Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu

Thứ hai - 29/06/2020 16:54
“Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”.
Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu

Ai trong chúng ta cũng có một gia đình đã dung dưỡng mình nên hình nên tính. Bởi vậy trong trái tim mỗi người lúc nào cũng dành những tình cảm chân phương nhất cho những người thân yêu. Có thể là tình mẹ bao la, tình cha ấm áp hay tình yêu thương sâu nặng của ông bà mà chúng ta suốt đời không thể nào quên. 

Nhắc về bà có lẽ ai cũng có những người bà của riêng mình. Hình ảnh bà hiện lên với tấm lưng còng, tảo tần, chân quê, mò cua bắt ốc ngoài đồng ruộng. Hay một người bà đài các, thanh lịch trong tấm áo dài nhung – người vốn xuất thân từ vùng đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Chúng ta nhớ khuôn mặt phúc hậu, nụ cười hiền từ, cùng những câu chuyện cổ tích bà vẫn thường kể khi ta còn thơ bé. Cũng có khi... bà chỉ còn lại trong miền kí ức xa xưa, người mà ta chưa một lần gặp gỡ.

Rõ ràng, những người bà trong mỗi gia đình là khác nhau nhưng tình cảm của người cháu luôn chỉ có một, chúng nồng ấm và sâu nặng vô ngần. Giống nhau bởi trên cả cha mẹ, chúng ta mang ơn của bà về ơn nghĩa sinh thành, nhờ bà sinh ra cha mẹ nên chúng ta mới có được cuộc sống ngày hôm nay.

Suốt một đời các bà lúc nào cũng dành trọn tình yêu thương cho con cháu, luôn vun vén hạnh phúc cho gia đình. Ngày còn trẻ, khi đang ở độ tuổi xuân sắc nhất, các bà phải chịu cảnh gối chiếc, cô đơn lẻ bóng vì chồng ra chiến trận, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Gác lại hạnh phúc cá nhân, không một lời ca thán, những người phụ nữ mạnh mẽ ấy tiễn chồng ra tận xe lửa, vẫy tay chào cùng lời hẹn ước gặp lại nhau khi đất nước giải phóng. Nụ cười nở trên môi nhưng sao đầy chua xót, bởi miệng cười nhưng lệ đổ trong tim. Có ai chịu được cảnh chia ly, nhất là khi biết người thương của ta đang tới nơi mưa bom bão đạn, lành ít dữ nhiều.

Để rồi trái tim những người phụ nữ ấy như vỡ vụn khi nhận được giấy báo tử của người chồng họ vẫn luôn trông ngóng bóng hình. Nén lại nỗi đau thương mất mát, những người phụ nữ ấy lại mạnh mẽ đứng dậy để chăm lo cho đàn con thơ nay đã thiếu vắng đi hơi ấm của tình cha.

Những tưởng cuộc đời sau này sẽ tốt đẹp hơn khi con cháu giờ đã khôn lớn, trưởng thành nhưng nào có được vậy… Nhịp sống hối hả cùng vòng xoáy của lợi danh, tiền bạc đã khiến những người con, người cháu quên mất sự hiện diện của người mẹ, người bà vẫn đang tựa cửa ngóng chờ. Tôi nhớ mãi không quên đêm đông của 15 năm về trước, hình ảnh bà ngồi mãi trước hiên nhà để chờ anh tôi về. Bà nói lòng bất an, khi nào nhìn thấy anh tôi bà mới yên tâm ngủ được.

Để rồi anh tôi về trong hơi rượu nồng nặc, bà tôi lại thay quần áo, cởi giầy rồi vịn anh vào giường. Lúc ấy tôi còn nhỏ nên không giúp được bà, chỉ nghĩ anh thật đáng trách và bảo bà mắng cho anh tỉnh rượu. Nhưng bà tôi chỉ cười rồi nói: “Nói với người say làm gì cho vô ích, thôi về nhà an toàn là tốt rồi”.

Thế đấy, tình bà cháu lúc nào cũng nồng ấm, nhẹ nhàng như vậy. Các bà chẳng bao giờ bắt con cháu phải hầu hạ hay phục vụ gì cho mình. Chỉ cần còn tỉnh táo, minh mẫn thì các bà lúc nào cũng muốn tự làm mọi việc, không muốn phiền hà đến ai.

Nhưng cuộc đời vốn dĩ chẳng bao giờ công bằng… Khi đã ở cái tuổi đứng bóng xế chiều, vì lý do bận công việc mà nhiều gia đình quyết định gửi người bà, người mẹ của mình vào viện dưỡng lão. Chúng ta, những người con, người cháu thời hiện đại sẽ chẳng bao giờ biết được bà đã cô đơn, tủi thân thế nào khi bị con cháu “bỏ rơi”. Trong suy nghĩ của chúng ta, chỉ cần chọn được viện nào tân tiến nhất rồi đóng tiền đầy đủ là đã giúp bà yên phận tuổi già và như vậy đã làm tròn được hiếu đạo.

Nhưng hiếu đạo nào có phải báo đáp bằng tiền bạc mà được? Điều các bà cần nhỏ nhoi lắm, đó là những ân cần, quan tâm chăm sóc của con cháu. Hay đôi khi chỉ là những lời hỏi thăm ngắn ngủi. Chỉ vậy thôi là các bà đã hạnh phúc lắm rồi. Tôi tình cờ đọc được dòng chia sẻ của một cô bạn 9x đang thực tập điều dưỡng tại một viện dưỡng lão ở Hà Nội. Và thực sự những tâm sự của bạn đã giúp tôi cảm nhận rõ hơn nỗi lòng của ông bà mình: “Hầu hết các cụ ở đây là gia đình có điều kiện, thời tuổi trẻ cũng là “ông nọ bà kia”, ông thì chủ tịch thành phố X, bà thì trưởng phòng kế toán, giảng viên trường đại học nọ kia. Thế mà cuối cùng lại về đây, như một đứa trẻ, hờn dỗi khóc lóc nhìn thương lắm!”

Những ngày tháng thực tập tại viện dưỡng lão, cô bạn ấy đã hiểu hơn nhiều về “thế giới” của người già: “Trước đây, khi chưa làm nghề, đôi lúc mình cũng cảm thấy người già khá là phiền phức. Ờ nhà mình cũng có bà ngoại đã lớn tuổi, bị lẫn rồi, đôi khi mình cũng không “nhường nhịn” bà lắm. Nhưng khi làm nghề rồi, tự tay chăm sóc những người già như bà, mình không còn cảm giác như cũ nữa. Trái lại, mình thấy thương bà nhiều hơn”.

Trước đây, tôi cũng là một người cháu rất vô tâm. Ngày ấy, cụ tôi bị ngã gãy chân, bà tôi phải đón lên Hà Nội để tiện chăm sóc. Tôi được giao lúc nào cũng phải ở cạnh để cụ có người nói chuyện cho đỡ buồn. Nhưng tôi không thích ở bên cụ vì cụ chỉ toàn kể chuyện quá khứ, kể những ngày chiến tranh, gia đình bao cấp khó khăn mà tôi khi ấy – một đứa nhóc cấp 2 không hứng thú chút nào. Với tôi, việc ở bên cạnh cụ chỉ là một việc làm bắt ép chứ thật tâm tôi thấy nó vô cùng nhàm chán. Lúc nào tôi cũng nghĩ người già thật tẻ nhạt, đã lẩn thẩn lại còn không sạch sẽ.

Mãi sau này, khi đã trưởng thành và từng trải hơn trong cuộc sống, tôi mới nhớ lại những kỷ niệm với cụ và nhận ra cụ yêu tôi nhiều đến nhường nào. Tôi vẫn nhớ hồi ấy dù đã 94 tuổi, đôi mắt đã đục màu thời gian, tai cũng lãng dần, không còn nghe rõ nhưng chỉ cần sờ tay hay nhìn thoáng bóng người, cụ có thể nhận ra tôi đang đứng cạnh. Cụ không cho ai vấn tóc cho cụ ngoại trừ tôi. Cụ bảo chả ai vấn khéo được như tôi và nằng nặc chờ tôi đi học về để vấn tóc cho.

Được bà con ở quê lên thăm biếu vài đồng, cụ lại giấu vào vạt áo, cất kỹ. Chờ đến khi tôi ở cạnh để vấn tóc hay nói chuyện là cụ nhanh tay lấy tiền ra nhét vào tay tôi. Cụ bảo: “Cất đi không mẹ mày biết lại mắng cho, cầm lấy tiền mà mua quà. Cụ mới được biếu đấy, nhiều lắm!”. Hóa ra, mấy lần trước cho tiền, cụ nghe thấy tiếng mẹ mắng tôi vì lấy tiền của cụ, nên từ lần sau cụ không đưa trước mắt mẹ tôi nữa mà chỉ chờ lúc nào có mình tôi mới cho. Người cụ trước giờ tôi vẫn luôn nghĩ thật lẩn thẩn hóa ra lại vô cùng tinh tế và sâu sắc đến vậy.

Đúng là những thứ quan trọng chỉ khi mất đi chúng ta mới biết nó đáng giá nhường nào. Khi cụ đã đi xa, tôi mới thấy nhớ nụ cười móm mém, nhớ cái nắm tay ấm áp cụ vẫn dành cho tôi, nhớ những câu Kiều cụ vẫn thường ngâm dạy về đạo làm người. Thế mới biết, nếu không mở rộng trái tim thì chúng ta sẽ chỉ thấy cuộc sống quanh mình ngột ngạt và vô vị. Chỉ khi biết sẻ chia cảm xúc với mọi người thì ta mới cảm nhận được tình yêu thương.

Nhờ ở bên cụ, bên bà những năm tháng cuối đời, tôi đã hiểu thêm nhiều điều về “thế giới” người già. Giống như cô bạn điều dưỡng kia, tôi đã biết thương yêu và đồng cảm với các cụ, các bà nhiều hơn. Tôi hiểu được rằng ai trong chúng ta rồi cũng phải già đi, quy luật thời gian vốn như vậy. Chẳng ai có thể trẻ mãi được, dù có uống thuốc trường sinh bất lão đi chăng nữa thì cũng không thể ngăn được dấu vết của thời gian in hằn lên cơ thể. Là một người con, người cháu, điều chúng ta cần làm là ở bên sẻ chia tâm tư, nỗi lòng với các cụ, các bà những tháng năm xế chiều.

Bởi chúng ta rồi cũng sẽ già, những điều chúng ta làm với người thân của chúng ta hôm nay sẽ chính là điều chúng ta sẽ nhận lại sau này. Nhân quả thường chẳng bao giờ sai. Thế nên, các bạn ạ, dù bận bịu thế nào cũng nên dành thời gian quan tâm tới ông bà mình. Dẫu ông bà có bị đãng trí, mất trí nhớ, nói linh tinh hay ốm liệt giường… thì mỗi ngày cũng nên dành 30 phút để hỏi han, xoa bóp tay chân cho ông bà. Ông bà chúng ta càng vui vẻ bao nhiêu thì càng sống khỏe bấy nhiêu.

Như cô bạn điều dưỡng kia đã chia sẻ: “Bọn mình khi làm việc ở viện dưỡng lão cũng phải lựa theo câu chuyện của các cụ mà đóng giả làm con cháu, dỗ ăn uống, luyện tập. Tất nhiên là đồ “giả” thì sao bằng đồ “thật” được. Mỗi lần người thân vào thăm, các cụ ăn được nhiều hơn, tinh thần phấn chấn hơn hẳn. Thế nên, ai đang có người già trong nhà, hãy trân trọng và yêu quý họ, chăm sóc họ bằng cả tình yêu của mình. Chúng tôi, những điều dưỡng viên xa lạ, không máu mủ ruột già với các cụ còn có thể cơ mà!”.

Tôi vẫn nhớ mãi câu trả lời của bà tôi khi tôi hỏi sau này bà mong ước điều gì nhất? Bà nói: “Chỉ mong trước khi chết đầu óc vẫn tỉnh táo, minh mẫn. Đừng lẩn thẩn để không làm khổ con cháu”. Mong ước của bà tôi phải chăng cũng là nỗi lòng chung của các bà, các ông khi về già chăng? Cả cuộc đời đã vất vả hi sinh cho gia đình, nhịn ăn nhịn mặc chỉ mong con cháu được đủ đầy. Ai cũng nghĩ mong ước cuối cùng ông bà sẽ nghĩ tới mình... Nhưng xúc động thay khi ông bà lúc nào cũng hướng tới con cháu với một trái tim trọn tình thương yêu.

Cảm ơn ông bà đã có mặt trong cuộc đời này để chúng cháu có được những năm tháng tuổi thơ bình yên và hạnh phúc nhất. Ông bà dẫu đã trở về với cát bụi nhưng với chúng cháu, ông bà chính là những hạt bụi vàng. Tuy bé nhỏ nhưng không dễ chìm vào biển cát mênh mông của giông tố và sự đổi thay của thời đại. Giữa những thăng trầm của cuộc đời, những kỉ niệm bên ông bà sẽ luôn là dòng nước mát thơm dịu rưới lên mảnh đất tâm hồn đang dần khô cằn đi của chúng cháu.

Nhớ về người với tất cả thương yêu!

Xin nói thay nỗi lòng của những người cháu vô tâm, cháu xin tạ lỗi vì những sai lầm trong quá khứ và gửi lời tri ân chân thành, sâu sắc nhất tới những người ông, người bà vĩ đại trên cuộc đời này.

“Người ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về. Gia đình – đó là nơi bình yên và an toàn nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta. Cho dù mọi thứ có quay lưng lại với ta thì có một thứ mãi mãi không hề thay đổi, vẫn lặng thầm đi bên ta, vẫn dang tay đón ta trở về. Gia đình - chính là nơi ta tìm về khi mệt nhoài trên con đường đời đầy rẫy chông gai”...

Nguồn tin: Phatgiao.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây