Người dân và nhà chùa xin trả lại chứng nhận di tích để đỡ phiền hà

Thứ hai - 01/09/2014 07:31
Nửa năm nay, nhiều người dân thôn Tử Dương lúc nào cũng sống trong tâm trạng lo lắng khi chính quyền địa phương yêu cầu phải dỡ bỏ một số hạng mục mới được tôn tạo tại ngôi chùa của làng, chùa Long Khánh. Người thì lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến vấn đề tâm linh của cả làng, người thì bức xúc cho rằng địa phương đã quá cứng nhắc trong việc áp dụng quy định.
Một số câu đối tại chùa Long Khánh (thôn Tử Dương,  xã Cao Thành, Ứng Hòa, Hà Nội) bị chính quyền bắt phải dỡ bỏ do không giống nguyên bản.
Một số câu đối tại chùa Long Khánh (thôn Tử Dương, xã Cao Thành, Ứng Hòa, Hà Nội) bị chính quyền bắt phải dỡ bỏ do không giống nguyên bản.

Sự việc dấy lên bắt đầu kể từ cuối tháng 5/2013 khi UBND huyện Ứng Hòa có văn bản gửi UBND xã Cao Thành và nhà chùa về việc yêu cầu xử lý, khắc phục việc di dời, thay đổi hiện vật tại chùa Tử Dương vì đây là di tích đã được Bộ Văn hóa xếp hạng năm 1992. Theo phản ánh của người dân và nhà chùa, chính quyền địa phương đã yêu cầu nhà chùa phải dỡ bỏ các hạng mục đã được tôn tạo là dỡ bỏ đoạn mái hiên bằng tôn, tháo dỡ các câu đối bằng gỗ xuống và yêu cầu khai quật hai lăng mộ mới được xây để kiểm tra 2 pho tượng bằng đất cũ đã được yên vị, nếu nhà chùa và người dân không chấp hành thì sẽ tiến hành cưỡng chế do vi phạm Luật Di sản. Cũng từ đây đời sống tinh thần của người dân trong thôn bị xáo trộn, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Đỉnh điểm của sự bức xúc là một ngày cuối tháng 5 vừa qua, khi chính quyền cấp huyện và xã Cao Thành có ý định tổ chức khai quật hai lăng mộ này, hàng trăm người dân thôn Tử Dương đã kéo đến sân chùa phản đối chính quyền, không cho khai quật. Hàng trăm người dân phản đối ầm ĩ đã phá vỡ khung cảnh tĩnh mịch nơi cửa chùa và làm xao động cả một vùng quê yên ả. Trước sự phản đối có phần quá gay gắt từ phía người dân vì sợ ảnh hưởng đến vấn đề tâm linh của cả làng mà chính quyền xã đã không thể khai quật được hai lăng mộ trên. Nhưng cũng từ đó đến nay, theo phản ánh của người dân thôn Tử Dương, chính quyền xã Cao Thành liên tục ép nhà chùa phải tự tổ chức tháo dỡ và đã thành lập cả một tổ cưỡng chế sẵn sàng tổ chức cưỡng chế bất cứ lúc nào khiến người dân thôn Tử Dương luôn sống trong tâm trạng lo lắng.

Sư thầy Thích Đàm Tính, trụ trì chùa Long Khánh cho biết, từ bao năm nay chỉ biết tụng kinh niệm phật nên không hiểu rõ các quy định. Chùa được xếp hạng di tích cấp Bộ nhưng nhà chùa chỉ được nhận một tấm bằng về treo mà không được cung cấp bất kỳ một tài liệu, hồ sơ nào liên quan, do đó nhà chùa không hiểu cụ thể các quy định về trùng tu tôn tạo di tích. Tuy nhiên, những hạng mục mà nhà chùa với công sức, tiền bạc của người dân trong thôn cũng chỉ tôn tạo những hạng mục đã thực sự xuống cấp cho khang trang sạch đẹp mà không hề làm thay đổi cảnh quan kiến trúc của ngôi chùa.

Trao đổi ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ tịch UBND xã Cao Thành, ông Mạnh cho biết, sự việc liên quan đến chùa Long Khánh bắt nguồn từ đơn thư khiếu kiện của một vài người dân trong thôn gửi UBND huyện Ứng Hòa về một số sai phạm về Luật Di sản liên quan đến chùa Long Khánh, UBND huyện đã chỉ đạo xã xử lý. UBND xã đã tổ chức họp nhiều lần và những hạng mục nhà chùa tu sửa sai so với Luật Di sản, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép sẽ phải phá bỏ. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc, tại sao khi nhà chùa tiến hành tu sửa UBND xã không có ý kiến góp ý để nhà chùa chờ ý kiến của các cơ quan chuyên môn và các cấp có thẩm quyền? Ông Mạnh lại nói rằng, chính quyền xã không biết việc chùa tu sửa và sự việc diễn ra là do khâu quản lý yếu kém từ phía cán bộ thôn.

Đến đây, câu hỏi đặt ra là tại sao nhà chùa tiến hành tu sửa thời gian kéo dài nửa năm trời, khởi công hay khánh thành nhà chùa đều có mời chính quyền địa phương tham dự mà ông chủ tịch xã lại khẳng định không biết. Hay ngay cả chính quyền địa phương cũng không nắm rõ các quy định về quản lý, trùng tu tôn tạo di tích nên không có ý kiến để đến khi sự việc xảy ra thì cứ theo khung quy định mà áp dụng? Cứ cái gì không đúng nguyên bản thì phá bỏ khiến người dân bức xúc?

Trao đổi với cụ ông Đỗ Năng Lực (83 tuổi, người thôn Tử Dương), cụ Lực là người có thâm niên 40 làm công tác tôn giáo của tỉnh Hà Tây cũ, nay đã về hưu, cụ Lực cho hay, chùa làng đến nay chỉ còn có 3 vật cổ đều đang được nhà chùa giữ nguyên bản, còn những hạng mục được tu sửa đều là những thứ được xây mới đây. Việc trùng tu tôn tạo những hạng mục này không hề làm ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc của di tích. Cần phải áp dụng quy định một cách linh hoạt vì đây là di tích tâm linh. Không thể cứ cái gì làm mới mà không giống cái cũ là phá bỏ được.

Ví dụ như việc dỡ bỏ một số câu đối được con cháu trong làng tiến cúng vì không giống với câu đối cũ được quét bằng sơn trên cột, hay như là cái nền gạch men do dân làng góp từng viên gạch đã được lát từ 20 năm nay để có chỗ niệm Phật sạch sẽ chẳng ai có ý kiến gì, nay có người có ý kiến lại bắt lát lại bằng gạch đỏ cho đúng nguyên bản là quá cứng nhắc. Quản lý di tích không thể theo kiểu bao nhiêu năm chẳng thấy quan tâm, nay có một vài ý kiến không tích cực là cái gì không giống cái cũ là phá bỏ. Làm công tác tôn giáo, quan trọng nhất là làm sao phải yên được lòng dân.

Khi tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân đã có ý kiến rằng, nếu chính quyền nhất quyết bắt phải phá dỡ, hoặc tiến hành cưỡng chế thì người dân thôn Tử Dương và nhà chùa xin trả lại chứng nhận di tích để đỡ phiền hà. Nên chăng, chính quyền địa phương cũng cần xem lại công tác quản lý di tích lâu nay và áp dụng quy định hợp lý để yên lòng dân?

Tác giả bài viết: Phan Hoạt

Nguồn tin: CAND Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây