“Nhường bước” là trí tuệ, càng là tu dưỡng

Thứ hai - 19/08/2019 13:29
Trong đối nhân xử thế, biết nhường bước chính là một loại cảnh giới, là thể hiện của sự trưởng thành, của tu dưỡng và lòng bao dung.
“Nhường bước” là trí tuệ, càng là tu dưỡng

Trong “Chiến Quốc Sách” có một câu chuyện ngụ ngôn tên là “Trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi”. Kể rằng, có một con trai và một con cò cứ cắn chặt lấy đối phương không chịu nhả, cả hai không con nào chịu nhường con nào, cầm cự như vậy trong suốt một thời gian, cuối cùng ngư ông đi ngang qua, đã tóm gọn cả hai.

Cổ ngữ nói: “Nhẫn một lúc sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Trong cuộc sống, rất nhiều người bởi vì không chịu nhường một bước mà đẩy bản thân và đối phương vào tình thế bế tắc, cuối cùng khiến cho cả hai đều bị thương tổn. Vậy nên, biết nhượng bộ là một phần trí tuệ trong xử thế, cũng là một phần tu dưỡng trong đối nhân, làm người.

Người càng có tu dưỡng thì càng biết nhường bước

Xưa nay, người khiêm cung nhún nhường thường luôn được mọi người tôn kính.

Học trò của Khổng Tử là Tử Hạ đã nói về thầy của mình rằng: “Vọng chi nghiễm nhiên, tức chi dã ôn”, ngụ ý là thoạt đầu nhìn từ xa cảm thấy thầy rất trang trọng uy nghiêm, nhưng khi đến gần, khi tiếp xúc lại cảm thấy thầy vô cùng ôn hòa, gần gũi.

Người có mức độ tu dưỡng cao thường ôn hòa khoan dung, không tranh không giành với ai. Bởi vì trong tâm họ có tự tin và bao dung to lớn, nên không cần phải đòi hỏi quá nhiều từ bên ngoài để phô trương bản thân mình. Trái lại, người có mức độ tu dưỡng thấp thường hay tranh cường háo thắng. Bởi vì lòng dạ hẹp hòi nên chuyện gì họ cũng muốn tranh hơn, khoe khoang bản thân, thậm chí có thể không tiếc mọi giá phải trả, không màng đến hậu quả để được hơn.

Trong sách “Thái Căn Đàm” có viết: Đi đường nếu gặp phải đoạn đường chật hẹp thì nhường một bước để người ta đi qua, khi có món gì ngon hãy biết ăn giảm ba phần để mọi người cùng thưởng thức.

Người càng có hàm dưỡng thì càng biết nhường bước. Lùi một bước, nhìn qua thì thấy như bản thân đang chịu thiệt thòi, nhưng thực ra là đã thắng được lòng người. Nhường bước là một loại tu dưỡng, cũng là một lối sống đẹp có thể mang đến niềm vui cho bản thân.

Trong cuộc sống, người có thể giữ trong mình sự tôn trọng người khác và biết khiêm nhượng thì đó không phải người yếu nhược mà đó là người có tu dưỡng và có đạo đức tốt đẹp.

Người biết nhường bước mới có thể tiến bước

Cổ ngữ nói: Trong đối nhân xử thế, nhường một bước là cao, lùi một bước là nền tảng để tiến bước. Nhường một bước cho người là hành động sáng suốt.

Điển cố “Chịu đòn nhận tội” là một minh chứng sống động cho điều đó. Chuyện kể lại rằng, Lận Tương Như bởi vì có công đem ngọc trả lại vua Triệu mà được phong làm Thượng Khanh. Địa vị của Lận Tương Như đột nhiên cao hơn của Liêm Pha (một vị tướng giỏi của nhà Triệu).

Liêm Pha không phục liền tuyên bố rằng, chỉ cần gặp mặt Tương Như sẽ làm nhục ông. Sau khi Lận Tương Như biết được, ông đã cố gắng né tránh để không phát sinh xung đột với Liêm Pha. Mỗi lần đến lúc vào triều, Lận Tương Như thường cáo ốm vì không muốn tranh giành chức vị với Liêm Pha.

Không lâu sau, lúc Tương Như ở thành Hàm Đan, khi đoàn xe của ông từ xa nhìn thấy đoàn xe của Liêm Pha, ông đã ra lệnh cho đoàn xe của mình rẽ vào một con hẻm để cho đoàn xe của Liêm Pha đi trước, tránh hai bên xảy ra xung đột.

Môn khách của Lận Tương Như thấy ông xử sự như vậy, liền cho rằng ông sợ nên đã nói: “Chúng tôi rời bỏ người thân gia đình đến hầu hạ ngài là vì ngưỡng mộ tiết nghĩa cao thượng của ngài. Bây giờ chức vị của ngài cũng tương đương với của Liêm Pha tướng quân. Tướng quân Liêm Pha mở miệng ra là nói lời ác, vậy mà ngài lại trốn tránh ông ta. Ngài quá sợ ông ta. Dù là người thường gặp phải cũng cảm thấy bị sỉ nhục, huống hồ là quan cao như ngài! Chúng tôi, những người không có tiền đồ, xin ngài cho chúng tôi được cáo từ!”.

Lận Tương Như kiên quyết giữ họ lại và nói: “Các vị thử nghĩ xem, Liêm tướng quân và Tần Vương ai lợi hại hơn?”

Mọi người trả lời: “Liêm Tướng Quân không bằng được Tần Vương.”

Lận Tương Như lại nói: “Với uy thế của Tần Vương, mà ta còn dám nói lý, quát mắng ông ta ngay trước triều thần nước Tần. Ta, Lận Tương Như mặc dù tài hèn, nhưng lẽ nào lại sợ Liêm Pha? Điều ta nghĩ đến là nước Tần lớn mạnh sở dĩ không dám xâm lược nước Triệu chúng ta, là bởi vì nước Triệu có ta và Liêm tướng quân! Hiện giờ nếu hai hổ đấu nhau, tất không thể cùng sinh tồn. Cho nên, ta nhẫn nhịn Liêm tướng quân như vậy là vì luôn đặt sự an nguy quốc gia làm đầu mà để chuyện cá nhân ở phía sau!”

Khi những lời này của Lận Tương Như được truyền đến tai Liêm Pha tướng quân, bấy giờ Liêm Pha tướng quân mới bình tâm suy nghĩ cảm thấy mình vì tranh giành địa vị cá nhân mà không nghĩ đến quốc gia đại sự, thật là không phải. Thế là, Liêm tướng quân liền cởi áo bào, mang theo một cành mật gai đến gặp Lận Tương Như để chịu tội. Lận Tương Như thấy Liêm Tướng quân đến xin chịu tội, vội vàng đi ra nghênh đón. Từ đó, hai người trở thành bạn tốt và đồng tâm hiệp lực bảo vệ nước Triệu.

Trong cuộc sống, những lúc gặp phải mâu thuẫn, rơi vào tranh chấp với người, nếu ta biết nhường bước đúng lúc thì ấy là một loại trí tuệ và khí chất của người quân tử. Nhờ biết nhường bước mà có thể giảm thiểu được rất nhiều tranh cãi không cần thiết, có được một tâm cảnh thuần tịnh sáng trong. Đồng thời qua đó thể hiện ra tấm lòng, phong thái và hàm dưỡng tốt đẹp mà có được sự tôn trọng và tín nhiệm từ người khác.

Cổ ngữ nói: “Kẻ thích tranh chấp, trời đất cũng sẽ ganh đua với họ. Còn những người khiêm nhường, trời đất cũng sẽ mở đường cho họ”. Bởi vậy, làm người, biết lùi một bước không phải là tụt hậu, mà là biết lấy lùi làm tiến, dù họ không tranh nhưng thật ra họ đã giành được phần thắng rồi.

Theo Trithucvn.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây