Chuyện ly kỳ về ngôi đền cổ có giếng ngọc ở giữa lòng Thủ đô

Thứ năm - 24/11/2022 15:26
Nằm trên phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội), đền Bạch Mã được nhiều người biết đến là ngôi đền có lịch sử hơn 1000 năm trấn giữ phía Đông thành Thăng Long...
Ngôi đền được xây theo hình chữ Tam, gồm ba dãy nhà song song, bên ngoài là phương đình tám mái. Ảnh: Kim Duyên
Ngôi đền được xây theo hình chữ Tam, gồm ba dãy nhà song song, bên ngoài là phương đình tám mái. Ảnh: Kim Duyên

Đền Bạch Mã là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa. Đền được xây dựng ở huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay là số 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đền thờ thần Long Đỗ - vị thần bảo hộ kinh thành Thăng Long, trấn giữ phía Đông (thành hoàng Hà Nội).

Ngôi đền cổ nhất tứ trấn

Tiếp tục hành trình tìm hiểu về "Thăng Long tứ trấn", chúng tôi đến đền Bạch Mã vào một ngày đầu tháng 8. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đền hơn nghìn năm tuổi này vẫn trường tồn cùng thời gian, hiên ngang bảo vệ cho kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay.

Ông thủ từ Nguyễn Hải Đường (63 tuổi) khẳng định với niềm tự hào lộ rõ trên khuôn mặt: "Đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỉ thứ IX, là một trong những chốn linh thiêng bậc nhất Hà thành".

Sách sử ghi lại, đền Bạch Mã được lập từ thời Cao Biền đắp thành Đại La, thế kỉ thứ IX. Đền thờ thần Long Đỗ (Rốn Rồng) - vị thần bản địa của các làng cổ Hà Nội.

Năm 1010, khi dời đô về Thăng Long, vua Lý Thái Tổ cho xây thành nhưng nhiều lần đắp lên lại bị sụp đổ. Vua sai người tới đền cầu xin thần Long Đỗ, liền thấy một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, đi đến đâu để vết chân đến đấy, xong xuôi ngựa quay về đền biến mất.

a
Điểm nổi bật của nét kiến trúc bên trong ngôi đền là toàn bộ khung nhà gỗ với hệ thống cột gỗ lim lớn, chắc, khỏe. Ảnh: Kim Duyên.

Thấy vậy, vua liền cho xây thành đắp đê theo đúng dấu chân ấy và thành công. Do đó đền mới lấy tên là Đền Bạch Mã (đền ngựa trắng) và tôn thờ thần Long Đỗ làm Thành Hoàng của kinh thành Thăng Long.

Kiến trúc đặc biệt của ngôi đền lâu đời nhất tứ trấn

Hơn 1000 năm lịch sử, đền Bạch Mã là một trong những di sản tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Ngày 12/12/1986, ngôi đền đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Quốc gia.

Dù nằm trên một diện tích không lớn, nhưng đền Bạch Mã giữ nguyên được mặt bằng tổng thể, các hạng mục kiến trúc điển hình với những dấu ấn đặc trưng của phong cách kiến trúc xưa.

"Ngôi đền dù đã được trùng tu nhiều lần, nhưng vẫn giữ được cảnh quan uy nghiêm, cùng nhiều hiện vật quý có giá trị lịch sử to lớn: bia đá, chuông đồng, kiệu rước, hương án, đôi phỗng... Đặc biệt, những nghi lễ cúng thần luôn được thực hiện đầy đủ trong những ngày lễ lớn", ông thủ từ đền Bạch Mã khẳng định.

a
Với giá trị, ý nghĩa về văn hóa, lịch sử đền Bạch Mã luôn lưu giữ những nét truyền thống, là không gian linh thiêng giữa những nhộn nhịp của đất Hà thành. Ảnh: Kim Duyên.

Hàng năm, đền Bạch Mã thường tổ chức lễ hội vào ngày 12 và 13 tháng 2 âm lịch. "Đoàn rước kiệu mặc những bộ trang phục truyền thống với nhiều màu sắc lộng lẫy. Lễ hội của đền được tổ chức với ý nghĩa tiễn mùa Đông qua và đón mùa Xuân mới, cầu đất nước yên bình, người dân được sống ấm no, hạnh phúc", ông Đường cho biết.

Giữa những nhộn nhịp của đất Hà thành, dường như không gian linh thiêng của đền Bạch Mã, đã trở thành vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt. Luôn bận bịu với công việc kinh doanh nhưng chị Nguyễn Quỳnh Trang (Đống Đa, Hà Nội) vẫn thường xuyên đến đền dù không phải ngày lễ.

a
Ngày 18/1/2022, đền Bạch Mã là 1 trong 5 di tích Quốc gia đặc biệt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 93 về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Ảnh: Kim Duyên.

Chị Trang tâm sự: "Mình thường đến một mình hoặc đi cùng con trai. Không phải cứ lễ, Tết hay có công việc mình mới đến. Mình đến bởi mỗi lần đến đền, chỉ bước qua cổng chính bản thân đã cảm thấy nhẹ nhàng về tinh thần hơn rất nhiều. Hơn nữa với mình đến với chốn linh thiêng, cũng là cách mình hướng về cội nguồn, hiểu hơn về lịch sử".

Giếng ngọc trong ngôi đền cổ

Trong nét văn hóa sinh hoạt của người dân đồng bằng Bắc Bộ, giếng khơi luôn là nơi lưu giữ những kí ức đẹp trong nét sinh hoạt văn hóa "làng". Đặc biệt hơn với người dân phố cổ Hà Nội, khi tìm lại được mạch nước, khôi phục lại giếng ngọc trong ngôi đền cổ trấn Đông thành Thăng Long.

a
Hai bên phương đình và bên trong nhà đại bái, thiêu hương, cung cấm đều đặt các ban thờ trang trọng được chế tác tinh xảo với những tương phản đỏ - vàng và trắng - đen là sắc màu chủ đạo. Ảnh: Kim Duyên.

Kể lại sự kiện quan trọng này, ông thủ từ đền Bạch Mã vẫn còn nhớ như in: "Năm 2010, thời gian Thủ đô kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, giếng ngọc được tìm thấy. Trước đây, do chiến tranh, quá trình đô thị hóa, giếng đã bị che đi để làm sân bán hàng của các hộ dân. Và cụ Nguyễn Văn Sâm – Nguyên thủ từ đền Bạch Mã chính là người tìm lại được mạch nước".

Phần thành giếng mới được làm bằng đá xanh, giếng sâu khoảng 5 m. Đặc biệt, nước giếng đền Bạch Mã trong, mát quanh năm. Trong tổng thể văn hóa tâm linh trong Di tích Quốc gia đặc biệt này, giếng ngọc có giá trị quan trọng. Có lẽ, cũng chính từ sự linh thiêng đó mà người dân trên phố hàng Buồm luôn nâng niu, gìn giữ, họ chỉ sử dụng nước giếng để thắp hương vào những dịp lễ, Tết.

a
Nước giếng đền Bạch Mã trong mát quanh năm và thường được lấy làm lễ mỗi khi có lễ hội. Ảnh: Kim Duyên.

Sống gần đền Bạch Mã, từ khi khơi lại giếng ngọc, ông Đoàn Văn Sơn (50 tuổi) thường xin nước giếng để sử dụng cho những dịp lễ quan trọng trong gia đình. Ông Sơn chia sẻ: "Không phải tự nhiên mà tìm được mạch nước ngầm vào đúng dịp lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Rất khó để lý giải việc này và với người dân thì nước giếng ngọc là một thứ rất linh thiêng. Không chỉ gia đình mình mà đa số các hộ gia đình xung quanh đền, đều xin nước về chỉ để cúng, lễ vào mười rằm, mùng một".

Giữa sự nhộn nhịp của phố phường Hà Nội, dường như đền Bạch Mã đã trở thành vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt vốn có của phố cổ, trở thành điểm đặc sắc chỉ riêng ở phố cổ mới có. Đó không chỉ là nơi con người tìm về với vẻ đẹp yên bình mà còn hiểu biết thêm về những thần thoại xưa và nét văn hóa dân tộc.

Theo Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây