Sư Thích Minh Phượng: "Tôi tổn thương thể xác lẫn tinh thần"

Thứ hai - 11/11/2013 14:13
Trong những ngày làm cả nước sóng gió vì tin đồn thay tượng cổ bằng tượng chính mình, nhà sư Thích Minh Phượng tạm lánh an dưỡng vài ngày ở một ngôi chùa thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội, cách chùa Chân Long nơi ông làm trụ trì chừng 20 km
Bức tượng và ảnh nhà sư trụ trì chùa Chân Long.
Bức tượng và ảnh nhà sư trụ trì chùa Chân Long.
Nói về vụ việc ở Chân Long tự (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội), sư Thích Minh Phượng chia sẻ với VNN: "Tôi bị tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần. Giờ đi đâu người ta cũng nhìn tôi như tội phạm. Tôi mất hết uy tín, làm sao còn tu được ở chùa nào? Mà ở nhà thì người ta hành hung, gây áp lực. Họ còn tìm đến tận quê nhà tôi trước khi đi tu để tung tin đồn ác ý nói là tôi bị truy tố, phải đi tù".
 
Nhà sư cho biết, ngày mai,11/11, ông sẽ về làng làm việc với UBND xã. "Mấy ngày qua tôi rất sốc nhưng phải giữ sức khỏe. Tôi bị bệnh tiểu đường, không thể để mình bị những xúc động tâm lý quá mạnh", nhà sư nói.

Không ai thờ sống mình cả
 
Trước thông tin thay tượng cổ trong chùa bằng tượng của chính mình, trụ trì chùa Chân Long cho biết: "Tôi còn đang trẻ thế này, mà tôi còn đang sống, không một người nào tự đúc tượng mình đặt lên bàn thờ để thờ sống mình cả... Đạo lý của người Việt Nam nói một người chết đi mới được đưa lên bàn thờ để thờ".
 
Sư Thích Minh Phượng giải thích: Bức tượng này không phải do sư đặt đúc, mà do một Phật tử trong làng tên Chu Thị Nụ cúng dường. Bà đặt làm tượng từ ảnh mẫu ở chùa Hoa Hiên chụp tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông khi ngài đang chiêm kiến, mở mắt ra phổ độ chúng sinh.
 
"Một tuần sau, tôi ra báo cáo ủy ban và có đơn thư kèm theo, trình bày một doanh nghiệp cúng dường pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nặng 350 kg, cao 1m. Anh Huấn, Chủ tịch xã nói, ông ghi nhận tấm lòng của Phật tử dù chưa biết tượng thế nào. Nhưng ông cũng phê bình tôi chuyện nhận tượng xong mới ra báo cáo. Tôi thấy đây cũng là một phần sai sót của tôi. Ông hỏi tôi đặt ở đâu thì tôi bảo đặt vào một chỗ trống trên tam bảo (chùa chính) vì người cúng dường có tâm nguyện như vậy. Sau đó, anh Toàn phó chủ tịch xã giải thích Luật di sản, yêu cầu trong 5 ngày phải hạ tượng xuống và đưa khỏi chùa, muộn nhất là ngày 5/11".
 
Nhà sư cũng cho rằng, việc tung tin pho tượng giống tượng của chính ông là một sự cố ý.
 
"Hôm dời tượng ra khỏi chùa, tôi có trùm chăn lên pho tượng và chằng rất kỹ vì tuy nó bằng đồng nhưng được mạ phủ lên một cây vàng. Người ta lại yêu cầu cho xem có đúng là pho tượng mới hay không, rồi có người hô lên đó là tượng của tôi. Tôi lấy làm lạ là chuyện này đúng hay sai thì người làng đã biết từ trước, trong những ngày tượng được đặt trong chùa".

Nếu bán tượng cổ sao còn ngồi đây?
 
Giải thích về sự biến mất của pho tượng Phật Ngọc Hoàng có tuổi đời trên 300 năm trong gian nhà tổ, trụ trì chùa Chân Long cho biết trước đó pho tượng đã bị vỡ tung:
 
"Đó là hôm 23 Tết tháng chạp âm lịch, tức đầu năm 2012, một số Phật tử đến tu tập. Tôi bảo họ đi chấp pháp dọn dẹp nhà chùa. Tôi thấy tượng bị mối đùn lên ở rất nhiều vết nứt. Người ta xê dịch thì tượng vỡ tung ra, chỉ còn phần đầu, bờ vai và một số phần thân. Các bà rất hoang mang, tôi nói họ cho vào bao tải mang ra sông rửa và hạ thủy, vì trong chùa không có tháp để chứa tượng vỡ.
 
Tin lại đồn, nói là tôi đập tượng để lấy 10 ký vàng. Thông tin khác lại nói tôi đã bán tượng. Trước khi xã ra vớt tượng lên, các bà (làm vỡ tượng) lại ra vớt trước khiến dân ùm lên nói là chứng cứ giả. Công an đã vào cuộc vụ này. Thử hỏi nếu tôi thực sự đi bán tượng, giờ tôi còn ngồi đây không?".
 

Rất nhiều pho tượng mới được sư Thích Minh Phượng thế vào tượng cổ

Về việc di dời các tượng cổ khác để thờ 14 tượng mới, sư Thích Minh Phượng cho rằng: "Nhóm 14 tượng là nếp tượng mới thờ mẫu, gồm tam tòa thánh mẫu, ngũ vị tôn ông, Đức Thánh Trần, Ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười..., đều do các Phật tử cúng dường. Chùa không có những tượng này trước khi tôi về, cũng thiếu hoành phi, câu đối và cửa võng, nhưng lại có tới hai tượng Phật ngọc hoàng, hai tượng A Di Đà. Tôi là người giữ lịch sử văn hóa, nhưng chuyện thừa thiếu này tôi phải giải thích thế nào? Chẳng lẽ tôi là người vô văn hóa à?".

Mỗi lần tắm phải xách đồ đi vòng qua cổng?
 
Liên quan đến việc bị tố vi phạm Luật di sản khi cố ý xây nhà vệ sinh tự hoại ngay bên hông chùa chính, sư Thích Minh Phượng cho biết, nhà vệ sinh đã nằm ở đó từ trước khi ông về, nhưng chỉ là tường gạch và lợp mái xi măng.
 
"Về mùa khô rất thiếu nước nên có người đề nghị tôi xây trần để lắp bình chứa nước bên trên. Tôi chỉ xây lại đúng vị trí đó cho tiện sinh hoạt, lại gần giếng nước.
 
Người ta đề nghị tôi xây nhà vệ sinh ở khu vực phía cổng, ngay chỗ nhà để xe. Nhưng như thế rất bất tiện vì chẳng lẽ mỗi lần tắm tôi lại phải xách đồ đi vòng qua cổng? Mà chẳng lẽ, chỗ để xe không thuộc khu vực di sản? Người ta có giải thích với tôi về Luật di sản, nhưng tôi thật không hiểu".

Sở Văn hóa yêu cầu kiểm tra sai phạm tại chùa Chân Long

Sở VHTTDL Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND huyện Thạch Thất về việc kiểm tra, xử lý các sai phạm tại chùa Chân Long, xã Chàng Sơn.

Theo sở này, chùa Chân Long đã được xếp hạng cấp quốc gia, hiện tại di tích được UBND huyện Thạch Thất quản lý trực tiếp.

Qua kiểm tra việc đúc tượng mới thay tượng cũ tại chùa là có thật. Nhà sư Thích Minh Phượng đã tự ý đưa tượng hoặc xây dựng một số công trình phục vụ cá nhân tại chùa mà không xin phép cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Di sản văn hóa, gây bức xúc cho nhân dân.

Sở VHTTDL đề nghị UBND huyện Thạch Thất chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh ngay các sai phạm đã nêu rõ và báo cáo UBND thành phố để giải quyết các vụ việc tại di tích chùa Chân Long theo thẩm quyền.

Tác giả bài viết: Tú Linh

Nguồn tin: Báo Đất Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây