Dự kiến bức đại tượng này sẽ hoàn thành vào năm 2018, nếu điều kiện thi công thuận lợi. Tổng dự toán khoảng 500-600 tỷ đồng. Tượng Phật cao 49m, bên trong tượng Phật, bệ tượng được thiết kế một "Tàng Kinh các" cùng một bảo tàng "Văn hoá Phật giáo thế giới" với khoảng 2.000 mẫu vật. Cùng với đó là một toà tháp 10 tầng tượng trưng 10 pháp giới.
Các gian phòng dành cho trưng bày được thiết kế theo kiến trúc đá cổ đại với mái vòm và các bức tường chịu lực dày đặc. Pho tượng Phật cao 41,5m không được tạo tác bằng một khối đá mà hình thành bởi nhiều khối đá cưa xẻ đều đặn chồng xếp lên nhau.
GSTS Hoàng Đạo Kính - Thành viên Hội đồng di sản văn hoá Quốc gia cho biết, công trình này là một sự thách đố về giải pháp kỹ thuật, đòi hỏi chất lượng biểu đạt và hiệu quả thẩm mỹ. Chính vì thế, nếu hoàn thành đây là một sự kỳ công và kỳ quan của sự kiến tạo phi thường. Theo thiết kế, độ vươn của cằm Phật là 0,8m điều này không dễ thực hiện về cả kỹ lẫn mỹ thuật.
Cũng theo GSTS. KTS Hoàng Đạo Kính, độ bền vững của công trình đồ sộ cao bằng toà nhà 16 tầng và nặng khoảng 4 vạn tấn được đảm bảo bằng nền đất tự nhiên đã được khảo sát kỹ lưỡng.
Kết cấu khối móng được tính toán độ an toàn cao, phần đế và thân tượng theo kỹ thuật xếp chồng có liên kết cộng với sự tham gia của hệ thống khung bê tông cốt thép, vừa đảm bảo sự phân lực- gắn kết đồng thời tránh biến dạng nào đó.
Theo bản phối cảnh tổng thể, sau khi hoàn thành, cảnh quan Phật Đài hoà cùng rừng núi của Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên tạo thành một quần thể danh thắng - tâm linh, một điểm thu hút phật tử cùng khách hành hương về chiêm bái.