Đạo trị quốc của cổ nhân: Khoan dung đãi người

Chủ nhật - 05/09/2010 00:09
Kẻ trị quốc nếu biết cách lấy thiện đãi người thì không chỉ làm lòng dân yên ổn mà nước láng giềng cũng có thể bị cảm hóa. Trong sách “Tân Tự – Tạp sự tứ” của Lưu Hướng thời nhà Hán có ghi lại hai câu chuyện về đạo trị quốc khoan dung của nước Lương thời Xuân Thu Chiến Quốc như sau:
Đạo trị quốc của cổ nhân: Khoan dung đãi người

Cảm hoá nước láng giềng

Nước Lương có một người tên là Tống Tựu, từng là huyện lệnh nơi biên thuỳ. Huyện này nằm cạnh biên giới nước Sở. Doanh trại gần biên giới của nước Lương và nước Sở đều trồng dưa, nhưng cách trồng lại khác nhau. Binh sỹ nước Lương chăm chỉ, thường tưới ruộng dưa của mình, nên dưa sinh trưởng rất tốt. Binh sỹ nước Sở lười biếng, rất ít khi tưới ruộng dưa, nên dưa sinh trưởng kém.

Huyện lệnh nước Sở phẫn nộ trách mắng binh sỹ nước Sở trồng dưa không ra gì, dưa của nước Lương ngon hơn. Binh sỹ nước Sở trong tâm thù ghét binh sỹ nước Lương, bèn nhân lúc nửa đêm lén lút lật dưa của nước Lương lên, nên dưa của nước Lương thường bị chết khô.

Binh sỹ nước Lương phát hiện ra việc này, bèn cầu xin huyện uý, cũng muốn lật lén dưa của nước Sở để báo thù. Huyện uý bèn đem chuyện này thỉnh giáo Tống Tựu.

Tống Tựu nói: “Không được. Sao có thể làm như vậy được? Kết thù kết oán là tự chuốc hoạ vào thân. Người ta làm việc xấu, ông cũng theo họ làm việc xấu, sao tâm địa lại có thể hẹp hòi như vậy! Nếu muốn thì ta chỉ cách cho ông, nhất định hàng đêm đều phải cử người sang đó, nhân lúc nửa đêm binh sỹ nước Sở ngủ say, mà tưới nước cho ruộng dưa của họ, đừng để họ biết.”

Thế là binh sỹ nước Lương hàng đêm đều âm thầm sang tưới ruộng dưa của doanh trại nước Sở. Binh sỹ nước Sở sáng sớm đi tuần, phát hiện thấy dưa đã được tưới, mỗi ngày mỗi khác. Binh lính nước Sở thấy kỳ lạ, bèn chú ý quan sát, mới biết rằng là do binh sỹ nước Lương tưới. Huyện lệnh nước Sở biết được việc này thì rất vui, còn bẩm báo chi tiết với Sở Vương. Sở Vương nghe xong thì xấu hổ mặt đỏ ửng lên, nói với quan chủ quản rằng: “Điều tra những người tới ruộng dưa nhà người ta làm loạn, chẳng phải sẽ còn có những tội khác nữa hay sao? Đây là người nước Lương thầm trách cứ chúng ta đó.” Vậy nên bèn mang lễ vật hậu trọng tới xin lỗi Tống Tựu và xin được kết giao với vua Lương.

Sở vương thường tán dương vua Lương, cho rằng vua Lương giữ chữ tín. Vậy nên mới nói hai nước Lương Sở giao hảo, là bắt nguồn từ Tống Tựu.

Cổ ngữ có câu: “Chuyển bại thành thắng, nhờ hoạ mà đắc phúc”. Lão Tử cũng cho rằng cần: “Lấy đức báo oán”. Đây cũng là nói về những việc như thế này. Người khác làm việc bất thiện, đâu đáng để học theo. Khoan dung với người là khoan dung với mình.

Khoan dung bách tính

Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc nước Lương có một vụ nghi án rất khó phán quyết. Hơn một nửa quan cai ngục cho rằng người này phải bị trừng trị, một nửa khác lại cho rằng nên xá tội cho y. Vua Lương cũng do dự không quyết. Nghe nói Chu Công đất Đào vô cùng cơ trí, bèn triệu ông tới hỏi rằng: “Ông cảm thấy vụ án này nên xử như thế nào?”

Đào Chu Công thực ra là Phạm Lãi sửa đổi danh tính sau khi giúp Việt Vương Câu Tiễn xưng bá thiên hạ. Bấy giờ Chu Công khiêm tốn nói: “Vi thần chỉ là kẻ thường dân thô tục, nông cạn vô tri, không biết nên phán án thế nào. Trong nhà thần có hai viên ngọc màu trắng, màu sắc tương đồng, đường kính cũng tương đồng, sắc ngọc cũng tương đồng. Nhưng một viên đáng giá ngàn vàng, một viên chỉ đáng giá 500 đồng tiền vàng.”

Vua Lương hỏi: “Đường kính, sắc ngọc không hề khác biệt, một viên đáng giá ngàn vàng, một viên chỉ đáng giá có 500 đồng tiền vàng, là vì cớ gì?”

Chu Công đáp: “Nếu nhìn nghiêng, thì viên này sẽ dày hơn viên kia một lần, cho nên giá đáng ngàn vàng.”

Vua Lương chợt tỉnh ngộ, nói: “Đúng rồi!” Vậy nên từ đó vua Lương hậu đãi bách tính, không phán quyết những vụ án có thể trị tội cũng được, mà không trị tội cũng xong và ban thưởng cho những người có thể ban thưởng hay không cũng được. Do vậy, nước Lương trên dưới đều vô cùng vui mừng.

Nguồn tin: Trithucvn.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây