Đền Cấm giờ đây quá nổi tiếng. Đến thành phố Tuyên Quang, hỏi đền Cấm ai cũng biết, chỉ dẫn rành rẽ và không quên “buôn” vài chuyện về “xà thần” trên quả núi này.
Đền Cấm thuộc xóm 16, xã Tràng Đà, cách trung tâm TP. Tuyên Quang chỉ vài km, dưới chân quả núi đá vôi cây phủ xanh ngặt. Khung cảnh đền Cấm ngày cuối tuần khá tấp nập, xe cộ đông đúc, người ra vào chen chúc, khói hương nghi ngút.
Ngôi đền nằm ở lưng chừng quả núi khá cao. Núi Cấm thuộc dải núi trùng điệp, chạy đến tận Tân Long, Ba Xứ, chìm trong mây mù huyền ảo.
Leo hết bậc tam cấp, thì một vách núi hiện ra. Dưới chân vách núi, là mỏm đá nhô lên, như hòn non bộ nhân tạo, án ngữ trước Lầu Cô Bơ.
Những người lần đầu đến ngôi đền này, khi bước chân đến trước hòn non bộ, đều phải dựng tóc gáy bởi con rắn khổng lồ, thân to bằng cái phích, bành mang với vẩy tua tủa sau đầu, mắt mở thao láo nhìn xuống phía chân núi.
Con rắn bằng bê tông ấy được đắp giống hệt rắn thật, chui từ trong hõm núi ra, thân quấn quanh mấy khối đá, rồi dựng đầu lên. Nhiều người nhìn thấy “ông rắn” ấy, thì chắp tay, khom người, cúi đầu vái lia lịa, rồi khói hương nghi ngút dưới chân rắn.
Thấy tôi hí hoáy chụp ảnh, chị Minh, người bán nhang rong ở cổng đền tiến đến bảo: “Ngài rắn thiêng lắm, ai đến cũng phải khói hương đàng hoàng, chứ không dám chụp ảnh nghênh ngang như chú đâu. Chị bán nhang ở đây, chị được chứng kiến nhiều chuyện của “ngài” thiêng lắm. Có thể nói là cầu được ước thấy đấy. Nhiều người hiếm muộn, chữa trị, bệnh viện chục năm không ăn thua, đến cầu “ngài”, thế mà mấy tháng sau đã thấy sắp lễ tạ ngài vì mang bầu. Chuyện cầu xin đỗ đại học thì nhiều lắm. Còn cầu phát đạt thì chị cũng không rõ thực hư thế nào, nhưng thấy nhiều người đến lễ tạ, thì rõ là cuộc sống của họ phải xuôi chèo mát mái…”.
Tôi đồ rằng, Minh cứ tuôn một tràng như thế, có lẽ cốt là để bán nhang, bán lễ cho khách hành hương đến chiêm bái ngôi đền này. Tuy nhiên, chuyện chị kể về “ngài” rắn từng xuất hiện ở mỏm núi này, thì nhiều khả năng là thật.
Đền thờ rắn nằm dưới chân núi Cấm
Chuyện rằng, cách nay chừng chục năm, như mọi ngày, mặt trời còn chưa nhô lên khỏi núi Cấm, thì chị cùng mấy người nữa lên đền quét lá, dọn rác, để chuẩn bị cho một ngày buôn bán.
Trèo hết bậc tam cấp, quét lá rụng dưới Lầu Cô Bơ, thì chị Minh chết đứng, khi trước mắt mình là một “ông rắn” khổng lồ, thân to bằng bắp tay, dài loằng ngoằng. Nửa thân của “ông rắn” vẫn còn ẩn trong hốc đá. Nửa thân còn lại quấn quanh một mỏm đá, cái đầu kê lên một mỏm đá, đôi mắt mở thao láo nhìn mọi người đang quét dọn lá khô.
Định thần lại, chị Minh nhận thấy “ông rắn” rất lạ, có cái đầu màu đỏ thẫm, một vệt đỏ chạy dọc sống lưng (?!). Trên đầu “ông rắn” dựng lên những cái vẩy nhìn rất dữ dằn. Phía chóp đầu, trên mũi, rõ rành rành cái mào đỏ tươi như mào gà.
Hình nộm rắn có rất nhiều trong đền Chuyện “ngài” xuất hiện ở đền Cấm, nhiều người được chứng kiến trực tiếp. Hình dạng, màu sắc của “ngài rắn” này rất giống với loài “rắn thần” xuất hiện thường xuyên ở núi Cấm mà các cụ trong làng thường kể.
Hình dạng chung của “ngài” là có màu đỏ ở đầu, đuôi và chạy dọc sống lưng. Các cụ còn kể rằng, có lúc “ngài” biến hình nhỏ bằng ngón tay, có lúc bằng bắp chân, khi thì to bằng thân cây chuối. Vị trí xuất hiện của “ngài” thường không cố định, ở khắp núi Cấm. Tuy nhiên, địa điểm hay bắt gặp “ngài” nhất thường là quanh khu đền Cấm.
Chuyện rằng, một lần, có nhóm đàn ông cùng với mấy phụ nữ ở phương xa đến vãn cảnh đền, đã gặp “ngài rắn” khổng lồ phơi nắng trên “hòn non bộ”. Mấy người phụ nữ thấy rắn ở đó, thì tin rằng “ngài” hiển linh, nên sắm lễ, hương khói, khấn vái “ngài” mong được phù hộ độ trì.
Mấy người đàn ông thì tướng mạo bặm trợn, nghịch ngợm, không tin vào chuyện tâm linh, thần thánh, nên cứ bô bô nhạo báng mấy phụ nữ kia. Nhóm đàn ông này còn đùa cợt bằng cách cầm gạch đá thi ném… trúng đầu “thần xà”.
Mặc cho nhóm phụ nữ can ngăn, nhóm đàn ông này cứ nhặt những viên cuội, đá ném bôm bốp vào đầu, thân rắn. Mặc dù ném trúng, nhưng “ngài” vẫn nằm im, không thèm để ý đến sự trêu đùa của nhóm người nọ. Một người trong số đó còn bạo gan cầm cây gậy tiến đến gần đập mấy nhát vào mình “xà thần”.
Quá tức giận nhóm đàn ông kia, “xà thần” dựng đứng thân, lao đầu về phía họ, miệng há to, mang bạnh lớn, lưỡi thòng lòng, đặt biệt là đôi mắt bỗng nhiên đỏ rực như hai hòn than.
Mặc dù đầu và thân rắn nhào về phía đám người kia vài mét, nhưng thân rắn vẫn chìm trong hốc đá. Không hiểu do bất ngờ, sợ hãi quá, hay uy linh của “thần xà” khiến đám đàn ông kia mất hết hồn vía, nhũn người, quỵ gối xuống, miệng há hốc, không nói được gì, cũng không cử động được.
Lát sau, con rắn khổng lồ cuộn thân, biến mất trong hốc núi. Mấy người phụ nữ phải cúng vái như bổ củi, đám người kia mới hoàn hồn, xuống núi được.
Người dân ở đây bảo rằng, không chỉ “báo oán” những khách vãng lai qua đền xúc phạm “rắn thần”, mà ngay cả những người trong xóm 16, thuộc xã Tràng Đà cũng không ít lần mạo phạm bị “thần rắn” hành cho khổ sở.
Bà Tự, người dân trong xóm kể rằng, cách đây chừng chục năm, chồng bà lên núi Cấm lấy củi, thì gặp rắn lạ to bằng cái điếu cày, đầu đỏ, đuôi đỏ thẫm nằm phơi nắng trên mỏm đá. Chồng bà vốn chả mê tín, không tin chuyện “thần xà”, nên ông rút que củi dài, to bằng bắp tay vụt một nhát rất mạnh vào sống lưng “ngài”.
Bình thường, một cú vụt trúng sống lưng như thế, thì rắn to cỡ nào cũng gãy xương sống mà quằn quại, không chạy được, nhưng đằng này, con rắn lạ ấy chẳng hề gì. Mặc cho ông vụt tới tấp, con rắn vẫn bình tĩnh như không, chậm chạp trườn vào trong hốc đá và mất tích.
Điều kỳ dị, là đêm hôm ấy, chồng bà Tự không ngủ được, cứ mơ thấy rắn quấn quanh người. Sáng ra, toàn thân ông cứng đờ, không dậy nổi, cứ nằm bất động. Ông kêu lưng đau như gẫy xương, không thể cong lưng ngồi dậy.
Gia đình hãi quá, thuê xe đưa ông xuống bệnh viện tỉnh. Điều kỳ lạ là dù chiếu chụp kiểu gì cũng không phát hiện ra bệnh. Nghe chồng kể chuyện hôm trước lên núi gặp loài rắn mà dân cư trong vùng vẫn gọi là “ngựa ngài”, là “thần xà”, ông có dùng gậy đập cho ngài mấy cái, bà Tự mới hoảng hồn khóc lóc thở than.
Bà Tự tin rằng “thần xà” đã “báo oán”, nên ngay lập tức bà sắm lễ lớn, đến đền Cấm xin “ngài” thứ lỗi cho ông chồng có mắt mà không nhìn thấy thánh thần. Điều kỳ lạ, là cúng xong, thì nhận ngay được điện thoại của con cái, thông báo tự dưng chồng bà ngồi dậy được, đi lại như thường, không kêu đau lưng gì nữa.
Còn rất nhiều những lời đồn rợn người liên quan đến loài rắn ở núi Cấm này. Lời đồn kinh dị nhất là cái chết của ông S., thợ bắt rắn, người xóm bên. Ông S. đã tóm được con rắn lạ có đầu đỏ, đuôi đỏ ở núi Cấm, liền cho vào bao xách ra chợ bán. Khách đến mua rắn, ông S. đổ con rắn ra.
Vừa trút con rắn ra, thì cả ông S. và người mua rắn đều táng đởm kinh hồn, khi con rắn ông bắt được chuyển màu đỏ lòm như máu từ đầu đến đuôi, đôi mắt như hòn than tóe lửa và cái mào mọc lên đỏ lòm như mào gà chọi. Mọi người đều tin con rắn đã hóa “thần xà”.
Cả ông S., người mua rắn và những người trong chợ nháo nhào, bỏ chạy. Lát sau, mọi người mò đến, thì không thấy con rắn đâu nữa. Sau hôm đó, ông S. ốm nặng, rồi thời gian sau thì qua đời.
Bà Nguyễn Thị Báu, nhà ở chân núi Cấm thì kể chuyện về anh C., sinh năm 1973, người cạnh nhà bà. Anh này cũng chẳng biết sợ ma quỷ, thánh thần, nên mặc ai khuyên can, tóm ngay con rắn lạ ở đền Cấm, to bằng cổ tay. Anh này cho vào túi vải, treo lên dây thép phơi quần áo ở ngoài sân, để hôm sau làm thịt mời bạn bè trong xóm đến nhậu.
Hôm sau, khi mở túi vải, thì điều kinh dị xảy ra trước mắt: Con rắn không thấy đâu, mà chỉ có con lươn đen sì, to bằng cổ tay. Anh C. hãi quá, liền thả con lươn xuống hồ, rồi ốm bẹp giường chiếu cả tháng. Người nhà đã mời thầy, làm lễ rất nhiều lần ở đền Cấm, nhưng anh C. vẫn không được tinh khôn, nhanh nhẹn như xưa.
Còn tiếp...