Sau khi Báo điện tử VTC News đăng loạt bài về động trăn ở Vườn quốc gia Xuân Nha (Mộc Châu, Sơn La), phóng viên đã nhận được thêm một số thông tin từ một đồng chí kiểm lâm vườn quốc gia này.
Đồng chí kiểm lâm nói rằng, ngoài động trăn, thì Vườn quốc gia Xuân Nha còn một hang động đặc biệt nữa, ấy là hang rắn. Theo anh, hang rắn còn kỳ bí hơn hang trăn nhiều, bởi nó được bảo vệ nghiêm ngặt, không ai dám vào hang.
Điều đặc biệt là loài rắn sinh sôi nảy nở trong hang sâu ngày một nhiều. Trong hang có một con “rắn chúa” (không phải rắn hổ chúa, mà là con đứng đầu), chỉ đạo, điều hành bầy rắn trong hang (?!).
Thời buổi này, rắn là loài có giá, được thực khách ưa chuộng, nên chúng không còn phổ biến ngoài tự nhiên. Ấy thế mà, có cả một động rắn hoang dã vẫn tồn tại, quả là điều đặc biệt. Thế nên, tôi đã lập tức lên đường tìm vào đại ngàn Xuân Nha.
Dãy Pha Luông Vào đến bản Thín, nơi có động trăn kỳ dị dưới chân dãy Pha Luông (Xuân Nha, Mộc Châu, Sơn La) thì mặt trời đã lặn phía bên kia dãy núi. Khi nước bạn Lào vẫn còn nắng tưng bừng, thì bản làng dưới chân dãy Pha Luông cao diệu vợi đã âm u hoang hoải.
Chỉ một lát nữa thôi, bóng đêm sẽ tràn ngập khắn ngả. Chúng tôi hỏi đường rồi tiếp tục đi sâu vào rừng già, tìm đến bản Tưn, nằm trong lõi Vườn quốc gia.
Đến nhà Trưởng bản Mùi Văn Ngọc thì bóng đêm đã bao phủ khắp ngả. Dù là khách lạ, nhưng trưởng bản vẫn đón tiếp nồng nhiệt. Cuộc sống đồng bào nơi đây vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ. Ông ra đầu nhà gọi bà vợ, kêu bắt con gà làm thịt đãi khách phương xa.
Ông Ngọc nổi lửa đun nước pha trà. Chúng tôi đang hàn huyên chuyện trời bể về vùng đất hoang sơ, lắm chuyện huyền bí này, thì bỗng nghe tiếng bà vợ ông Ngọc kêu thất thanh. Trưởng bản Ngọc cùng chúng tôi chạy ra xem. Hóa ra vợ trưởng bản nhìn thấy rắn.
Đồng bào bản Tưn kéo đến nhà trưởng bản Ngọc nghe chuyện về động rắn Nghe lời chồng, vợ trưởng bản vào chuồng bắt gà làm thịt thết khách. Thế nhưng, vừa vào chuồng gà, thì nghe tiếng phì phì, rồi roạt một cái, con rắn hổ mang to tướng phi từ trên mái chuồng gà xuống đất. Loài rắn độc rất sợ người, nên thấy người là chạy tháo thân, trốn tuột vào rừng.
Tôi tưởng trưởng bản sẽ chạy vào trong nhà, kiếm đèn pin đuổi theo tóm sống con rắn, đem ngâm rượu, hoặc bán cũng được vài triệu, nhưng ông Ngọc chẳng nói gì, kéo chúng tôi vào nhà uống nước.
Trưởng bản Mùi Văn Ngọc bảo: “Rắn ở đây nhiều lắm, ngày nào chả gặp. Đêm ngủ, rắn thèm hơi ấm còn mò vào gầm giường nằm, hoặc khoanh tròn bên bếp lửa. Người bản Tưn chúng mình không bắt rắn đâu. Rắn là của thần rừng, thần núi, mình phải bảo vệ rắn”.
Quan niệm của ông trưởng bản Ngọc cũng như đồng bào Thái ở bản Tưn thật lạ, coi rắn là loài vật của thần, nên không bắt, không giết. Đặc biệt là người dân trong bản cũng không ăn thịt rắn.
Một lối vào động rắn Tu Ngu Ông Ngọc còn bảo, nếu không tin, sớm mai ông sẽ dậy lục tung gầm nhà, đống củi, chuồng trâu, thể nào cũng kiếm được rắn.
Câu chuyện miên man về núi rừng, thần rắn đang đến hồi hấp dẫn, thì vợ trưởng bản bưng rượu, thịt lên. Xong thủ tục nhập mâm bằng mấy chén rượu tràn, thì trưởng bản Ngọc mới khề khà kể chuyện về hang rắn.
Theo ông Ngọc, bản Tưn nằm ngay dưới chân dãy núi Pha Luông. Tiếng bản địa gọi dãy núi này là Ngu Phạ, dịch ra là rắn thần. Truyền thuyết các cụ kể lại có nhiều kiểu khác nhau. Có truyền thuyết nói rằng, dãy Pha Luông mang hình con rắn đang trườn, nên mới gọi là Ngu Phạ, tức rắn thần.
Tuy nhiên, cũng có truyền thuyết kể rằng, Ngu Phạ là bởi con rắn khổng lồ chết mà hóa thành. Nhưng phổ biến nhất, vẫn là trên núi này có nhiều hang động, là vương quốc của các loài trăn, rắn sinh sống, nên mới gọi là Ngu Phạ.
Chuyện dãy núi Pha Luông là lãnh địa của loài rắn có lẽ không hẳn là huyền thoại, mà đó là sự thật. Hang Hằng bên bản Thín, cũng là một bản dưới chân dãy Pha Luông, là nơi có rất nhiều trăn đá sinh sống. Bản Thín và những cánh rừng xung quanh cũng là lãnh địa của loài trăn.
Quả núi rậm rạp, nơi có hang rắn Tu Ngu Bao nhiêu năm nay, thợ bắt trăn, rắn đến bản Thín bắt đi không biết bao nhiêu trăn, rắn, mà vẫn còn nhiều, đủ biết trăn rắn ở khắp vùng đã tụ về đất này.
Một đồng chí kiểm lâm bảo, đặc thù của dãy Pha Luông là núi đá vôi, có nhiều hang hốc, nên trăn, rắn trú ngụ nhiều. Những bản làng dưới chân dãy Pha Luông lúc nào cũng nóng hơn xung quanh vài độ C, nên trăn, rắn, loài bò sát máu lạnh tìm đến trú ngụ, cũng là điều dễ hiểu.
Theo trưởng bản Ngọc, hang rắn của bản Tưn được người dân gọi là Tu Ngu. Hang Tu Ngu nằm trong một quả núi đá, giữa rừng già, ngay dưới chân dãy Pha Luông. Đứng trên lưng chừng Pha Luông nhìn xuống, trông quả núi ấy như tảng đá vỡ ra từ dãy Pha Luông khổng lồ, lăn lóc xuống thung lũng.
Trưởng bản Mùi Văn Ngọc bảo: “Hang Tu Ngu không xa lắm đâu, chỉ mất nửa buổi đi bộ thôi. Nhưng thú thực với nhà báo, là trưởng bản mà tôi cũng chưa dám vào hang bao giờ. Chỗ ấy thần rắn ngự, xuống đó chết như chơi.
Chuyện trong hang có nhiều rắn thì ai cũng biết. Các cụ kể trong hang rắn sống thành từng đàn, đủ cả hổ chúa, hổ đất, hổ mang bành, hổ trâu, hổ lửa. Bọn rắn chia lãnh địa từng ngóc ngách trong hang. Dưới đáy hang là suối, lại có vô số rắn nước, toàn những con to bằng bắp tay, cổ chân, cán cuốc thôi à.
Từ đời các cụ đã bảo vệ hang rắn, không cho ai vào bắt. Dân bản có nghèo, có thiếu cái ăn thì cũng không bắt con rắn làm thịt, đem bán đâu. Động vào rắn là thần rắn trừng trị ngay đấy”.
Đường vào "động rắn" Câu chuyện đang đến hồi sôi nổi, thì ông Mùi Văn Khoa rọi đèn pin lấp loáng đi vào nhà. Ông Khoa đã 70 tuổi mà dáng vóc vẫn khỏe khoắn, vâm váp của người miền rừng.
Ông Ngọc bảo, ông Khoa chính là người nhiều lần vào hang Tu Ngu, nên nắm rõ nhất về “động rắn” kinh khiếp này. Ông Khoa cũng thừa nhận nhiều
lần vào hang, nhưng thực tế, ông chỉ bắt cá ở miệng hang trong này nước lũ, khi bọn cá ngợp nước bơi ra, hoặc chỉ đi vào trong hang một chút, chứ ông cũng chưa từng dám đi sâu vào trong hang.
Ông Khoa vốn là thợ săn cá giỏi của bản Tưn. Hễ ông xách chài ra sông là có cá ăn thỏa thích. Theo ông Khoa, trong lòng hang Tu Ngu có một con suối khổng lồ. Các cụ truyền lại rằng, càng đi sâu vào trong núi, lòng suối càng rộng, như một con sông sâu.
Trong sông ngầm ấy, có vô số loài cá lạ, có màu đen, với cái mõm đỏ và vây đỏ, giống như “cá thần” ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa) mà ông từng thấy trên tivi.
Đồng bào ở bản Tưn sợ rắn, không dám bắt rắn, nhưng lại bắt loài cá này về ăn. Tuy nhiên, không ai dám vào hang bắt cá, nên phải đợi mùa nước lũ, nước chảy mạnh, cá háo nước bơi ra ngoài, thì mới tóm được.
Theo lời ông Khoa, vì trong hang có nhiều cá, mà loài cá sống trong hang lại rất hiền lành, làm mồi ngon cho các loài rắn, nên rắn tập trung vào hang cũng là điều dễ hiểu.
Còn tiếp…