Những lời đồn thổi nhảm nhí về ảnh Phật phát hào quang ở Kiên Giang

Thứ tư - 15/03/2017 09:48
Họ cố tình đồn thổi, hướng người xem ảnh sang khái niệm khác để tạo niềm tin rằng, bức ảnh phật in sẵn không có hào quang.
Quang cảnh ở chùa Bâng Chum
Quang cảnh ở chùa Bâng Chum

Hơn 2 tuần qua, tại khu vực xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang trở nên mất an ninh trật tự vì tin đồn một bức ảnh phật tại nhà một người dân tự dưng phát tỏa hào quang. Mặc dù các các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp vãn hồi an ninh nhưng người dân vẫn nối tiếp nhau đến khu vực này để cúng bái, rước "nước thánh".

Trong khi vụ việc chưa lắng xuống thì lại tiếp tục xuất hiện tin đồn 3 bức ảnh phật ở 3 nhà dân khác phát hào quang. Phóng viên Chuyên đề ANTG đã đến tận nơi tìm hiểu sự thật.

Niềm tin tín ngưỡng đã hóa dị đoan

Sáng ngày 29-2-2017 chúng tôi có mặt tại ngôi chùa Bâng Chum (còn có tên gọi khác là Bâng Tum Thlok hoặc chùa Bãi Chà Và) tọa lạc tại ấp Bãi Chà Và, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Đó là một ngôi chùa thuộc hệ phái Nam Tông Kh'mer do Đại đức Dương Xây trụ trì.

Khuôn viên chùa rất rộng. Ngoài ngôi chánh điện và một số mộ tháp có kiến trúc kiểu phật tự Kh'mer còn có 2 gian sala nằm cách nhau khoảng 50 mét. Ở khu vực sân chùa có hơn 20 chiếc bàn bán nhang đèn, hoa và nước suối. Nhiều người đổ dồn về phía gian sala nằm ở cuối sân.  

Những người địa phương bán nhang đèn vừa chào mời khách vừa "quảng cáo": "Mua nhang đèn cúng phật giáng thế đi các anh các chị. Mua thêm chai nước suối cúng phật rồi đem về cho người thân rửa mặt để loại trừ bệnh tật".

Hầu hết những người bán nhang đèn ở đây đều có chung một bài "quảng cáo" cường điệu rằng, bức ảnh phật đang treo trong ngôi sala phát tỏa hào quang. Họ kể rằng, cách nay 9 năm bà Quý (một người dân địa phương) thỉnh một bức ảnh phật A Di Đà đem về thờ. Bức ảnh hoàn toàn bình thường.

Ngày 18-2-2017, bà Quý đang ngủ trưa thì một luồng sáng bừng lên khiến bà thức giấc. Mở mắt ra, bà thấy luồng ánh sáng ấy phát ra từ bức ảnh phật A Di Đà. Cho rằng, "phật cho trúng số", bà kể chuyện ấy cho hàng xóm nghe.

Lúc đầu, chỉ một vài người tò mò kéo đến nhà bà Quý xem bức ảnh. Sau đó tin lan nhanh ra khỏi phạm vi xóm, hàng trăm người từ các địa phương lân cận lũ lượt kéo nhau đến nhà bà Quý xem. Do lượng khách đến ngày càng đông, bà Quý đem bức ảnh gửi vào chùa này cho đến nay để khách thập phương đến chiêm ngưỡng.

Chúng tôi theo dòng người đi về phía gian sala treo bức ảnh phật được cho là phát hào quang. Bức ảnh được treo trên vách tường sala. Xung quanh, hàng chục người chen chúc bái, lạy. Đó là một bức ảnh phật Di Đà (Buddha Amita) đứng tiếp dẫn, tay phải thủ ấn từ bi tiếp dẫn, tay trái cầm đóa sen, trên đầu có vẽ ánh hào quang. Đó là loại ảnh được in đại trà, bán phổ biến ở khắp nơi.


Bức ảnh Phật ở chùa Bãi Ớt có in sẵn hào quang như tất cả các bức ảnh Phật A Di Đà khác

Một số người xem bức ảnh xong, thất vọng quay ra. Có người thốt: "Cái hào quang trong bức ảnh được người ta in sẵn chứ có gì đâu mà linh với nghiệm". Thấy vậy, một vài người địa phương, cố thuyết phục: "Hồi trước, trên đầu đức phật trong ảnh không có hào quang, bây giờ mới xuất hiện hào quang. Ai không tin sẽ bị đức Phật quở phạt đó".

Thế là những người khách nán lại săm soi rồi dùng điện thoại chụp lại bức ảnh. Ngay sau đó, chính những người khách này khi rời khỏi gian sala, khoe bức ảnh mới chụp với những người khách mới đến rồi rỉ tai: "Diệu kỳ lắm! Hồi trước bức ảnh không có hào quang, bây giờ đức Phật giáng thế nên hình vẽ hào quang hiện lên!". Những người khách có vẻ không tin thì lẳng lặng rời đi. 

Anh Lâm Út, cư ngụ ở thị xã Hà Tiên là một trong số những người lộ vẻ thất vọng vì không tin vào lời lan truyền, nói thật lòng: "Tôi thấy người ta nhẹ dạ quá đáng. Rõ ràng, tất cả các bức ảnh phật Di Đà đều có in sẵn ánh hào quang trên đầu đức Phật. Bức ảnh này cũng vậy thôi. Lúc đầu thì người ta bảo bà Quý trông thấy ánh hào quang lóe sáng đến chói mắt, bây giờ thì người ta bảo bức ảnh gốc không có vẽ hào quang, phật làm cho hào quang hiện lên. Vậy mà nhiều người cứ thật thà tin rồi lan truyền. Tôi thất vọng vì mất một ngày lao động kiếm tiền. Vì số người mụ mị quá đông nên tôi không dám cãi. Ai mê muội, ráng chịu thôi".

Nhận ra Đại đức Dương Xây, trụ trì ngôi chùa đang ngồi lẳng lặng ở gian sala gần chính điện, chúng tôi đến chào và hỏi thăm. Đại đức cho biết: "Đa số bà con ở đây là người Kh'mer. Người Kh'mer rất thật thà cả tin, dễ tin vào những chuyện hoang đường. Tôi đã cố thuyết phục nhiều lần rằng bức ảnh Di Đà nào cũng có in sẵn hào quang. Khi tôi nói, bà con gật đầu nhưng tôi vừa xoay lưng đi thì bà con lại tiếp tục giải thích với khách ngược lại. Tôi chịu rồi. Chính quyền xã, công an xã cũng đã giải thích nhưng bà con vẫn cứ đồn thổi".

Cũng theo Đại đức Dương Xây, trong khi tin đồn thất thiệt về hiện tượng ảnh phật tỏa hào quang ở chùa Bâng Chum chưa nguôi thì ngày 26-2-2017 ở chùa Bãi Ớt (cách chùa Bâng Chum khoảng 5km) lại xuất hiện tin đồn tương tự. Chúng tôi tìm đến chùa Bãi Ớt (Có tên khác là Chăm Pa Lơk). Ở đây, bức ảnh được cho là "Phật tỏa hào quang" cũng được đặt ở ngôi sala. Khách mê tín đến xem ảnh phật ít hơn chùa Bâng Chum.

Chị Mỹ Tiên, bán nhang đèn, nước suối cạnh ngôi sala cho biết: "Bức ảnh phật Di Đà này là của gia đình ông Trần Văn Ký, ngụ ấp Xoa Hảo, thị xã Hà Tiên. Ổng chở con gái đi chùa Bâng Chum xem ảnh phật tỏa hào quang. Khi về nhà, đứa con gái mới 11 tuổi của ông bảo, bức ảnh phật ở chùa Bâng Chum giống hệt bức ảnh phật ở nhà mình. Tin đồn lan ra. Thế là người ta ùn ùn kéo đến nhà ông Ký xem.


Một số người chụp ảnh Phật ở chùa Bãi Ớt rồi lan truyền rằng ảnh “phát quang” 

Người ta kéo đến càng lúc càng đông, hoảng quá, ổng đem bức ảnh gửi cho chùa Bãi Ớt này. Hiện bây giờ, ở khắp xã Dương Hòa này, ngoài chùa Bãi Ớt và chùa Bâng Chum, người ta còn kéo tới 4 nhà dân khác để xem phật tỏa hào quang. Một điểm ở Hòn Heo, một điểm ở Mũi Dừa. Hai điểm kia tôi không biết".

Thượng tọa Danh Cường, Ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Kiên Giang, Ủy viên Thường vụ Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang, là người trụ trì chùa Bãi Ớt từ năm 1997 đến nay, cho biết: "Theo cái đà này thì người ta sẽ đi khắp đất nước để xem ảnh phật Di Đà phát quang. Bởi vì tất cả các ảnh phật Di Đà in sẵn đều có vẽ ánh hào quang trên đầu Đức Phật. Các sư giải thích, chính quyền giải thích nhưng bà con không chịu nghe".

Sự thật về ảnh Phật Di Đà

Từ những gì chứng kiến, chúng tôi nhận thấy, tin đồn phật tỏa hào quang xuất phát từ 2 nguyên nhân chính.

Nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ "trạng thái tâm lý lây lan". Nhiều người cũng nhận ra bức ảnh phật có in sẵn ánh hào quang giống như mọi bức ảnh phật khác nhưng thấy mọi người xung quanh đang tán dương hiện tượng nên cũng hùa theo để không "cảm thấy lạc lõng trong đám đông", mặc dù đó là đám đông cuồng tín.

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ những người bán hàng rong. Họ là người được lợi nếu khách cuồng tín kéo đến chùa đông đúc. Vì vậy, họ cố tình đồn thổi, hướng người xem ảnh sang khái niệm khác để tạo niềm tin rằng, bức ảnh phật in sẵn không có hào quang (bây giờ phật giáng thế khiến bức ảnh hiện hào quang).

Trong bộ Đại kinh Buddha Amita có diễn giải rằng, hình tượng phật A Di Đà, tức phật Amita, luôn luôn có ánh hào quang trên đầu. Vì vậy, trong tất cả các bức ảnh tượng phật A Di Đà in sẵn đều có hình vẽ ánh hào quang trên đầu ngài. Phật A Di Đà là hậu thân của một vị vua tên Kiều Thi Ca, rời bỏ vương vị xuất gia lấy hiệu là Pháp Tạng để thiền theo Phật pháp.

Khi đã thông tỏ Phật pháp, tỳ kheo Pháp Tạng phát nguyện 48 điều cứu độ nhân loại. Do nguyện lực ấy, sau này Pháp Tạng thành Phật hiệu A Di Đà luôn sẵn sàng tiếp dẫn vãng sanh về cõi cực lạc. Vì vậy, hầu như mọi tín đồ Phật giáo đều thường xuyên kêu gọi tên ngài trong mọi tình huống.

Trong các quy ước thờ cúng phật A Đi Đà, người ta thường tạo hình tượng phật 2 thể hình: Tượng thứ nhất ngồi kiết già trên tòa sen, tay kiết định ấn, tương tự tượng Thích Ca. Tượng thứ hai đứng trên hoa sen lơ lửng trong hư không, bên dưới là bể cả sóng dậy trập trùng, mắt ngài nhìn xuống, tay mặt đưa lên ngang vai (hoặc cầm đóa sen), tay trái duỗi xuống thủ ấn từ bi tiếp dẫn như sẵn sàng chờ đợi tiếp cứu người trần gian về cõi thanh tịnh cùng ngài. Tượng ấy gọi là tượng Di Đà phóng quang.


Đại đức Dương Xây: "Ảnh Phật Di Đà nào cũng in sẵn ánh hào quang". 

Vì được gọi là "tượng Di Đà phóng quang" nên tất cả các bức tượng hoặc ảnh tượng đều phải thực hiện hình ảnh tia hào quang trên đầu phật A Di Đà. Hay nói cách khác là, tuyệt nhiên không có bức ảnh phật A Di Đà nào thiếu tia hào quang trên đầu.

Tin đồn cho rằng bức ảnh phật A Di Đà ở nhà bà Quý, ông Ký không có in sẵn hào quang mà chỉ mới xuất hiện hào quang trong ảnh là thông tin bịa đặt, bơm thổi để trục lợi.

Chúng tôi tìm đến trụ sở Công an xã Dương Hòa. Anh Trần Minh - Phó Trưởng Công an xã - cho biết: "Mấy ngày đầu, có hàng ngàn hàng lượt người kéo đến chùa vì tin đồn gây xáo trộn an ninh trật tự. Ngay lập tức, chúng tôi báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý, đồng thời tung hết lực lượng xuống để đề phòng các đối tượng xấu trà trộn vào đám đông móc túi, lừa đảo.

Ngoài ra chúng tôi còn tham mưu cho UBND xã, phối hợp với các ban ngành đoàn thể tuyên truyền vận động bà con không tin vào lời đồn thổi. Đến nay, lượng người đổ về chùa đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, bây giờ tin đồn phật tỏa hào quang lại xuất hiện ở các hộ gia đình riêng lẻ".

Anh Trần Minh cho biết thêm, ngay sau khi xuất hiện tin đồn, lực lượng công an địa phương có tìm gặp bà Lâm Thị Quý. Bà Quý cũng xác nhận, khi mua bức ảnh phật A Di Đà cách nay 9 năm, bức ảnh đã có in sẵn ánh hào quang. Hôm đó đang ngủ trưa thì bà thức giấc vì tia nắng mặt trời phản chiếu vào tấm kính ảnh phật rọi vào mắt khiến bà thức giấc.

Bà kể lại cho hàng xóm nghe. Khi mọi người kéo đến xem thì tia nắng không còn. Bà không biết vì sao người ta lại đồn rằng bức ảnh khi mua không có tia hào quang, bây giờ "phật giáng thế" nên bức ảnh xuất hiện tia hào quang.

Nguồn tin: An Ninh Thế Giới

 Từ khóa: niềm tin, khái niệm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây