Chồng bỏ vì không chịu ngủ
Căn nhà nhỏ của bà Đinh Thị Anh nằm ở thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp. Ở miền quê nghèo này, bà Anh là người nổi tiếng nhất cả xã.
Hỏi đường vào nhà bà Anh ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn. Mấy đứa trẻ con hăng hái chạy theo dẫn đường.
Giữa trưa nắng mùa hè, một người phụ nữ gầy gò đang cõng trên lưng bó củi lớn, bước đi vững chắc. Bọn trẻ con la rầm trời, đó là bà Anh không ngủ mà chú cần tìm.
Bà Anh cho biết vừa đi đốn củi trên rừng tràm về. “Nhà làm có 3 sào ruộng không đủ gạo ăn. Hết mùa lúa là tui lên rừng đốn củi về bán kiếm tiền”, bà Anh mở lời rồi mời khách vào nhà.
Căn nhà cấp bốn lụp xụp, chỉ có mấy chiếc ghế nhựa, chiếc bàn gỗ và một chiếc giường nhỏ. Dưới bếp, vài vật dụng nấu ăn đơn sơ.
“Tôi ở một mình nên không sắm sửa chi cả. Có cái ti vi cũ con gái cho năm ngoái là quý nhất. Nó là bạn với tôi hằng đêm dài”, bà nói, giọng buồn buồn.
Là con thứ 7 trong một gia đình nghèo, bà Anh lớn lên khỏe mạnh như bao người khác. Sức khỏe của bà khá tốt khi từ nhỏ đã bươn chải làm việc ruộng đồng phụ giúp cha mẹ.
Năm 20 tuổi, bà Anh kết hôn với người thanh niên cùng làng Phan Văn Chí rồi xin cha mẹ ra ở riêng.
“Cưới được 2 năm thì tui mang bầu, đẻ được thằng con trai nặng 3 kg. Vợ chồng tui chưa kịp mừng thì hắn bệnh chết khi mới 4 tháng tuổi”, bà Anh nhớ lại.
Vợ chồng bà Anh vơi bớt nỗi đau mất con khi cô con gái thứ 2 ra đời. Bà đặt tên con là Phan Thị Hiếu. Con gái lớn lên từng ngày nhưng bà Anh lại bỗng dưng mắc chứng khó ngủ.
Niềm vui của bà Anh là được chăm sóc cháu ngoại “Ban đầu, mỗi đêm tôi chỉ ngủ được chừng 3 tiếng. Tôi cứ nghĩ do phải thức đêm chăm con nên không để ý. Dần dần, thời gian ngủ trong một đêm cứ ngắn lại rồi không ngủ được nữa. Năm đó tui mới 25 tuổi, bây chừ đã 55 tuổi rồi, 30 năm vừa tròn”, bà Anh buồn khổ kể.
Mắc chứng bệnh lạ, vợ chồng bà Anh hết sức lo sợ, chạy chữa đủ khắp mọi nơi. Họ thử đủ mọi cách, từ tây y đến đông y nhưng chứng mất ngủ của bà Anh không thuyên giảm.
“Bệnh viện bảo tui không bệnh chi cả, mất ngủ vài bữa sẽ hết. Nơi khác thì nói tui vô Sài Gòn mà khám nhưng vợ chồng tui làm gì có đủ tiền. Vậy là tôi đành cam chịu trở về nhà nuôi con với hy vọng có ngày bệnh mất ngủ tự hết”, bà Anh nhớ lại.
Gia đình bà Anh đảo lộn hoàn toàn vì chứng bệnh kỳ lạ. Đêm, khi mọi người nằm ngủ thì đôi mắt bà vẫn mở trân trân.
Ông Chí hằng đêm vẫn ngủ ngon lành còn bà Anh nằm trằn trọc thở ngắn thở dài. Không ngủ được, bà trở mình cựa quậy khiến ông Chí cũng mất giấc theo. Quá sợ người vợ kỳ lạ, ông Chí ôm chăn mền ra ngủ riêng.
“Ba năm sau khi tui phát bệnh thì ổng bỏ vô Nam sống, mấy chục năm nay không về. Thỉnh thoảng ổng có gửi thư, điện thoại về thăm con Hiếu chứ không liên lạc với tui. Tui cũng không trách chi ổng cả, ở với tui ai mà chịu nổi”, bà Anh bộc bạch.
Sợ hãi khi màn đêm buông xuống
Sáu năm trước, con gái bà Anh lấy chồng nên ra ở riêng. Bà chỉ con lại một mình với màn đêm dài dằng dặc. Bà Anh ngồi bần thần, nhẩm tính. 30 năm không ngủ, gần 11.000 đêm thức trắng.
“Ai lại muốn mình khác người như vậy đâu”? Bà hỏi, tự giải thích với mình. Bà nói, nỗi sợ hãi lớn nhất của mình là khi màn đêm buông xuống, hàng xóm lêm đèn rồi lần lượt tắt đèn đi ngủ.
Bà Anh kể: “Tôi nằm trên giường, đôi mắt mở trân. Chiếc ti vi trên bàn bật sẵn nói suốt đêm. Hết kênh này thì chuyển sang kênh khác cho đến sáng”.
Nằm chán, bà Anh lại ngồi dậy làm việc vặt trong nhà như sửa cái rổ, vá lại tấm áo hay nấu cám cho đàn lợn. Hàng xóm láng giềng ban đầu thích thú vì được chứng kiến chuyện lạ xưa nay hiếm nhưng rồi ai cũng cảm thấy sợ hãi.
30 năm không ngủ, sức khỏe của bà Anh ngày càng suy giảm “Có lần do có việc gấp phải ra Đà Nẵng nên khoảng 3 giờ sáng tôi thức dậy chuẩn bị. Nhưng khi nhìn ra ngoài đường thì giật mình hoảng hồn vì có một bóng trắng cứ đi lại trên đường. Gọi chồng dậy, 2 vợ chồng chúng tôi đi theo thì mới nhìn rõ là bà Anh mất ngủ nên dậy đi lại ngoài đường tập thể dục”, bà Hà Thị Thanh, hàng xóm bà Anh kể.
Bà Anh cho biết cả thôn Phú Quý nhà ai có việc gì làm đêm như đám cưới, tiệc, đám ma… đều nhờ đến bà. Bà cũng không ngại ngần giúp đỡ vì mấy khi có người thức đêm cùng.
“Có thức đêm mới biết đêm dài, chỉ mong cho trời mau sáng để được nói chuyện, gặp gỡ mọi người”, bà Anh tâm sự.
Những đêm ngồi một mình, bà lắng nghe mọi tiếng động trong đêm. Tiếng kêu của các loại côn trùng, ếch nhái hoặc tiếng chó sủa ở đâu nghe rõ mồn một trong đêm. Chỉ lên chiếc ti vi cũ nằm trên tủ, bà Anh cho biết đó là người bạn thân nhất của bà trong suốt nhiều năm qua.
“Tui xem ti vi cả đêm, chương trình gì cũng coi. Có lúc tui chỉ mở lên để được nghe tiếng người nói trong đêm. Cũng nhờ coi ti vi nhiều nên chuyện thời sự, chuyện lạ khắp nơi tui đều biết”, bà Anh cười nói.
Suốt 30 năm, bà Anh tìm mọi cách để có thể ngủ dù chỉ trong 1 lúc. Đã nhiều lần, bà Anh mua thuốc ngủ về rồi uống một lúc cả 3, 4 viên nhưng cũng không có tác dụng.
Thấy nhiều người đàn ông khỏe mạnh uống rượu say vào nằm ngủ như chết, bà cũng uống rượu cho đến say. Nhưng khác với người, khi say mắt bà vẫn mở trơ trơ. Rồi các loại thuốc lá của người dân tộc, bà cũng tìm uống nhưng đều vô dụng.
“Ai mách gì tui đều làm theo, mỗi lần như vậy là mỗi lần tự gieo hy vọng cho chính mình. Vậy nhưng…”, bà Anh buồn bã nói.
30 năm không ngủ, sức khỏe bà Anh ngày càng suy giảm. Trong người bà còn mắc thêm nhiều bệnh khác như tim mạch, sỏi thận. Mọi thu nhập chỉ trông chừng vào 2 sào ruộng và việc hằng ngày lên rừng đốn củi.
“Ngày trước còn khỏe, mỗi ngày tui đi đốn củi, làm thuê cũng kiếm được trăm ngàn mua gạo. Bây chừ già rồi, ngày nào mệt thì nằm ở nhà, thiếu tiền thì con Hiếu mang gạo xuống cho để nấu ăn”.
Chúng tôi chia tay bà Anh khi hoàng hôn buông xuống. Nghe tin vợ chồng chị Hiếu đưa con gái về thăm, bà tất bật nấu bữa cơm tối. Niềm vui của bà là được sum họp, trò chuyện với gia đình con gái mỗi ngày cuối tuần.