Ngưu hoàng là một loại sỏi kết thành trong mật con bò cái bị ốm. Khi bị đau vì sỏi nó gầy mòn, ăn ít cỏ, và cần uống nhiều nước, cuối cùng mắt chuyển sang màu đỏ và bị chết. Vị thuốc hình thành một cách tự nhiên và thường được tính theo giá trị cuộc đời bò bởi vậy rất hiếm quý. Nó có nhiều tên gọi như Tây hoàng, Tô hoàng, Sửu bảo, Đởm hoàng (cũng gọi Ô kim hoàng, Đản hoàng, Quả hoàng tức sạn túi mật), Quản hoàng (cũng gọi Toái phiến hoàng, Không tâm hoàng tức sạn ở ống gan mật).
Y học cổ truyền đã biết sử dụng Ngưu hoàng làm thuốc từ hơn 2000 năm trước. Thần Nông bản thảo kinh, một trong các y văn cổ nhất của y học cổ truyền Trung Hoa đã viết về công dụng của Ngưu hoàng là chủ trị “nhiệt thịnh kinh hoảng” (tương ứng với các triệu chứng sốt cao, mê sảng, bất tỉnh nhân sự như biểu hiện bệnh đột quỵ).
Tương truyền thần y Biển Thước (401 – 310 tr.CN, Trung Quốc) là người đầu tiên sử dụng vị thuốc này trong điều trị đột quỵ và người bệnh chính là hàng xóm của ông. Không phải ngẫu nhiên vị thuốc có tên Ngưu hoàng, xung quanh tên gọi và công dụng của nó là một câu chuyện khá thú vị.
Ngưu hoàng là một loại sỏi kết thành trong mật con bò cái bị ốm.(Ảnh: blogsina.com.cn)
Biển Thước và câu chuyện về công dụng của Ngưu hoàng
Chuyện rằng một ngày nọ, Biển Thước kiếm được một viên Thanh Mông thạch và dự tính nghiền thành bột chữa đột quỵ và liệt cho người hàng xóm của mình tên là Cố Dương Văn. Bỗng nhiên, ông nghe thấy những tiếng động bên ngoài và hỏi người nhà nguyên nhân. Hóa ra, con trai của người hàng xóm là Dương Bảo đang sai người nhà giết con bò cái 10 năm tuổi đã bị ốm từ 2 năm trước. Sau khi giết con vật, anh ta tìm thấy một viên sỏi trong túi mật của nó. Danh y qua xem và ngỏ ý muốn xin viên sỏi đó. Dương Bảo vui vẻ tặng lại và ông mang về nhà đặt cạnh viên Thanh Mông thạch.
Khi đó, đột nhiên người hàng xóm lên cơn đột quỵ. Sau khi được mời tới thăm bệnh, Biển Thước thấy mắt bệnh nhân đang trợn ngược lên, nôn khan, chân tay lạnh, hơi thở gấp gáp và ngắn, tình trạng vô cùng gay go và nguy kịch. Ông quay sang nói với Dương Bảo: “Nhanh lên, mau đi lấy viên Thanh Mông thạch mà ta để trên bàn”. Anh ta chạy thật nhanh tới nhà danh y và mang thuốc về. Bởi đang trong lúc gấp gáp, danh y không kiểm tra kỹ đã nhanh chóng nghiền nó thành bột, ước lượng lấy vừa đủ một thang thuốc và cho bệnh nhân uống. Một lát sau, ông ta dứt cơn co giật, hơi thở trở nên ổn định, và dần dần tỉnh táo trở lại.
Khi trở về nhà, danh y giật mình lo lắng khi phát hiện viên Thanh Mông thạch vẫn còn ở trên bàn, trong khi viên sỏi kia thì biến mất. Ông hỏi người nhà, “Ai đã lấy Ngưu hoàng đi rồi?”. Người nhà ông trả lời: “Dương Bảo nói anh ta tới lấy thuốc theo lời dặn của ông và mang đi”. Sự nhầm lẫn ngẫu nhiên này khiến danh y trầm ngâm hồi lâu rồi tự hỏi: “Phải chăng Ngưu hoàng có khả năng làm hết khó thở và điều hòa hệ hô hấp?” Ngày hôm sau, ông chủ tâm sử dụng nó làm thuốc trị liệu thay thế cho Thanh Môn thạch. Ba ngày sau, tình trạng của người bệnh được cải thiện một cách thần kỳ. Ông ta không chỉ hết co giật mà còn cử động được tay chân bị liệt.
Biển Thước là người đầu tiên khám phá ra cách dùng Ngưu hoàng trị đột quỵ. (Ảnh: kknews.cc)
Từ trường hợp này, danh y kết luận, “Do Ngưu hoàng được ngâm trong túi mật của con bò trong thời gian dài, vì vậy tính hàn của nó có thể thấu tới tim và gan của người bệnh. Nó có thể lọc tim, thông các mạch, điều hòa gan và chữa liệt”.
Công dụng và một số bài thuốc từ Ngưu hoàng
Theo Đông y, Ngưu hoàng vị ngọt, tính mát, đi vào hai kinh Tâm và Can, chữa được nhiều bệnh. Nó có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tức phong chỉ kinh, khoát đàm khai khiếu. Chủ trị các chứng: hầu họng sưng đau, lở loét, mồm lưỡi lở, ung thư, mụn nhọt, ôn nhiệt bệnh, trẻ em kinh phong, sốt cao mê man, kinh quyết co giật, động kinh, trúng phong hôn mê.
Theo Tây y, thành phần chủ yếu của ngưu hoàng bao gồm Cholic acid, deoxycholic acid, cholesterol, bilirubin, taurocholic acid, glycine, alanine, methionine, asparagine, arginine, sodium, magnesium, calcium, phosphate, sắt, carotene, amino acid, vitamin D…
Ngoài ứng dụng trong đột quỵ, chế phẩm chứa Ngưu hoàng cũng thường được dùng với mục đích tăng lưu lượng máu lên não, chống đau đầu chóng mặt, rối loạn tiền đình… Nhưng như đã nói trên, Ngưu hoàng có tính hàn rất mạnh nên có thể gây hậu quả xấu khi dùng cho những người “thể hàn”. Trong đông y có mô tả người “thể hàn” là do sự suy yếu của một số phủ tạng như Tâm, Can, biểu hiện ra bên ngoài là gầy gò yếu ớt, sợ lạnh, kém ăn uống, sắc mặt nhợt nhạt, rêu lưỡi trắng nhạt, đại tiện nát, tiểu tiện trong và kéo dài… Trường hợp rêu lưỡi chuyển trắng xanh, thường ra mồ hôi trộm nhưng chỉ hơi ẩm ẩm, tiếng nói nhỏ yếu, khả năng tình dục rất kém, huyết áp thấp… là thể rất hàn.
Theo Đông y, Ngưu hoàng vị ngọt, tính mát, đi vào hai kinh Tâm và Can, chữa được nhiều bệnh. Nó có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tức phong chỉ kinh, khoát đàm khai khiếu. (Ảnh: danishcrownstories.blog)
Bài thuốc trị bệnh từ Ngưu hoàng
1. Trị bệnh nhiễm sốt cao hôn mê co giật (đàm mê tâm khiếu thực chứng)
Bài thuốc Vạn thị Ngưu hoàng thanh tâm hoàn: Ngưu hoàng 0,3g, Hoàng liên 5g, Hoàng cầm, Chi tử, Uất kim đều 10g, Chu sa 3g làm hoàn thuốc thành phẩm uống theo quy định của bào chế.
Ngưu hoàng tán: Ngưu hoàng 0,3g, Chu sa 3g, Xạ hương 0,1g, Thiên trúc hoàng 10g, Yết vĩ 1,5g, Câu đằng 15g, chế thành thuốc tán, mỗi lần uống 1,5 – 3g, uống với nước sôi để nguội.
2. Trị viêm miệng họng và các chứng nhọt độc
Ngưu hoàng giải độc hoàn: Ngưu hoàng 1,5g, Cam thảo 5g, Kim ngân hoa 30g, Thất diệp nhất chi hoa 6g, tán bột mịn làm hoàn. Mỗi lần uống 3g, ngày 2 – 3 lần.
Theo zhengjian - Kiên Định biên dịch
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự