Chuyện chưa ai biết về Hòa thượng “Trái cây” - Kỳ 6: “Nước phun báo điềm lành”

Thứ sáu - 03/07/2009 09:03
Sư tu theo hạnh đầu đà của hai pháp môn Thiền và Tịnh, lấy thân mình hiển thị mô phạm của chư Phật. Trừ lúc trời mưa ra, hằng đêm Sư đều ngồi ngoài trời. Suốt mấy mươi năm Sư vẫn hành trì như thế. Có điều rất lạ là sáng sớm cây cối núi rừng đều ướt đẫm sương, chỉ có chỗ Sư ngồi đường kính ước vài thước thì hoàn toàn khô ráo.

11. Động Nhật Nguyệt nước phun báo điềm lành

Sau khi đến Đài Loan, cư sỹ Lâm Giác Phi thường liên lạc với Sư. Mùa hạ năm 1947 do sự  sắp xếp của Lâm, Người cùng vị tăng Đài Loan, - pháp sư  Phổ  Vượng (ở  thành phố  Cơ Long, sau đổi tên là Phổ Quán, trụ trì Giảng đường Phật giáo Cơ Long, nay đã viên tịch) từ  Hạ Môn  đi bằng tàu Anh đến Đài Loan.

Ban đầu Người ở trong một ngôi nhà trống cất theo kiểu Nhật, thuộc nghĩa trang Không Quân Tân Điếm. Năm 1948, Người khai tạc động Quảng Minh trên vách đá phía sau đường Tân Điếm (nay là chùa Quảng Minh), năm 1950 lại cất chùa Quảng Chiếu; năm 1951 tạc tượng Phật A-Di-Đà thật lớn, hoàn thành vào mùa đông năm ấy. Ngay lúc gần xong chẳng hiểu vì lý do gì Sư vội rời chùa, công việc đình chỉ. Năm 1952, cư sỹ Lý Văn Khải quê Quảng Đông quyên tiền hoàn thành công trình.

Sư rời chùa đến núi Phúc Sơn ở Thổ Thành tìm một động đá thiên nhiên, sống lại đời sống ẩn tu như trước. Sơn động Sư ở cao hơn hai trượng, sâu độ hai trượng, rộng vài trượng. Cửa động nhìn về hướng Đông nên nhận được cả ánh mặt trời và ánh trăng mới mọc, do đó Sư đặt tên là động Nhật Nguyệt. Động này trước kia không có nước, từ ngày Sư ở bỗng nước từ khe đá trong động phun ra chảy dọc trên cỏ, Sư vội đào một cái ao nhỏ để chứa, nước trong mát ngọt miệng, uống vào giải ngay cơn nóng khát.

Sư vui mừng được suối linh, mùa xuân năm 1952 cất ba gian nhà gỗ trước cửa động, bên trái làm nhà bếp, chính giữa thờ Bồ-Tát Địa Tạng. Cũng năm ấy Sư dựng một lều tranh cho hai đệ tử Truyền Giác và Truyền Ba cùng ở, đồng thời giao cho sư Truyền Ý làm giám viện Động Nhật Nguyệt .

Năm 1953, Sư lên đỉnh núi cất một cái lều tranh nhỏ ở. Có con trăn lớn đêm thường bò tới chỗ Sư mà không tỏ chút gì sợ sệt, Sư quy y cho nó. Một hôm mấy người con trai ông trưởng xóm phía dưới núi bắt gặp con trăn bèn gọi đông người cùng nhau dùng gậy định giết nó; Sư  từ  trên núi nghe tiếng ồn  ào vội vàng ra bảo với họ : “Trăn đã quy y Tam Bảo rồi, đừng giết hại!” Nghe Sư  nói cả bọn giải tán bỏ đi.

Từ khi Người dời tới ở Động Nhật Nguyệt rất ít ai biết, sau ba lần  nhập đại định mới làm chấn động nhân gian. Mùa xuân năm 1955, các tín nữ  Bản Kiều mua đất núi ở Thổ Thành cúng dường Người, núi này tục gọi Hỏa Sơn, nguyên là một đám rừng tre.

Người đi vào rừng theo một con đường nhỏ, chặt tre dài độ ba thước, dùng giây thép cột lại thành tấm vạt tre, cột nó vào thân cây tre sống, cách mặt đất vài thước, Người ngồi kiết già trên đó, giống như lối sống của người thời tiền sử. Về sau mới mở đất cất một gian  nhà lợp ngói để thờ Phật, còn lại thì dựng lều tranh.

Năm 1956, Người trở về Tân Điếm, đến cuối năm 1958 lại trở lên Hỏa Sơn ở Thổ Thành. Năm 1960 xây Đại Điện, từ đó mới đặt tên là Thừa Thiên Thiền Tự, đổi tên núi thành Thanh Nguyên Sơn [ Núi suối trong ] để ghi nhớ con suối hồi Người xuất gia “diện bích”.

Năm 1962, lại xây cất điện Tam Thánh; năm 1964 thể theo lời thỉnh cầu của tín chúng Người đến Hoa Liên, rồi quay lại Đài Trung xây dựng Quảng Long Tự  trên núi Thanh Thuỷ. Suốt nhiều tháng Người chưa trở  lại núi cũ, sư giám viện lấy cớ  đã ba lần mời mà Người không về, đem đồ vật tích lũy xưa nay trong chùa phân phát theo thứ bậc cho huynh đệ và để mọi người tự phân tán.

Cuối năm 1964 Người trở lại Thừa Thiên Thiền Tự tu bổ, dựng cổng chùa và làm phòng phương trượng.

Từ  ngày Người đến Đài Loan cho đến khi định cư tại chùa Thừa Thiên trước sau 17 năm, ẩn tích không muốn cho người biết. Bao nhiêu gian nan hoạn nạn không hề nói cho ai hay, bao kẻ xấu ác bất công Người đều nhẫn nhượng và chẳng lấy làm thắc mắc. Từng có người đề nghị: “Những tên vô lại đó, phải trị chúng mới được, phải dùng luật mà chế tài ”. Người chỉ trả lời: “Người tốt cũng phải độ, kẻ xấu cũng phải độ. Chúng ta phải tự hổ thẹn đức mình chưa đủ, nên  không cảm  hoá họ được, không nên lấy oán báo oán ”. 

12. Thiền tịnh song tu, hiển thị mô phạm chư Phật

Sư  tu theo hạnh đầu đà của hai pháp môn Thiền và Tịnh, lấy thân mình hiển thị mô phạm của chư Phật. Trừ lúc trời mưa ra, hằng đêm Sư đều ngồi ngoài trời. Suốt mấy mươi năm Sư  vẫn hành trì như thế. Có điều rất lạ là sáng sớm cây cối núi rừng đều ướt đẫm sương, chỉ có chỗ  Sư ngồi đường kính ước vài thước thì hoàn toàn khô ráo.

Do lòng từ  bi thường cứu giúp người và công phu thiền định sâu dày của Sư mà càng ngày số người tìm đến thăm viếng Sư càng đông, có người phát tâm quy y cầu xin học đạo, có người vì hiếu kỳ ham vui, cũng có kẻ tự  cho mình  cao siêu  đến thử sức công phu thiền định; đủ hạng người với tính cách khác nhau như  thế, mà Sư  tuy là một cụ già không biết chữ  nhưng đối đáp rất dễ dàng, tự  nhiên; quả  thật là Phật pháp không thể  nghĩ bàn. Xin nêu vài ví dụ cống hiến quý vị độc giả.

(1) Một hôm có một giáo sư  tự cho mình công phu thiền định rất cao, sáng sớm đường đột bước vào thiền đường của Người. Chẳng nói chẳng rằng, ông ta tự  động ngồi xuống; Sư cũng yên lặng không nói lời nào. Qua một lúc khá lâu, ông giáo sư  mở lời trước :

- Thưa Hoà thượng ! Ngài xem thử  tôi đạt tới thiền thứ mấy ?

Hoà thượng nói :

- Tôi không thấy .

-  Nghe nói công phu thiền định của Ngài rất cao, tôi đã đến đệ tứ  thiền sao ngài không thấy ?

Hoà thượng trả lời :

- Tôi chỉ  biết ngày ăn ba bữa, chẳng làm việc gì .

Tiếp đó Người đưa tay lấy tờ giấy vệ sinh, nhép miệng mấy cái, quay đầu lại hỏi ông ta :

- Giấy vệ sinh đang nói với tôi, ông có nghe được không ?

Ông giáo sư  như  gặp phải “Kim Cang hai trượng chẳng với tới đầu,” lặng lẽ rút lui .

(2) Có một vị Pháp sư  đến thăm, nói với Người :

- Khi ở  nước ngoài mỗi lần có động đất hay gió bão, tôi dùng pháp sau đó động đất và gió bão đều biến lặng .

Người đáp  :

- Bần đạo thì chẳng làm gì cả.

Lần thứ  hai đến, vị Pháp sư lại nói :
- Hoà thượng ạ, hiện nay tôi không làm gì hết .

Người nói :

- Bần đạo mỗi ngày ăn cơm, ngủ nghỉ, đi tản bộ .

Công phu thiền định tự nhiên như thế, không có cái tôi đang làm gì, không chấp có cũng không chấp không. Nếu có người tự bảo  tôi có” công phu  gì, Người dùng ‘không’ để đáp lại, còn người nào bảo ‘không’ thì Người lấy ‘có’ mà ứng đối .

Vị Pháp sư  ấy sắp ra về, nóivới Người: “Thỉnh Hoà thượng nên ra nước ngoài hoá độ chúng sanh.”

Người gật đầu và nói:

-  Ngài đến đó thì tôi đến !

Pháp sư  nghĩ là Hoà thượng sẽ hiển thần thông, bèn hành trang trở lại xứ người. Song chờ  mà chẳng thấy Hoà thượng tới, Pháp sư thấy sốt ruột. Lần sau trở lại Đài Loan thăm, Pháp sư  hỏi :

- Trước đây Hoà thượng chẳng bảo rằng tôi đến thì Ngài đến sao ?

Lâu quá chẳng thấy Ngài đến ?

Người cười đáp :

- Ngài tới đây bần đạo tiếp Ngài ra sao, đã nói những gì, hẳn  là Ngài đã hiểu rất rõ ràng? Khi Ngài trở về, đem những gì bần đạo nói với Ngài nói cho họ nghe, đó chẳng phải  là Ngài đến thì tôi đến hay sao?

Pháp sư  khách hốt nhiên hiểu ra, im lặng chẳng nói lời gì .

(3) Một hôm, có vị sư chuyên tu Phạm hạnh đến thăm Hoà thượng, nói với Người: “Tôi tu tam-muội  được  mấy mươi năm, nay đến Đài Loan tìm chỗ tu hành, xin Hoà thượng chỉ dạy cho.”

Người trả lời :

- Ngài tu tam-muội đã mấy mươi năm, xin chỉ dạy cho tôi, tôi chưa  tu tam-muội gì  bao giờ, làm sao nói với Ngài được.

Nhà  sư lại hỏi: “Tôi định đóng cửa ẩn tu, đại khái cần miếng đất chừng vài mươi bình [ đơn vị diện tích –Nd. ] bên ngoài có vườn hoa nho nhỏ, Hoà thựơng thấy thế nào?”

Người đáp:

- Chúng ta đóng cửa, mục đích là đóng tâm hay là đóng thân? Nếu  đóng tâm thì cái thân tứ đại giả hợp này của ta  cũng đủ lớn rồi, còn như  thân muốn hưởng thụ thì ngũ đại cũng không đủ. Đóng là đóng lục căn, tu tâm đâu phải là vào địa ngục .

Khi Người đối đáp với ai, trả lời ngay thẳng, không cần suy nghĩ, không cần lấy lòng, cũng chẳng cần giữ  sỉ diện, hoàn toàn “ trực tâm đạo tràng ”.

(Kính mời quý bạn đọc đón đọc kỳ 7: Lên núi thỉnh giáo

Hồi ký về HT Quảng Khâm củaTông Ngang 

Dịch giả: Phạm Phú Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây