Nội dung của Kinh Thiện Sinh ghi lại lời Phật dạy Thiện Sinh - một thanh niên ở trong thành La-duyệt-kỳ - về cách đối nhân xử thế, cách thực thi các bổn phận và trách nhiệm của mỗi người trong mối quan hệ ứng xử hàng ngày với gia đình và xã hội.
Bản kinh này được 2 dịch giả dịch ra tiếng Việt: Thượng tọa Tuệ Sỹ dịch từ Hán ngữ là Kinh Thiện Sinh và ghi thuộc No.16, Phần II của kinh Trường A-hàm (長 阿 含 經 ), còn Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pali với tên gọi là Kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt và ghi thuộc No.31 của Trường Bộ Kinh ( Digha Nikaya). Về cơ bản, nội dung của 2 bản dịch là như nhau, chỉ khác tên của nhân vật có duyên may được gặp Đức Phật và nghe lời dạy của Ngài – Thiện Sinh/ Thi-ca-la-việt. Trong bài viết này, chúng tôi dùng bản dịch của Thượng tọa Tuệ Sĩ để tham khảo.
Tuy có dung lượng ngắn, song trong kinh Thiện Sinh đề cập đến khá đầy đủ những mối quan hệ trong xã hội như: quan hệ cha mẹ - con cái, quan hệ thầy - trò, quan hệ vợ - chồng, quan hệ bạn bè, quan hệ chủ - tớ và quan hệ đàn việt - sa môn với 2 chiều qua lại, chứ không chỉ có một chiều.
Là kinh điển của Phật giáo nên chữ “thầy” trong bản kinh này được hiểu là các đạo sư, là thầy truyền Tam quy Ngũ giới, thầy thế phát xuất gia, thầy giáo thọ, thầy A xà lê…; nhưng ở đó, người thầy tối thượng, bậc đại Đạo sư được các thế hệ đệ tử tôn kính và ngưỡng vọng muôn đời chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bởi Đức Phật đã khai mở con đường cho mọi người thoát khỏi kiếp sinh tử luân hồi, đến bến bờ giác ngộ, giải thoát trọn vẹn, còn “trò” là lớp lớp các đệ tử, là tăng chúng kế tiếp nhau; và vì thé, họ có thể là trò của những người thầy nhưng lại là thầy của những trò khác. Với quan niệm như vậy, mối quan hệ thầy – trò ở đây mang đậm tính cách kế thừa về tâm linh, về sự tu chứng, về đức hạnh, về hành Bồ tát đạo…
Cho dù xuất hiện cách ngày nay đã hơn 2500 năm, nhưng quan niệm của Đức Phật về quan hệ thầy – trò nói riêng, các mối quan hệ khác nói chung trong bản kinh này đều hết sức tiến bộ và phù hợp với mọi xã hội, bởi sự chính xác, đúng đắn của nó. Các quan hệ ở đây không chỉ có một chiều từ trên xuống hay từ dưới lên, mà là quan hệ hai chiều. Ở đó, mỗi cá nhân trong mối quan hệ ấy đều có nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như quyền lợi nhất định.
Trong Kinh Thiện Sinh ghi rõ: với người Thầy, cần thực hiện những điều cơ bản để săn sóc, dạy bảo đệ tử, như:
1. Tùy thuận pháp mà huấn luyện
2. Dạy những điều chưa biết
3. Giải nghĩa rành rõ những điều trò hỏi
4. Chỉ cho những bạn lành
5. Dạy hết những điều mình biết không lẫn tiếc.
Rõ ràng là, để thành công trong việc dạy dỗ đệ tử/học trò, ngoài việc dạy cho họ những kiến thức mới, những điều họ chưa biết, người thầy cần phải nắm được khả năng, tâm lý và tính tình của học trò; bởi lẽ, mỗi người (và trong cả những giai đoạn nhất định) đều có những khả năng, tâm lý, tính tình khác nhau. Chỉ khi hiểu được những đặc điểm ấy ở từng trò, người thầy mới có phương cách giáo hóa tương ứng, cách thức dạy dỗ thích hợp, để đạt mục đích đặt ra. Không chỉ truyền thụ về kiến thức, thầy còn là người dạy cho trò cách đối nhân xử thế, về cách sống, hướng cho họ sống đúng, sống thiện và làm được nhiều điều có ích cho Đạo pháp. Trong quá trình học tập ấy, chắc chắn học trò còn có lúc chưa thể hiểu trọn vẹn những điều thầy đã dạy một cách dễ dàng và nhanh chóng; vì thế, người thầy cần phải giảng giải cho học trò một cách rõ ràng, thấu đáo và không được tiếc công sức cũng như kiến thức của mình.
Nhưng, không chỉ chịu ảnh hưởng từ trình độ, tư tưởng, quan điểm của người thầy và chỉ có quan hệ thầy – trò, các đệ tử/học trò còn có những mối quan hệ khác, mà phổ biến nhất là tình bạn. Tình bạn là một mối quan hệ xã hội phổ biến, có tầm quan trọng đặc biệt đối với mỗi người. Con người không thể sống mà không có ai là bạn. Người không có bạn bè thì không thể có nhân cách bình thường. Nói về sự ảnh hưởng của tình bạn đến mỗi người, ngạn ngữ Pháp có câu: “hãy cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người thế nào”. Sở dĩ như vậy là bởi lẽ, người ta thường kết bạn, giao du với những người cùng sở thích, cùng quan điểm, chí hướng. Mặt khác, khi chơi thân với một người nào hay nhóm người nào thì họ cũng thường chịu ảnh hưởng của đối tượng đó theo quy luật “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Xã hội càng phát triển, con người càng có điều kiện thuận lợi để mở rộng hơn quan hệ xã hội và bạn bè của mình thì sự ảnh hưởng này càng mạnh mẽ. Và, cách đây hơn 2500 năm, bằng tuệ nhãn của mình, Đức Phật đã nhìn thấy sự tác động ấy của xã hội ấy đến sự hình thành, phát triển nhân cách của con người, nên Người cho rằng, ngoài việc hướng cho đệ tử/học trò đi đúng đường sáng, thì một trách nhiệm quan trọng nữa của người thầy là chỉ cho học trò những người tốt để kết bạn.
Như vậy, theo của Phật giáo, thầy không chỉ là người truyền thụ cho đệ tử về kiến thức, phương cách tu học mà còn là người chịu trách nhiệm thay cha mẹ nuôi dạy cho đệ tử, …. Vì thế, để có thể làm thầy, một tỳ khiêu phải có ít nhất mười tuổi hạ, thông suốt kinh luật, có trí tuệ, đảm bảo được về vật chất cho đệ tử và mỗi năm chỉ được nhận một đệ tử mà thôi.
Đối với học trò/đệ tử, nếu cha mẹ là người có công nuôi dưỡng thân xác, thầy giáo thế học cho học trò kiến thức thì thầy dạy đạo là sự tổng hợp của cả 2, bởi lẽ: thầy dạy đạo không chỉ là người dìu dắt hướng dẫn đệ tử phương pháp tu học để thoát khổ, thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, trao cho ta giới thân, tuệ mạng bất sinh bất diệt, giúp cho đệ tử trưởng dưỡng hạnh lành, mà hơn thế nữa, đối với những người xuất gia, từ bỏ những trói buộc của thế gian, phát nguyện sống đời phạm hạnh, chí tâm cầu giải thoát thì ngôi chùa chính là gia đình, thầy tổ chính là cha mẹ.
Người sơ tâm xuất gia, bước đầu gia nhập thiền môn, bắt đầu một cuộc sống mới, hoàn cảnh môi trường hoàn toàn mới lạ so với cuộc sống thế tục thì cũng không ít khó khăn, phải tuân thủ những thanh quy nghiêm ngặt của chốn thiền môn, nhưng những điều đó cũng không khó bằng phải thay tâm sửa tính. Vì thế nên chữ “tu hành” gồm có tu là sử đổi những điều không đúng, những điều sai trái, còn hành nghĩa là làm những việc đáng làm. Quá trình tu tập của người đệ tử không chỉ tính bằng một ngày, một tháng, một năm hay nhiều năm mà là cả chiều dài thời gian.
Vượt qua những thử thách gian khổ của những ngày tập sự, hành điệu từng bước, từng bước lên từng cấp bậc để thụ lãnh giới pháp mà hành trì, cho đến khi được thụ giới Tỳ khiêu mới chính thức được đứng vào hàng Tăng bảo. Ttrong suốt quá trình tu tập ấy, người thầy luôn luôn kề cận, quan sát người đệ tử trong từng suy nghĩ, từng bước đi để dìu dắt, để hướng dẫn người học trò không đi lệch hướng. Ngoài việc dạy dỗ, rèn luyện đức hạnh, người thầy còn kiêm luôn vai trò của người cha, người mẹ khi chăm sóc, bởi có khi phải vỗ về, an ủi cũng có lúc phải cứng rắn, nghiêm khắc quở phạt khi đệ tử sai lầm, ương bướng.
Nhưng dù ở hình thức nào thì cũng đều phát xuất từ tấm lòng thương tưởng của người thầy dành trọn vẹn cho đệ tử của mình, với mong muốn đệ tử của mình sẽ trưởng thành, để không phụ chí hướng ban đầu mà họ đã chọn. Vì vậy, để đối lại với những việc mà một người phải làm với tư cách là Thầy, Đức Phật cũng đưa ra 5 việc mà người đệ tử phải thực hiện đối với thầy của mình là: Hầu hạ cung cấp điều cần; Kính lễ cúng dường; Tôn trọng quí mến; Thầy có dạy bảo điều gì không trái nghịch và Thầy có dạy bảo điều gì nhớ kỹ không quên.
Như vậy, những việc mà cả thầy và trò phải thực hiện (được đề cập trong bản kinh nói trên) là điều kiện ‘cần” và “đủ” để duy trì mối quan hệ thầy – trò trong đạo (Phật). Tuy nhiên có thể thấy, những quan niệm của Đức Phật hoàn toàn tương đồng với quan niệm về thầy - trò của Nho giáo. Theo Nho giáo, người thầy phải có đạo đức, tự giác nêu gương và luôn là tấm gương sáng cho học trò. Người thầy không chỉ dạy kiến thức mà còn là sự mẫu mực về nhân cách đạo đức, rèn luyện tu dưỡng và luôn khoan dung, độ lượng với học trò.
Nho giáo còn nhắc đến tinh thần hết lòng vì sự nghiệp giáo dục khi cho rằng, người thầy phải “dạy không chán và dạy không mỏi”. Còn với học trò, trách nhiệm của họ phải ham học, khiêm tốn và tôn trọng thầy. Có lẽ vì thế nên từ lâu, trong dân gian đã có câu nói: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy) để đề cao công lao của người thầy, song cũng là lời nhắc nhở học trò về ý thức tôn trọng thầy cô. Rõ ràng, những quan điểm của Phật giáo và Nho giáo này đã trở thành những giá trị cơ bản, là phương thức ứng xử cần thiết cho bất kỳ thế hệ nào khi có mối quan hệ thầy – trò.
Ở Việt Nam, từ lâu chúng ta cũng đã có truyền thống tôn sư trọng đạo. Hơn 400 năm trước, ở thế kỉ XV, Bộ luật Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông (1442-1479) đã có những quy định về đạo lý tôn sư trọng đạo. Bộ luật ghi rõ: “Làm thầy và trò đều phải hết đạo. Thầy trước tiên phải ngay mình để làm gương cho học trò. Học trò phải tôn kính thầy, chăm chỉ về đường thực học, lấy đức hạnh làm gốc” và “cha mẹ học sinh phải răn dạy con em về đạo thờ thầy. Khi gặp thầy phải kính cẩn lễ phép, không ai được trái lệnh. Nếu không bị khép vào tội bất kính…”.
Thời ấy bất kính với thầy được quy thành một tội và có hình phạt cho tội này là: ”Kẻ khinh nhờn thầy bị phạt tiền là 50 quan. Đánh chửi thầy thì tội nặng hơn. Đánh chết phải tội chém…”. Ngoài ra, luật còn quy định: ” Học trò quên ơn thầy, coi thường thầy thì bị phạt suốt đời không được đi thi ”, và những người ấy, cho dù có xuất sắc đến mấy cùng không được làm nghề dạy học, bởi Bộ luật này đã ghi: “Học trò vô lễ với thầy suốt đời không được làm thầy dạy học”. Trong xã hội phong kiến, tình cảm thầy trò như cha con ruột thịt; và vì thế, không người Việt nào lại không biết câu “mồng Một tết Cha, mồng Hai tết Mẹ, mồng Ba tết Thầy”. Trò thường xuyên thăm hỏi lúc thầy còn sống, về thăm và tạ ơn thầy khi đỗ đạt làm quan, chịu tang và tổ chức tang lễ khi thầy qua đời…
Ngày nay, để hòa chung với sự phát triển của các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội trong quá trình hội nhập và đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, ngành giáo dục nước ta đưa ra mục tiêu: “lấy người học làm trung tâm và biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”, thì mối quan hệ thầy - trò ngày càng trở nên “bình đẳng” hơn: ở đó, giáo viên vừa là người thầy, vừa là "người bạn" của học trò trong quá trình học tập, thậm chí, hiện tượng “trò vượt thầy” về kiến thức và các các mặt khác cũng ngày một trở nên quen thuộc.
Có thể khẳng định, bình đẳng giữa thầy và trò trong xã hội ngày nay là một tất yếu, cần được nhân rộng và phát huy. Tuy nhiên, sự bình đẳng này, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải dựa trên nền tảng của quan hệ thầy - trò truyền thống, dựa trên các tiêu chí cơ bản đã được xác lập thành giá trị như đã đề cập ở trên. Mối quan hệ đó luôn là cốt lõi của giáo dục ngày xưa, ngày nay, cũng như mai sau.
Chính những nhận thức sai lệch về sự bình đẳng trong mối quan hệ thầy trò mà trong xã hội gần đây, đã xuất hiện những hiện tượng đáng quan ngại. Trước sự xâm nhập của nhiều nền văn hoá, lối sống nước ngoài dường như cái gốc của đạo thầy - trò đã có nhiều lung lay, mối quan hệ thầy - trò ngày càng xấu đi: hiện tượng học trò vô lễ với giáo viên ngày càng tăng: nhiều học trò có hành vi vô lễ với thầy cô giáo, một số học trò chỉ vì thầy giáo không cho sử dụng tài liệu trong khi làm bài thi đã tổ chức hành hung thầy, hay có nơi chỉ vì thầy cô giáo có biện pháp quản lý học trò nghiêm khắc mà học trò đã viết giấy bêu xấu, kể tội thầy cô giáo rồi dán khắp trường.
Nhưng bên cạnh đó, cả đạo đức, nhân phẩm và cách cư xử của giáo viên cũng có vấn đề, nhiều người thầy không còn là “tấm gương sáng và mẫu mực” để học trò noi theo, khi những hiện tượng “đổi tình lấy điểm”, “mua điểm bằng tiền”, thầy dạy học qua loa đại khái, rồi tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan, nếu trò nào học thêm ở nhà thầy cô, sẽ được thầy cô cho điểm cao. Phụ huynh nào tặng nhiều quà cho thầy cô thì con em sẽ được thầy cô ưu ái hơn, quan tâm hơn, còn nếu không thì ngược lại…
Những hiện tượng nói trên tuy không thật phổ biến, song rõ ràng, đó đang là hiện tượng báo động cho nền giáo dục nước nhà, nhất là trong việc hình thành nhân cách cho các thế hệ chủ nhân của đât nước trong tương lai. Vì thế, nếu muốn đất nước thực sự phát triển và phát triển bền vững thì nhất thiết phải khắc phục một cách tối đa những hiện tượng nói trên và cần có sự thay đổi cơ bản trong giáo dục.
Sự thay đổi ấy chắc chắn phải xuất phát từ nhiều phía, song quan trọng nhất là từ 2 đối tượng chính của quá trình dạy và học: THẦY và TRÒ. Việc xây dựng một hệ thống quy tắc ứng xử giữa thầy và trò dựa trên nội dung của chuẩn mực, giá trị nói trên, có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện xã hội hiện nay sẽ là việc làm cần thiết nhất hiện nay. Trong bối cảnh ấy, những quan điểm về mối quan hệ thầy – trò, về những chuẩn mực của người thầy, trách nhiệm của học trò được đề cập đến trong Kinh Thiện Sinh của Phật giáo nói riêng, các quan điểm khác nói chung, hơn lúc nào hết, vẫn đáng để chúng ta trân trọng, gìn giữ, học tập và phát huy./.