May rủi trong cuộc đời do nghiệp quả mà ra

Thứ bảy - 18/05/2019 07:06
Theo Phật giáo, những may rủi trong cuộc sống mà chúng ta gặp phải 1 phần là do nghiệp quả mà ra.
May rủi trong cuộc đời do nghiệp quả mà ra
Rủi may do nghiệp quả
Nếu như các nhà Nho giáo cho rằng mỗi người đều có một số mệnh do quá khứ an bài và xếp đặt, mọi cố gắng đều vô ích, thì dưới lăng kính Phật giáo, sự rủi may của số phận không phải do thiên mệnh hay định mệnh mà thân phận mỗi con người là kết quả do quá trình của chúng ta hành động từ một đến nhiều đời.
 
Kết quả này thường được gọi là nghiệp và nghiệp do con người tạo ra trong quá khứ và từng phút từng giây trong hiện tại qua ba con đường: hành động (thân nghiệp), ngôn ngữ (khẩu nghiệp) và tư duy (ý nghiệp) rồi trở lại chi phối chính người ấy.
 
Trong kinh Majjhima Nikàya (Trung Bộ), Đức Phật dạy rằng: "Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là thai tạng mà từ đó con người được sinh ra; nghiệp là quyến thuộc, là nơi nương tựa” . Như thế, sự hiện hữu của mỗi con người trên thế gian này là sự hiện hữu của nghiệp thiện và bất thiện của họ từ (vô lượng) kiếp quá khứ.
 
Thật vậy, nghiệp tức là chủ động tạo điều kiện để tái sinh trong kiếp hiện tại và cho những kiếp tương lai. Vì thế tất cả mọi khổ vui, thành công, thất bại, tướng diện đẹp xấu, thông minh hay khờ dại…của con người trong kiếp sống này là sự thọ lãnh những quả nghiệp do chính họ tự tạo tác từ những đời quá khứ, chớ không do bất cứ sự thưởng, phạt nào của bất cứ ai.
 
Nhân duyên chuyển nghiệp
Theo quan điểm của Đức Phật, con người và thế giới được hình thành từ vô số điều kiện, nhân duyên, không do một đấng tối cao hay một thần linh nào tạo ra cả. Cũng không có số mệnh, định mệnh buộc con người phải phục tùng, khiếp sợ.
 
Lịch sử nhân loại luôn thay đổi, thế giới luôn thay đổi theo định luật vô thường, con người có thể chuyển biến từ xấu thành tốt, từ phàm phu thành thánh hiền, thì làm gì có số mệnh định sẵn. Nếu con người không nỗ lực học tập, nghiên cứu, trau giồi, rèn luyện, tu dưỡng thì không thể tiến bộ, không trở thành gì cả, làm sao có thể ngồi chờ số mệnh an bài? Thái độ sống thụ động, thả trôi thả nổi cuộc đời là thái độ tiêu cực có hại cho bản thân và xã hội.
 
Nói cách khác, nghiệp xấu hay nghiệp tốt đều do quá trình của con người hành động từ một đến nhiều đời. Vậy thì khi đã ngộ ra, con người có tự chuyển được nghiệp của mình hay không?
 
Phật giáo cho rằng, chỉ khi nào thật sự thấu hiểu tường tận về giáo lý nghiệp thì lúc đó nghiệp sẽ không còn chi phối cuộc sống của chúng ta. Vì ta là chủ nhân của nghiệp thì ta có thể sai khiến nghiệp của mình chứ không phải là nô lệ để nghiệp sai khiến.
 
Ở góc độ khoa học tâm lý, các nhà nghiên cứu Phương Tây kết luận: "Tất cả mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó, niềm tin vào số phận có thể giúp giảm bớt gánh nặng tâm lý của mọi người khi phải đưa ra quyết định khó khăn". Vì thế đừng bao giờ tin và chấp nhận vào số phận đã an bài, phải biết tìm kiếm khát khao những ước mơ để vươn tới bởi chỉ có mình mới xoay chuyển được số phận của mình.
 
4 nguyên tắc để cuộc sống của bạn may mắn hơn
1. Nếu bạn có linh tính về một điều gì đó, hãy chú ý ghi nhận và làm theo sự chỉ bảo của nó.
 
2. Đừng nghĩ rằng mọi thứ do số phận xếp đặt, thay vào đó hãy tập quan sát và thường xuyên quan sát để nắm lấy cơ hội.
 
3. Hằng ngày hãy bắt óc nghĩ ngợi vài lần về những điều tốt đẹp mà ta đang chờ đón.
 
4. Luôn tạo cho mình cảm giác sẽ gặp may trong cuộc sống, kể từ việc nghe một cú điện thoại cho tới việc đi công tác xa.
 
Sau khi đúc kết bốn nguyên tắc làm tiền đề cho sự may mắn và thiết kế một số bài luyện tập theo từng nguyên tắc, Richard Wiseman mời một số người vốn thường gặp rủi vận dụng. Một tháng sau, có tới 80% người tình nguyện vận dụng trả lời rằng họ cảm thấy hạnh phúc hơn, yêu đời hơn có lẽ là vì... ít bị xui hơn! Đặc biệt, có tới 25% thấy may mắn hẳn.
 
Nếu là người không được may mắn cho lắm, bạn hãy thử làm theo bốn nguyên tắc của Richard Wiseman xem sao. Biết đâu, bạn sẽ ít bị rủi ro hơn và thường xuyên gặp may!
Theo Vân Anh/Khỏe Đẹp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây