Thực hư bộ tộc ăn thịt người và những thân cây chứa xương cốt ở Sơn La

Chủ nhật - 09/08/2015 09:38
Kỳ 1: Vùng đất mộ thân cây trên vách núi
Thực hư bộ tộc ăn thịt người và những thân cây chứa xương cốt ở Sơn La
Ở vùng đất giữa núi hoang rừng thẳm bên bờ sông Đà, có những hang đá chứa quan tài thân cây đầy xương cốt ngàn năm tuổi. Người ta đồn rằng, xưa kia, nơi đây, có một bộ tộc ăn thịt người. Họ ẩn trong rừng, trong các hang sâu trên vách đá, bắt người Thái để ăn thịt. Họ đục rỗng thân cây, rồi táng người chết trên những vách đá treo leo, hiểm trở.

Người Thái, người Mường ở đây đồn rằng, hai người bí ẩn của tộc người kia vẫn còn tồn tại và ẩn hiện trong rừng, chỉ có điều, họ trốn sâu trong rừng già, không dám về bản bắt người nữa. PV VTC News đã có nhiều ngày lang thang ở xã Suối Bàng (Vân Hồ, Sơn La), leo lên những vách đá dựng đứng, để tìm hiểu câu chuyện thú vị này.

Suối Bàng là vùng đất hoang thẳm, nằm giữa rừng già. Từ trung tâm huyện Vân Hồ, huyện mới tách từ Mộc Châu, phải mất 60km leo núi dốc ngược, xuyên qua những thung lũng thăm thẳm, những đại ngàn hoang vu, mới đến được Suối Bàng. Những mái nhà sàn của người Thái, người Mường, Dao ẩn hiện trong rừng mận, rừng mơ, nép mình bên hồ sông Đà mênh mang.

 
Thực hư bộ tộc ăn thịt người và những thân cây chứa xương cốt ở Sơn La
Ông Chiển trong hang mộ thân cây.

 
Anh Đinh Văn Sửu, Bí thư Đảng ủy xã Suối Bàng dẫn tôi ra giữa sân trụ sở trong cái nắng chói chang ngày hè, chỉ những vách đá dựng đứng, với những cái hang mà nhìn từ xa như hang chuột và bảo rằng trong hang có rất nhiều mộ thân cây chứa xương cốt.

Anh Sửu bảo, đứng ở trung tâm xã, nhìn thấy hang đá hiện ra giữa vách đá trắng hếu xen lẫn thảm xanh đại ngàn, nhưng để đến được vách đá ấy, phải mất vài tiếng đi bộ. Hang gần nhất, thì cũng phải mất chừng tiếng đồng hồ leo núi, xuyên rừng.

Anh Sửu là người Mường. Theo tổ tiên truyền lại, thì người Mường di cư từ vùng Mường Bi thuộc đất Hòa Bình, ngược sông Đà lên đây từ mấy trăm năm trước.

Trên một quả đồi, lối đi đến hang mộ Tạng Mè, vẫn còn một ngôi mộ đá rất lớn, có thể là của một ông quan lang, hoặc một người giàu.

Mộ đá là đặc trưng của người Mường cổ xưa, cách đây vài trăm năm. Bây giờ, không ai còn biết thân thế người nằm trong ngôi mộ đá đó, nhưng các cụ vẫn kể rằng, ngày đó, để vận chuyển được những phiến đá khổng lồ từ bờ sông Đà lên quả đồi này, những người làm việc đã ăn hết mấy con trâu.

Thực hư bộ tộc ăn thịt người và những thân cây chứa xương cốt ở Sơn La
Bí thư Đinh Văn Sửu kể chuyện về những hang mộ trên vách đá


Thực hư bộ tộc ăn thịt người và những thân cây chứa xương cốt ở Sơn La
Ngôi mộ đá trên núi chứng tỏ người Mường đã sinh sống ở đây từ lâu
Ngôi mộ đá còn đó, người Mường vẫn nắm được một chút lịch sử và những câu chuyện xung quanh và họ vẫn thờ cúng như một vị thành hoàng. Thế nhưng, lịch sử những ngôi mộ thân cây trên vách đá thì quả thực, theo lời anh Sửu, chỉ còn là huyền thoại.

Người Mường định cư ở vùng đất này mới vài trăm năm, nhưng người Thái định cư rất lâu đời ở đây, có thể cả ngàn năm, vẫn không biết chủ nhân những ngôi mộ táng trên vách đá, thì có thể tin rằng, chủ nhân của nó đã rất lâu đời và đầy huyễn hoặc.

Tôi gợi ý cùng anh Đinh Văn Sửu đi tìm những ngôi mộ thân cây bí ẩn, song anh Sửu e ngại. Anh Sửu bảo rằng, từ xưa đến nay, người Thái, người Mường, người Dao, người Mông đều không dám bén mảng đến những hang động có mộ.

Không chỉ những câu chuyện truyền thuyết rùng rợn về bộ tộc bí ẩn ăn thịt người khiến họ sợ hãi, mà câu chuyện ma hành, ma ám khiến họ rụng rời tay chân, nên tốt nhất là cứ tránh xa.

Cư dân ở đây đồn rằng, hồn ma trong những vách đá này luôn tìm cách đi theo để hành người sống. Những hồn ma ấy muốn đòi lại vùng đất mà họ từng sở hữu.

Theo lời anh Sửu, hồi thanh niên trai tráng, sức vóc, bạo gan, nửa đêm một mình vác súng vào rừng bắn con thú, nhưng tuyệt đối tránh xa những hang động có mộ cổ. Thậm chí, họ còn không dám nhìn từ xa. Nếu ai trót "lỡ mắt" nhìn thấy những quan tài trên vách đá, thì phải chạy thật nhanh, chạy vòng vèo trong rừng, rồi mới về bản, để con ma không biết lối, không chạy theo kịp.

Thực hư bộ tộc ăn thịt người và những thân cây chứa xương cốt ở Sơn La
Hang mộ Tạng Mè chứa nhiều mộ thân cây nằm trên mỏm núi Củm Tây này.

 
Cũng theo anh Sửu, ở xã Suối Bàng này, chỉ có ông Mùi Văn Chiển, người Mường, ở bản Nà Lồi, là thầy cúng nổi tiếng vùng đất này, là người duy nhất dám đến những hang ma.

Nhà ông Mùi Văn Chiển nằm chênh vênh bên con suối Lồi nước chảy róc rách, cách núi Củm Tây không xa lắm. Núi Củm Tây nhô lên giữa thung lũng với những quả đồi trồng ngô xanh rờn. Trên đỉnh núi cây cối rậm rạp, những vách đá tai mèo sắc nhọn nhô ra khỏi thảm xanh.

Ông Chiển rất hiếu khách, hay chuyện. Ông khẳng định rằng, ở vùng đất này, người hiểu biết nhất về những hang động mộ thân cây chính là ông. Ông chính là người phát hiện ra hang Tạng Mè, là hang động mộ thân cây lớn nhất, với 36 chiếc quan tài xếp trong hang, cùng nhiều đầu lâu, xương ống, răng, sọ còn lăn lóc trong những thân cây khoét rỗng.

Ông Chiển cũng chính là người thường xuyên dẫn các nhà khoa học, trong đó có Phó Giáo sư Nguyễn Lân Cường, đi khảo sát các hang ma mà ông phát hiện suốt từ năm 2007 đến nay.

Theo lời ông Chiển, người Mường, người Thái đã biết đến sự xuất hiện của hang ma từ cả trăm năm nay rồi. Người ta gọi chúng là "Ma Lang Chánh", có nghĩa là "núi hang ma cổ". Tuy nhiên, cư dân bản địa không bao giờ bén mảng đến những quả núi có hang ma.

Dù đi vào rừng, săn con thú, họ cũng đi dọc theo khe núi, tránh những quả núi có hang ma này, rồi vào rừng sâu. Chính vì họ sợ hãi, không dám đến, nên nhưng hang ma được bảo tồn suốt cả trăm năm qua. Cư dân bản địa cũng không biết trong hang có bao nhiêu quan tài, hình thái của nó thế nào.

Những lời đồn về bộ tộc ăn thịt người, rồi hóa thành ma ẩn trong hang đá quả thực quá ghê rợn. Thế nhưng, ngày đó, anh chàng Chiển thì không sợ lắm, liều mạng đuổi theo đàn khỉ trên núi Củm Tây.

Thực hư bộ tộc ăn thịt người và những thân cây chứa xương cốt ở Sơn La
Trên vách núi này có rất nhiều hang chứa mộ thân cây
Hồi đó, mới 17 tuổi, chiều tà, Chiển vác súng lên núi Củm Tây, rúc vào một khe đá trên đỉnh núi, chờ đàn khỉ về ngủ. Mấy lần theo dõi, Chiển đều thấy đàn khỉ lẩn vào vách núi đó ngủ sau một ngày kiếm ăn trong rừng, trộm ngô ngoài nương của bà con.

Xẩm tối, đàn khỉ về, Chiển giương súng, nhằm con to nhất nhả đạn. Trúng đạn, con khỉ độc rơi xuống mái đá. Chiển bò xuống thu chiến lợi phẩm. Thế nhưng, Chiển dựng tóc gáy, khi dưới mái đá, là cái hang nông choèn ấy, có một đống quan tài thân cây tròn ùn ục nằm im lìm. Sợ quá, Chiển bỏ súng, bỏ lại xác khỉ, chạy hộc tốc về làng.

Gọi theo mấy thanh niên bạo gan nữa, rồi đèn đuốc, tìm vào vách núi ấy. Nhóm thanh niên bạo gan này tìm mãi, nhưng không thấy súng đâu, và điều kỳ lạ là không thấy xác con khỉ đâu cả, cũng không thấy có vết máu nào. Rõ ràng, Chiển đã bắn trúng con khỉ và con khỉ đã rơi bộp xuống chỗ cửa hang.

Chuyện không thấy xác khỉ, và cũng mất luôn khẩu súng Chiển vứt ở chỗ phục kích, quả là chuyện kỳ quặc, mà đến bây giờ ông Chiển vẫn không hiểu được tại sao. Nhưng, kinh dị hơn, là sau vụ xâm nhập hang ma đó, mấy thanh niên ở bản đều "mất vía".

Theo lời ông Chiển, khi đó, toàn là thanh niên, nên dù sợ hãi lắm, vẫn cứ tò mò. Nhóm thanh niên này đã đục chốt, mở mấy bộ quan tài thân cây để xem những bộ xương trắng hếu, những chiếc đầu lâu lăn lóc trong áo quan.

Thực hư bộ tộc ăn thịt người và những thân cây chứa xương cốt ở Sơn La
Mộ thân cây tràn ngập trong hang
Không tìm thấy gì ngoài những bộ xương, nhóm thanh niên này bỏ xuống núi. Ngay đêm đó, cả mấy thanh niên, gồm cả ông Chiển, mặt mũi biến sắc, cứ ngồi trong nhà run cầm cập, không dám ra ngoài. Mọi người hỏi sao, cũng không nói.

Mấy ngày sau, dân bản mới biết nhóm thanh niên này đã chui vào hang ma nghịch ngợm. Họ đồn rằng, mấy thanh niên này đã bị những hồn ma trong "Ma Lang Chánh" bắt mất vía.

Người Mường quan niệm rằng, con người có nhiều vía khác nhau, nếu bị mất vía thì người đó sẽ trở lên ngớ ngẩn, nhìn gì cũng sợ hãi. Thế là, mấy ngày liền, những gia đình này phải mổ lợn, mổ gà, mời thầy cúng giỏi về cúng, để gọi vía của những thanh niên này về.

Sau lễ cúng, họ trở lại bình thường thật, nhưng từ đó, không dám đến những hang mộ này nữa. Riêng ông Chiển thì vẫn không sợ hang ma, nhưng ông luôn tỏ thái độ kính cẩn trước những hồn ma trong hang đá. Mỗi lần tìm lên, ông đều mua nhang, kẹo bánh và hương khói cẩn thận.

Là thầy cúng giỏi của xứ Mường này, nên mỗi khi đến cửa hang, ông đều xin cẩn thận, thậm chí "gọi hồn" người chết lên nói chuyện, được họ cho phép, ông mới dám vào.

Còn tiếp…

Nguồn tin: VTC New

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây