Tháng 7, nghĩ về việc phóng sinh

Chủ nhật - 11/08/2013 07:44
Tháng 7 đã đến trong sự mong chờ không chỉ của Phật tử, mà còn của đại đa số người dân về một đại lễ của lòng hiếu thảo.
Bên cạnh việc ăn chay cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền và bảy đời cha mẹ quá vãng, thì phóng sinh cũng là một trong những việc được thực hiện nhiều trong mùa Hiếu hạnh. Đó là một việc làm rất thiết thực không chỉ mang lại niềm vui cho các loài chúng sinh nhỏ bé, yếu ớt mà còn mang lại phước duyên cho người phóng sinh.
 
Tuy nhiên, người phóng sinh thì nhiều mà người hiểu tường tận để làm đúng ý nghĩa phóng sinh thì chưa được bao nhiêu. Làm mà không hiểu ý nghĩa của phóng sinh nên không ít người đã vô tình gây thêm khổ nạn cho các loài chúng sinh tội nghiệp, vô tình gây nghiệp sát sinh cho chính mình. Gây như thế nào, thiết nghĩ đã có không ít bài báo viết về điều này, quý thầy, cô cũng đã rất nhiều lần đề cập đến việc này, nhưng không hiểu sao đến tận lúc này vẫn có nhiều người bỏ tiền mua chim, cá bày bán trước cổng chùa rồi thả ngay tại chỗ, để rồi tận mắt chứng kiến cá, chim bị bắt lại, xoay vòng bán tiếp hoặc chim bay không nổi đành làm mồi cho kiến lửa sau một thời gian giãy giụa trong tuyệt vọng, cá phơi ngửa bụng trên mặt nước.
 
Tôi ở Q.Gò Vấp thuộc TP.HCM, nơi có nhiều ngôi chùa nổi tiếng với số lượng người viếng các chùa vào những ngày lễ lớn lên đến cả trăm người với hàng dãy xe hơi, xe máy xếp hàng dài từ trong sân chùa ra đến cổng chùa. Những ngày đó, xen lẫn trong niềm hoan hỷ khi chứng kiến cảnh chùa nhộn nhịp người đến viếng chùa lễ Phật là nỗi buồn khi chứng kiến xác chim đầy trên đường, có con kiến bu đầy, có con bị xe cán dẹp lép. Thật bất nhẫn.
 
Những ngày đó, khi đi làm tôi phải mang theo vài bao nylon để nhặt những chú chim còn thoi thóp đem về chăm sóc. Thỉnh thoảng cả tôi và chim đều may mắn khi chim chưa kiệt sức, sau khi được cho ăn uống và ở trong mát ít lâu đã đủ sức để bay tiếp, nhưng đó chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ, phần lớn tôi đều phải ngậm ngùi cho chim vào giấy rồi bỏ vào bao nilông, cột chặt lại, đọc một thời Vãng sanh quyết định chân ngôn trước khi đem chim vào thùng rác (vì nhà tôi cũng không có đất, nếu không tôi cũng mang chúng đi chôn chứ không bỏ vào thùng rác, tội nghiêp chúng - NV).
 

 Những xác chim bị kiến lửa ăn sau khi "làm trò mua vui"
cho người bán chim và người phóng sanh - Ảnh: Mễ Thành Thuận.

Tôi viết bài này với chia sẻ, hy vọng mùa Vu Lan năm nay, việc phóng sinh sẽ được thực hiện đúng như lời Phật dạy, đó là đem sự sống, sự tự do thực sự đến cho chúng sinh chứ không phải bỏ tiền ra mua vài lồng chim, mở cửa lồng là yên tâm rằng mình đã phóng sinh, đã có quả lành, có phước báu mà không màng đến cảnh chim chỉ đủ sức đập cánh vài cái rồi rơi ngay xuống đất làm mồi cho kiến dữ hoặc chết dưới bánh xe vô tình hoặc bị bắt giam cầm trở lại, chờ người mua thả ra rồi lại trở vô lồng, cứ xoay vòng cho đến khi chết đứ đừ và chết thật sự dưới bàn tay của con người.
 
Xin đừng để chim, cá và các loài chúng sinh nhỏ bé, tội nghiệp khác trở thành công cụ kiếm tiền của con người. Xin đừng để hạnh phóng sinh đầy tính từ bi và trí tuệ của Phật giáo, bị biến dạng, phản tác dụng, thậm chí là trái ngược hoàn toàn với bản chất của một hoạt động mang tính nhân văn cao cả như thế chỉ vì sự thiếu hiểu biết của chính chúng ta, những người biết đến chùa lễ Phật, biết phóng sinh là điều tốt, là gieo nhân lành.

Nguồn tin: Giác Ngộ

 Từ khóa: phật tử, đa số, mong chờ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây