Khi Ngân hàng Nhà nước quyết định không in tiền mệnh giá nhỏ nhằm thắt chặt nguồn tiền lẻ thì hoạt động đổi tiền lẻ ở cổng các đình, đền, chùa càng diễn ra sôi động. Theo quan sát của chúng tôi, tại cổng các đền, chùa lớn của thành phố Lạng Sơn và một số huyện có lễ hội vào tháng giêng, các quầy bán hương vẫn tích trữ tiền lẻ để đổi cho khách. Phần lớn các chủ quầy đổi cho khách với tỷ giá 10 ngàn tiền chẵn được 16 tờ 500 đồng (8 ngàn).
Còn ở Đền Mẫu – Đồng Đăng, giá đổi có rẻ hơn một chút, đổi 10 ngàn được 17 tờ 500 đồng (8.500 đồng). Chị Nguyễn Thu Nga (thôn Hoàng Đồng, TP. Lạng Sơn) sau khi đổi tiền lẻ tại Đền Kỳ Cùng bức xúc kể: chị đã mua hương ở hàng đó rồi thế nhưng khi bảo họ trả lại tiền lẻ 500 đồng thì họ nhất quyết không đồng ý, bắt chị phải đổi 10 ngàn lấy 8 ngàn.
Dù rất bực mình nhưng chị vẫn phải chấp thuận để có tiền lẻ đi lễ đầu năm. Không riêng gì chị Nga mà phần lớn người đi lễ đều có thói quen đổi tiền lẻ để đặt lên các ban thờ. Nắm bắt được tâm lý đó, khi tiền lẻ trở nên hiếm hoi thì một số người kinh doanh đã mạnh tay “chặt chém” khách khi đến mua hương, đổi tiền chứ không trả lại tiền lẻ để “câu khách” như trước đây nữa.
Cần thay đổi nhận thức của người đi lễ
Theo quan niệm truyền thống, đặt tiền “giọt dầu” là một nét văn hóa đẹp, thể hiện lòng thành kính đối với thần linh và mong muốn đóng góp công đức xây dựng, tu bổ đền, chùa. Nhiều chùa đã có hòm công đức đặt ở các ban thờ nhưng nhiều người đi lễ vẫn có thói quen rải tiền lẻ bừa bãi, đặt ở bất cứ chỗ nào có bát hương, tượng phật, các mâm lễ, thậm chí dưới gốc cây, thả xuống giếng.
Sở dĩ tồn tại tình trạng lộn xộn đó là do nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa của việc đặt tiền “giọt dầu”, cho rằng phải làm như thế mới là thành tâm. Vì thế, muốn loại bỏ thói quen sử dụng tiền lẻ khi đi lễ thì trước tiên cần phải thay đổi nhận thức của mỗi người, cần tuyên truyền để người dân hiểu truyền thống tiền “giọt dầu”, công đức là để tu bổ đền, chùa chứ không phải là “hối lộ” thần thánh để “đổi” lấy những ước muốn của mình.
Xin trích dẫn thông tin trả lời công chúng của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về vấn đề này: “Mọi người quan niệm cứ cầu lộc, cầu phúc, cầu may mắn bằng ít tiền lễ và xoa tay vào tượng là đạt được lời cầu. Đó là hành động phải tội, thiếu đi sự tôn kính đối với nhà Phật, mà lại mất đi sự tôn nghiêm, ảnh hưởng đến mỹ thuật của pho tượng. Đồng tiền dù chỉ là phương tiện mưu sinh thì chúng ta cũng cần phải trân trọng. Người đi lễ nên đưa hết vào hòm công đức cho đỡ mất mỹ quan mà lại là có được cử chỉ đẹp.”
Thực hiện chỉ thị của Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) và công văn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngày 24/1/2014, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 84/UBND-KTTH về Quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng. Trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành chức năng và nêu rõ: cần tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn minh, sử dụng đồng tiền hợp lý, đúng mục đích văn hóa, thực hành tín ngưỡng lành mạnh và tiết kiệm; nghiêm cấm các hình thức kinh doanh đổi tiền mệnh giá nhỏ để hưởng chênh lệch… Theo đó, Sở VH-TT&DL tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, quản lý phù hợp để người dân tham gia lễ hội sử dụng tiền mệnh giá nhỏ có giới hạn nhất định, điều chỉnh hành vi của mình, thực hành tín ngưỡng lành mạnh và tiết kiệm. Phường Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn) là nơi tập trung nhiều đền, chùa, di tích lịch sử của tỉnh.
Đặc biệt là Chùa Tam Thanh - Nhị Thanh hàng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, hành hương. Ông Đỗ Hồng Nhâm, Chủ tịch UBND phường cho biết: thực hiện sự chỉ đạo của Sở VH-TT&DL, UBND thành phố, chính quyền địa phương đã thông báo đến toàn thể nhân dân trên địa bàn 11 khối phố. Đồng thời tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, niêm yết thông báo tại các đền, chùa để bà con hiểu và tự giác thực hiện quy định của pháp luật về hoạt động tôn giáo tín ngưỡng, không rải tiền lẻ bừa bãi lên các ban thờ, đảm bảo cảnh quan, mỹ quan, lối sống văn hóa khi đi lễ hội.
Tin rằng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhận thức của dân trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng sẽ ngày càng được nâng cao. Và trước hết là từ bỏ được thói quen rải tiền lẻ bừa bãi khi đi lễ, góp phần tiết kiệm ngân sách, tránh lãng phí, gìn giữ sự tôn nghiêm của di tích và hình ảnh đẹp của đồng tiền Việt Nam.
Nguồn tin: theo baolangson
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự