Ngày 3/12/2012, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã công bố kết quả nghiên cứu trên động vật của Viện Dược liệu trung ương - Bộ Y tế về cây “thần dược” ở Khánh Hòa rằng đã xác định mẫu cây do Sở Y tế tỉnh Khánh Hoà gửi là cây xáo tam phân (tên khoa học là Paramignya trimera).
Cây chứa 2 thành phần chủ yếu là courmarin và triterpenoid, và thành phần phụ flavonoid, saponin, alcaloid.
Thế nhưng, trước khi có cuộc kiểm nghiệm của các cơ quan y tế, thì người dân sinh sống tại vùng đất có cây thần dược đã tự kiểm nghiệm dược tính của loại cây này ngay chính trên cơ thể của mình. Và họ nhận ra rằng, cây thần dược đúng là trị được rất nhiều chứng bệnh.
Kỳ 1: Những cuộc khảo nghiệm dân gian ngay chính trên cơ thể người
Khi đi tìm tung tích của cây “thần dược”, chúng tôi thấy rằng người dân tộc Raglei đã biết công dụng của nó từ rất lâu. Ông Y Thoan Buôn Dap - sống ở huyện miền núi M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, giáp ranh tỉnh Khánh Hòa - nói: “Đời cha tôi - nghĩa là khoảng những năm 1930, nhiều người trong huyện đã du canh du cư xuống Dục Mỹ, rồi đến Ninh Hòa, Ninh Vân, một số khác đi ngược lên Sông Ba, Phú Yên nhưng do không quen phong thổ đồng bằng nên chỉ một, hai mùa rẫy, họ lại quay về…”.
Trong thời gian sống đời du canh du cư ấy, khá nhiều người mắc phải bệnh sốt rét báng bụng (mà bây giờ y học đã đã biết đó là chứng gan to, lách to - hậu quả của sốt rét ác tính). Khi ấy, họ chặt cây “thần dược” nấu nước uống, và chỉ khoảng nửa tháng là khỏi hoàn toàn.
Trong một ghi chép của y sĩ trung úy C-harles Durant, thuộc tiểu đoàn 4 Lê Dương, Pháp, khi đóng quân ở vùng Vũng Rô, Phú Yên cũng có nhắc đến loại cây này: “Người bản xứ thường chặt một loại cây thân gỗ màu vàng nhạt, có rất nhiều gai về nấu nước uống để chữa các bệnh đường tiêu hóa…”.
Một số cụ già ở xã Ninh Vân cũng nói: “Dân trong xã biết đến cây “thần dược” từ hàng chục năm trước, có người lấy về nấu thay trà uống hằng ngày nhưng rất ít người biết là nó có thể chữa được một số bệnh tật. Chỉ thấy uống vào đi tiêu, đi tiểu dễ dàng, ăn được, ngủ được nên uống vậy thôi”.
Rồi đến khi ông Lê Hăng, người xã Ninh Vân, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa lành bệnh xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối nhờ uống cây thần dược thì tiếng đồn về nó mới bùng lên, trở thành một cơn sốt!
Nhân chứng cho tác dụng thần kỳ của cây "thần dược"
Trước năm 2009, ông Lê Hăng nổi tiếng ở xã Ninh Vân nhờ cái tài hát hay, đàn giỏi nên hầu hết các cuộc vui trong xã, ông đều được mời tham gia. Mà đã tham gia thì phải uống nhiều bia rượu nên cuối năm 2009, ông thỉnh thoảng thấy ngứa, kém ăn, bụng hơi trướng.
Tuy nhiên, do chủ quan vì thấy vẫn khỏe mạnh nên ông không để ý đến những triệu chứng này, cũng như không đi khám hoặc điều trị.
Giữa năm 2010, bụng ông càng lúc càng trướng to, ăn uống kém, bắp tay, ngực, bụng nổi lên những cụm mạch máu nhỏ nhìn như những ngôi sao, da vàng, nước tiểu cũng vàng đục, thường xuyên đau tức vùng dưới sườn phải, đại tiện rất khó khăn.
Những ngày đó, ông Hăng chỉ biết ngồi dựa lưng vào tường, thở dốc. Mỗi lần đi tiểu tiện đều phải nhờ đến hai người xốc nách dìu đi. Chịu không nổi, ngày 3/7/2010, gia đình đưa ông Hăng đến phòng khám đa khoa Phúc Lộc ở đường Trần Quý Cáp, TP.Nha Trang.
Tại đây, sau khi cho làm các xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ Trần Thành Luân ký kết luận: “Xơ gan, bụng có nhiều dịch”. Ông Hăng, nói: “Bác sĩ kê toa thuốc cho tôi về uống, hẹn nửa tháng sau tái khám”.
Ngày 17/7/2010, ông Hăng quay lại phòng khám đa khoa Phúc Lộc. Kết quả xét nghiệm, chẩn đoán được bác sĩ Trần Ngọc Đông ghi rõ: “Xơ gan, dịch trong ổ bụng nhiều”.
Theo bác sĩ Đông, thì bệnh của ông Hăng đã ở giai đoạn cuối, gan đã mất bù - nghĩa là số lượng những tế bào gan còn lành lặn không đủ để hoạt động thay cho những chỗ đã bị xơ nên dù có rút bớt nước trong bụng ra, thì cũng chỉ giúp ông thấy dễ chịu một vài ngày chứ không giải quyết được gì vì dịch ổ bụng sẽ lại tiếp tục phát triển, chưa kể việc hút dịch ra sẽ khiến ông suy kiệt thêm.
Ông Hăng kể tiếp: “Mặc dù vẫn kê toa thuốc, nhưng bác sĩ nói riêng với vợ tôi là nên đưa tôi về để chuẩn bị tinh thần lo chuyện hậu sự”.
Bà Hồng và cây “thần dược” Trở về nhà, ông Hăng coi như đời mình đã hết. Ông không nằm được, chỉ ngồi dựa lưng vào tường, mọi sinh hoạt đều phải có người giúp. Tuy nhiên, cũng ngay buổi chiều ông Hăng từ phòng khám về nhà thì một người tên Sinh, là công nhân trong đội làm đường giao thông vào xã Ninh Vân, lúc ngồi nhậu không thấy ông Hăng tham gia như mọi lần nên mới hỏi.
Chừng biết ông Hăng bị xơ gan, đang chờ chết thì hôm sau, anh Sinh mang đến cho ông Hăng một mớ rễ cây. Theo lời anh Sinh, ngày xưa ba anh hoạt động cách mạng và có thời gian ở chung với đồng bào dân tộc, ba anh thường thấy người dân tộc lấy loại cây này nấu nước uống chữa bệnh sốt rét trướng bụng nên khi nghe tin ông Hăng bị xơ gan, anh đã nhanh chóng chặt một mớ mang đến vì khi làm đường, anh thấy trên sườn núi Hòn Hèo (huyện Ninh Vân, Khánh Hòa) có mọc loại cây này.
Lúc đưa cây “thần dược” cho ông Lê Hăng, anh Sinh bảo rằng: “Nếu uống mà hết bệnh thì sau này khi gặp trường hợp tương tự, anh nên chỉ cho họ, làm phúc, cứu người”.
Có bệnh thì vái tứ phương - ông Hăng làm theo hướng dẫn của anh Sinh. Ông xắt thân, rễ cây đó ra từng lát, lấy 200 gam nấu thành 2 lít nước, uống đại chứ thật lòng thì cũng chẳng hy vọng gì. 3 ngày đầu tiên kể từ khi uống, ông tiểu tiện, đại tiện nhiều, người nhẹ nhõm hẳn.
Đến ngày 24/7, nghĩa là 7 ngày sau khi phòng khám Phúc Lộc cho về chờ chết, ông quay lại để kiểm tra. Kết quả siêu âm do bác sĩ Lương Quang Thạch ký, ghi rõ:“Xơ gan, dịch ổ bụng vừa phải”.
Quá mừng rỡ, ông Hăng về nhà uống tiếp. Ông nói: “Càng lúc tôi càng thấy khỏe dần, bụng xẹp hẳn, ăn được, ngủ được”. 5 tháng sau, khi tiến hành kiểm tra cho ông, bác sĩ Chiêm, khoa Nội Bệnh viện Đa khoa Ninh Hòa kết luận “gan bình thường, không có dịch trong ổ bụng”. Vậy mà sau khi lành bệnh, ông Lê Hăng không “làm phúc cứu người” như lời dặn của anh Sinh, mà ông “bán thuốc cứu người”!
Kinh doanh cây "thần dược"
Nhà ông Lê Hăng ở thôn Đông, xã Ninh Vân, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. một quán tạp hóa, kiêm luôn bán cây “thần dược”. Dân trong xã nói ông là điểm thu mua, bán cây “thần dược” lớn nhất Ninh Vân, giá 500 nghìn đồng/kg, cần bao nhiêu cũng có.
Khi chúng tôi đến, đã có khoảng hơn 10 người đứng chờ vợ ông tính tiền. Ở góc nhà, một đống cây “thần dược” đã phơi khô, xắt lát, chỉ đợi cho vào túi ni-lông, giao cho khách. Đang ngồi giải thích cho một người phụ nữ trung niên về cách pha chế cây “thần dược”, nghe tiếng xe máy dừng trước cửa, ông lật đật bước ra.
Người chạy xe máy là một thanh niên, quần áo nhếch nhác, trên yên xe là một bao tải to đùng, ràng buộc cẩn thận. Mở miệng bao, ông Hăng bốc ra một nắm cây “thần dược”, nheo mắt nhìn một lát rồi phán: “Mày phơi chưa khô. Cái này phơi lại hao dữ lắm, trăm rưỡi thôi”.
Trăm rưỡi ở đây nghĩa là 150 nghìn đồng/kg. Chúng tôi nhẩm tính: Cho dù có “hao” chăng nữa, thì nhiều lắm cũng chỉ “hao” khoảng 100 gam do hơi nước thoát ra trong quá trình phơi phóng dưới ánh nắng mặt trời. Như vậy, cứ mỗi ký, ông Lê Hăng lãi ít nhất cũng 300 nghìn đồng!
Anh thanh niên chạy xe máy vò đầu, nhăn nhó: “Kiểm lâm họ canh me dữ lắm chú ơi, kiếm được chừng này đâu phải dễ” nhưng rồi cuối cùng cũng tháo dây, bỏ chiếc bao tải xuống trước bậc thềm.
Năm nay 51 tuổi, nhìn bề ngoài thì không một dấu hiệu nào chứng tỏ ông Hăng đã trải qua những ngày “chán cơm thèm đất thích nghe kèn” do chứng xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối.
Cao lớn, mập mạp, da mặt đỏ hồng với bộ ria mép hao hao như diễn viên điện ảnh lừng danh C-harles Bronson, ông mời chúng tôi một ly nước nấu từ… cây “thần dược”, và bắt đầu kể ra từng trường hợp những người đã từng lành bệnh nhờ loại cây này.
Ông nói: “Tôi cho mấy anh luôn số điện thoại của họ. Nếu không tin, anh cứ gọi, hỏi. Mà Bộ Y tế đã xác nhận cây thần dược chữa dứt 5 loại bịnh ung thư rồi đó. Anh đọc báo chưa? Nếu chưa, tôi cho một tờ. Nhà tôi photo đầy nhóc”.
Thông tin đầu tiên về cây "thần dược"
Thế rồi một buổi sáng thứ bảy, có 2 phụ nữ tìm đến Tòa soạn, xin gặp phóng viên để “cung cấp thông tin về một loại thuốc có khả năng chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là bệnh xơ gan cổ trướng”.
Một trong hai người tự giới thiệu là Trần Thị Xuân Hồng, thường trú ở thôn Tây, xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa. Thấy phóng viên có vẻ nghi ngờ, bà Hồng lôi ra một bọc, trong đựng một mớ thân, rễ và một nhánh cây con để dẫn chứng về bài thuốc “cải tử hoàn sinh” mà bà đang muốn báo đăng để cứu người.
Và mặc dù muốn giới thiệu cây thuốc để cứu người, nhưng bà Hồng lại không hề biết đây là loại cây gì bởi theo bà, đây là bài thuốc dân gian của người dân tộc thiểu số.
Phóng viên kể lại với chúng tôi rằng: “Tôi thấy khó tin khi “thần dược” chữa bệnh xơ gan cổ trướng mà trông chẳng khác gì loại rễ cây thông thường. Nhưng bà Hồng vẫn cứ quả quyết: “Nếu không tin, nhà báo cứ tìm gặp ông Lê Hăng ở xã Ninh Vân sẽ biết rõ. Cách đây 2 năm, ông này bị xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối, bệnh viện đã trả về; gia đình cũng đã chuẩn bị lo hậu sự. Nhưng sau khi có người bày cho uống rễ cây này, ổng đã hết bệnh, hiện rất khỏe mạnh và còn có thể làm được nhiều việc nặng nhọc, thậm chí nhậu bí tỉ mà chẳng việc gì…”.
Theo bà Hồng, ông Hăng là bạn thân của gia đình; chính vợ chồng bà đã cùng đi tìm và đào loại cây rừng này về chữa bệnh cho ông Hăng nên muốn nhiều người bệnh cùng biết.
Ngó thấy phóng viên Anh Tuấn còn nửa tin nửa ngờ, bà Hồng ghi lại địa chỉ và số điện thoại của ông Lê Hăng để “nhà báo có thể “mắt thấy, tai nghe” chuyện người được cải tử hoàn sinh nhờ "thần dược"”. Trước khi ra về, bà không quên nhắn nhủ: “Nhà báo nên tìm hiểu kỹ rồi thông tin cho mọi người biết công dụng trị bệnh của loại thuốc này”.
Cái tin ông Hăng sống khỏe nhờ cây thần dược lan ra khắp xã. Đúng như lời bà Hồng nói, theo chỉ dẫn của anh Sinh, bà và vợ ông Lê Hăng là hai người đầu tiên ở Ninh Vân đi tìm, chặt cây “thần dược” - mà là chặt theo kiểu đại trà, chứ không phải chỉ một, hai cây như trước kia người dân trong xã vẫn chặt. Dần dà, những người bị bệnh trong xã cũng bắt chước.
Tiếng lành đồn xa, người ở Nha Trang, Phú Yên, Đắk Lắk, TP.HCM, Đồng Nai nghe tin, tìm đến hỏi mua, thậm chí mua gửi cho thân nhân ở Mỹ, Canada, Pháp, uống! Thấy có ăn, ông Lê Hăng, bà Hồng đứng ra làm đại lý thu mua.
Thời điểm tháng 6, 7/2012, có ngày ông Lê Hăng, bà Hồng mua vào 500 - 600 ký, dẫn đến chuyện người dân Ninh Vân - rồi sau này lan ra một số xã khác – có thêm một nghề mới: Đó là lên núi Hòn Hèo tìm cây “thần dược”.
Thí nghiệm cho thấy loại cây này độc tính thấp, có tác dụng ức chế tốt viêm gan cấp, ức chế, tiêu diệt được 5 dòng tế bào ung thư là ung thư gan Hep- G2, ung thư đại tràng HTC116, ung thư vú MDA MB231, ung thư buồng trứng OVCAR-8, ung thư cổ tử cung Hela. Đặc biệt có tác dụng mạnh đối với 2 dòng tế bào ung thư gan Hep- G2 và ung thư cổ tử cung Hela. Thí nghiệm lâm sàng cũng cho thấy cây xáo tam phân khá an toàn khi sử dụng…
Còn tiếp…