Câu chuyện về giấc mơ cứu sống hai con cò vàng gặp nạn của ông Bùi Văn Tài (thôn Vị Giang, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) bỗng trở nên ly kỳ, khi sáng hôm sau tất cả mọi người bỗng giật mình thấy trong vườn gia đình ông xuất hiện cả ngàn con cò trắng bay từ đâu đến đậu trên dãy bạch đàn.
Giấc mơ kỳ lạ khiến người dân xôn xao bàn tán chưa kịp “nguội”, thì lại được tiếp thêm sức nóng, khi gia đình ông Tài từ chỗ nghèo đói chạy vạy từng bữa ăn, nợ nần chồng chất bỗng phất lên như diều gặp gió, xây nhà tầng, tậu xe hơi và cất tiền tỉ trong nhà.
Kỳ lạ giấc mơ đàn cò “vàng”
Theo chân đại gia “chân đất” dạo một vòng khắp vườn cây, đầm cá mới thấy được sự trù phú mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất kỳ diệu này. Chỉ tay về vạt rừng bạch đàn nằm cuối khu rừng rộng bạt ngàn gần 3 ha của gia đình, ông Tài cho biết: “Dãy bạch đàn ấy chính là nơi đàn cò đầu tiên đến trú ngụ, hồi ấy mới có khoảng 1000 con cò bay đến đậu mà nhìn đã thấy hoa cả mắt. Thế mà bây giờ, đàn cò đã gần 3 vạn con. Thấy đàn cò sinh sôi nảy nở mới biết thời gian trôi nhanh đến thế nào”.
Đã 15 năm trôi qua, với ông, đàn cò đông đúc ấy bây giờ như những thành viên gia đình, không thể tách rời sau giấc mơ kỳ lạ.
Ngồi dưới tán cây rợp bóng, lau vội những giọt mồ hôi rịn ra trên trán, người đàn ông 53 tuổi nở nụ cười phúc hậu kể về cuộc đời đầy gian truân và cái duyên kỳ ngộ của mình với đàn cò “vàng”.
“Năm 1994, sau khi rời quân ngũ phục viên, vợ chồng tôi nhận hơn 2 ha khu đầm gần nhà và vay mượn rất nhiều tiền để phát triển mô hình kinh tế. Suốt 4 năm trời, dù đã dồn bao công sức đào ao, xây chuồng trại để chăn nuôi lợn, gà, vịt, cá và trồng thêm các loại cây ăn quả vậy mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Nợ nần chồng chất khiến cả gia đình lao đao”, ông kể lại những ngày khó khăn.
“Khi thấy vợ chồng ông Tài làm ăn thua lỗ, các con nợ xúm vào đòi gắt gao. Ngày nào cũng có người kéo đến nhà ông ấy, có người còn xiết nợ, khiêng đồ đạc nhà ông ấy đi. Người thì đến nhà ép ông ấy gán nhà trả nợ rồi bán đất để đòi bằng được tiền”, ông Nguyễn Văn Huỳnh hàng xóm thân thiết nhà ông Tài cho biết.
Bị dồn đến bước đường cùng, ông đã tính đến việc bán cả gia sản để trả nợ rồi dẫn vợ con bỏ xứ vào Nam lập nghiệp. Thế nhưng, vợ con ông không nỡ rời bỏ mảnh đất mà ông cha bỏ bao công sức gây dựng. Cực chẳng đã, ông quyết định một mình vào Nam.
Đêm trước ngày lên đường, nỗi buồn của kẻ sắp tha hương khiến ông trằn trọc không sao ngủ được.
Ông Tài “ mô hình kinh tế “VAC -Cò” khiến ông đổi đời sau giấc mơ kỳ lạ. “Hôm ấy là rằm tháng 8 năm 1998. Thao thức đến 2h sáng không chợp mắt nổi, tôi trở dậy ra chiếc võng đầu hè nằm ngắm trăng sao. Rồi một lát, trong giấc ngủ thiu thiu, tôi mơ thấy mình đang đi trong rừng bạch đàn phía sau nhà.
Bỗng nhiên từ trên cành bạch đàn rơi xuống hai con cò lông vàng óng ả, một con gẫy cánh, còn một con gẫy chân, kêu thảm thiết. Thấy thế, tôi bèn nhặt hai con cò tội nghiệp về đắp thuốc và chăm sóc vết thương. Đang mê man, tôi giật mình thức giấc bởi những tiếng động lạ ở phía cuối vườn cây sau nhà”, ông nhớ lại.
Vội chạy lại, ông kinh ngạc khi nhìn thấy hàng ngàn con cò trắng chao liệng rồi sà xuống vạt bạch đàn. Không dám tin vào mắt mình, ông vội chạy vào nhà gọi vợ con dậy rồi cả nhà kéo nhau ra vườn xem thử.
“Lúc đầu, cả nhà sợ lắm, chẳng biết chuyện gì đang xảy ra, ai cũng ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy sự lạ như thế này”, bà Vân vợ ông Tài vẫn chưa hết ngạc nhiên khi nhớ lại.
Những ngày tiếp sau đó, vợ chồng ông cố xua đàn cò đi nhưng không thể, thậm chí chúng làm tổ ngay trên những thân cây trong vườn, sinh sôi nảy nở.
Chuyện hàng nghìn con cò lạ bay đến trú ngụ ở khu vườn của gia đình ông Tài khiến người dân hiếu kỳ lũ lượt kéo nhau đến xem. Họ lại càng ngạc nhiên hơn sau khi biết về giấc mơ kỳ lạ của ông Tài.
“Ai đến cũng chạy ra vườn ngắm đàn cò rồi xuýt xoa bảo đấy là đàn “cò vàng, cò bạc” là ông trời ban may mắn cho gia đình chúng tôi. Các cụ trong họ biết chuyện cũng đến nhà nói chuyện và khuyên rằng đây là điềm tốt, “đất lành chim đậu” và bảo ông nhà tôi ở nhà cùng vợ con gây dựng lại, không phải đi đâu cả”, bà Vân xúc động nhớ lại.
Lấy đàn cò làm động lực thoát nghèo
Nhờ những lời khuyên chân thành ấy, ông quyết ở lại quê hương cùng gia đình bảo vệ đàn cò và bắt đầu xây dựng lại mô hình kinh tế.
Từ chỗ làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, sau 15 năm nỗ lực không ngừng, gia đình ông không những trả hết số nợ, thoát nghèo mà còn nhanh chóng vươn lên trở thành hình mẫu làm giàu tiêu biểu của xã.
“Ông ấy bây giờ xây được nhà tầng khang trang rộng lớn, mua được ô tô riêng giá cả trăm triệu đồng và trong nhà lúc nào cũng cất sẵn tiền tỉ. Nhìn khắp xã này, mấy ai có được khối tài sản như ông vậy”, ông Phạm Viết Hùng (hàng xóm của ông Tài) cho biết.
Khoảng thời gian ông Tài đổi đời, nhiều tin đồn xôn xao việc ông giàu lên nhanh chóng có gắn liền với “giấc mơ lạ” 15 năm trước.
Sau 15 năm đàn cò đã lên hơn 3 vạn con. “Hễ có một giống cò mới bay đến sinh sống là y như rằng, nhà ông ấy trồng thêm cây, hoặc nuôi thêm con giống mới. Như mấy năm trước tự nhiên có một đàn sếu mỏ thìa, cò nhạn từ đâu tới định cư trên vườn cò nhà ông ấy (loài sếu mỏ thìa quý hiếm đã được ghi trong sách đỏ của thế giới - PV), thì nhà ông ấy lại nuôi thêm cá sấu thương phẩm. Ở vùng này, từ trước đến giờ chẳng ai nuôi cái giống ấy, thế mà có lúc, nhà ông Tài nuôi đến 200 con”, bà Bùi Thị Ninh (người dân địa phương) xuýt xoa..
Trò chuyện cùng phóng viên, ông Tài bảo, chuyện đàn cò về cũng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng lại khiến hai vợ chồng thêm vững tâm, quyết chí làm ăn.
“Giờ kinh tế khấm khá lên, tôi coi chúng như báu vật, trông nom, săn sóc cẩn thận. Thấy vườn cây thưa thớt mà đàn cò ngày một đông thêm, vợ chồng tôi lại vay mượn thêm 240 triệu đồng lên tận Thái Nguyên mua giống măng Bát Ðộ, keo giống về trồng để đàn cò có nơi trú ẩn. Sau đó, chúng tôi bỏ đi 4 sào ruộng của gia đình để mở rộng đầm cá tạo cân bằng hệ sinh thái và môi trường sống cho cò”, ông cho biết
Theo một cán bộ phụ trách khuyến nông địa phương, thì chính từ việc chăm sóc đàn cò mà mô hình kinh tế VAC nhà ông Tài được mở rộng, giống cây trồng đa dạng hơn.
“Tôi bán hết hơn 20 con trâu, bò và mấy chục con lợn cùng mấy trăm con gà vịt. Số tiền thu được, tôi chuyển sang trồng 100 cây nhãn và hơn 1000 gốc thanh long ruột đỏ, kết hợp thả cá rô, nuôi ếch, khoanh vùng nuôi cá sấu thương phẩm. Không ngờ, tư duy thay đổi táo bạo này đã mang lại cho gia đình khoản tiền lãi rất lớn”, ông vui mừng cho biết.
Hai vợ chồng ông luôn đặt lợi ích bảo vệ thiên nhiên lên trên lợi ích kinh tế. Năm vừa rồi, gia đình ông đã đầu tư thêm mấy trăm triệu để xây dựng tường bao quanh ao để tránh sạt lở bờ, ảnh hưởng tới đàn cò. Đồng thời cải tạo, thay bùn, nước để bảo vệ môi trường sống của đàn cò khỏi bị ô nhiễm.
Không ngờ từ việc làm này mà những lứa cá thả sau này cứ thế phát triển mạnh, không bị bệnh tật như những năm trước. “Nhờ thế, gia đình ông nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên làm giàu, mỗi năm thu về khoảng bốn đến sáu trăm triệu”, bà Vân mách nhỏ với chúng tôi như thế.
Như chính ông Tài khẳng định, lời đồn thổi giữa giấc mơ, đàn cò về và quá trình phất lên thành tỷ phú của ông có lẽ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng quả thật, suốt 15 năm qua, đàn cò vẫn hiện hữu, trở thành động lực trong quá trình vươn lên thoát nghèo chính đáng của gia đình ông.
Trải qua biến thiên, số lượng đàn cò giờ đây đã lên đến hơn 3 vạn con và xuất hiện nhiều chủng loại khác nhau như cò bi, cò nhạn, cò ruồi, cò đen, vịt trời, vạc, sếu mỏ thìa… Còn gia đình người nông dân nghèo Bùi Văn Tài ngày nào, giờ cũng nắm trong tay khối tài sản bao nhiêu người mơ ước.
Trao đổi với PV, ông Bùi Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND xã Chí Hòa cho biết: “Đàn cò xuất hiện ở vườn cây của gia đình ông Tài đã 15 năm nay. Cho đến nay, đàn cò vẫn tồn tại và phát triển lên đến hàng vạn con.
Tuy nhiên việc người dân cho rằng sự xuất hiện của đàn cò có liên quan đến giấc mơ và sự giàu có của gia đình ông tài là không có căn cứ. Có chăng đấy chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Gia đình ông tài có được cơ ngơi như thế là nhờ vận dụng hiệu quả mô hình kinh tế VAC cùng sự nỗ lực phấn đấu của gia đình ông, chứ chẳng phải nhờ đàn cò nào cả”.