Tấm lòng của vị sư chuyên xây cầu, làm nhà giúp người dân

Chủ nhật - 11/09/2016 23:26
Dù đã 87 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời, nhưng hòa thượng Trần Nhiếp vẫn đầu trần dãi nắng chỉ đạo những công trình cất nhà tình thương, khoan giếng nước ngầm, làm đường bê tông cho đồng bào vùng sâu, vùng Khơme nghèo.
87 tuổi vẫn đi bẻ sắt xây cầu

Cầu bê tông Sốc Sâu nối đôi bờ ấp An Hòa và An Phú của xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đang được xây dựng với chiều ngang 4m, dài hơn 30m. Một số trai tráng vác những thùng bê tông trộn đổ mang cá cầu, còn đàn ông trung niên đứng bên chiếc cối xay trộn vữa. 

Riêng hòa thượng Trần Nhiếp, sãi cả chùa Đường Xuồng Mới (còn gọi là chùa Thanh Gia ở ấp Hòa Thanh, xã Định Hòa, huyện Gò Quao) đang ngồi bẻ sắt. 

Tấm lòng của vị sư chuyên xây cầu, làm nhà giúp người dân

Một cây cầu do hòa thượng Trần Nhiếp kêu gọi xây dựng giúp dân

Quệt những giọt mồ hôi ướt đẫm trên vầng trán, ông Danh Thường (73 tuổi, người dân ở ấp 4, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao) cho biết, hễ nói đến những công trình giao thông nông thôn như xây đường, xây cầu bê tông trong vùng thì không thể không nhắc đến công lao của nhà sư Trần Nhiếp. 

Mấy chục năm nay, ông và các đệ tử ở chùa Đường Xuồng Mới đã phối hợp với thầy Lý Long Công Danh (sãi cả chùa Thủy Liễu) đứng ra vận động bà con góp tiền, góp sức để xóa đường đất, xóa cầu khỉ, xóa nhà tạm bợ và tìm nguồn nước sạch cho dân nghèo vùng hạn mặn. 

Nhà của hòa thượng Trần Nhiếp ở xã Định Hòa. Theo tập tục của người Khơme, năm lên 12 tuổi, ông vào chùa tu. Tu sa di được 2 năm, ông hoàn tục, đi học chữ quốc ngữ. Do nhà nghèo nên học tới lớp 3, ông phải nghỉ học. 

Năm 20 tuổi, ông tiếp tục vào chùa tu, nhưng chỉ được 1 năm thì lại hoàn tục do mắc bệnh. Năm 25 tuổi, ông lập gia đình. Vợ chồng ông sống với nhau 15 năm mà không có con nên ông lại vào chùa tu, rồi đi làm từ thiện. 

Tấm lòng của vị sư chuyên xây cầu, làm nhà giúp người dân

Đệ tử của hòa thượng Trần Nhiếp đang miệt mài xây cầu

Hòa thượng Trần Nhiếp thổ lộ: “Tự nhiên tui thấy chán cuộc đời, nên năm 40 tuổi tui lại vào chùa tu. Vợ ở nhà làm mấy công ruộng nuôi cha mẹ, nhưng bây giờ cha mẹ tui đã qua đời. 

Tui có 3 anh em nhưng 2 người đã mất. 44 năm trước, tui đã bắt đầu làm từ thiện, bằng việc vận động nhân dân làm đường, xây cầu vì thấy vùng này bà con đi lại khó khăn, học sinh đi cầu khỉ tội quá. 

Lúc còn khỏe, tui trực tiếp thi công. Mới 1 năm nay, sức khỏe tui yếu nên chủ yếu tui đứng chỉ huy. Bây giờ tui chỉ còn phụ bà con lúc xây cầu là bẻ sắt, chứ không còn cầm bay xây được nữa”.

Vận động hàng chục tỷ “tháo khó” cho dân 

Hòa thượng Trần Nhiếp tâm sự, ông đi vận động tiền để thực hiện các công trình miễn phí giúp dân nghèo từ khi còn thời chiến nên việc làm đường, xây cầu gặp khó khăn. Kể từ khi đất nước hòa bình, các công trình từ thiện do ông vận động mới mọc lên nhiều ở các vùng quê nghèo khó. 

Ban đầu ông phải đến từng nhà dân, dùng uy tín người tu hành để kêu gọi bà con đóng góp. Sau khi thực hiện được một vài công trình nhỏ, nhân dân quanh vùng thấy được hiệu quả mới ủng hộ ông ngày càng nhiều. 

Tấm lòng của vị sư chuyên xây cầu, làm nhà giúp người dân

Người dân cũng tham gia rất tích cực

Hòa thượng Trần Nhiếp cho hay: “Dù tui chán cuộc đời nhưng lại thương người nghèo. Thấy trẻ em đi học đường lầy lội, đi cầu khỉ trơn trượt mà lòng tui chịu không được, nên đứng ra vận động làm đường, xây cầu. Nhà nước thì lúc nào cũng lo cho dân, nhưng thường làm những công trình lớn. 

Mình thấy vùng này kênh rạch chằng chịt, đi lại khó khăn nên tiếp tay với nhà nước làm những công trình nhỏ, góp phần phát triển phum sóc, quê nghèo. Mình làm thật nên công trình đạt chất lượng, rồi bà con tin tưởng nên ủng hộ nhiều. Về sau này, thông qua báo chí mà bà con ở xa cũng biết đến, nên việc vận động dễ dàng hơn”. 

Ông Thường bộc bạch thêm: “Theo tui biết từ trước đến nay ở huyện Gò Quao này, hòa thượng Trần Nhiếp đã vận động nhân dân đóng góp không dưới vài chục tỷ đồng. Từ đó cất cho dân nghèo khoảng 40 căn nhà, đổ bê tông cho khoảng 10km đường nông thôn, xây gần 200 cây cầu bê tông, khoan hơn 30 cây nước cho dân. 

Ngoài ra, hễ ở đâu vận động được vốn là hòa thượng sẵn lòng huy động phật tử đến đó xây dựng công trình miễn phí ngày công. Chẳng hạn như vùng U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Biên (Kiên Giang) và sang cả tỉnh An Giang. Ổng đi làm thiện riết rồi bà con quen mặt. 

Chính vì lòng tin của bà con vào hòa thượng cao mà việc vận động sau này ngày càng dễ. Mạnh thường quân ở các tỉnh miền Tây, TP. HCM, Hà Nội cũng biết đến thầy, rồi gởi tiền ủng hộ”. 

Tấm lòng của vị sư chuyên xây cầu, làm nhà giúp người dân

Hòa thượng Trần Nhiếp bên một công trình mình kêu gọi người dân xây dựng thành công

Vì vậy nhiều năm qua thầy được tặng rất nhiều giấy khen, bằng khen. Trong đó có bằng khen của Thủ tướng, rồi còn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Dân ở đây rất kính trọng và tin yêu, nên dù lớn tuổi thầy vẫn không thể vắng mặt ở các công trình. 

Bảo  Trân

(Theo Tuổi Trẻ & Đời Sống)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây