Mùa Vu Lan năm nay, tại hầu hết các chùa đều tổ chức lễ Vu Lan rất long trọng và chan chứa tình người. Tôi có dịp đến thiền viện Vạn Hạnh để lễ Phật và có khoảng thời gian tĩnh tâm, nhớ về công ơn cha mẹ mình. Nhưng năm nay tôi đặc biệt chú tâm đến những nhóm bạn, những câu lạc bộ, những gia đình tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu theo cách riêng.
Chúng tôi đến thăm cô Phương nhân mùa Vu Lan. Nhà cô ở một nghách nhỏ, trong con hẻm trên đường Cao Thắng, quận 3, Tp.HCM. Miếng đất nhà cô rất nhỏ nhưng được xây cao chót vót đến 5 tầng, tầng trên cùng thờ Phật. Chúng tôi ngồi bên nhau mùa Vu Lan để tâm sự và sẻ chia trong căn phòng nhỏ có bàn thờ Phật mà tôi gọi đùa là “chùa cô Phương”. Mọi người gật gù công nhận, bởi chùa là nơi thờ Phật. Nơi đây cũng thờ Phật mà. Dù chỉ một bàn thờ nhỏ trên cao, có một bát hương và một bức ảnh Phật thôi.
“Chùa cô Phương” đặc biệt bởi tuy rất nhỏ nhưng luôn đông khách. Chủ yếu là các bạn trẻ, tuổi dưới 30. Nhiều em sinh viên cũng đến. Cô Phương bảo tôi, rằng nhà cô như nhà trẻ. Kể cũng đúng vì có rất nhiều đồ ăn và đồ chơi như để “dụ” trẻ con. Cô Phương lại rất khéo tay và biết nhiều trò ảo thuật nên luôn thu hút được các bạn trẻ.
Tuy nhiên, điều làm tôi chú ý là xung quanh bốn bức tường “chùa cô Phương” dán đầy những lời dạy của đức Phật, những câu nói dạy ta sống tốt, sống thiện. Nhiều bức có lẽ được viết cách đây cả mấy chục năm. Rất cũ và cổ kính. Có bức mới được viết cách đây ít ngày. Nhìn là biết ngay bởi giấy còn mới mà nét viết còn tươi màu mực. Mọi người ngồi nói chuyện còn tôi lân la đọc các chữ, từng câu. Phải nói 4 bức tường nơi đây như là những tấm bảng lớn để dạy học. Mà ngôi “trường – chùa” này dạy ta làm người!
“Sóng biển như sóng gió cuộc đời. Điều quan trọng là phải biết dùng tình thương và tư duy nhân quả mà vượt lên ngọn sóng vươn tới để luôn luôn giữ được tâm thanh thản, an lạc, vô sự”.
“Mỗi khi bưng bát cơm đầy
Nhớ ơn Phật tổ, ơn thầy, mẹ cha
Ơn người thí chủ gần xa
Con nguyện sống hạnh vị tha đáp đền”
“Như tảng đá kiên cố
Không gió nào lay động
Cũng vậy giữa khen chê
Người trí không giao động”…
Tôi ra phía sau “chùa cô Phương” thấy có trồng khá nhiều cây. Gió mát vô cùng. Tôi ngắm cây khế bé xíu chĩu chịt trái. Tôi thích cây thần kỳ của nhà cô vì sau khi ăn trái xong, ta ăn chanh cũng thấy ngọt. Lạ lắm. Xen lẫn với cây cũng có những câu kệ, câu chú. Hiếm ở nhà ai mà tôi thấy điều này.
Bạn có thể khó tin nhưng ngay ở trong nhà vệ sinh, rồi tại khu vực bồn sửa mặt cũng thấy dán khá nhiều câu nhắc ta sống tỉnh thức, sống có ý nghĩa, sống lợi mình lợi người. Tôi đứng trong khoảng sân bé xíu của nhà cô, ngửa mặt lên trời đón ánh trăng rằm mà thấy đời sao tươi đẹp và ý nghĩa đến vậy.
Hôm nay chúng tôi có bốn người. Cô Phương quý bé Thúy như con gái. Họ tíu tít cứ như là mẹ con. Ai cũng cười rất tươi. Mà cười tươi là đúng, đang mùa Vu Lan mà. Thực ra cô Phương chắc cũng đã từng là mẹ của Thúy từ những kiếp trước. Bởi chúng ta sống trong lục đạo, sinh tử luân hồi mà. Tôi nghe sự tíu tít của cô Phương và các bạn trẻ mà trong lòng vui lắm.
Nhân mùa Vu Lan, cô Phương lục tủ lấy ra những bức thư của những người bạn thân từ thời xưa. Cô mang những bài thơ do chính cô sáng tác để chúng tôi cùng đọc. Vẫn là những nụ cười sảng khoái và đầy tình yêu thương. Cuộc nói chuyện và tâm sự của chúng tôi luôn bị ngắt quãng bởi những cú điện thoại nhờ cô tư vấn, khuyên nhủ hay nhờ chữa bệnh. Tôi thích khuôn mặt thư giãn và chan chứa tình thương của cô mỗi khi nói chuyện, dù với bất cứ ai, người quen hay kẻ sơ.
Tôi lần theo bốn bức tường của ngôi nhà bé xíu và đọc tiếp:
“Ngày mới con nguyện sống rộng rãi, thương chúng sinh hết muôn loài, nhẹ nhàng thể hiện hàng ngày cuộc sống tinh thần thoải mái”
“Kim vàng ai nỡ uốn cong
Người khôn ai nỡ nói câu nặng lời”
“Hãy mỉm cười với cuộc đời vì cuộc đời là tấm gương. Cười với gương thì gương sẽ cười lại”
“Do tình thương, chúng ta được sinh ra
Nhờ tình thương, chúng ta được nuôi dưỡng
Sống có tình thương, chúng ta được giải thoát”
Đã 22h30 mà tôi vẫn nghe thấy chuông bấm. Hóa ra hai vợ chồng một người mới quen đến thăm và muốn nghe cô chia sẻ về Phật pháp. Lạ thật. Nửa đêm mà vẫn có người tìm đến. Vậy thì cô ngủ muộn lắm à. Tự nhiên tôi nghĩ, nhà cô còn hơn cả chùa, vì chùa thường buổi tối đóng cửa còn “chùa cô Phương” mở của đến khuya.
Tình thương vô cùng quan trọng. Tình thương là tài sản vô giá của con người. Nếu không có tình thương chúng ta đâu có còn là người mà dần biến mình thành thú (mà ngay cả thú cũng có tình thương chứ ạ). Chúng ta không thể không nghĩ đến, không thể không nói về tình thương trong mùa Vu Lan. Tình thương cũng cần thời gian để lớn dần. Những câu viết quan bốn bức tường tại nhà cô Phương như nhắc tôi sống tốt hơn và cần làm nhiều việc thiện hơn. Tôi tự nghĩ thầm “Đến thăm ngôi chùa bùa chú nhân mùa Vu Lan thật tuyệt vời”.
Bước ra ngoài, nơi để dày dép, lại vẫn gặp những câu viết rất hay nhắc nhở ta. Tôi rời “ngôi chùa bùa chú” nhà cô Phương mà tiếc. Đồng hồ hình như chạy nhanh quá.
Sắp sang ngày mới mất rồi!