Cảm động câu chuyện sư cô mới 31 tuổi đã nuôi nấng 6 `đứa con` bị bỏ rơi

Thứ năm - 12/07/2018 02:59
Sư cô Thích Đàm Thảo vừa phụng sự Tam Bảo, vừa một tay cấy lúa, trồng rau trong khuôn viên chùa để lấy tiền trang trải cho cuộc sống của các con.
Ảnh: Mai Hương - Dù rất yêu thương các bé nhưng trụ trì chùa Thái Ân vẫn mong muốn một ngày nào đó các cháu được trở về với bố mẹ đẻ của mình.
Ảnh: Mai Hương - Dù rất yêu thương các bé nhưng trụ trì chùa Thái Ân vẫn mong muốn một ngày nào đó các cháu được trở về với bố mẹ đẻ của mình.

“Con là sinh viên năm nhất, xin thầy giùm con…”

Một buổi sáng cuối tháng 8/2016, sư trụ trì chùa Thái Ân (thôn Bùi Xá, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) ra mở cổng chùa đã phát hiện một bé sơ sinh chưa cắt dây rốn bị bỏ lại bên đường. Sau khi tắm rửa cho đứa trẻ và báo cáo lên chính quyền địa phương, trụ trì chùa được chấp thuận chăm dưỡng mảnh đời thiếu may mắn này. Bé gái được đặt tên Tâm An, em của các bé Thanh Tâm, Tâm Đức, Tâm Phúc, Tịnh Tâm và Tuệ Tâm được chùa nhận nuôi trước đó.

Năm 2006, khi về làm trụ trì chùa Thái Ân, sư cô Thích Đàm Thảo mới 21 tuổi. Sư cô tiếp nhận ngôi chùa tuy là di tích cấp thành phố, nhưng đã xuống cấp nhiều và rất nghèo. Các bức tường của chùa rạn nứt, sư cô lo sợ ngôi chùa có thể đổ sập bất kỳ lúc nào. Và đúng như nỗi lo ấy, không lâu sau đó, một bức tường của gian Tam bảo bỗng dưng đổ sập. Tuy ngôi chùa vẫn trụ được, nhưng mái ngói xô lệch, nước mưa hắt dột tứ tung. Sau nhiều năm, sư cô Thích Đàm Thảo cùng sự hỗ trợ của dân làng mới góp đủ tiền dựng tạm một mái tôn lợp trùm lên mái ngói của chùa để tượng Phật được tránh mưa tránh nắng.

Đến năm 2009, trong lúc đang nhang khói ở chùa, sư cô Thích Đàm Thảo nghe đằng xa tiếng trẻ con khóc ngặt. Trước cổng chùa là một đứa trẻ sơ sinh còn nguyên cuống rốn, người mẹ bỏ lại đứa con cùng mảnh giấy phó thác đứa con vừa sinh ra nơi cửa chùa vì không thể nuôi nấng. Ở tuổi đời còn trẻ, gặp phải cảnh này sư cô hoang mang đến tột cùng, lo sợ một mình làm sao nuôi nổi đứa trẻ còn đỏ hỏn.

Vội gạt đi nỗi lo lắng, sư cô chỉ nghĩ đơn giản “thôi người ta bỏ thì nhà chùa sẽ dang tay đón nhận”. Một mình không thể chăm bẵm một đứa trẻ sơ sinh, sư cô đành tặc lưỡi cầu cứu sự giúp đỡ của gia đình ở quê. Những ngày ấy, người dân thôn Bùi Xá không thể nào quên được hình ảnh vị sư cô trẻ vụng về bế đứa trẻ còn đỏ hỏn chạy khắp cùng làng cuối xóm xin từng giọt sữa. Lúc rảnh rỗi, sư cô lại tranh thủ trồng thêm luống rau hành mang ra chợ bán để lấy tiền chăm nuôi đứa trẻ.

Đến năm 2011, sư cô Thích Đàm Thảo lại phát hiện một đứa trẻ sơ sinh được đặt vội trong thùng xốp bên cạnh là bình sữa còn bú dở. Sư cô xem như cái duyên với những mảnh đời thiếu may mắn nên không ngại ngần đưa về nuôi. “Có những đêm cháu vì nhớ bố mẹ, trong mơ cháu vẫn thường kêu lên “Mẹ ơi, mẹ đâu rồi!” khiến tôi không cầm được nước mắt…”, sư cô Thích Đàm Thảo tâm sự.

Bình thường nuôi nấng một đứa trẻ đã khó khăn vất vả, vừa phải chăm lo bỉm sửa rồi khi trẻ ốm đau. Ấy vậy mà đến nay, ngôi chùa Thái Ân đã chăm dưỡng 8 đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi, trong số đó 2 cháu bé đã được người thân đến xin đưa về. Đứa trẻ bị bỏ rơi mà sư cô Thích Đàm Thảo nhớ nhất là bé Tâm Phúc. Khi bị mẹ để ở cổng chùa, cháu chỉ nặng 1,6kg, toàn thân tím tái, sức khỏe rất yếu. Bên cạnh cháu bé là tờ giấy viết vội vàng: “Thầy ơi! Con sinh viên năm thứ nhất, vì điều kiện con không có khả năng nuôi con. Xin thầy giùm con. Cháu sinh ngày 9/6 Âm lịch”. Suốt 2 năm đầu, cháu thường xuyên phải nhập viện điều trị khiến sự khó khăn về kinh tế của sư cô thêm đè nặng. Trải qua nhiều gian truân vất vả, cậu bé Tâm Phúc ngày nào giờ đã lên 5 tuổi, rất ngoan và biết làm những công việc nhỏ trong chùa.

Hôm chúng tôi đến thăm, vì vào dịp nghỉ hè nên chỉ có 4 bé Tâm Đức, Tâm Phúc, Tịnh Tâm, Tuệ Tâm đang ở chùa. Hai bé còn lại là Thanh Tâm và Tâm An đang được cho về quê sư cô Thích Đàm Thảo chơi. Phía xa xa, sư cô trẻ tuổi đang nhễ nhại mồ hôi giặt quần áo cho trẻ nhỏ khiến bất cứ ai cũng lầm tưởng rằng đó là người mẹ đang chăm sóc con. Dù mỗi cháu bé là một phận đời bất hạnh khác nhau nhưng đều được cưu mang nơi cửa chùa. Các cháu được đặt tên có chữ “Tâm” với mong muốn rằng khi khôn lớn, trưởng thành các cháu sẽ bình an và luôn giữ tâm mình hướng thiện, trong sáng.

Vừa học làm bố, vừa học làm mẹ


Có thời điểm một mình thầy Thảo chăm nuôi 2 trẻ sơ sinh và 4 cháu nhỏ.

Chùa Thái Ân nằm ở vị trí hẻo lánh lại ít người biết đến, nguồn kinh phí của chùa chủ yếu chỉ trông cậy vào 8 sào ruộng được xã cấp. Hàng ngày, sư cô Thích Đàm Thảo vừa phụng sự Tam Bảo, vừa một tay cấy lúa, trồng rau trong khuôn viên chùa bán lấy tiền trang trải nuôi nấng các cháu.

Chùa Thái Ân chỉ có duy nhất một mình sư cô Thích Đàm Thảo chăm lo, quản lý. Từ ngày ngôi chùa có thêm nhiều trẻ nhỏ, một số phật tử và các nhà hảo tâm đã thường xuyên đến thăm nom, giúp đỡ. Ngôi nhà ở tềnh toàng trước kia cũng được thay thế bằng khu nhà ở khang trang sạch sẽ hơn.

Sư cô Thích Đàm Thảo chia sẻ, nuôi dạy nhiều cháu cùng một lúc, đặc biệt sư cô lại là người tu hành cách xa với cuộc sống bên ngoài nên rất bỡ ngỡ. Những ngày đầu, sư cô còn không biết ẵm bế trẻ ra sao, nên thầy phải mua thêm sách về nuôi dạy trẻ để học và tham khảo tìm cách áp dụng sao cho phù hợp. Sư cô đặc biệt quan tâm đến việc dạy các cháu cách tự lập và tự tin trước cuộc sống.

Dù rất yêu thương các con nhưng sư cô Thích Đàm Thảo luôn tạo những khuôn phép nhất định như: Ngay từ khi còn nhỏ các con ở chùa đã phải làm việc, tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy sức như quét sân chùa, rửa bát…; đi đứng phải trang nghiêm; phải ngoan ngoãn vâng lời, nói gì cũng phải có chữ “ạ” đằng sau... “Nuôi con ăn để lớn thì không khó, nhưng nuôi dạy để thành người thì lại rất khó. Bởi vậy mà ngay từ nhỏ, tôi đã dạy cho trẻ hiểu về sự nhân ái, nhường nhịn, yêu thương nhau”, Trụ trì chùa Thái Ân vừa nói, vừa ví von cho chúng tôi hiểu sự vất vả của một người vừa phải học làm bố, vừa phải học làm mẹ để nuôi dạy trẻ.

Bà Nguyễn Thị Thỏa – Trưởng thôn Bùi Xá, xã Tam Hưng chia sẻ: “Chùa Thái Ân không được nổi tiếng như các chùa khác lại nằm ở cánh đồng cuối thôn nên cũng ít người thăm viếng. Dù là Di tích cấp thành phố nhưng chùa đã xuống cấp trầm trọng và đang trong quá trình tu bổ, sửa sang lại từng hạng mục. Kể từ ngày các cháu bị bỏ rơi ở chùa được sư cô Thích Đàm Thảo nuôi nấng, chính quyền địa phương cũng thường xuyên chia sẻ, tạo điều kiện cho các cháu được làm giấy khai sinh để đi học và hưởng các quyền lợi như bao đứa trẻ khác”.

Theo Gia đình & Xã hội
 Từ khóa: phụng sự, trang trải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây