Bò một đoạn, kiếm cả triệu đồng
Cuối tháng 10/2016, chúng tôi tình cờ bắt gặp một người đàn ông gần 40 tuổi, đội một chiếc mũ tai bèo, hay bò lết ở khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) và chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) để bán vé số và xin tiền.
Nhìn bộ dạng thảm thương, tật nguyền của anh ta, không chỉ chúng tôi, mà rất nhiều tiểu thương và người đi chợ dừng lại mua vé số ủng hộ người đàn ông này. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với người đàn ông tật nguyền này, chúng tôi cảm thấy anh ta đang đóng kịch.
Bộ dạng “diễn” hơi lố, đặc biệt đôi chân luôn duỗi thẳng đơ, gương mặt nhăn nhúm đau khổ, nhưng đôi mắt hiện lên ánh nhìn rất tinh ranh, quỷ quyệt. Vì phải dồn lực vào đôi tay nên cứ bò được một đoạn ngắn, người đàn ông này lại dừng lại thở dốc, nghỉ ngơi.
Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong một buổi sáng, người này đã được gần trăm người đi chợ cho tiền, số tiền ước tính hơn 1 triệu đồng. “Lịch trình làm việc” rất đều đặn, cứ khoảng 12 giờ trưa, anh ta lại tìm chỗ mát nằm nghỉ, xếp tiền ngay ngắn vào túi sau đó lấy điện thoại ra gọi cho ai đó đến đón về.
Thấy khả nghi, chúng tôi bám theo, nhưng đến khu vực quận 8 thì mất dấu. Sau nhiều ngày lùng sục ở quận 8, chúng tôi gặp gã tiếp tục hành nghề ở khu vực chợ Xóm Củi để bán vé số và xin tiền.
Vẫn gương mặt đau khổ, bộ dạng nhếch nhác, nhưng lần này gã có đệm một miếng băng gạc dưới cánh tay. Đến giữa trưa, gã chuyển địa điểm bò tới chân cầu Chà Và, sau khi xin được khoản tiền kha khá.
Chúng tôi tiếp cận vờ muốn chở gã về nhà, song gã từ chối. Lúc trò chuyện, gã kể trước bị tai nạn giao thông không có tiền mổ nên bị biến chứng dẫn tới liệt nửa người. “Hằng ngày tui bán vé số để có tiền đi trị bệnh. Nhưng mỗi tờ vé số lời có 1.000 đồng, nên vừa bán vừa phải xin”, đoạn gã chìa tay xin tiền chúng tôi.
Bị chúng tôi từ chối và bỏ đi, gã tìm chỗ vắng lấy điện thoại iphone 5S gọi cho ai đó. Khoảng 10 phút sau, một thanh niên khác đi chiếc wave BKS 52M6 – 64xx chạy tới. Ngó trước nhìn sau, thấy không có ai để ý, gã đàn ông bại liệt đội mũ bảo hiểm và nhanh nhẹn nhảy vọt lên xe.
Gã lái xe rồ ga, phóng như bay về hướng quận 6. Dọc đường đi, gã “bại liệt” liên tục ngoái đầu nhìn “cảnh giới” phía sau, còn gã cầm lái liên tục vượt đèn đỏ lao vút về phía trước. Tới hẻm 751 Hồng Bàng (quận 6), gã ăn xin bại liệt chạy vội vào nhà, lúc sau thấy mặc quần đùi gác chân lên ghế, ung dung đếm tiền trong phòng trọ. Đoạn, gã bới một tô cơm, ăn xong rồi lăn ra ngủ.
Vạch trần cả nhóm “cái bang”
Nhiều ngày “phục kích”tại căn hẻm 751 Hồng Bàng (quận 6) chúng tôi phát hiện không chỉ một mình gã giả dạng tàn tật mà còn có 3 thanh niên khác cũng hành nghề với cách thức tương tự. Thời gian biểu của những kẻ lười lao động này rất đều đặn, khoảng 8 giờ sáng, họ được chở đến các chợ lớn, “nhập vai” tàn tật để bán vé số, xin tiền.
Khoảng 2 chiều, họ quay về nhà tắm rửa, “thoát xác” trở về bộ dạng lành lặn bình thường. Màn diễn xuất của họ xuất sắc tới nỗi, nhiều người trong hẻm đều đinh ninh những người này sống bằng nghề bán vé số, không ai biết chuyện họ giả tật nguyền để lợi dụng lòng thương của người khác.
Trong vai đang tìm người thân ở quê mới lên Sài Gòn bán vé số, chúng tôi đi thẳng vào căn nhà trọ của nhóm “bại liệt” để hỏi thăm. Theo quan sát, ở phía bếp căn phòng có 5 bộ quần áo cũ được treo lên móc. Đây là những bộ quần áo mà các thanh niên khỏe mạnh mặc vào lúc “hành nghề”.
Sau thời gian tìm hiểu, danh tính của gã đàn ông giả dạng tật nguyền xin tiền ở khu vực chợ Bà Chiểu, Phạm Văn Hai, chợ Xóm Củi tên Bùi Văn Thắng (38 tuổi, quê xã An Phú, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).
Một người quen của Thắng cho biết, năm 2012 Thắng vào TP.HCM làm nghề phụ hồ. Tuy nhiên công việc này mang lại thu nhập không cao nên anh ta đã cùng vợ xin vào đại lý vé số của ông B. ngụ tại số nhà 751 Hồng Bàng (quận 6) để đổi kế sinh nhai.
Xong, thay vì bán vé số như những người khác, Thắng rủ 2 thanh niên khác là Hưng và Long giả dạng tật nguyền, mượn hình thức bán vé số để xin tiền. Mỗi sáng, Thắng hay mặc bộ quần áo cũ, đội nón tai bèo và nhờ Hưng chở khắp các chợ lớn, chợ nhỏ tại TP.HCM và Đồng Nai, giả bộ liệt hai chân nhằm đánh vào lòng thương của tiểu thương và người đi chợ.
Thời gian “hành nghề” của Thắng chỉ diễn ra từ 8 giờ sáng đến khoảng 13 giờ chiều. Bình quân mỗi buổi “hành nghề”,Thắng thu được trên dưới 1,5 triệu đồng.
Sau khi phát hiện nhóm của Thắng chuyên giả dạng tật nguyền để lừa gạt lòng trắc ẩn của mọi người, chúng tôi phản ánh vụ việc cho Công an quận 6 (TP.HCM) và trưởng khu phố nơi Thắng đang cư ngụ để kiểm tra hành chính. Khi chúng tôi vào nhà trọ, Thắng và 2 thanh niên khác đang nằm nghỉ ngơi.
Thấy có công an, Thắng định bỏ chạy nhưng đã bị gọi lại. Một số thanh niên giả vờ tản ra rồi phóng lên xe máy trước phòng chạy mất. Khi chúng tôi, hỏi có ai trong nhà trọ này bị tật nguyền hay không tất cả đều lắc đầu. Đến khi chúng tôi lấy điện thoại ra mở clip người thanh niên giả vờ tàn tật đi bán vé số ở chợ Bà Chiểu thì mọi người mới thừa nhận nhân vật trong clip chính là Thắng.
Biết bị vạch trần, Thắng lén bỏ đi ra phía trước rồi bất ngờ bỏ chạy. Công an truy hỏi những người trong nhà trọ, họ đều thừa nhận biết chuyện nhóm của Thắng giả dạng tật nguyền để bán vé số, xin tiền.
Mấy ngày sau, chúng tôi quay lại căn nhà trọ của Thắng nhưng những người này đều đã bỏ đi nơi khác. Công an quận 6 cho biết, do vụ việc cũng chưa đến mức xử lý hình sự nên không thể bắt giữ những người này được.
Nguồn tin: Tuổi trẻ và đời sống
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự