Không ai biết vua Thái có bao nhiêu vàng bạc châu báu, nhưng qua những lời đồn đại thì đó là một gia sản khổng lồ, bao gồm của cải từ thời Cầm Văn Sinh thất thế mang theo chạy sang Việt Nam, cũng như trong mấy chục năm cầm quyền, các đời vua đã ra sức vơ vét.
Bà Lù Thị Vươn ở bản Nậm Na (Lê Lợi, Nậm Nhùn, Lai Châu) niềm nở đón chúng tôi ngay tại căn nhà nhỏ trên đỉnh núi. Năm nay đã 91 tuổi nhưng bà Vươn vẫn còn mình mẫn lắm.
Trước đây, bà vốn là một ca kỹ chính trong đội múa xòe phục vụ cho nhà vua, nên bà đã nhiều lần được chứng kiến lối sống xa hoa hưởng thụ trong khu dinh thự lộng lẫy này.
Trong ký ức của bà, lúc được tuyển vào đội múa xòe, khi bước vào khu dinh thự, bà Vươn há hốc mồm vì những gì được chứng kiến: “Bước đến cửa dinh thự, tôi bị những bức tường bao cao vút, hai bên tường là lô cốt có lính canh phòng 24/24 giờ ám ảnh.
Sân trước nhà rộng khoảng 100m2 dùng phơi hàng vạn quan tiền và bạc trắng. Tiền ngày xưa là tiền xu và bạc trắng nên để trong kho lâu thì hay bị mốc nên thi thoảng phải đem ra phơi.
Đi qua những kho thóc và kho thuốc phiện ở gần nhà bếp, tôi thấy liên tiếp các nhà kho chứa lương thực và thuốc phiện. Những căn phòng trong khu dinh thự của vua bày biện những cổ vật, những đồ quý báu”.
Bà Lù Thị Vươn, người trực tiếp chứng kiến sự giàu sang của vua Thái Khi được hỏi, ông Lò Văn Luân (73 tuổi) ở bản Nậm Na kể lại, ông biết vua Thái giàu có lắm, nhưng sau ngày Đèo Văn Long bỏ trốn theo Pháp năm 1953, gần như mọi tài sản quý giá đều bốc hơi không còn dấu vết. Những gì để lại chỉ là một khu dinh thự trống không cùng khu cổ mộ của dòng họ.
Ngày đó ông mới 13 tuổi, là học sinh của trường cố đạo do Pháp lập nên, ông đã nhiều lần được gặp vua Thái khi vua xuống nói chuyện và tặng quà, cũng như giao lưu với các quan Pháp ở trường.
Lúc đó, xã Lê Lợi là thủ phủ của tỉnh Lai Châu cũ. Cuối năm 1953, bỗng một ngày ông thấy đường phố nhộn nhạo, lính Pháp bỏ chạy tán loạn, mấy ông giáo sĩ trong trường cố đạo cũng trốn sạch.
Ông chỉ biết tin vua Thái Đèo Văn Long đã bỏ trốn, Việt Minh tiến vào giải phóng thị xã, nhẹ nhàng không có tiếng súng vì Pháp không còn đủ khả năng chống cự nữa.
“Vua Thái chạy loạn, làm sao mang theo bao nhiêu của cải đi được, chắc chắn phải cất giấu ở một nơi nào đó không ai biết”, ông Luân khẳng định.
Cụ Lù Văn Von (95 tuổi) ở thôn Pa Cuổi, xã Lê Lợi, là người từng đi lính cho quân đội của vua Thái kể: Đầu những năm 1950, thỉnh thoảng, cụ lại thấy có những đoàn xe được phủ kín bằng vải, có những người lính khác áp giải kéo đi, nhưng không đi theo đường ra Điện Biên hoặc về Bình Lư, mà cứ quanh quẩn lúc thì lên núi, lúc thì vòng vèo. Chỉ có điều, những người lính ấy sau khi kéo xe đi đã mất tích hẳn, không bao giờ cụ được gặp lại nữa.
Cụ Lù Văn Von: "Những người đi chôn kho báu đều bị thủ tiêu để giữ bí mật" Cụ khẳng định, vua Thái mang của của đi chôn, và tất cả những người đích thân đi chôn đều bị giết đễ giữ bí mật về kho báu. Mặt khác, những người dân địa phương lúc đó đều khiếp sợ oai quyền của nhà vua, nên không ai dám tò mò theo dõi hay bàn luận xung quanh câu chuyện đó.
Về sau, những căn cứ về nơi chôn giấu kho báu cũng chỉ tồn tại dưới dạng tin đồn, có người thì bảo ở trên mấy đỉnh núi cao chất ngất xung quanh ngã ba sông Đà, người thì lại cho rằng nó được chôn ở hệ thống hầm ngầm xung quanh khu dinh thự. Khi thủy điện Sơn La đóng cống, tất cả đã chìm xuống dưới lòng sông Đà.
Những năm 80 của thế kỷ trước, đây là vùng đất hứa của những kẻ tham vọng đổi đời nhờ đào vàng. Người dân ở những thôn bản gần đó, gần như chẳng hộ nào không có người tham gia đãi vàng hàng ngày, cùng với dân tứ xứ tìm đến, tạo thành một khung cảnh náo nhiệt.
Một thời, khu vực này là địa điểm quen thuộc của những kẻ săn lùng cổ vật Cách đây mấy năm, cả xã Lê Lợi lại rộ lên tin đồn có người đi rừng đào được cả hũ vàng. Gia đình đó đã nhanh chóng chuyển đi chỗ khác sinh sống.
Câu chuyện chưa được xác minh cụ thể, nhưng một lần nữa lại làm sống dậy hy vọng của những người đam mê kho báu.
Sau khi vua chạy trốn, nhiều lời đồn ở xã Lê Lợi cho rằng xung quanh dinh thự vua vẫn còn ẩn chứa đâu đó kho báu khổng lồ vẫn chưa thể lấy đi hết. Đến lượt, khu mộ cổ do vua Thái lập lên thành địa điểm đào xới của những kẻ săn tìm cổ vật.
Theo một số già làng ở xã Lê Lợi, khu mộ cổ được xây đắp sau khi dinh thự của nhà vua hoàn thành xong cách đó vài năm. Ban đầu nhà vua công khai với dân chúng những ngôi mộ cổ mà ông xây đó chỉ là mộ của bố mẹ ông, tuy nhiên về sau có nhiều tin đồn cho rằng những nơi đó được xây dựng là có mục đích khác.
Bà Lường Thị Khô (88 tuổi) cho biết, lúc mới sinh ra bà đã nghe mẹ của bà kể về những ngôi mộ của ông Long đã xây trước đó. Sống dưới thời của vua Đèo, bà Khô cũng từng được gặp người đàn ông này và chứng kiến sự xa hoa trong lối sống của vua Thái.
“Nói thẳng ra ngày xưa có lẽ do bản thân mình không được xinh xắn như nhiều cô gái khác trong bản nên tôi không bị gọi vào đội múa xòe để phục vụ nhà vua. Tuy nhiên, ngay từ nhỏ bố mẹ tôi đã từng nói đi nói lại rằng không cho chúng tôi bước chân vào khu vực có mộ của nhà vua”, bà Khô kể.
Theo bà Khô, khu rừng nơi được cho là có mộ cổ của gia đình vua vẫn được người Thái gọi là khu rừng thiêng không một ai dám đặt chân vào đó.
Phần lớn khu dinh thự đã chìm xuống lòng hồ sông Đà Khi vua Đèo Văn Long bỏ đi, đã có nhiều người ở nơi khác vào khu rừng này đào bới để tìm kho báu. Một số pho tượng, con gà, tượng hình sư tử đứng canh trước cổng của dinh thự cũng bị trộm mang đi hết.
“Về sau này, khi nghe người ta nói đến chuyện người bên ngoài đến phá hoại mộ của bố mẹ vua Thái, chúng tôi vào thì thấy chẳng còn gì nữa. Điều đặc biệt là những ngôi mộ này hoàn toàn không có xương cốt thật”, ông Von cho biết tiếp.
Nhiều cuộc tìm kiếm, săn lùng kho báu của vua Thái đều không có kết quả. Cho đến đầu năm 2013, phần lớn khu dinh thự này chính thức bị chìm dưới lòng hồ. Nhiều câu chuyện thâm cung bí sử của một vị vua từng đứng đầu 6 châu mang tên Đèo Văn Long cũng bị lãng quên.