Ý Nghĩa Ông Công Ông Táo

Thứ sáu - 23/01/2009 00:07
Ngày 23 tháng chạp hàng năm là ngày ông táo lên trời để trình với Thượng Đế mọi việc tốt xấu trong năm qua. Theo quan niệm của người việt ngày nay là ngày bộ ba thổ Công, thổ Địa, thổ Kỳ vắng mặt ở trần gian nên công việc lúc này tạm ngừng. Mọi người lo việc đón tết. Hệ thống triều đình, làng xã, các con dấu, triện sẽ không xác nhận giấy tờ, văn bản gì nữa. Nho sinh là “lễ tạ trường ”, thợ sơn trắng làm lễ “đóng cửa rừng” … Nhà nào cũng mua cá chép làm ngựa cho ông táo lên trời. Ngày hôm đó, gia đình nào cũng làm mâm cơm cúng thật thịnh soạn, khấn trước bàn thờ, kể rõ mọi việc trong năm và mong muốn trong năm mới mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió.

Tục cúng ông Công, ông Táo liên quan tới câu chuyện về sự tích ông Đầu rau. Chuyện kể rằng: vợ chồng Trọng Cao, Thị Nhi không có con, buồn phiền thường cãi nhau. Một lần vì cáu giận, Trọng Cao đánh vợ, Thị Nhi tức giận bỏ đi. Thị Nhi gặp Phạm Lang và họ thành vợ thành chồng. Mãi thấy vợ không trở về, Trọng Cao hối hận bỏ nhà đi tìm vợ. Hết tiền ăn đường, Trọng Cao phải xin ăn. Một ngày kia. Trọng Cao vào đúng nhà Thị Nhi xin ăn. Thị Nhi nhận ra chồng cũ liền hậu đãi. Đúng lúc ấy Phạm Lang về. Sợ chồng hiểu nhầm Thị Nhi liền dấu Trọng Cao vào đống rơm. Phạm Lang vô tình đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao chết cháy. Thương người chồng cũ, Thị Nhi nhảy vào đám lửa chết theo. Phạm Lang thấy vậy, nhảy vào cứu cũng bị chết cháy.

Ngọc Hoàng cảm kích, cho ba người làm Táo quân. Bởi vậy sau này, trong lễ cúng ông Táo, ông Công bao giờ cũng có một mũ đàn bà màu vàng để giữa hai mũ đàn ông màu đen để hai bên, tượng trưng cho hai ông một bà. Cũng có nơi chỉ đặt một mũ nam và một đôi hia. Cỗ mũ đặt trên chiếc kệ bằng mã. Dưới mỗi mũ để 100 vàng thoi. Trong thực tế, mũ áo này màu sắc thay đổi theo màu sắc của ngũ hành. Năm hành là :

Kim mũ màu vàng, Mộc mũ màu trắng, Thủy mũ màu xanh, Hoả mũ màu đỏ, Thổ mũ màu đen, bài vị ở bàn thờ thổ Công thường ghi như sau: “ Đông trù tư mệnh, Táo phủ thần quân, Thổ Địa long mạch tôn thần, Ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần ”. Khi sửa lễ cúng ông Công, người ta đều đốt bài vị cũ, thay bài vị mới. Sau khi lễ xong thì hoá vàng, hoá luôn cả cỗ mũ năm trước và thả một con cá chép còn sống xuống ao, cá sẽ hoá rồng để ông công cưỡi lên chầu trời.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây