Ngôi mộ đặc biệt
Chúng tôi đến nghĩa trang Thanh Tước vào một ngày cuối thu, khi những chiếc lá vàng xào xạc, quang cảnh nghĩa trang tĩnh mịch càng biến nghĩa trang đìu hiu đến lạ.
Phải xin nói lại rằng, Nghĩa Trang Thanh Tước là nơi yên nghỉ của hàng trăm những người có địa vị trong xã hội. Họ là những đại tá, nhà văn, bác sỹ, những giáo viên cao cấp… mới được phép yên nghỉ tại đây. Có những ngôi mô riêng lẻ và có cả những ngôi mộ có “đủ ông, đủ bà”. Họ là đều là những người thuộc giới “VIP” trong xã hội. Thế nhưng, trong hàng vạn ngôi mộ ấy. Một ngôi mộ kỳ lạ nằm ngay ở khu Thánh cao cấp A1 của nghĩa trang Thanh Tước lại thật đặc biệt. Ngôi mộ được xây bởi một lớp đá hoa trắng. Trên mộ đặt những bông hoa sen trắng và đặc biệt có một bài hát và tấm thẻ visa đặt trước ngôi mộ. Đó là một ngôi mộ của một cô bé trẻ tuổi. Đã mất cách đây đúng tròn 14 năm.
Nhớ lại mấy tháng trước, trước khi tôi bắt đầu nghe và đến tìm hiểu về ngôi mộ ấy. Cô gái bạn của tôi, vốn là con của một giáo viên được an táng tại đây kể với tôi rằng:
“Lần nào tớ vào đấy, tớ cũng ghé qua ngộ mộ ấy. Nhìn cô bé ai cũng thương, đôi mắt cô bé trong sáng đến lạ. Cô ấy mất mới chỉ 15 tuổi. Cái tuổi còn bao ước mơ và một sứ mệnh vẫn dang dở. Mình cũng khóc không ít lần đứng trước ngôi mộ đó”
- Cô bé ấy là ai?, Tôi hỏi
- Mình nhớ cô bé ấy tên Linh. Những người ở đó không gọi là một mà là “ngôi nhà nhỏ” của cô bé. Ngôi nhà nhỏ ấy đặc biệt lắm, sen trắng trước mặt, một bài hát của người mẹ đặt phía trước cùng với tấm thẻ visa của cô bé.
- Cậu còn biết gì về cô ấy không?
- Không, mình chỉ nghe kể thế, chỉ nghe chừng đó thôi đã nghĩ cô ấy chắc là phải có một câu chuyện thật buồn nào đó. Đáng nhẽ cô ấy sẽ có một cuộc sống khác hơn. Cô ấy mất hình như mới 15 tuổi, mới chỉ học lớp 9 là một học sinh giỏi của trường Lương Thế Vinh năm ấy…”
Ngôi mộ đặc biệt ở nghĩa trang Thanh Tước
Vẻn vẹn trong tôi lúc ấy chỉ có được câu chuyện của cô bạn với những dòng tâm sự như vậy. Nghe câu chuyện của cô bạn khiến tôi tự mình đặt ra nhiều câu hỏi trong đầu. Tại sao một cô bé 15 tuổi lại được an táng ở nơi dành cho những người quyền cao chức trọng như vậy? Và vì sao, ngôi mộ cô bé đặc biệt? Bài hát trong mộ cô gái, và tấm thẻ visa chất chứa điều gì? Và vì sao cô bé lại ra đi khi tuổi đời vừa mới “trăng tròn”? Điều bí ẩn đó chính tôi cần tìm lời giải đáp…
Rồi tôi tìm đến Nghĩa trang Thanh Tước mong tìm được câu chuyện về cô bé. Ngày tìm đến, câu chuyện của em không mấy người biết. Hỏi nhiều người, họ cũng chưa từng nghe thấy. May thay, có một người quản trang đã già. Ông đã làm ở đây mấy chục năm qua, những chuyện gì có ở đây ông đều tỏ tường. Ông bảo, hàng vạn ngôi mộ ở đây. Ông không nhớ toàn bộ, nhưng ngôi mộ đặc biệt mà tôi nhắc đến thì có lẽ ông không bao giờ quên.
Ông không nhắc nhiều đến câu chuyện của cô bé, chỉ nói với tôi rằng cô gái ấy nằm ở khu cao cấp A1 của nghĩa trang và gần khu Thánh. Câu chuyện về cô gái tôi cũng không được nghe được nhiều thông tin nào từ ông. Ông chỉ vẹn vẹn biết rằng cô bé là Đại diện trẻ em Liên hợp Quốc nên được an táng tại đây.
Với lời chỉ dẫn của ông quản trang và sự hướng dẫn của ông trưởng ban quản lý nghĩa trang tên Việt, tôi tìm được đến ngôi mộ của cô bé. Quả thật, chỉ nhìn qua đã thấy một sự khác biệt của “ngôi nhà nhỏ” ấy. Một ngôi mộ được lát bằng những đá trắng, trên mộ có bông sen trắng, một tấm thẻ visa và một bài hát in trong cuốn sổ được đúc bằng đá đặt phía trước có thiết kế lạ lùng. Trong cuốn sổ ghi một bài hát đau buồn đến lạ:
“… Mẹ chỉ có một mình Tit Ty. Ông trời sao lại nỡ đón con đi. Con gái mẹ mong manh phận mỏng mà gánh trên vai sứ mệnh dầy. Con nằm đó... mẹ gọi Tit… Ty. Con nằm đây là mãi ra đi. Con nhắc mẹ thương con đừng khóc mà gắng thay con sứ mệnh này..” ... Nhớ về ngày con gái mãi đi xa... Ký tên : Nguyễn Thị Phương Dung"
Trước mặt tôi, một tấm di ảnh trên ngôi mộ là hình ảnh của một cô bé 15 tuổi, có mái tóc ngang vai, mặc bộ quần áo học sinh màu trắng, và đặc biệt có đôi mắt rất sáng. Trên ngôi mộ, khắc những dòng chữ màu vàng, rõ nét: “Phạm Phương Linh, … Đại diện trẻ em Việt Nam tại khóa họp đặc biệt Liên hiệp quốc năm 2001. Sinh ngày 5/7/1987; Mất ngày: 19/11/2001; Tức ngày 5/10 Tân Tỵ…”
Ngôi mộ cô bé Phạm Phương Linh ở nghĩa trang Thanh Tước
Như vậy, có nghĩa là thông tin mà tôi có được từ đây không nhiều. Tôi cố gắng lần mò tìm thông tin về em. Tôi tìm trên mạng chỉ có vẻn vẹn đôi dòng về em và chợt dừng lại ở một bài viết có thông tin nhỏ đó. Tôi được biết rằng, vào thời điểm ấy, đã có hàng trăm bài viết viết về em, về việc tại sao em lại mất. Nhưng mấy trăm bài viết ấy ở đâu, trong khi trên mạng chẳng để lưu lại thông tin gì… Duy nhất chỉ có vài dòng thông tin về việc em mất do “một vụ tai nạn giao thông kinh hoàng trên đường Láng Hòa Lạc trong thời điểm ấy”.
Tôi bắt đầu đi tìm hiểu thông tin về em và tìm thông tin về vụ tai nạn năm ấy…
Tôi đi tìm em
Tôi bắt đầu từ việc tìm gặp mẹ cô bé là bà Nguyễn Thị Phương Dung với hy vọng có được những thông tin mà tôi thắc mắc. Từ những thông tin mà tôi nắm được thì trước đây gia đình cô bé sống ở gần trường Lương Thế Vinh (cũ) nghĩa là gần khu vực đường Khương Đình bây giờ. Nghe đâu, hồi đó, gia đình cô bé sống ở tập thể FaFilm vì mẹ cô bé làm ở đó. Thế nhưng khi dò hỏi thì gia đình cô ấy đã chuyển đi cách đây gần chục năm. Những người còn sống ở đó không còn nhiều người nhớ được gia đình cô ấy đã chuyển đi đâu từ hồi cô bé mất.
Tình cờ, có người cho tôi biết thông tin rằng, hình như người thân của gia đình cô gái đang làm chủ một quán cà phê nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Tôi đã tìm đến, dò hỏi tất cả những quán cà phê thông tin về gia đình của em nhưng đều nhận lại là những cái lắc đầu.
Lúc này, một tia sáng lóe trong đầu tôi rằng, thông tin trên “ngôi nhà nhỏ” của còn một dòng nhỏ mà tôi chưa để ý: “Địa chỉ: A103, ..., Kim Mã Thượng, Đống Đa, Hà Nội”. Lại một lần nữa chúng tôi tìm đến địa chỉ này. Lúc đầu, khi tìm đến, tôi đã vô cùng vui mừng bởi vì ngôi nhà này chính là nơi mẹ của cô bé đang sinh sống. Nhìn tấm biển đề “Phương Dung, A103”, cách đây ít năm bà chuyển về đây sinh sống với gia đình chị gái mình.
Tôi có qua đây nhiều lần, bấm chuông và gọi nhưng dường như đã mấy hôm ngôi nhà không có người ở, cửa đóng im lìm đã mấy hôm. Tôi tìm gặp ông trưởng khu này và được biết, thường ngày cô Dung vẫn ở nhà, chắc mấy hôm nay có chuyện gì nên đã đi đâu đó… Tôi còn được biết thêm thông tin rằng, gia đình chị gái và mẹ của cô bé có một quán cà phê ở ngay công viên Thủ Lệ và ở trong khuôn viên trường đội Lê Duẩn bây giờ. Tôi lần theo thông tin ấy, nhưng khi đến nơi, quán cà phê dường như đã đóng cửa cách đây vài năm, bụi đã bám đầy.
Quán cà phê ở ngay công viên Thủ Lệ giờ đã đóng cửa.
Tôi lại trở lại gặp ông trưởng khu và xin số điện thoại gia đình cô Dung hoặc người thân của cô ấy. Lúc có được số điện thoại. Tôi lại một lần nữa hụt hẫng khi số điện thoại mà tôi gọi chỉ đổ những tiếng tút tút mà thôi. Lúc này, một sợi dây vô hình trong đầu tôi bảo với tôi rằng, rất có thể Linh đang trêu đùa tôi, thử thách tôi khi tìm những thông tin về em….
Nguồn tin: nguoiduatin.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự