Đời người, xả thứ gì sẽ đắc được thứ ấy

Thứ tư - 14/08/2019 17:15
“Có xả mới có đắc”, “xả thứ gì đắc được thứ ấy” là đạo lý bất biến trong đời người. Đạo lý ấy tồn tại ở mọi phương diện trong cuộc sống, ví như trong vườn, nếu không gieo trồng thì làm sao có hoa quả để thu hoạch? Đối với bạn bè thân hữu, nếu không có quan tâm, lui tới, thì sao có sự gắn kết, thông hiểu lẫn nhau?
Đời người, xả thứ gì sẽ đắc được thứ ấy

“Xả” (cho đi) thoạt nhìn thì tưởng như là cho người nhưng trên thực tế lại chính là cho mình. Có thể cho người khác những lời nói chân thành, lời nói tốt đẹp thì mới có thể nhận lại được những lời chân thành từ người khác. Có thể cho người khác nụ cười thì mới có thể nhận lại được một vẻ mặt tươi cười.

“Xả” và “đắc” (được) chính là có mối quan hệ mật thiết với “nhân” và “quả”. “Nhân” và “quả” là có mối tương quan với nhau, cũng giống như mối quan hệ biện chứng giữa “xả” và “đắc”, chúng có thể chuyển hóa và hỗ trợ cho nhau.

Người có thể “xả” thì nhất định là người có tấm lòng rộng lớn, phóng khoáng. Bởi vì, nếu một người trong nội tâm không có sự biết ơn, không cởi mở kết duyên thì người ấy sẽ không nguyện ý cho đi, và người ấy cũng sẽ không thể vui vẻ thoải mái để người khác đắc được.

Nếu như trong nội tâm của một người là tràn ngập niềm vui thì người ấy sẽ có thể đem niềm vui đến cho người khác. Nếu như trong nội tâm của một người là ẩn chứa vô hạn thiện niệm thì người ấy sẽ có thể đem thiện niệm của mình đến cho người khác. Do đó, chúng ta không nên đem phiền não, sầu muộn truyền cho người khác, bởi vì “xả” cái gì thì sẽ “đắc” được cái ấy. Đây là tính tất yếu của “nhân quả”.

Có một câu chuyện kể rằng, vào một đêm bão tuyết xảy ra tại Texas, nước Mỹ, có một chàng thanh niên trẻ tên là Kress đi ô tô và bị mắc kẹt tại khu bão tuyết. Anh ta vô cùng lo lắng nhưng đúng lúc ấy có một người đàn ông đi qua thấy được tình cảnh này, liền lập tức dùng ngựa của mình kéo chiếc xe ô tô của Kress về thị trấn nhỏ.

Trước việc làm của người đàn ông ấy, Kress đã vô cùng cảm kích và lấy rất nhiều tiền ra đưa cho người đàn ông này để tỏ lòng biết ơn của mình. Nhưng người đàn ông ấy không nhận tiền mà nói: “Tôi giúp cậu không cần báo đáp nhưng muốn cậu hứa với tôi một điều, lúc gặp người khác khó khăn phải hết lòng giúp đỡ họ”.

Vì thế trong cuộc sống sau này, Kress luôn chủ động giúp đỡ rất nhiều người, hơn nữa sau mỗi lần giúp ai đó, anh ta lại nhắc lại câu mà người đàn ông đó đã nói với mình.

Nhiều năm sau đó, Kress bị mắc kẹt trong một trận lũ quét bất ngờ trên một hòn đảo và đã được một cậu thanh niên  liều mình cứu sống. Lúc Kress cảm ơn cậu thanh niên kia, không ngờ cậu ta cũng nói một câu giống y như câu mà Kress đã nói vô số lần: “Tôi giúp ông không cần báo đáp nhưng muốn ông hứa với tôi một điều, lúc gặp người khác khó khăn phải hết lòng giúp đỡ họ”.

Kress cảm thấy lồng ngực mình ấm lên và thầm nghĩ: “Hóa ra, mình đã tặng tình yêu thương của mình cho nhiều người và cuối cùng nó đã thông qua cậu thanh niên này mà trả lại mình. Những việc tốt mà mình đã làm trong cuộc đời, cuối cùng tất cả cũng đều là cho bản thân mình.”

Bởi vì có thể xả mới có thể đắc được là đạo lý tất yếu, cho nên hãy xả bỏ đi những điều không tốt trong tâm để có một tâm linh thanh tịnh. Nếu như trong cuộc đời của chúng ta, tình cảm là sự ràng buộc, gò bó thì chúng ta nên xả bỏ cái tình ấy và khi đó chúng ta sẽ nhận được sự tự do tự tại, sự từ bi cao thượng. Nếu kiêu ngạo là phiền não thì chúng ta có thể xả bỏ đi tâm kiêu ngạo, khi ấy chúng ta sẽ nhận được một tâm thái thoải mái. Nếu như coi vọng tưởng là những điều vô căn cứ thì khi xả bỏ đi vọng tưởng ấy chúng ta sẽ nhận được sự chân thực. Nếu lo lắng là thống khổ, hãy xả bỏ lo lắng để được thản đãng trong tâm.

Trong “Tứ thập nhị chương kinh” có câu rằng: “Ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà còn rơi xuống mặt mình. Ngược gió tung bụi, bụi chẳng đến người mà trở lại dính vào thân mình”. Có thể thấy, trong mọi quan hệ ứng xử, trong mọi tình huống của cuộc đời, nếu thấu hiểu và ghi nhớ rằng “xả” thứ gì sẽ “đắc” được thứ ấy, “lấy xả là cái gốc của đắc được” thì tác dụng mà nó mang lại là vô cùng kỳ diệu và to lớn. Người nào có thể xả bỏ phiền não, bi thương, vô minh, vọng tưởng thì tự nhiên sẽ có thể tiến lên một cảnh giới mới của nhân sinh.

An Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây