Tiếng chuông tri ân vang vọng

Thứ sáu - 24/07/2009 09:02
Chưa bao giờ các ban ngành, đoàn thể kết hợp với GHPGVN tổ chức nhiều đại lễ cầu siêu, tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ như thời gian gần đây. Điều đó thể hiện sự tri ân sâu sắc những người đã ngã xuống cho độc lập, dân tộc và cuộc sống ấm no ngày nay. Đại lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ an nghỉ tại tỉnh Quảng Trị và chương trình giao lưu nghệ thuật “Ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình” từ ngày 24 - 26-7 một lần nữa ghi nhớ công ơn anh hùng liệt sĩ.

Một lễ hội tri ân được xem là lớn nhất từ trước đến nay trên quê hương Quảng Trị, một lễ hội tưởng nhớ công ơn thế hệ cha anh đã đổ xương máu cho quê hương có được màu xanh hòa bình, hạnh phúc. Trong hương khói trầm bay và tiếng kinh cầu vọng êm, hàng vạn đồng bào và những gương mặt của bạn bè đồng đội sẽ cùng nhau về dâng hương cho các liệt sĩ.

Nhiều nghi lễ tâm linh được tổ chức trang nghiêm, lễ bắc cầu đón và thả hoa đăng bên bến sông Thạch Hãn huyền thoại, từ những miền đất xa xôi, đồng đội đã về đây với lòng tràn đầy xúc cảm. Nghi lễ tâm linh: Lễ tiếp linh, lễ triệu linh, lễ cúng Phật đại khoa… cho hàng ngàn anh hùng liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Quảng Trị, nghĩa trang Đường 9 Nam Lào, nghĩa trang Trường Sơn với sự trang nghiêm và xúc động.

 “Ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong dịp kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ, nhắc nhớ nhiều, tri ân nhiều và cũng tôn vinh những chiến công của những người đã ngã xuống trên chiến trường Quảng Trị ác liệt năm xưa. Lễ hội tri ân còn là dịp để giáo dục cho giới trẻ truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, Lễ hội lần đầu tiên có sự tham dự của 27 đoàn ngoại giao, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Đây cũng là dịp để truyền đi những thông điệp, khát vọng hòa bình, truyền thống văn hóa tốt đẹp và sự thay đổi của đất nước, dân tộc Việt Nam đến bạn bè thế giới.

Chiến tranh đã lùi xa 34 năm, nhưng những mất mát xương máu vẫn là nỗi đau ẩn khuất, nhiều liệt sĩ đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất lạnh, những gì chúng ta làm hôm nay là nỗ lực tìm các liệt sĩ để được quy tụ về một mái nhà, chăm sóc phần bia mộ và cầu nguyện cho linh hồn các liệt sĩ yên nghỉ mãi mãi. Điều trăn trở và đau đáu trong lòng những cựu chiến binh, đồng đội là trên những chiến trường xưa từ Củ Chi, Tây Ninh, Bình Long, Bình Phước, Điện Biên… vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy. Và đã có nghĩa cử cao đẹp, thầm lặng của các đồng đội liệt sĩ ngày đêm băng rừng, vượt suối vạch tìm dấu tích chiến trường xưa để tìm lại trong lòng đất, khe núi những anh hùng còn nằm lại, dù có lúc kiếm tìm trong vô vọng.

Tiếng kinh cầu lại vọng vang trên những mảnh đất thiêng liêng, những “mái nhà” chung ấm tình đồng đội, tình quân dân, nghĩa đồng bào, đó là những anh hùng liệt sĩ ở tượng đài Điên Biên Phủ, Nghệ An, Quảng Trị, Nghĩa trang Hàng Dương-Côn Đảo, Phú Quốc… Trong những ngày tưởng nhớ, tri ân thiêng liêng này đã có hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử, đồng đội, đồng bào tụ hội về nơi các liệt sĩ đã an nghỉ để thắp nén hương lòng và ghi tạc nghĩa nặng ân sâu. 

Giới Phật giáo, trong những ngày kỷ niệm 62 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ cũng là những ngày thật nhiều ý nghĩa, mới đây ngày 18-7 tỉnh Điện Biên, BTS tỉnh Quảng Ninh cùng với hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử đã đến thắp hương, thực hiện các nghi thức tâm linh, nhất tâm cầu nguyện cho hàng ngàn vong linh anh hùng liệt sĩ tại tượng đài Điện Biên Phủ.

Cũng với ý nghĩa đó, 1.000 Tăng Ni, Phật tử từ các đạo tràng các chùa từ Hà Nội, Huế, TP.HCM cùng đông đảo Tăng Ni, Phật tử, đồng bào, đồng đội của các liệt sĩ trong khu vực đã về đền Mỏ Hạc Linh thuộc xã Hưng Chính, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) hợp lực cầu nguyện, tưởng niệm và tri ân. Pháp hội “Uống nước nhớ nguồn”, cầu quốc thái dân an… được tiến hành dưới sự chủ trì của TT.Thích Lệ Trang và tiếng kinh Bát Nhã, kinh Vu Lan vang vọng cho hàng vạn người con xứ Nghệ An đã nằm xuống. Những dòng hoa đăng trôi sáng một vùng sông nước bến sông Lam quyện với hương trầm tỏa nghi ngút thật sự làm ấm lòng người đã khuất.

Nghĩa ân nối tiếp nghĩa ân. Đã có những đơn vị, cá nhân đang âm thầm góp công sức nhỏ bé của mình vào những công trình tâm linh nhằm chăm sóc, sưởi ấm, tri ân sâu nặng đối với những vong linh liệt sĩ. Đó là quả chuông cho khu đền thờ Côn Đảo tại Nghĩa trang Hàng Dương (Bà Rịa-Vũng Tàu), là quả chuông đền thờ liệt sĩ Long Khốt (Long An)… Tiếng chuông đã, đang và sẽ vang vọng trên khắp những cánh rừng, miền đất thiêng liêng. Tiếng chuông là khởi nguồn của tiếng nói dân tộc, nhắc nhớ về cội nguồn, quê hương, truyền thống của cha ông: uống nước nhớ người khơi nguồn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây