Hà Nội mùa Tết Vu lan

Thứ ba - 25/08/2009 20:37
Tháng bảy Âm lịch về, chút hương sắc đầu thu đã rây rây khắp phố. Đây cũng là dịp người ta hướng về miền tâm linh nhiều hơn, có nhiều người còn gọi đây là thời điểm mùa ăn chay trong năm. Bởi lẽ, ai ai cũng biết rằng rằm tháng bảy là Tết Vu lan, dịp để con cháu tưởng nhớ đến cha mẹ, ông bà tổ tiên. Nơi chùa chiền thanh tịnh những ngày này đông người đến nhang khói hơn, cái ồn ã lắng dần đâu đó. Bởi lẽ, người người đang hướng về lễ Vu lan- một dịp để tỏ lòng biết ơn thành kính đối với các bậc sinh thành.
Chuyện xưa kể rằng Bồ Tát Mục Kiều  Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp Ngạ Quỷ. Từ đó mới có ngày Vu lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) – cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước. Không biết đã mấy trăm mấy ngàn năm đã trôi qua, người Việt từ nông thôn đến thành thị đều rất coi trọng ý nghĩa của ngày lễ đặc biệt này.

 

Thành tâm lên chùa

 Lễ Vu lan, đi qua hàng Mã tấp nập người người chen chân mua vàng mã, quần áo, mũ mão thần linh về để hóa vàng gọi là tấm lòng thành kính tưởng nhớ đền người đã khuất. Ta có thể bắt gặp trong con hẻm nhỏ, cô gánh gàng rong với các thức quà vặt như bỏng chè lam…Những thứ lễ không thể thiếu dùng trong ngày lễ vu lan. Ai nấy chẳng khỏi ngậm ngùi “trần sao âm vậy” với mong muốn người thân đã quá cố khỏi tủi thân.

Tiếng văn tế thập loại chúng sinh văng vẳng trong chùa càng khiến lòng người bổi hồi tưởng nhớ đến những người đã khuất. “Lòng nào lòng chẳng thiết tha, Cõi dương còn thế nữa là cői âm” . Tháng bảy lên chùa, nếu vào ngày rằm thì thật khó chen chân bởi ai ai cũng muốn tìm chỗ đặt mâm lễ của mình. Vào ngày này, người ta không đến chùa xin công danh lợi lộc mà cầu mong sự bình yên hạnh phúc và may mắn. Lên chùa để tâm hồn được thanh tịnh, nhớ về cha mẹ và mong cầu cho người thân quá cố được siêu thoát, mát mẻ chốn suối vàng. Đó chẳng phải là cách bày tỏ sự tưởng nhớ và biết ơn với người đã nhắm mắt hay sao ? Mâm lễ có thể rất giản dị, chỉ là dăm ngọn nến, thẻ hương, bỏng gạo, chè lam, bánh kẹo…Dường như, đây cũng là một dịp đặc biệt để người dù thường ngày có bận bịu đến bao nhiêu với những toan tính cuộc sống mưu sinh cũng sắp xếp thời gian đến chùa.

Lễ Vu lan còn là dịp để đại gia đình sum vầy, quây quần cho mâm cơm cúng gia tiên. Thông thường thì các gia đình làm lễ vào giờ Ngọ, mâm lễ cho gia tiên tùy theo điều kiện từng gia đình, làm cơm hay cúng đồ cúng thông thường, ngoài ra  chuẩn bị vàng mã, quần áo, đồ dùng cho gia tiên. Hương tàn sẽ tiến hành hóa vàng. Gia đình có bền vững và hạnh phúc mới mong ăn nên làm ra. Con người có tấm lòng thành kính với tổ tiên mới được phù hộ may mắn khỏe mạnh và không bị các vong hồn quấy nhiễu. Từ những suy nghĩ ấy, mà có một ngày lễ mang ý nghĩa thật đẹp.

Dịp Tết Vu lan, ngay cả những người con đang xa nhà, cũng cúi đầu nhớ về hình ảnh mẹ còn đang đợi mình bên bậc cửa, nhớ ngày thơ bé được mẹ chăm sóc, nâng niu. Khi cái tâm hướng về quá khứ, về cõi thanh tịnh trong kí ức, lại thấy những bữa cơm chay mà mẹ thường làm cho cả nhà vào dịp này. Có phải, ăn chay để thấy tâm hồn mình được bình an hơn ? Không ít người lên xin bữa cơm chùa đạm bạc như muốn thưởng cảm giác thanh tịnh yên tĩnh từ trong lòng mình. Chẳng biết họ có mong cầu có được chút giao hòa tâm linh với tổ tiên.

Xã hội Việt Namtừ ngàn xưa đã coi trọng con người biết hiếu thảo và nếp sống ấy mặc nhiên đã hình thành nền đạo đức hàng đầu trong đời sống của dân tộc. Ngày Tết Vu lan là phong tục đẹp trong truyền thống của người Việt. Tuy vậy cũng không thể từ đó mà suy diễn ra những ý nghĩa mê tín không đúng với bản chất tốt đẹp của ngày lễ này. Nói như vậy không có nghĩa lễ vu lan chỉ hạn hẹp báo hiếu đối với người đã khuất núi. Đây là dịp để nghĩ đến cha mẹ ta còn đang sống giữa đời, vẫn ngày đêm lo lắng cho ta mà có lúc ta vô tình chẳng quan tâm. Người Việt chưa có ngày dành riêng cho bố, cho mẹ thì đây chăng phải là một cơ hội để các con  tỏ lòng thành kính với công ơn dưỡng dục của các đấng sinh thành. Đức Phật dạy: “Công ơn cha mẹ sâu dầy vô tận. Dù vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ mà đi hàng trăm nghìn kiếp, người con vẫn không thể nào đền đáp nổi công ơn ấy!” .  Bởi vậy nên ngày lễ Vu lan – tuy chỉ một chút thôi nhưng cũng là lúc chúng ta thể hiện lòng báo hiếu đối với cha mẹ.

Giữa chốn thị thành ồn ã, con người tưởng như chỉ còn biết cuốn vào những guồng quay đến chóng mặt của cuộc sống, thật cảm động biết bao khi những ngày lễ này vẫn còn tồn tại, được mọi người trân trọng và nhớ đến. Hà Thành vốn  là mảnh đất lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, chính vì thế ngày lễ Vu lan được người dân coi trọng và gìn giữ. Vu lan còn gợi cho chúng ta ý nghĩa thâm trầm về sự giải thoát, và sự chỉ dẫn cho chúng ta con đường tự do thênh thang trong từng bước đi, hơi thở hướng thiện.

Trai gái chọn hoa hồng để nói chuyện tình yêu. Còn với lòng kính yêu cha mẹ, ông bà, có bận gì đi chăng nữa thì cũng dâng một cành lan hay bông sen với hương thơm tinh khiết để tỏ lòng hiếu kính ?

Nguồn tin: NHN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây