Sư sãi đi khất thực đều giả mạo

Thứ ba - 17/03/2009 19:50
Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Ban trị sự Thành hội Phật giáo TP HCM, khẳng định: Từ năm 1981 tới nay, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa cấp bất cứ một giấy giới thiệu nào cho các sư đi khất thực hoặc bán nhang ngoài phố… Đối với người Việt Nam, ngoài đạo thờ cúng ông bà, Phật giáo là tôn giáo được người Việt yêu chuộng hơn hết, nên nhà chùa luôn được giữ vẻ tôn nghiêm và được bá tánh sẵn lòng cúng phật. Lợi dụng điều này, nhiều người đã sử dụng chiếc áo nâu sòng để ngụy trang cho những hành vi trục lợi bất chính.

Nghi ngờ có kẻ lừa đảo đội lốt nhà sư đi quyên góp để nuôi trẻ mồ côi khuyết tật, người dân điện báo với cơ quan Công an phường Tân Phong, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Hai "thầy" đang uốn lưỡi thuyết pháp để quyên góp tiền "xây chùa, nuôi  65 trẻ mồ côi, khuyết tật… phát hiện có lực lượng đến nơi thì lộ vẻ thất sắc; một "thầy" vội nhảy lên xe đào thoát, bỏ rơi cả "đồng môn sư huynh"…

Kẻ bị bỏ rơi bị tạm giữ cùng tang vật gồm lịch, nhang và sổ ghi tiền quyên góp… cho chùa Bửu Long, tại xã Xuân Thanh, huyện Long Khánh. "Thầy" xuất trình giấy CMND mang tên Nguyễn Văn Tứ, sinh ngày 16/2/1965, ngụ tại xã Nghĩa Đông, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.

Tại cơ quan Công an, Nguyễn Văn Tứ khai nhận: Từ nhỏ đến giờ chưa đi tu ngày nào, nhưng do thất nghiệp nên vào huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai tìm việc làm. Tạm trú tại đây được mấy hôm thì có một thầy tu tuổi chừng 47 - 48 tuổi đến làm quen với Tứ và hỏi có việc làm chưa? Khi biết hoàn cảnh thất nghiệp của Tứ thì người này khuyên nên đi bán nhang cho "thầy" để sống tạm, trong khi chờ tìm việc làm ổn định khác.

Thấy Tứ đã xuôi lòng, "thầy" lấy tông-đơ cắt tóc từ trong túi quần "gọt" sạch tóc cho Nguyễn Văn Tứ giống như thầy tu, rồi chỉ cho cách hành nghề bán nhang, tượng phật và quyên góp tiền từ thiện cho "chùa". "Thầy" lên đời cho Tứ một bộ "complê" thầy tu, gồm: áo thầy tu, tay nải, "giấy giới thiệu lưu hành" của chùa Bửu Long do hoà thượng Thích Thông Bửu ký; Giấy chứng nhận hội viên mang tên Nguyễn Văn Hùng, pháp danh: Minh Ngọc là Phó Ban hội từ thiện quỹ tình thương chùa Bửu Long, với giá 150.000đ, để đi hành nghề.

"Thầy" cũng dặn kỹ, khi bán nhang và xin tiền quyên góp chỉ được hành nghề tại những gia đình có bàn thờ bên ngoài nhà mà chưa có tượng phật cao 20cm, chớ có vào những nhà đã có tượng thờ rồi.

 

Theo hóa đơn thu được và liên lạc về các địa chỉ trong hoá đơn thì hai vị "thầy" này còn về tận TP Hồ Chí Minh, vào cửa hàng điêu khắc mỹ thuật Võ Xuân số 16 đường Phi Long, quận Tân Bình xin hoá đơn ghi giá tượng phật bằng gỗ, loại giá 10 triệu đồng, vào cửa hàng Kiếng Tân số 223 đường Nguyễn Chí Thanh, phường 2, quận 5, TP Hồ Chí Minh xin hoá đơn chào hàng tượng phật bằng sứ ngoại nhập với giá 1,2 triệu đồng/tượng để đưa cho các hộ gia đình mà chúng đến xin quyên góp, như minh chứng rằng chùa Bửu Long đã được nhiều nơi ủng hộ thông qua vận động.

Một điều gian dối khác là chúng còn có cả sổ vàng để ghi nhận công đức các gia đình phật tử ủng hộ cho chùa. Nhưng khi chúng đi quyên góp thì mang danh nghĩa và giấy chứng nhận là thầy tu của chùa Bửu Long, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Trong khi đó giấy ghi nhận công đức được đóng dấu khống chỉ ngay trong sổ tay thì con dấu lại là của chùa Long Hoa thuộc Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương?

Có thể nói toàn bộ giấy tờ của nhóm “thầy tu” này đều là giả, do một nhóm người đội lốt tôn giáo gợi vào lòng nhân của nhiều người để trục lợi cá nhân và lừa đảo. Vì, theo thông tin từ Ban Tôn giáo huyện Long Khánh cho biết: Tại địa bàn xã Xuân Thành, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai không có chùa nào tên Bửu Long. Hơn nữa trong giấy giới thiệu do hòa thượng ký được thu hồi thì đã có khoảng 30 chữ ký tên khác nhau, khi là chùa ở Vũng Tàu, lúc thì chùa ở Đồng Tháp, hoặc chùa tại Long Khánh, Đồng Nai…

Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Ban trị sự Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh, đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh, khẳng định: “Từ năm 1981 tới nay, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa cấp bất cứ một giấy giới thiệu nào cho các sư đi khất thực hoặc bán nhang ngoài phố… Hiện tượng giả sư này ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh và uy tín của tôn giáo Việt Nam. Những kẻ giả danh nhà chùa, nhà sư đi quyên góp, đêm về thoát xác là lên bàn nhậu… thậm chí, nhiều người chả phải sư sãi gì cả cũng mặc áo cà sa đi khất thực, thực chất là xin ăn hoặc lừa đảo"

Nguồn tin: Phương Nam (CAND)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây