Nghi vấn về nơi chôn cất cụ Hoàng Hoa Thám

Thứ hai - 25/02/2019 15:58
Ngôi mộ của người ăn mày tại xã Mai Trung (Hiệp Hòa, Bắc Giang) có nhiều dấu vết nghi là nơi an nghỉ của cụ Hoàng Hoa Thám nhưng đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu kĩ càng, cụ thể.
Cụ Nguyễn Văn Nghê - người dịch bài thơ và nắm giữ tư liệu về ngôi mộ.
Cụ Nguyễn Văn Nghê - người dịch bài thơ và nắm giữ tư liệu về ngôi mộ.

Ngôi mộ của người ăn mày bí ẩn

Ở xóm Tân Lập, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa có một ngôi mộ vô chủ được người dân nơi đây lập đền thờ ngay cạnh. Theo người dân, bởi họ phát hiện có nhiều chứng cứ trùng hợp, có cơ sở rằng - ngôi mộ này có thể là nơi an nghỉ của cụ Hoàng Hoa Thám nên họ mới lập đền thờ.

Thực ra, ngôi mộ này không phải mới được biết đến, mà nó được phát hiện từ năm 1991. Mộ nằm trên phần đất nhà ông Đàm Văn Đường, xóm Tân Lập. Ngôi mộ này trước kia vốn được người dân biết tới là mộ của một người ăn mày đã tồn tại hàng trăm năm mà không ai biết là có từ bao giờ. 

Một lần, hai đứa con của ông Đường ra vườn chơi thì thấy hai khúc xương người hở ra ở phần mộ. Những người dân gần đó liền thử bới một phần mộ thì thấy một số di vật, như tiền cổ, quần áo và một cái liễn.

Nghi van ve noi chon cat cu Hoang Hoa Tham hinh anh 1

Bản sao bài thơ dưới mộ được tạm dịch và lưu ở đền Tân Lập.

Trong đó có một bài thơ viết trên giấy cổ được đựng trong một chiếc liễn sành úp ngược xuống đất, miệng liễn được ốp chặt đáy bằng một chiếc đĩa, bên trong có hai tờ giấy, một tờ có một bài thơ ký tên Loan. Xung quanh liễn được ốp bằng lá trầu khô và một lớp vôi và cát. 

Nội dung bài thơ đó viết bằng chữ Hán và tạm dịch là: Cờ nghĩa bao năm nay lỡ vận/ Hậu thế nghìn năm ai biết không?/ Yên Ngựa nghỉ vào đây lòng đất/ Thế sự Hoàng Hoa ai biết chăng? Có ghi ngày tháng và tên tác giả bài thơ đó được dịch là: Một nghìn chín trăm mười ba/ Tháng năm ngày mồng chín/Loan.

Theo những người dân, chính cụ Lý Loan, vốn là bạn thân của cụ Hoàng Hoa Thám ngày trước và cũng là lý trưởng của làng, đã viết lên bài thơ này. Kể về gốc tích của ngôi mộ, cụ Đàm Văn Nghị (85 tuổi, bố của ông Đường) nói: “Ngày trước, lúc tôi bé, đầu còn để chỏm, thì nơi đây chỉ là một đồi thông, trong đó có một cây thông nghiêng như chiếc ghế ngồi. Ở cạnh cây thông nghiêng đó có một ngôi mộ không cao lắm, chỉ là một mô đất nhỏ nổi lên thôi. Các cụ nói rằng đó là mộ của người ăn mày, cũng chẳng ai quan tâm gì và ngôi mộ cứ thế tồn tại từ đó đến giờ”. 

Cụ cũng được kể rằng, đó là một người ăn mày cao lớn, râu dài. Tuy là ăn mày nhưng không đi ăn xin mà chỉ mặc quần áo rách rưới mà thôi. Người ăn mày đó thoắt ẩn thoắt hiện và thường về cây thông nghiêng đó nghỉ ngơi, cho đến một ngày người ta phát hiện ông chết ở đó.

Khi phát hiện ngôi mộ, người cháu 4 đời của cụ Lý Loan tên Nguyễn Văn Sử (SN 1950), nhà gần ngôi mộ, khẳng định, rằng bài thơ trên chính là bút tích của cụ Lý Loan khi chôn cất cụ Hoàng Hoa Thám ở đây. Bí mật này được giấu kín và truyền lại cho con cháu. Ông Sử cũng cho hay, trước kia cụ Hoàng Hoa Thám bị thất trận thì đã chạy về đây và đóng giả là người ăn mày để ẩn náu trong nhà cụ Lý Loan - là bạn thân và cũng là người ủng hộ cụ trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế. 

Sau này, khi cụ Đề Thám chết đã được cụ Lý Loan chôn cất ở đó. Mộ chôn chỉ dám làm thấp vì sợ giặc Pháp biết sẽ đào mộ. Khi chôn cất, vì tiếc cho sự nghiệp còn dang dở, nên cụ Lý Loan đã làm bài thơ trên và chôn cùng cụ Đề Thám.

Có phải mộ cụ Hoàng Hoa Thám?

Theo nhiều người dân, ở nơi này có nhiều dấu tích cùng địa danh liên quan đến khởi nghĩa Yên Thế được cụ Hoàng Hoa Thám đặt tên như chuôm Yên Thế, hoặc gò Chanh, còn gọi là gò Cai Chanh (một vị thủ lĩnh dưới trướng Hoàng Hoa Thám). Vì thế, người dân tin rằng, cụ Hoàng Hoa Thám đã từng sống ở đây cho đến lúc thác và đặt tên cho những địa danh đó. 

Đến năm 2004, người dân trong thôn đã gom góp tiền xây dựng một ngôi đền cạnh ngôi mộ. Con cháu hậu duệ của cụ Hoàng Hoa Thám cũng cung tiến vào đó một bức tượng đồng tạc chân dung của cụ Đề Thám để thờ cúng.

Nghi van ve noi chon cat cu Hoang Hoa Tham hinh anh 3

Cụ Đàm Văn Nghị kể về gốc tích ngôi mộ.

Tuy nhiên, để đảm bảo đây có đúng là ngôi mộ của cụ Hoàng Hoa Thám hay không thì vẫn chưa có lời khẳng định chính xác. Người dân cũng chỉ mới tin đây là mộ cụ Hoàng Hoa Thám qua lời kể và khẳng định của ông Sử, chứ cũng chưa rõ có đúng hay không. Theo lời của ông Nguyễn Văn Duyệt -Trưởng ban quản lý đền - thì: “Chúng tôi cũng không dám khẳng định đây là mộ cụ Hoàng Hoa Thám. Mà chỉ căn cứ vào những dấu tích còn để lại trong mộ và lập đền thờ”.

Còn theo cụ Nguyễn Văn Nghê (98 tuổi) - một thầy nho ở thôn Cẩm Trung, xã Xuân Cẩm gần đó, người trực tiếp dịch bài thơ và cũng là người nắm giữ nhiều tư liệu về ngôi mộ này - thì: “Hồi nhỏ, tôi thấy ông tôi, cũng là một tuần đinh, có qua lại với cụ Lý Loan, kể về người ăn mày ở rừng thông đó. Ông tôi kể rằng, đó không phải là người tầm thường, tối chỉ về đó trú chân còn ban ngày thường đi đâu đó. Ông tôi cũng nhiều lần mang thức ăn, rượu ra rừng thông đó biếu cho người ăn mày trong những buổi đi tuần”. 

Cụ Nghê cũng không khẳng định đó có chắc là mộ cụ Hoàng Hoa Thám hay không, chỉ biết rằng nếu căn cứ theo những gì các cụ truyền lại và bài thơ với những vần thơ đầy phí khách như vậy thì cũng có thể khẳng định đó có thể là cụ Hoàng Hoa Thám.

Nghi van ve noi chon cat cu Hoang Hoa Tham hinh anh 4

Đền thờ Hoàng Hoa Thám ở Tân Lập, Mai Trung, Hiệp Hòa

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khảo sát cho rằng, đó không phải là mộ của cụ Hoàng Hoa Thám vì nhiều điều còn chưa được khẳng định rõ ràng. Theo ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Bảo tàng Bắc Giang, người đã từng tiếp xúc trực tiếp với văn bản gốc của bài thơ: “Dù chưa có báo cáo chính thức về tính chân giả của bài thơ, nhưng theo tôi, đây không phải văn bản được để lại từ thời cụ Lý Loan, bởi vì nét chữ trong văn bản không phải của người am hiểu và quen dùng chữ Hán Nôm. 

Hơn nữa, với cách bảo quản bằng vữa và lá cây, văn bản đó khó có thể tồn tại từ năm 1913 đến nay mà vẫn giữ được những nét chữ rõ ràng như thế. Vì vậy, tính xác thực của bài thơ cần được làm rõ mới có cơ sở khẳng định đó có phải là bút tích của cụ Lý Loan để lại hay không. Gò mộ kia có phải là gò mộ cụ Đề Thám không thì còn phải xem xét cẩn thận, nghiên cứu kỹ”.

Việc xác định người nằm dưới mộ là ai rất đơn giản, chỉ cần dùng phương pháp xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, đã gần chục năm nay, người dân xóm Tâm Lập đã gửi nhiều đơn đến cơ quan chức năng để yêu cầu tiến hành cuộc nghiên cứu xem người dưới mộ có đúng là cụ Hoàng Hoa Thám hay không, nhưng vẫn chưa có hồi âm gì. Vì vậy, câu hỏi về phần mộ, nơi yên nghỉ của người anh hùng thủ lĩnh khởi nghĩa Yên Thế, danh nhân Hoàng Hoa Thám vẫn là một dấu chấm hỏi chưa lời giải đáp.

Nguồn tin: Báo Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây