Vén màn bí ẩn quyền năng gỗ sưa từ phía Trung Quốc - phần 1

Chủ nhật - 20/04/2014 16:59
Cơn sốt gỗ sưa càn quét từ thành thị tới nông thôn. Những mẩu gỗ cũ kỹ được bán với cái giá giật mình khiến nhiều người sẵn sàng gỡ hoành phi câu đối, đồ thờ tự bằng gỗ sưa đỏ xuống để bán. Bí ẩn gì khiến loại gỗ này trở nên đắt đỏ đến như vây?
Trung Quốc có cả bảo tàng cho gỗ sưa
Đến nay ở Việt Nam, người dân bình thường cũng như giới buôn gỗ chỉ biết rằng gỗ sưa đỏ (người Trung Quốc gọi là gỗ Tử Đàn) đang có giá rất đắt, chỉ cần có sưa là có người Trung Quốc đến tận nơi mua gom. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn đang rất mơ hồ về giá trị sử dụng của loại gỗ quý này, chúng ta vẫn chưa hiểu vì sao nó lại có giá cao đến như vậy.

Và theo tìm hiểu của phóng viên thì trong khi ở Việt Nam, nhiều người sẵn sàng gỡ hoành phi câu đối, đồ thờ tự bằng gỗ sưa đỏ xuống để bán thì ở Trung Quốc đã có hẳn một bảo tàng quốc gia về loại gỗ này với diện tích 9.569m2, nằm ở số 23 đường Kiến Quốc (khu Triều Dương, TP.Bắc Kinh).

Bảo tàng mở cửa từ tháng 9/1999, trưng bày hơn 1.000 vật dụng làm bằng gỗ sưa như tủ, bàn ghế, giường, kỷ án, đồ mỹ nghệ, chủ yếu từ đời Minh, Thanh. Như vậy, chưa bàn đến công dụng của gỗ sưa ra sao nhưng rõ ràng người Trung Quốc đã và đang hết sức coi trọng loại gỗ này.

Qua thông tin giới thiệu từ trang mạng của bảo tàng nêu trên, gỗ sưa đỏ (Tử Đàn) được coi là một trong những loại gỗ quý nhất thế giới. Loại gỗ này chủ yếu sinh trưởng ở các nước Đông Nam Á. Ở Quảng Tây và Quảng Đông (Trung Quốc) cũng có gỗ Tử Đàn nhưng số lượng tương đối ít. Gỗ sưa đỏ thuộc loại thực vật nhiệt đới, lá thường xanh, loại lá nhỏ là tốt nhất, cây cao 10-15m, gỗ chắc, nặng dị thường, cho xuống nước là lập tức chìm.

Người Trung Quốc phân loại gỗ sưa đỏ theo thời gian sinh trưởng của cây gỗ này. Theo đó, một cây gỗ sưa phải trải qua hàng trăm năm sinh trưởng thì mới trở thành một thứ gỗ quý và gỗ sưa lâu năm thường được gọi là gỗ cũ, có màu tím. Còn loại gỗ có thời gian sinh trưởng khoảng vài chục năm thường được gọi là gỗ mới, có màu đỏ.
Cả hai loại gỗ này đều có vân theo hình càng cua nhưng không theo quy tắc hoặc giống kiểu lông bò (loại sưa ở Việt Nam).

Tuy nhiên, gỗ sưa thường có tỷ lệ sử dụng được rất ít, chỉ khoảng 15-20%. Bởi cứ 10 cây gỗ sưa thì có đến 9 cây bị rỗng ruột. Vì vậy, người Trung Quốc có câu thành ngữ: “Một tấc gỗ sưa tương đương với một tấc vàng”.

Ở Trung Quốc, từ thời cổ đại người ta đã nhận thức được giá trị của gỗ sưa. Trong một cuốn sách cổ đời Tấn (thế kỷ III), gỗ sưa được gọi là Tử Đàn, “Tử” có nghĩa là tốt lành may mắn, “Đàn” trong tiếng Phạn là bố thí, mang ý nghĩa tâm linh.

Do chất lượng gỗ vừa có tính rắn chắc vừa có tính dẻo dai, không dễ bị mối mọt và tương đối hiếm nên trong lịch sử Trung Quốc, các triều đại đều rất quý trọng loại gỗ này và chỉ vua chúa, quan lại mới được sử dụng.

Gỗ sưa Việt Nam thuộc loại đầu bảng
Nói về gỗ sưa, không chỉ người Trung Quốc mà ngay cả người nước ngoài cũng hết sức coi trọng. Tương truyền, trước đây mộ của Napoleon có một cỗ quan tài mô hình bằng gỗ sưa dài 5 tấc, người tham quan rất lấy làm ngưỡng mộ. Vì vậy không ít người nước ngoài khi đến Bắc Kinh, thấy những vật dụng bằng gỗ sưa đã bỏ tiền, bỏ công thu mua. Do việc vận chuyển khó khăn nên họ chỉ mua những cánh cửa tủ, mặt hòm có hình hoa văn đẹp rồi đem về nước đóng khung làm đồ trưng bày.

Trong cuốn “Trung Quốc cổ điển gia cụ dụng tài giám thưởng” có nói gỗ sưa sinh trưởng ở Việt Nam, Lào, phía tây Malaysia, Campuchia, Thái Lan nhưng gỗ sưa Việt Nam và Campuchia có chất lượng tốt nhất. Tài liệu sớm nhất nói đến gỗ sưa Việt Nam là cuốn “Cổ kim chú thảo mộc” từ thế kỷ 1 nêu rõ: “Tử Mai Mộc, xuất Phù Nam nhi sắc tử, tích viết Tử Đàn”. Phù Nam ngày xưa là địa danh người Trung Quốc dùng để gọi Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia. Như vậy, ngay từ thời cổ đại, người Trung Quốc đã nhận định rằng gỗ sưa Việt Nam và Campuchia là loại đầu bảng.

Gỗ sưa Việt Nam có vân hình lông bò, gỗ có nhiều dầu, lá nhỏ dần lên trên. Màu sắc từ tím đến đỏ. Gân đen nhiều dễ nhìn thấy, phân giới rõ ràng, đường gân chạy rất ảo diệu huyền hoặc giống như màu sắc tán ra dưới lớp men sứ. Đây là loại gỗ có tính ổn định cực cao. Cảm quan rất đẹp, không rối mắt.

Thông thường gỗ sưa đỏ (Tử Đàn) có màu nâu hoặc nâu tím, loại nâu tím có hàm lượng tinh dầu lớn hơn. Khi hai miếng gỗ đập vào nhau tạo nên tiếng kêu vang. Khi dùng làm điêu khắc, gỗ sưa có màu sắc đẹp, chịu va đập, cào xước tốt, đường vân như mây bay nước chảy, đại đa số có đường gân đen giống như vết phết mực trên tranh sơn thủy, đặc biệt giống với đá cẩm thạch Vân Nam.

Từ những thông tin trên, có thể nhận định rằng, gỗ sưa ở Trung Quốc có giá cao ngất ngưởng thứ nhất là do đây là loại gỗ hiếm, được các triều đại vua chúa, quan lại sử dụng nên mang ý nghĩa cao quý. Ngoài ra loại gỗ này còn được ưa chuộng vì người ta tin rằng gỗ sưa có ý nghĩa may mắn, tốt lành, đem lại sự thành công trong sự nghiệp, quan trường cho chủ sở hữu....

Nguồn tin: PLVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây