Người dân xôn xao đạo 'độc nhất vô nhị', chính quyền làm ngơ?

Thứ tư - 18/12/2013 16:25
Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn một số xã, thị trấn của huyện Mê Linh (Hà Nội) và vùng phụ cận không khỏi xôn xao bàn tán về một đạo "độc nhất vô nhị" có tên là "đạo A di đà" chuyên phục vụ các đám ma. Tuy nhiên, nó khiến không ít tang chủ bị bối rối, người dân bức xúc vì đạo này đi ngược hoàn toàn với phong tục truyền thống nhưng vẫn được tuyên truyền, tồn tại.

Nghi lễ trái thuần phong mỹ tục

Với tên gọi giống như câu niệm chính phái của đạo Phật, A di đà Phật cùng cách thức thuyết phục người dân, nếu tin và làm theo đúng nguyên tắc, giáo lý của đạo A di đà thì sau khi chết sẽ được siêu thoát trở thành chính quả, thành Phật, trong một thời gian ngắn, số người dân tin theo đạo này tăng đáng kể.

Anh Nguyễn Vũ Dũng (xã Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội) cho biết, chỉ trong vài tháng mà đạo này có tốc độ lan truyền chóng mặt. Nó gây ra những mâu thuẫn gay gắt trong đời sống của người dân. Không chỉ yêu cầu các tín đồ phải làm trái ngược lại hoàn toàn những nghi thức cúng lễ ma chay truyền thống mà loại đạo này còn đang gây chia rẽ, mất đoàn kết thôn xóm. Địa phương có người chết, một nhóm trong số những người theo đạo này tự tìm đến thuyết phục gia đình tang chủ để họ cúng bái, liệm hộ. Những người này cũng mặc áo tràng lam, cũng gõ khánh, lạy Phật nên bên ngoài nhìn vào dễ nhầm lẫn họ với ban hộ niệm của các chùa đến tịnh xá.

Tuy nhiên, gia đình tang chủ tin và đồng ý làm theo cách thức của họ sẽ phải tuân thủ các nghi lễ rất kỳ lạ mà giáo lý đạo này đưa ra như: Không được khóc thương người quá cố; phải hạ hết các di ảnh trong nhà, thậm chí nếu gia đình tang chủ có thờ Phật Thích ca thì phải lấy vải che lại và xoay hình tượng Phật úp mặt vào tường. Họ tiến hành các nghi lễ rườm rà khiến cho thời gian chờ khâm liệm người chết kéo dài cả ngày trời, mặc thi thể người chết bị phân hủy.

"Hiện tại vẫn chưa rõ lợi ích tham gia "đạo A di đà" như thế nào, song các nghi thức của đạo này rất kỳ quặc, trái với thuần phong mỹ tục địa phương, khiến đa số nhân dân rất bức xúc, phản đối. Thế nhưng không hiểu sao các lực lượng chức năng vẫn "nằm im bất động", họ mặc kệ một số phần tử thản nhiên tuyên truyền, hoạt động" - anh Dũng khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Thỉnh, bí thư chi bộ tổ 3, thị trấn Chi Đông cho biết, đầu năm 2012, có một người ở khu Long Việt (thị trấn Quang Minh, Mê Linh) đã đến giảng và truyền đạo này cho một số bà con. Những người tin theo đạo tiếp tục vận động, truyền đạo cho người khác trong thôn xóm. Đến nay, ít nhất đã có khoảng 30 người trong thị trấn Chi Đông, cư trú rải rác ở 8 tổ dân phố tin theo "đạo A di đà" và thường xuyên tham gia vào các hoạt động của đạo. Mặc dù các giáo lý của đạo này đi ngược hoàn toàn với phong tục tập quán của người Việt nhưng chúng tôi không thể can thiệp, xử lý được. Chính vì vậy, mỗi khi các gia đình có người thân bị chết, khi tổ chức tang lễ, chúng tôi cũng chỉ có thể kêu gọi, đề nghị các đoàn thể, các hội ở địa phương như hội Người cao tuổi, hội Cựu chiến binh... chỉ gửi quà chứ không đến dự, đưa tang người chết với những gia đình làm theo nghi lễ của "đạo A di đà"?!

Vợ Bí thư Đảng uỷ thị trấn theo đạo "độc nhất vô nhị"?

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, muốn tham gia vào đạo này rất đơn giản, người tham gia không cần phải học giáo lý hay phải có thời gian luyện kinh, niệm phật. Họ cần sự nhiệt huyết khi tham gia, tuyên truyền để thu hút người dân chú ý càng nhiều càng tốt. Chẳng biết do sức hút hay giáo lý của đạo này cao siêu, uyên bác đến đâu nhưng trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi không khỏi giật mình khi thấy vợ của Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ thị trấn Chi Đông cũng là những thành viên tích cực khi tham gia giảng giải về đạo này và đây chính là bức bình phong uy tín để quảng bá, mở rộng quy mô hoạt động của đạo nói trên ra các xã của huyện Mê Linh và các vùng phụ cận.

Trả lời về việc vợ mình tham gia giảng giải đạo "độc nhất vô nhị" này, ông Nguyễn Mạnh Sinh, bí thư Đảng ủy thị trấn Chi Đông cho rằng, việc vợ ông tham gia vào "đạo A di đà là có thật". Thế nhưng tham gia vào đạo nào thì ông không nắm rõ vì mỗi người đều có nhận thức riêng, không thể ép buộc nhau phải theo đạo này, đạo kia được? Đề cập tới việc "đạo A di đà" hoạt động trên địa bàn thì ông Sinh cũng thẳng thắn cho biết: "Đạo này chưa được phép hoạt động tại địa phương. Chính quyền đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, theo dõi, quản lý tình hình hoạt động của đạo này. Tuy nhiên, mọi hoạt động ở đó cũng chưa có vấn đề gì gây ảnh hưởng đến an ninh trên địa bàn".

Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi được Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Thượng tọa, phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. Hà Nội cho biết, qua thông tin phản ánh và gọi điện cho Ban trị sự Phật giáo huyện Mê Linh cho thấy, không chỉ có Chi Đông mà một số xã, thị trấn khác trong huyện, đặc biệt ở xã Thạch Đà cũng đang tồn tại rầm rộ những người theo đạo này. Đây hoàn toàn không phải là một nhánh hay một trường phái chính thức đạo Phật, mà có thể là một sự biến tướng, mượn danh đạo Phật, thực chất là một thứ tà đạo. Tuy nhiên, do đa số tín đồ không phải là hòa thượng mà chỉ là những người dân thường, họ tu tại gia và cũng chưa phát hiện có chuyện họ làm các nghi lễ này vì lợi nhuận nên không xử lý được.                     

Sự biến tướng cần ngăn chặn ngay

Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết: Chữ "A di đà" là một câu niệm chính thức của đạo Phật, cũng là danh hiệu của đức Phật. Khi có người thoi thóp, khó tắt thở vì có thể còn một số trăn trở, ước vọng chưa hoàn thành trên cõi trần, những người theo đạo Phật có thể mời các nhà sư đến để trợ liệm nhằm giúp cho người chết ra đi thanh thản. Qua xem xét các nghi lễ, giáo lý của "đạo A di đà" nói trên có thể nhận ra ngay đó là sự biến tướng, lợi dụng đạo Phật để làm những việc hoàn toàn sai với giáo lý đạo Phật. Việc yêu cầu gia đình tang chủ bỏ bàn thờ Phật, di ảnh xuống không đúng giáo lý đạo Phật.

Càng không thể có chuyện yêu cầu gia đình tang chủ để thi thể người chết cả ngày không khâm liệm để cho các tín đồ theo đạo này làm hết các nghi thức như vậy. Do đó, chính quyền địa phương phải can thiệp, xử lý đối với loại tà đạo này cũng như tăng cường tuyên truyền để người dân biết, không tin theo, tiếp tay cho những vi phạm trên.

Nguồn tin: Nguoiduatin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây