Nói chuyện được với động vật
Như chúng tôi đã thông tin về những khả năng dị thường của chị Phạm Thị Hường ở phố Nguyễn Anh Ninh (Hà Nội). Sau trận ốm, ngoài việc nói chuyện với người âm, chị Hường còn nói chuyện được với động vật. Theo mô tả của chị Hường, thì việc nói chuyện với động vật hoàn toàn thông qua một tần sóng và ý nghĩ.
Chị Hường cho biết: "Động vật cũng có những giao tiếp riêng, nhưng tôi có thể hiểu được chúng nói chuyện với nhau về điều gì, và hiểu rõ chúng nói với mình những gì. Tất cả những thông điệp ấy phát qua một tần sóng mà tôi hiểu được".
Trong một lần đến nhà riêng của ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng Con người trên đường Bạch Đằng, chị Hường đã có cuộc nói chuyện với những con chim được nhốt trong lồng và một con mèo nhị thể mà ông Giác Hải đang nuôi. Đáng chú ý là cuộc giao tiếp của chị Hường với động vật không phát ra bằng lời mà qua một tần sóng.
Ông Giác Hải cho rằng, hầu hết các trường hợp ở nước ngoài mà con người chuyện trò được với động vật đều giống như chị Hường, tức là không thông qua lời nói hay hành động mà qua một tần sóng khác mà khoa học gọi là thần giao cách cảm.
Khi mới phát hiện ra khả năng giao tiếp được với động vật, chính chị Hường còn không tin vào bản thân mình. Thế nhưng, sau nhiều lần thử nghiệm với nhiều loại động vật thì chị Hường mới xác định về khả năng của mình. Tuy nhiên, khi đem chuyện nói với gia đình thì ai cũng cho rằng đó là chuyện đùa. Chỉ khi chị Hường giao tiếp với những con chim mà chồng chị là anh Nguyễn Đăng Dũng đang nuôi trong lồng, những con chim tỏ ra phấn khích hay buồn rầu tuỳ vào cách nói chuyện của chị Hường thông qua suy nghĩ thì mọi người mới tin là sự thật.
Chị Hường còn cho hay: "Trước đây khi đi qua Hồ Gươm, tôi còn hay nói chuyện với cụ Rùa. Tất cả cuộc chuyện trò không cần phải giáp mặt nhau mà có thể thần giao cách cảm giống như tần sóng mà tôi nói chuyện với người âm. Thậm chí tôi còn giao tiếp được với muỗi".
"Không phải trường hợp duy nhất"
Nghiên cứu về khả năng dị thường này của chị Hường, Thiếu tướng, TS Chu Phác, Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người và nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đều khẳng định, cô Hường không phải là trường hợp duy nhất nhưng là người đầu tiên ở Việt Nam có những biểu hiện về khả năng giao tiếp với động vật.
Trên thế giới cũng đã từng xuất hiện những người có khả năng giao tiếp với động vật. Qua so sánh, các nhà nghiên cứu nhận ra một điểm chung là sự giao tiếp với động vật hoàn toàn qua thần giao cách cảm, tức là qua suy nghĩ bằng một tần sóng có thể kiểm nghiệm được.
Tại nước Anh, bà Sonya Fitzpatrick không những giao tiếp được với chó mèo, mà còn nói chuyện được với rắn, lạc đà, ngỗng, ngựa và chim. Bà Sonya có lòng thương sâu đậm đối với thú vật, khi cha của bà giết mấy con ngỗng để ăn tiệc Giáng sinh, bà nhận ra là không phải ai cũng có tình cảm đối với thú vật. Vì vậy, trước cái chết của các bạn ngỗng, Sonya cố tình đóng kín khả năng nói chuyện của mình với thú vật suốt 44 năm.
Mãi đến năm 1994, một thí nghiệm đã mở lại khả năng kể trên của bà. Sonya tiết lộ với báo chí rằng thú vật rất thông minh và hiểu con người qua hình ảnh của ý nghĩ giống như bà giao tiếp với động vật bằng tần sóng.
Hay tại Namibia, cô bé Tippi sinh năm 1990 cũng giao tiếp được với hầu hết tất cả các loại động vật. Bố mẹ Tippi đều là nhiếp ảnh gia nên Tippi từ khi ra đời đã sống với người dân bộ lạc Himba. Từ 10 tháng tuổi, Tippi đã lảng vảng đi chơi cùng voi, báo đến rắn rết và chim chóc. Vì thế, cô bé hoàn toàn hiểu được ngôn ngữ của tất cả các loài động vật và chuyện trò với chúng qua ý nghĩ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho hay: "Cứ ngỡ là chuyện giao tiếp với động vật chỉ có trong thần thoại hoặc truyện cổ tích. Nhưng thực tế thì khả năng ấy luôn tồn tại, vấn đề là ở chỗ chúng ta nghiên cứu như thế nào để chứng minh bằng khoa học hòng đem lại sự thuyết phục".
Cô bé Tippi người Namibia có thể nói chuyện với nhiều động vật khác nhau.
Khó nghiên cứu
Thiếu tướng, TS Chu Phác lại cho rằng, việc con người có thể giao tiếp với động vật là điều dễ hiểu. Ví dụ, thông dụng nhất là tại các trung tâm huấn luyện động vật để phục vụ công tác an ninh hoặc làm xiếc. Tuy nhiên, ông Phác nhấn mạnh: "Đó là con người dựa vào hành động để huấn luyện động vật chứ không phải nói chuyện với động vật".
Trường hợp của chị Phạm Thị Hường là dùng suy nghĩ thần giao cách cảm để nói chuyện với động vật nên ở Việt Nam là chưa từng có. Việc thế giới có nhiều trường hợp giống như chị Hường nhưng chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nào, cho nên để chứng minh việc chị Hường giao tiếp được với động vật là không đơn giản.
Quan tâm đến khả năng dị thường của chị Hường, TS Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm dịch thuật, dịch vụ Văn hoá & Khoa học - Công nghệ thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam cho hay, các nhà khoa học Nga đã nghiên cứu rất nhiều về vấn đề giao tiếp giữa con người với động thực vật. Thậm chí, họ còn chụp được những bức ảnh phát quang của thực vật khi tươi tốt và lúc đang héo úa.
Cũng theo ông Điệp, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã thử nghiệm khi trồng 2 khóm chuối tiêu. Một khóm cạnh nhà và được con người thường xuyên nói chuyện, một khóm cách xa con người. Kết quả, khóm gần con người luôn xanh tốt và ra hoa kết quả sớm hơn rất nhiều. Như vậy, bước đầu có thể khẳng định, động thực vật có thể hiểu giao tiếp của con người và ngược lại, con người cũng có thể giao tiếp được với động thực vật. Trường hợp của chị Hường là một ví dụ, dù chưa được kết luận. "Sự giao tiếp giữa tôi với động vật không phải bằng lời nói hay hành động như nghệ sĩ xiếc. Rất đơn giản, tôi và chúng nói chuyện với nhau qua một tần sóng của ý nghĩ. Qua tần sóng này, tôi cũng dùng để nói chuyện với người âm và tìm mộ liệt sĩ". Chị Phạm Thị Hường
"Trên thế giới đúng là đã và đang có những trường hợp giao tiếp được với động vật. Đây là một trong những khả năng đặc biệt và thuộc loại hiếm của thế giới. Khả năng này có thể do bản thân con người tự có, hoặc do sự đột biến nào đó trong cơ thể con người". Thiếu tướng, TS Chu Phác (Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý - Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người).