Tôi mới biết đến sâm Ngọc Linh từ khoảng 6 năm nay, và từ đó đến nay cũng chịu khó tìm hiểu về loài dược liệu này ở nhiều góc độ.
Thời gian gần đây, người buôn sâm Ngọc Linh ca ngợi nó lên giời. Nhóm buôn sâm, trồng sâm ở Quảng Nam và Kon Tum thì hầu như chỉ biết đến nó, và cho nó là nhất, thổi nó lên tận trời cao, cốt để bán được giá.
Giờ thì sâm Ngọc Linh đã bị thổi giá lên trời. Thậm chí, những củ sâm trồng độ 1 lạng, mà đã được bán tới giá cả trăm triệu đồng/kg. Những củ sâm to, già, được mua bán âm thầm giá trị tiền tỷ, một con số kinh khủng, không tưởng tượng nổi.
Mới đây, khi sâm Ngọc Linh được đưa vào danh mục sản vật Quốc gia, thì giá của nó có lẽ sẽ còn lên cao hơn nữa.
Nhân sự kiện lễ hội sâm Ngọc Linh, tôi xin được viết mấy dòng về loại sâm này, ở góc độ của người tìm hiểu về dòng sâm tiết trúc cũng như Ngọc Linh.
Hầu hết giới buôn sâm, thậm chí giới nghiên cứu, đều khẳng định sâm Ngọc Linh có hàm lượng saponin cao hơn sâm Hàn Quốc, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ, do đó kết luận luôn là tốt nhất thế giới. Điều khẳng định này không có cơ sở và chẳng nước nào công nhận, mà chỉ là tự nhận. Hàm lượng saponin tổng hợp cao không có ý nghĩa gì trong việc khẳng định sâm quý. Bởi hoạt chất saponin rất đa dạng, có nhiều loại, có cả loại không có giá trị.
Nói sâm Ngọc Linh đắt nhất thế giới thì càng sai, vì nó vẫn quá rẻ so với sâm hoang dã Hàn Quốc và sâm hoang dã Trung Quốc. Sâm hoang dã của Trung Quốc và Hàn Quốc có giá vài tỷ đồng một củ nhỏ bằng quả cau. Nếu sấy khô, đóng túi, thì giá của nó có thể lên đến 60, thậm chí 90 tỷ đồng cho một kg sâm.
Giới buôn sâm sống ở quanh núi Ngọc Linh thì cực đoan với những khẳng định của mình về sâm Ngọc Linh, vì có lẽ họ cũng chẳng ra khỏi dãy núi này bao giờ, chỉ biết đến loại sâm đó. Họ ra sức bảo vệ, tung hô còn vì lợi ích.
Tôi may mắn được đi nhiều, tiếp xúc với nhiều thầy lang từng nghiên cứu và sử dụng loại sâm này, nên có chút ít hiểu biết thực tế đa dạng về nó.
Từ năm 2005, trong những chuyến đi rừng với ông Trần Ngọc Lâm (Lào Cai), đã được ông lấy cho những củ mà ông gọi là tiết trúc sâm. Lương y Phạm Văn Thanh, nổi tiếng với bài thuốc trị bệnh dạ dày, cũng nghiên cứu rất kỹ về loại sâm này. Cả ông Lâm và lương y Thanh đều cho biết, Trung Quốc sang Việt Nam thu mua họ gọi là tam thất hoang, để phân biệt với tam thất trồng của họ, chứ tên các thầy thuốc ngày xưa gọi là tiết trúc sâm, đốt trúc sâm. Sở dĩ ông cha gọi như vậy, vì thân nó mỗi năm lại ra một đốt, và tưởng tượng ra những cái đốt như cây trúc, nên gọi vậy. Ông Lâm và lương y Thanh đều gọi như vậy, chứ chưa từng gọi nó là tam thất hoang. Ông Trần Ngọc Lâm thì khẳng định, loại tiết trúc sâm ở Hoàng Liên Sơn với vùng Vân Nam, thậm chí Tây Tạng, với sâm Ngọc Linh cũng chỉ là một, và có giá trị như nhau. Ông Lâm khẳng định điều đó từ 15 năm trước, khi sâm Ngọc Linh còn rất rẻ, chẳng mấy ai quan tâm.
Cái tên tiết trúc sâm càng được khẳng định, khi lần đầu gặp dược sĩ Đào Kim Long, người tìm ra sâm Ngọc Linh năm 1972, tôi được ông kể về hành trình tìm ra loại sâm này, có đoạn nội dung như sau: Hồi vào núi Ngọc Linh, ông Long đã reo lên ầm ĩ, khi phát hiện ở núi này có loài sâm tiết trúc, gọi là Panax, loài mà các nhà thực vật tìm ra nhiều ở Lào Cai. Sau ông đặt tên là sâm K5. Mãi sau mới gọi theo địa danh, là sâm Ngọc Linh.
Như vậy, rõ ràng, ông Long coi sâm trên núi Ngọc Linh chính là tiết trúc sâm, đốt trúc sâm, cùng loài với loài ở Lào Cai. Một thời gian dài các nhà thực vật vẫn gọi nó là tiết trúc sâm, hoặc đốt trúc sâm. Thậm chí, cách nay chục năm, những người trồng sâm ở Ngọc Linh vẫn còn gọi nó là sâm tiết trúc. Sau thì gọi thành sâm tiết trúc Ngọc Linh. Giờ thì chữ tiết trúc đã biến mất, mà thay vào đó là sâm Ngọc Linh, để thể hiện giá trị riêng biệt, đẳng cấp cao hơn các loài tiết trúc mọc ở nơi khác.
Và, trong con mắt giới buôn bán, khi sâm tiết trúc ở núi Ngọc Linh biến thành sâm Ngọc Linh, thì các loại sâm tiết trúc khác đã biến thành... tam thất hoang, đúng với cái tên người Tàu gọi. Sâm Ngọc Linh bỗng dưng “tách loài”, biến thành loại khác.
Đối với người Trung Quốc, thì họ không phân biệt. Họ gọi là sâm Việt Nam, hoặc tam thất hoang. Họ chẳng biết sâm Ngọc Linh là thứ gì. Ngày trước, nếu đem sâm Ngọc Linh với tam thất hoang sang, họ sẽ mua tất với giá rẻ. Còn bây giờ, thì họ sẽ mua với giá cao hơn, để bán ngược sang Việt Nam, chứ bản thân họ không dùng với giá đắt như vậy. Thậm chí, người Trung Quốc đã trồng nhiều sâm tiết trúc và bán cho người Việt Nam. Nhiều con buôn lấy sâm trồng ở Trung Quốc đưa vào Ngọc Linh bán giá cắt cổ, mà khó ai có thể phân biệt được.
Trong chuyến đi Trung Quốc, thăm nhiều tập đoàn Đông dược lớn, tôi đều đưa hình ảnh những củ sâm Ngọc Linh, rồi cả chục loại sâm tiết trúc ở khắp Việt Nam, cho các chuyên gia xem và họ đều khẳng định nó là “tam thất hoang”, có giá trị như nhau, không có sự phân biệt nào.
Qua quá trình tìm hiểu, tôi nhận thấy sâm tiết trúc có đến cả chục loại. Mới đây, tôi còn phát hiện ra một loại nhỏ xíu như cái đũa, rất già và cứng, củ 40-50 đốt mà có 30gr. Phần ruột pha trộn nhiều màu sắc khác nhau.
Sâm tiết trúc phân bố ở hầu hết các dải núi cao từ 1.000-3.000m, ở phía Nam Trung Quốc, Bắc Việt Nam kéo dài đến dãy Ngọc Linh, sang Lào, và tận Myanmar. Các nước khác có độ cao hoặc khí hậu tương đồng cũng có thể có.
Quá trình tìm hiểu, tôi gặp một loại sâm tiết trúc rất lạ ở phía Lai Châu. Loại này có củ giống tam thất bắc, nhưng từ cái củ lại mọc ra cái thân bé tí như cái đũa, màu xanh ngọc, xanh thẫm đến mức gần như đen. Nhai có vị đắng dịu, sau ngọt hậu đúng vị như ở dãy núi Ngọc Linh. Ở Lai Châu có loại ruột tím đen, cũng có vị đúng như sâm Ngọc Linh. Loại này thường được đem vào núi Ngọc Linh để bán giá đắt như Ngọc Linh. Một số người đã gọi nó là sâm Lai Châu. Thậm chí, có nhà khoa học lập đề tài nghiên cứu cũng gọi nó là sâm Lai Châu, có lẽ với mục đích xây dựng thương hiệu mới.
Quá trình tìm hiểu ở Trung Quốc, cùng với cách gọi của các chuyên gia Trung Quốc, thì tôi nhận thấy, nhiều khả năng chính loài tiết trúc là tổ tiên của tam thất bắc trồng bây giờ, được thuần hóa từ mấy trăm năm trước. Theo một số tài liệu, thì tam thất bắc được trồng ở Vân Nam từ thời Minh. Có thể nó được lai tạo giữa nhiều loại tiết trúc sâm hoang dã, để ra một loại củ “quái thai” - chính là tam thất Bắc.
Ở Lào xuất hiện nhiều sâm tiết trúc ruột vàng và tím. Trong số loại này, có cả loại có vị như Ngọc Linh. Ở phía nam Lào, giáp Kon tum thì có loại giống hệt Ngọc Linh. Có một sự thật, là ở Myanmar, phía nam Trung Quốc cũng có loại tiết trúc có vị như Ngọc Linh. Xét nghiệm các kết quả có MR2, và dân buôn sẵn sàng bao kết quả xét nghiệm.
Điều thú vị nữa, là ở núi Ngọc Linh kéo dài từ Nam Trà My qua Kon Tum sang tận Lào không có tam thất hoang sinh trưởng, mà chỉ có sâm Ngọc Linh. Trong khi đó, núi nào ở độ cao 1.000-3000m, hầu hết đều có sâm tiết trúc. Đơn giản là bởi, sâm Ngọc Linh chính là tam thất hoang, chính là sâm tiết trúc mọc ở núi Ngọc Linh.
Có thể, loại sâm tiết trúc mọc ở núi Ngọc Linh là một dòng đặc biệt, có vị đắng dịu và ngọt hậu dễ ăn, ngon miệng, cũng có thể là do chất đất và khí hậu nên nó có vị đặc trưng. Một số vùng của Lai Châu, Lào, Myanmar, Trung Quốc, cũng có loài tiết trúc có vị giống hệt Ngọc Linh và xét nghiệm đều ra chỉ số của Ngọc Linh. Cũng có thể, do chất đất ở những vùng đó tương đồng với núi Ngọc Linh, nên cho ra đời loại sâm có mùi vị như Ngọc Linh, hoặc có thể nó là một phân loài nhỏ trong họ tiết trúc (panax).
Bây giờ, người ta dùng kết quả xét nghiệm để phân biệt sâm Ngọc Linh ở núi Ngọc Linh hoặc “sâm Ngọc Linh” mọc ở núi khác, để phân biệt với loài “tam thất hoang”. Nhưng, có một câu hỏi đặt ra, là ai khẳng định MR2 sẽ tốt hơn các saponin khác, hoặc có tác dụng gì với sức khỏe con người? Hay kết quả xét nghiệm chỉ là tấm bùa hộ mệnh để bán cho người tiêu dùng với giá cắt cổ, cách quá xa so với giá trị thực?
Giới buôn bán cũng đánh giá và phân biệt theo mùi vị, và màu sắc, hình dáng? Nhưng củ sâm Ngọc Linh trồng ở cùng dãy Ngọc Linh, nhưng hình dạng và màu sắc củ ở phía Quảng Nam và Kon Tum đã khác nhau, nói gì ở núi khác, nước khác, vùng địa lý khác cách cả ngàn km? Sự phân biệt “bới bèo ra bọ” đó có lẽ chẳng có ý nghĩa gì.
Tiếc rằng, các nhà thực vật học, các nhà khoa học chưa nghiên cứu về vấn đề này, để giải đáp cho công chúng. Có thể, họ cũng a dua, a tòng, để tạo ra huyền thoại cho củ sâm, để cắt cổ người tiêu dùng. Giá như, cứ đem ra Mỹ, Trung Quốc bán với giá cắt cổ, thì không nói làm gì, đằng này toàn người Việt cắt cổ người Việt bằng những huyền thoại thổi phồng.
Một loại sâm ruột xanh thẫm ở biên giới Lai Châu có vị giống Ngọc Linh nhưng đặc điểm hình thái rất giống tam thất bắc trồng ở Trung Quốc. Có một điều nhận thấy, là tất cả các công dụng của sâm Ngọc Linh mà giới buôn bán nêu ra, đều copy và dán công dụng của tam thất bắc, vì tam thất bắc đã được nghiên cứu cụ thể. Tác dụng của tam thất hoang (sâm tiết trúc) cũng được copy từ tam thất bắc. Vậy tại sao không dùng luôn tam thất bắc hoặc tam thất hoang đi cho rẻ?
Có thể nói, đi sâu tìm hiểu, thì sẽ nhận thấy sâm tiết trúc mọc ở núi Ngọc Linh và mọc ở Hoàng Liên Sơn, hay bên Lào, thì cũng chỉ là sâm tiết trúc mà thôi. Mùi vị, chất lượng có thể khác nhau, nhưng nó cũng chỉ giống như bưởi trồng ở đất Diễn, hay cam trồng ở Vinh, vải trồng ở Thanh Hà (Hải Dương), nhãn lồng ở Hưng Yên... so với vùng khác mà thôi. Việc sâm tiết trúc ở Ngọc Linh cách biệt giá lên đến vài chục lần, cả trăm lần là một điều hết sức vô lý.
Mong rằng, các nhà khoa học cần vào cuộc, nghiên cứu một cách toàn diện loài dược liệu này, để người dân có cái nhìn cảnh giác, kẻo bỏ ra số tiền rất lớn để mua một thứ không có giá trị thực trong chữa bệnh.
Nguồn tin: VTC News
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự