Ông lão 5 lần khoác long bào đóng vua đi cày

Thứ năm - 13/02/2014 20:02
Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng nhiều người dân xã Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) phong cho ông Tế với biệt danh “ông lão bẻ gãy sừng trâu”. Ông Tế đã 5 lần khoác áo long bào đi cày trong lễ hội Tịch điền tổ chức hằng năm mỗi dịp xuân về.
Ông lão 5 lần khoác long bào đóng vua đi cày

Nhiều năm nay, cứ mỗi dịp đầu xuân nhiều người dân khắp nơi lại đổ về huyện Duy Tiên, Hà Nam để tham dự lễ hội Tịch điền cầu mưa thuận, gió hòa, bình an và no ấm. Không những thế nhiều người còn về đây để được xem cụ ông Đinh Trọng Tế (86 tuổi) ở thôn Đọi, xã Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) đóng giả vua đi cày.

Ông lão 5 lần khoác long bào đóng vua đi cày - Ảnh 1

Dù ở cái tuổi ngoài bát tuần nhưng trông cụ Tế vẫn rất khỏe mạnh và tinh anh.

Theo sử sách ghi lại, lễ hội Tịch điền lần đầu tiên diễn ra vào thế kỷ thứ 10 ở tỉnh Hà Nam, quê hương của vua Lê Đại Hành. Mùa xuân năm 987, vua Lê Đại Hành cùng bá quan văn võ đi cày ruộng ở xã Đọi Sơn rồi thấy dưới đất một chiếc chum vàng. Một năm sau vua đi cày ở Bàn Hải thì bắt được một chiếc chum bạc. Từ đó những thửa ruộng này được nhà vua đặt tên là Kim Ngân Điền (ruộng của vua) nay thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên.

Hàng năm cứ mỗi dịp đầu xuân, nhà vua lại xắn long bào cùng văn võ bá quan xuống đồng cày ruộng cầu cho dân chúng no ấm, hạnh phúc. Lễ hội này được duy trì qua nhiều thế kỷ nhưng đến đời vua Khải Định thì dần mai một. Năm 2009, nhằm lưu giữ những phong tục truyền thống bị đánh mất, lễ hội tịch điền được khôi phục và tổ chức tại xã Đọi Sơn.

Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng trông ông vẫn rất khỏe mạnh và tinh anh. Chòm râu ông lão bạc trắng, khuôn mặt toát lên vẻ oai nghiêm. Chính vì thế, kể từ khi lễ hội Tịch điền được khôi phục đến nay, cụ Tế đã 5 lần đứng ra nhận trọng trách của cả làng là đóng giả vua đi cày.

Ông lão 5 lần khoác long bào đóng vua đi cày - Ảnh 2

Cụ Tế bước từng bước oai nghiêm hành lễ trước giờ xuống đồng.

Ngồi trên chiếc ghế chờ đợi hành lễ để chuẩn bị cho lễ xuống đồng đầu năm, cụ Tế chậm rãi kể, xuân 2009, các bô lão trong làng họp bàn tìm ra người phù hợp đóng giả vua đi cày là cụ Ngụy Nguyên Chiều (82 tuổi). Đến ngày tổng duyệt (25 tháng chạp), cụ Chiều đổ bệnh rồi 10 ngày sau đột ngột qua đời. Việc chuẩn bị đã gần như tươm tất, nhưng ban tổ chức vẫn rối bời vì chưa tìm được ai thay thế. Lúc này cụ Tế tự mình đứng ra “ứng cử”.

Thấy thế nhiều người trong làng cười nhạt vì lo cụ không đảm đương nổi trọng trách của cả làng. Nghe chuyện cụ đứng ra gánh trọng trách con cháu cũng ra sức khuyên ngăn cụ từ bỏ ý định vì sợ "đắc tội với bề trên". Tuy nhiên cụ Tế vẫn kiên quyết “thử một lần”.

"Ban đầu nghe mọi người nói những lời mê tín, tôi cũng to ra lo lắng. Tuy nhiên, trước tới nay tôi chưa bao giờ tin vào chuyện bị bề trên 'vật' cả", cụ Tế khẳng định.

Ông lão 5 lần khoác long bào đóng vua đi cày - Ảnh 3

Cụ khoác áo long bào hành lễ.

Đọc nhiều sổ sách ghi chép nên phần nào cụ nắm được các nghi thức, phong tục lễ hội thời xưa. Để mọi người tin tưởng, cụ diễn vài bước cơ bản và được vỗ tay tán thưởng. Muốn cho động tác nhuần nhuyễn, nhiều hôm cụ thức tập cả đêm. Có hôm đang ngủ tay cụ vẫn giơ lên trời khiến cụ bà giật mình gọi dậy.

Ngày hội diễn ra, được khoác trên mình tấm long bào, đeo mặt nạ đóng giả vua, cụ Tế run run lo lắng. Sau một hồi lấy lại bình tĩnh, cụ bước chậm rãi song dứt khoát, một tay cầm roi, một tay giữ tay cày rồi thúc trâu cày thẳng tắp. Phía sau là là những cô gái đi vãi hạt giống để cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Ông lão 5 lần khoác long bào đóng vua đi cày - Ảnh 4

Năm 2014 là lần thứ 5 cụ đứng ra đảm nhiệm trọng trach của cả làng đóng giả vua đi cày.

Sau màn đóng giả vua đi cày thành công, cụ Tế tiếp tục được ban tổ chức tin tưởng giao trọng trách đóng vua vào năm sau. Năm 2011, khi gần đến lễ hội thì cụ ngã bệnh rồi nằm liệt giường. Người được lựa chọn thay thế là cụ Phạm Lương Bì (74 tuổi). Điều lạ là mới tập dượt được vài ngày thì cụ Bì lại ngã bệnh rồi không thể tham gia. Gần đến ngày hội, cụ Tế tỉnh dậy quyết đóng vua đi cày bằng được.

Năm 2013, tuổi cao sức yếu, ốm liệt giường nên ông Tế không thể tham gia vào lễ hội Tịch điền. Dân làng cử ra một cụ ông nhưng những thần thái, hành động của ông Tế thì không ai trong làng sánh bằng.

Đến nay, đã trải qua 6 năm lễ hội Tịch điền được phục dựng nhưng 5 lần ông Tế khoác áo vua. Để rèn luyện sức khỏe hàng ngày ông vẫn đạp xe hàng chục cây số, có bận còn đạp sang Hưng Yên, Nam Định…. Con cái nhiều lần khuyên cha nghỉ ngơi tuổi già nhưng cụ nhất quyết không nghe.

“Việc đóng vua là nét đẹp và là văn hóa không thể thiếu mỗi dịp xuân về ở Đọi Sơn. Cụ Tế năm nay tuổi cao sức yếu nên làng chúng tôi đã đề xuất nhiều người đứng ra đảm nhiệm thay cụ. Tuy nhiên cho đến nay vẫn không ai đóng giả vua giống bằng cụ Tế. Cụ ấy có lẽ đóng vua là “độc nhất” không ai sánh bằng”, ông Nguyễn Văn Bằng (74 tuổi) thôn Đọi cho biết.

Có nhiều thành tích trong việc xây dựng và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của quê hương, nhiều năm qua cụ Tế được UBND tỉnh Hà Nam trao tặng bằng khen.

Trao đổi với PV Báo điện tử Người đưa tin, ông Lê Thế Quân, phó bí thư xã Đọi Sơn cho biết, lễ hội Tịch điền được tổ chức hằng năm từ mùng 5 đến 7 tháng Giêng. “Đến nay, đã trải qua 6 năm phục dựng việc đóng vua đi cày đều do ông Tế đảm nhận và làm rất tốt. Chính quyền và nhân dân xã Đọi Sơn luôn đề cử ông Tế gánh vác trọng trách này cho tới khi ông không làm được nữa", ông Quân nói thêm.

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây