Những đứa trẻ lớn lên dưới mái chùa

Thứ sáu - 29/10/2010 15:40
Tọa lạc ngay gần ngã sáu trung tâm thành phố Bắc Ninh, khu đồi Nác (xóm 10, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh) từ lâu đã trở thành địa chỉ tham quan, du lịch văn hóa và sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh quen thuộc của cư dân miền quan họ.

Không chỉ có Văn miếu Bắc Ninh - một di sản biểu trưng cho nền văn hiến, khoa bảng vùng Kinh Bắc, đồi Nác còn được biết đến với quần thể di tích lịch sử văn hóa chùa Nác- tên chữ Cao Sơn tự, nơi các bậc chân tu đã và đang tạo lập một cô nhi viện thu nhỏ, cưu mang, nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh. 

Lớp học nhỏ trong chùa 

"Dù là người xuất gia hay tại gia đều phải trên kính dưới hòa, nhẫn được điều người khó nhẫn, làm được việc người khó làm", Sư thầy Thích Đàm Bình, trụ trì chùa Nác, khu 10, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh tiếp chúng tôi bằng những lời mở đầu như thế.

Theo thầy Bình, Phật pháp tại tâm, vì lẽ Lòng thì ai cũng như ai, cái Tâm ấy mới bằng hai vàng mười. Không phải cứ khoác trên mình tấm áo nhà Phật là có quyền quên đi bể khổ trầm luân. Phật pháp luôn đồng hành cùng dân tộc, người tu hành luôn cần Khéo tu thập thiện, tạo phúc cúng dàng, cùng tăng ni Phật tử gần xa thành tâm hướng thiện, phổ độ chúng sinh. 

Quê ở một xã nghèo thuộc huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang), thủa hàn vi theo mẹ lên chùa nương náu cửa Phật từ lúc mới lên 9 tuổi, thầy Bình càng thấu hiểu những cơ cực mà nhiều em nhỏ không may gặp phải.

Về trụ trì chùa Nác (tên chữ là Cao Sơn tự) năm 1994 khi ở tuổi 20, năm 1995 thầy Bình đón nhận trường hợp đầu tiên về nuôi dưỡng.

Trong một lần đi thuyết pháp giảng đạo ở huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), được biết cô bé Phạm Thị Yến sinh năm 1982 phải nghỉ học vì gia cảnh nghèo khó, thầy Đàm Bình liền đặt vấn đề với cha mẹ bé Yến và đưa em về chùa tiếp tục nuôi ăn học.

Từ một cô bé học hành dang dở, được thầy Bình chăm lo, Yến học lên THPT và thi đỗ Cao đẳng sư phạm Bắc Ninh, hiện giờ em đã lập gia đình và công tác tại trường mầm non Đại Phúc. 

Kinh nhà Phật răn dạy rằng Thi ân thì đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là thi ân có ý mưu đồ, hơn nữa công việc thiện nguyện đâu cần thiết nói ra. Vì lẽ đó, những mảnh đời cơ nhỡ được nương nhờ cửa phật Cao Sơn tự ngày một nhiều thêm.

Tăng ni Phật tử mỗi dịp lên chùa Nác đều rất đỗi ngạc nhiên khi gắt gặp nhiều em nhỏ chăm chú học bài khuya sớm thay vì tụng kinh niệm Phật.

Thầy Bình cho rằng, nghiệp tu hành đâu phải ai cũng dễ thành chính quả, hơn nữa khi được trang bị hành trang tri thức thì cả đạo và đời đều có thể cống hiến, đóng góp cho xã hội. 

Tấm lòng của một nhà tu hành 

Nhìn lại giờ đã ngót 15 năm, chốn thiền môn Cao Sơn tự đã nuôi dưỡng tổng số 9 Phật tử nhí. Về chùa khi còn khá nhỏ tuổi, được sự cưu mang của thầy Đàm Bình, nhiều em đã học hành thành đạt, vươn lên tạo lập cuộc sống mới.

Điển hình như em Nguyễn Thị Ngân sinh 1987, Nguyễn Văn Hiếu và Nguyễn Thị Oanh cùng sinh năm 1989 cùng quê Hải Dương. Ngân hiện đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, lập gia đình và công tác ngoài Hà Nội, Hiếu tốt nghiệp Trung cấp nghề cơ điện, Oanh vào năm cuối Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh.

Ngoài ra còn có Phạm Thị Hiền sinh 1987 quê Việt Yên Bắc Giang, học xong Trung cấp chuyên nghiệp về nhà làm việc phụ giúp cha mẹ chăm lo cho đàn em. Hiện tại cùng với Oanh và Hiếu, hai trường hợp nhỏ tuổi nhất đang được nhà chùa cưu mang là Phạm Thị Quỳnh sinh 1997 quê Hải Dương và bé Nguyễn Thúy Nga sinh năm 2004 quê Bắc Giang.

Cô bé Quỳnh được thầy Bình đón về khi mới 9 tuổi, năm học này em vào lớp 8 trường THCS Đại Phúc.

Còn bé Nguyễn Thúy Nga về chùa từ tháng 2/2010, ngày ngày quấn quýt bên chú tiểu học viết chữ để vào lớp 1. Nhà có ba chị em gái, mẹ Nga mất vì tai nạn, bố bệnh tật ốm yếu nên đành gửi con nương nhờ cửa Phật. Mỗi trường hợp một gia cảnh khác nhau, do vậy các em đều tự xác định cho mình động cơ phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện đúng đắn.

Riêng đối với Hiếu, còn nhớ do một lần ham chơi theo chúng bạn nên bị nhà trường cho nghỉ học, chính thầy Bình đã cất công xin cho em đi học lại, dấu ấn đó sẽ mãi không thể quên. 

Để có thêm nguồn trợ lực chăm lo cho đám trẻ, ngoài nguồn quyên góp từ thiện của Phật tử gần xa, thầy Bình còn tham gia giảng dạy lớp Trung cấp Phật học tại chùa Đại Thành phường Vệ An thành phố Bắc Ninh.

Giải thích vì sao, các Phật tử nhí đều là người ngoại tỉnh, thầy Đàm Bình cho biết, mọi việc đều có căn duyên của nó. Không phải cửa thiền chùa Nác không cưu mang trẻ em cơ nhỡ trên địa bàn. Vài năm trước, nhà chùa cũng đã nhận nuôi một số trẻ mồ côi ở các phường lân cận, song vì gần nhà nên chỉ thời gian ngắn thân nhân của em lại lên chùa đón về. 

Mỗi khi nhận thêm thành viên mới, thầy Bình đều báo cáo chính quyền phường, đăng ký hộ tịch, hộ khẩu cho các em. Ông Đỗ Duy Hiến, Trưởng khu 10 phường Đại Phúc cho biết, những việc làm thiện nguyện nơi cửa thiền chùa Nác không chỉ nhận được sự trân trọng từ chính quyền đoàn thể và người dân địa phương mà còn tạo sự lan tỏa trong Phật tử gần xa.

Theo đó, tình đoàn kết gắn bó, tương trợ giữa nhà chùa với cư dân sở tại càng được thắt chặt hơn. 

Đầu tháng 9 vừa rồi, bé Nga vào học lớp 1, Quỳnh vào lớp 8, Oanh học năm cuối Cao đẳng sư phạm Bắc Ninh.

Những cây đời xanh dưới tán Bồ đề ấy sẽ tiếp tục được vun vén chăm lo, nhân lên từ tấm lòng thiện nguyện nơi mái ấm cửa thiền chùa Nác cùng tấm lòng tố hảo của phật tử gần xa.

Thầy Đàm Bình tin rằng chữ Phúc mình đang gieo rồi đây sẽ đơm hoa kết trái, tạo thêm hoa thơm quả ngọt cho đời. Điều này thật đúng với pháp giới nhà Phật từng dăn dạy Biết đời đau khổ, Tâm cầu niết bàn, Theo Phật học pháp, Ruộng phúc thế gian.

Nguồn tin: Đời sống và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây