, mấy người khác lủi thủi quay lưng. Lại có người có cái nhà gỗ to đại khoa với sáu hàng chân cột, câu đầu kẻ nghé, cửa bức bàn song tiện đến cứ ngắm đi ngắm lại cái sập rồi buông một câu: “Cái này phải để ở nhà tôi mới xứng chứ nhà bà vách đất, lợp lá không hợp đâu”. Đợi ông khách lắm tiền nhiều của ra khỏi cổng, mẹ chồng bà Gia cứ ngoảnh vào bức… vách mà chửi cho bõ tức.
Còn tiếp...